Thuyết minh về chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ

thuyet-minh-ve-cho-noi-o-mien-tay-nam-bo

Thuyết minh về chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ.

  • Mở bài:

Chợ là nơi tụ họp giữa người mua và người bán để trao đổi hàng hoá, thực phẩm hàng ngày theo từng buổi hoặc từng phiên nhất định (chợ phiên). Chợ nổi là loại hình họp chợ truyền thống của người dân vùng Tây Nam Bộ.

  • Thân bài:

Chợ nổi là hình thức nhóm họp mua bán trên sông của cư dân bằng các loại ghe, xuồng mà hàng hóa mua bán chủ lực là các loại hàng nông sản. Chợ có thể họp trong một thời gian nhất định, cả ngày hoặc duy trì dài lâu.

Trên thế giới, có nhiều nước cũng có chợ nổi như: Chợ nổi trên sông ở Tonle Sap ở Campuchia; Chợ nổi Taling Chan, Bang Phli, Damnoen Saduak, Amphawa,.. ở Thái Lan. Ở Việt Nam, những chợ nổi nổi tiếng như: chợ nổi Cái bè ở Tiêng Giang, chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, Chợ nổi ngã bảy Phụng Hiệp ở Hậu Giang,…

Nguồn gốc hình thành chợ nổi:

Cho đến nay, chưa có một nhà nghiên cứu nào có thể xác định được thời gian ra đời của chợ nổi cũng như không lý giải hết được cơ chế hình thành chợ nổi một cách chuẩn xác nhất. Một vài nghiên cứu cho rằng chợ nổimiền Tây Nam Bộ được hình thành đầu tiên ở vùng đất phía Bắc sông Hậu vào thế kỉ XVIII, sau đó chợ nổi phát triển ra khắp vùng cùng với quá trình khai thông, nạo vét, đào kênh mới, đồng thời gắn liền với quá trình lập làng, lập ấp, đẩy mạnh khai hoang, sản xuất, phát triển đô thị.

Chợ nổi ra đời xuất phát từ quy luật tất yếu của sự phát triển thương mại, đáp ứng nhu cầu phân phối, tiêu thụ hàng hóa của cư dân trong vùng khi điều kiện giao thông đường bộ còn hạn chế; đồng thời thể hiện tập quán đi lại, mua bán trên sông của cư dân vùng đất Nam Bộ. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt là đặc trưng thiên nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nơi hợp lưu của các nhánh sông đã tạo thành các ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã sáu, thậm chí là ngã bảy trên sông. Đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hình thành nên các chợ nổi trên sông nước đồng bằng. Thuở ban đầu, trên chợ nổi chỉ mua bán các mặt hàng nông sản, dần dần các mặt hàng thủ công truyền thống, hàng gia dụng thiết yếu, nhu yếu phẩm, thức ăn đồ uống, hoa kiểng, giống cây trồng theo thời gian cũng ra đời trên các chợ nổi.

Như vậy, sự phát triển của chợ nổi gắn liền với quá trình phát triển của nền sản xuất xã hội khi mà vai trò của nó không chỉ dừng lại ở việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm của ngành nông nghiệp mà còn đối với sản phẩm của ngành tiểu thủ công nghiệp và ngành công nghiệp. Càng ngày, chợ nổi càng thể hiện chức năng phân phối, tiêu thụ đa ngành hàng và hoạt động mua bán trở nên chuyên nghiệp hơn khi mà nhiều thương lái biết sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong việc tìm hiểu thị trường mua bán thông qua bạn hàng và người dân địa phương

Đặc trưng của chợ nổi.

Các chợ nổi này hoạt động tự phát từ xưa đến nay, không có sự quản lý hành chính, thu thuế nào một cách chặt chẽ. Chợ nổi tự phát là do những người buôn bán trên sông đã lâu, cùng với những người nông dân làm vườn địa phương và một số người buôn bán nhỏ lẻ ở địa phương hình thành nên.

Chợ là nơi mua bán thật sự của cư dân địa phương, là nơi người dân địa phương trao đổi sản vật, nông sản, thực phẩm, v.v. Các cửa hàng hay các ghe thuyền thường không có bảng hiệu, chợ bán sản vật gì người ta treo sản vật đó lên cây sào hoặc trên mũi thuyền. Người ta gọi cây này “cây bẹo”. Người bán dùng cây chống ngay trước mũi xuồng, ghe của mình rồi treo tượng trưng lên đấy những loại nông sản mà mình muốn bán. Chẳng hạn như bán cam thì người ta treo lên vài quả cam; bán xoài thì treo vài trái xoài; bán chuối thì treo nải chuối, bán mía thì dựng lên bó mía… Với cách tiếp thị độc đáo này, những người mua tới chợ từ xa đã quan sát thấy.

Muốn biết các ghe thuyền và các cư dân sông nước đến từ địa phương nào, chỉ cần nhìn vào mạn thuyền, trên thuyền có ghi mã tỉnh được viết tắt bằng 2 chữ cái đầu. Ví dụ, trên thuyền ghi “TG” thì thuyền đó đến từ Tiền Giang. Chợ nổi là nơi tụ họp của rất nhiều cư dân đến từ khắp miền đất nước.

Tuy rằng người dân “treo gì bán đó” thông qua những cây bẹo, tuy nhiên có 3 trường hợp ngoại lệ: “Cái gì treo mà không bán?” Chính là quần áo. Cư dân chợ nổi thường sinh sống và sinh hoạt ngay trên thuyền, vì thế, quần áo họ thường phơi cả trên thuyền, do đó “mặt hàng” này họ không bán. Cũng có “Cái gì bán mà không treo?” Chính là các thuyền bán hàng ăn uống và nước giải khát. Những thứ này không thể treo lên được. Hay “Cái gì mà treo cái này, bán cái khác?” Chính là treo lá dừa nhưng lại bán thuyền. Người dân muốn bán ghe thuyền của họ thường treo lên thuyền một cây sào, trên đó có gắn một miếng lá dừa.

Vai trò của chợ nổi:

Chợ nổi có vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thụ hàng nông sản ở vùng, đem lại số lượng công ăn việc làm đáng kể cho người dân, góp phần cải thiện đời sống của cư dân thương hồ. Chợ nổi là hình thức mua bán trên cơ sở kết tinh giữa môi trường sông nước và tập quán mua bán trên sông của người dân trong mấy trăm năm lịch sử.

Chợ nổi là nơi gặp gỡ giữa sản phẩm của ngành nông nghiệp với sản phẩm của ngành thủ công nghiệp, ngành công nghiệp; là điểm trung chuyển hàng hóa giúp gắn kết giữa khu vực thành thị với vùng nông thôn.

Chợ nổi ra đời còn góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch ở vùng phát triển. Có thể coi chợ nổi là nguồn tài nguyên quý giá, một hình thức văn minh thương mại, một đặc trưng văn hóa và đặc sản du lịch, niềm tự hào của vùng đất, con người Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian qua, chợ nổi vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành đối tượng tìm hiểu, nghiên cứu của nhiều cơ quan, nhiều giới, nhiều ngành. Không thể thống kê hết số bài báo, phim tài liệu, phim phóng sự về chợ nổi vì số lượng ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, hình ảnh chợ nổi ngày càng đi xa, ra tận thế giới.

Một số chợ nổi nổi tiếng ở Việt Nam.

– Chợ nổi Cái Bè nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre.

– Chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), Phụng Hiệp là tên của huyện, còn địa điểm họp chợ là giao điểm của bảy nhánh sông…

– Chợ nổi Châu Đốc (An Giang) gần thị xã Châu Đốc…

– Chợ nổi Cái Răng: Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5 km theo hướng quốc lộ về tỉnh Sóc Trăng. Tương lai chợ nổi Cái Răng sẽ trở thành chợ trung tâm tự sản tự tiêu lớn nhất vùng.

– Chợ nổi Phong Điền: Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ 17 km, đây là nơi mua bán sản phẩm miệt vườn.

– Chợ nổi Long Xuyên: Chợ nổi Long Xuyên nằm cách trung tâm thành phố Long Xuyên chừng 2 km, tuy không nổi tiếng như các khu chợ nổi nhưng đến đây bạn sẽ cảm nhận được sự phong phú của những đặc sản và tình cảm chân thành, mộc mạc của người dân Nam Bộ.

  • Kết bài:

Có thể nói, chợ nổi là đặc thù văn hóa miền tây Nam Bọ với một hệ thống sông ngòi chằng chịt và vùng đòng bằng rộng lớn. Cho dù văn minh hiện đại đến đâu thì chợ nổi vẫn tồn tại. Chỉ khi nào sông cạn nước thì khi đó, chợ nổi mới không còn. Đó là triết lý sống của người dân xứ vườn châu thổ này.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.