Thuyết minh di tích cố đô Hoa Lư Ninh Bình

thuyet-minh-di-tich-co-do-hoa-lu

Thuyết minh di tích cố đô Hoa Lư Ninh Bình.

  • Mở bài:

Ninh Bình là một vùng đất cổ nằm ở vị trí cửa ngõ cực nam của tam giác châu thổ sông Hồng và miền Bắc. Vùng đất này còn nhiều dấu tích liên quan trực tiếp đến các nền minh cổ ở Việt Nam như văn hóa Tràng An, văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đa Bút, văn hóa Đông Sơn. Những đặc điểm về lịch sử, văn hóa, tự nhiên và con người đã tạo cho vùng đất Ninh Bình một hệ thống các di tích phong phú và đa dạng. Một trong những di tích nổi bậc nhất là danh thắng Tràng Ancố đô Hoa Lư. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.

  • Thân bài:

Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam và là quê hương của vị Anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh.

Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều đại nhà Đinh và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc. Vua Đinh Tiên Hoàng đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư quê hương là kinh đô. Từ đó, kinh đô Hoa Lư trở thành trung tâm văn hoá Việt Nam, biểu trưng cho tinh thần bất khuất, tự lực, tự cường và truyền thống thống nhất quốc gia, một mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.

Kinh đô này tồn tại 42 năm (968 – 1010), gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô.

Cố đô Hoa Lư nay thuộc quần thể di tích Cố đô Hoa Lư là hệ thống các di tích về kinh đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Khu di tích hiện thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình, là một trong những di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam và cũng là một trong ba vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận.

Về kiến trúc, không gian Hoa Lư là không gian giao thoa giữa miền núi và miền đồng bằng, là vùng trung gian giữa lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Mã. Kinh thành Hoa Lư gồm 2 vòng thành nằm cạnh nhau và một vùng núi kề sát. 3 vòng tạo thành hình giống số 80 hướng về phía đông. Theo cách bố trí thời Đinh Lê các nhà nghiên cứu chia làm 3 vòng thành là thành Đông, thành Tây và thành Nam. Tuy nhiên do thành Nam chỉ là vùng căn cứ quân sự hiểm trở, phòng thủ mặt sau mà nó thường được dân gian gọi riêng là thành Tràng An, hai vòng thành kia là nơi đặt cung điện nên còn được gọi là thành Hoa Lư.

Kinh đô Hoa Lư được bao bọc bởi nhiều ngọn núi, các triều vua đã dựa theo địa hình tự nhiên cho đắp 10 đoạn tường thành nối các núi đá, dựng nên thành Hoa Lư thuộc xã Trường Yên với diện tích hơn 300 ha. Phía Nam thành Hoa Lư là thành Tràng An là khu vực phòng thủ hậu cứ của kinh đô. Thành Hoa Lư có rất nhiều cổng bộ để đi vào, bên cạnh đó còn có cổng thủy do sông Sào Khê chảy xuyên qua thành. Thành Hoa Lư có hai vòng sát nhau: vòng thành ngoài gọi là thành Đông, vòng thành trong gọi là thành Tây.

Thành Đông rộng khoảng 140 ha, nằm ở phía đông nên còn được gọi là thành ngoài hay thành ngoại, nay thuộc địa phận các làng cổ Yên Thành và làng cổ Yên Thượng, có 5 đoạn tường thành nối các dãy núi tạo nên vòng thành khép kín. Khu thành Ngoài là nơi làm việc hàng ngày của triều đình Hoa Lư. Đây là cung điện chính mà khu vực Đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành nằm ở trung tâm. Thành Đông hiện nay còn lại rất nhiều địa danh như chợ cầu Đông, cầu Dền, chùa Nhất Trụ, chùa Cổ Am, phủ Đông Vương, phủ Vườn Thiên, đình Yên Trạch, núi Mã Yên, núi Cột Cờ, sông Sào Khê (đoạn từ cầu Dền đến hang Luồn).v.v.

Thành Tây có diện tích tương đương và nằm phía tây thành Đông, thuộc địa phận làng cổ Chi Phong, cũng có 5 đoạn tường thành nối liền các dãy núi. Khu thành Tây là nơi ở của gia đình vua cùng một số người hoàng tộc và quan lại cao cấp của triều đình. Ngoài vua và số quan lại được quyền cư trú trên, ở thành ngoài và thành trong còn có các doanh trại của 3.000 quân cấm vệ bảo vệ vua và triều đình; dân chúng chỉ được cơ trú ngoài thành. Hiện nay ở thành Tây còn lại các di tích như chùa Kim Ngân xưa là nơi cất vàng bạc và ngân khố quốc gia, chùa Duyên Ninh là ngôi chùa cầu duyên, đền Bim, đền Vực Vông.v.v.

Việc qua lại giữa hai tòa thành rất thuận tiện. Cả hai thành đều lợi dụng được ưu thế sông Sào Khê chảy dọc thành, vừa là hào nước tự nhiên, vừa là đường thủy, phục vụ việc di chuyển ra vào thành. Một tổng thể kinh thành gồm hai tòa thành riêng biệt, rất thuận tiện cho việc bố trí từng khu triều đình, quan lại hay quân sĩ. Song việc qua lại giữa hai thành không vì vậy mà trở ngại. Thiên nhiên đã khéo bố trí một con đường kín đáo mà thuận tiện, đó là Quèn Vông, quãng tiếp giáp giữa núi Hang Sung và núi Quèn Dót. Ở mỗi tòa thành còn có một đoạn tường thành ngắn có thể chia làm hai phần, tăng thêm mức độ quanh co hiểm hóc cho công trình.

Thành Tràng An nằm ở phía nam kinh thành Hoa Lư nên còn được gọi là thành Nam, có diện tích lớn hơn hai thành kia nhiều, hiện thành này nằm giữa ranh giới 2 huyện Gia Viễn, Hoa Lư với thành phố Ninh Bình. Thành Tràng An với núi cao, hào sâu hiểm trở, bảo vệ mặt sau thành Hoa Lư, từ đây quân lính có thể nhanh chóng cơ động vào ra bằng đường thủy. Tràng An hiện có rất nhiều di tích mô tả cách bố trí phòng tuyến của kinh đô Hoa Lư.

Triều Đinh thành lập sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, khi mà những mô hình thành lũy kiểu Hán ngang bằng sổ ngay, phương hướng tề chỉnh, quy cách xây dựng trở thành công thức, đã mọc lên không ít ở nhiều nơi. Nhưng thành Hoa Lư độc đáo được xây dựng lại không theo một khuôn mẫu Trung Quốc của bất cứ thời nào. Là một căn cứ quân sự, Hoa Lư đã đạt tới đỉnh cao về mức độ kiên cố, hiểm trở của một công trình phòng thủ.

Cách xây dựng thành lợi dụng địa thế tự nhiên hiểm trở, kết hợp hài hòa với những tuyến thành nhân tạo, cách lợi dụng những tuyến đường thủy như sông Sào Khê  làm hào, cộng với kỹ thuật xây thành, xây cung điện có dùng đến cây họ cỏ; cây thân gỗ để chống lún, gia cố móng tường thành, công trình kiến trúc trong môi cảnh thung lũng Hoa Lư lầy lội thể hiện cách thích ứng, cách sử dụng những lợi thế đặc điểm địa hình tự nhiên của nhân loại ở một tầm cao mới trên cơ sở kế thừa truyền thống sử dụng vùng núi và thung lũng. Có thể coi Hoa Lư là một công trình kiến trúc quân sự hiếm có trong lịch sử Việt Nam và cả trong lịch sử các nước khác đương thời. Hoa Lư là một tòa nhà điển hình cho phương pháp xây dựng lợi dụng địa thế tự nhiên. Cũng bởi lẽ đó mà thành Hoa Lư có dáng hình độc đáo, có đầy đủ tính chất kiên cố, hiểm trở của một công trình quân sự, lại thêm tính kỳ vĩ, hữu tình của một thắng cảnh.

Trong Khu di tích cố đô Hoa Lư và vùng phụ cận còn có sự hiện diện hàng trăm ngôi đền, chùa, miếu, phủ…các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng hiện hữu trong các hang động, mái đá hay bên sườn núi, đều đồng điệu cùng thiên nhiên  và có kiến trúc mang tính kỹ thuật cao được xây dựng ở những thời điểm khác nhau. Trong số các di tích trên nổi bật là 2 ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành trên địa bàn của Kinh đô Hoa Lư xưa, với lối kiến trúc gỗ ở thế kỷ XVII mang đậm tính dân gian, trong đó có những đồ tế khí như sập long sàng bằng đá, nghê đá có tính mỹ thuật đạt đến trình độ cao ở thế kỷ XVII. Bên cạnh đó còn có đền thờ công chúa Phất Kim, thờ con gái vua Đinh, chùa Nhất Trụ nổi tiếng với cột đá khắc kinh phật ở thế kỷ 10.

Bên cạnh những di sản văn hóa vật thể ấy là những di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội Hoa Lư với tích cờ lau tập trận, lễ rước nước… hay tín ngưỡng thờ thần núi, tín ngưỡng thờ Mẫu cùng các tín ngưỡng tôn giáo khác gắn với các địa danh huyền thoại. Những di sản văn hóa phi vật thể ấy đã song song tồn tại hàng ngàn năm ở những làng quê – làng nghề bên những công trình di tích lịch sử, là phần hồn văn hóa dân tộc Việt.

Khu di tích Lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư và những di sản văn hóa khác ở vùng phụ cận có liên quan là kho tư liệu vô cùng quí giá của Việt Nam nói riêng, nhân loại nói chung. Kinh đô Hoa Lư đã có ý nghĩa lớn lao trong lịch sử của Việt Nam và nhân loại. Việc Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử cho Kinh đô xưa càng có ý nghĩa lớn lao hơn trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa.

Ngoài những điểm di tích kể trên, trong khu vực cố đô Hoa Lư hiện nay còn lưu giữ được 678 di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Hàng năm, cứ vào ngày 10 tháng 3 (Âm lịch), nhân dân địa phương lại mở hội để tưởng nhớ Đinh Tiên Hoàng và các bậc đế vương… Ngoài những nghi lễ thông thường, trong hội còn có nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cư dân sở tại và du khách thập phương.

  • Kết bài:

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư (huyện Hoa Lư, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) là Di tích quốc gia đặc biệt. Một lần đến khám phá vẻ đẹp Hoa Lư, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng với vẻ đẹp cổ kính, nên thơ của thành cổ, mới khâm phục sự tài tình của người xưa trong cách lựa chọn và xây dựng kinh đô cho đất nước.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.