Thuyết minh về Vườn quốc gia Cát Bà thành phố Hải Phòng

thuyet-minh-ve-vuon-quoc-gia-cat-ba-thanh-pho-hai-phong

Thuyết minh về Vườn quốc gia Cát Bà thành phố Hải Phòng

Vườn quốc gia Cát Bà là khu rừng đặc dụng của Việt Nam, khu dự trữ sinh quyển thế giới. Được thành lập năm 1986, khu vực vườn quốc gia Cát Bà nằm trên hòn đảo lớn nhất của quần đảo Cát Bà, phủ rộng trên địa phận hành chính của các xã sau: xã Gia Luận, xã Phù Long, xã Hiền Hào, xã Xuân Đám, xã Trân Châu, xã Việt Hải và thị trấn Cát Bà.

Vườn quốc gia Cát Bà với sự kết hợp của nhiều hệ sinh thái khác nhau: hệ sinh thái rừng xanh trên núi đá vôi, hệ sinh thái rừng ngập nước trên núi cao, hệ sinh thái rừng ngập mặn vùng duyên hải, hệ sinh thái vùng biển với các rạn san hô gần bờ, hệ thống hang động với đặc trưng riêng biệt là nơi cư trú của họ nhà Dơi và Hệ canh tác nằm giữa các thung lũng như ở Khe Sâu hoặc các khu dân cư. Trong đó, lớn nhất là hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi (khoảng 9800 ha) với thảm thực vật thuộc kiểu rừng nhiệt đới và các loại như rừng núi thấp và ven thung lũng, rừng trên núi đá dốc, rừng trên đỉnh núi cao, rừng ngập nước nội địa.

Do điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn… trong vùng đã hình thành nên một kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên quần đảo Cát Bà. Sự đa dạng của các kiểu rừng đã hình thành nên sự phong phú của khu hệ động, thực vật Cát Bà. Trong số 745 loài thực vật ở đây có tới 350 loài có khả năng sử dụng làm thuốc chữa bệnh Và nhiều loài nằm trong danh mục quý hiếm, cần bảo vệ. Hệ động vật đa dạng với 282 loài, bao gồm 20 loài thú, 69 loài chim, 20 loài bò sát, 11 loài ếch nhái. Động vật phù du có khoảng 98 loài, cá biển 196 loài, san hô 177 loài… Đặc biệt, đây là nơi cư trú duy nhất trên thế giới của loài voọc đầu trắng – một trong 5 loài linh trưởng của Việt Nam có tên trong 25 loài trên thế giới đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Cùng với rừng trên núi đá vôi, rừng ngập mặn là một tài nguyên quý giá tại đảo Cát Bà. Rừng ngập mặn phân bố chủ yếu tại phía Tây Bắc đảo, với bãi sú vẹt tự nhiên lớn nhất Hải Phòng. Các loài cây phổ biến nơi đây: đước xanh, vẹt dù,… Rừng ngập mặn là nơi cư trú tốt của các loài động vật thủy sinh như: cá, tôm, các loài nhuyễn thể động vật hai mảnh như: trai, ốc, vẹm,.. Đặc biệt, đây còn là nơi ở của các loài chim nước, chim di cư từ phía Bắc như: sâm cầm, cốc đế, cuốc, vịt trời,…

Với sự phong phú về sinh thái, sinh học; nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp từ rừng nguyên sinh rộng lớn, hang động huyền bí, cho đến vịnh biển xanh biếc và các hòn đảo đủ dạng hình thù độc đáo, điểm thêm những bãi tắm thơ mộng… Vườn quốc gia Cát Bà có rất nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái.

Để phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu, khám phá thiên nhiên hay vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước, hiện tại Vườn quốc gia Cát Bà đã và đang xây dựng nhiều tuyến, điểm và các loại hình du lịch hấp dẫn.

Du lịch rừng: với hành trình đi bộ, leo núi… để đến rừng Kim Giao xanh mướt, chinh phục đỉnh Ngự Lâm ngắm toàn cảnh Vườn quốc gia Cát Bà đẹp ngoạn mục, khám phá Ao Ếch độc đáo, thử thách mạo hiểm với đỉnh Mây Bầu và Khe Sâu, hay tìm hiểu tài nguyên động-thực vật với 20 điểm sinh thái của tuyến Giáo dục môi trường, tham quan rừng ngập mặn với các khu nuôi hải sản vùng bãi triều…

Rừng quốc gia Cát Bà còn có các hoạt động thú vị như: quan sát linh trưởng, xem chim, côn trùng, bò sát, xem thú ban đêm. Và các điểm chuyên đề như: vườn nuôi bướm, vườn sưu tập phong lan, vườn cây ăn quả, vườn cây thuốc…

Ngoài các kiểu thảm thực vật rừng, chiếm vai trò chủ đạo, còn có kiểu thảm cây nông nghiệp đất dân cư. Loại thảm này bao gồm: rừng trồng, cây nông nghiệp, cây ăn quả, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản và các khu dân cư.

Với đa dạng sinh học cao, vườn quốc gia Cát Bà và quần đảo Cát Bà đã được UNESCO chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004. Việc vườn quốc gia Cát Bà và quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển là một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, du lịch, thúc đẩy ngành nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản và nghiên cứu khoa học

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.