Thuyết minh thủ đô Hà Nội

thuyet-minh-ve-thu-do-ha-noi
    • Thuyết minh thủ đô Hà Nội
  • Mở bài:

Không những là thủ đô của đất nước, Hà Nội là địa danh lịch sử, văn hóa, chính trị quan trọng nhất trong lịch sử nhất ta. Trải qua mấy ngàn năm hình thành, tồn tại và phát triển, thủ đô Hà Nội trở thành trái tim của đất nước, là niềm tự hào lớn lao của con người Việt Nam.

  • Thân bài:

Hà Nội là thành phố đứng đầu Việt Nam về diện tích tự nhiên và đứng thứ hai về diện tích đô thị sau Thành phố Hồ Chí Minh và là một trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới, một trong ba thủ đô lâu đời nhất thế giới.

Hà Nội nằm giữa đồng bằng sông Hồng trù phú, nơi đây đã sớm trở thành một trung tâm chính trị và tôn giáo ngay từ những buổi đầu lịch sử Việt Nam. Theo tài liệu thế giới nghiên cứu lịch sử các thủ đô ở vùng Đông Nam Á như Viên Chăn (Lào), Phnômpênh (Campuchia), Bang Kok (Thái Lan), Kualalampơ (Malaisia), Giakacta (Indonesia),… thì trong số các thủ đô trên, Hà Nội là thủ đô nhiều tuổi hơn cả.

Thủ đô Hà Nội ngày nay hình thành trong lịch sử dân tộc Việt Nam chính thức vào năm 1010 (mùa thu tháng 7 năm Canh Tuất) với tên gọi đầu tiên là Thăng Long. Trước đó có tên là Đại La. Nhờ vị trí đắc địa, vùng đất rộng lớn, bằng phẳng và trù phú ấy đã sớm trở thành trung tâm văn hoá và giao thương của Đại Việt. Sau khi dẹp tan quân giặc, vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời dô từ Hoa Lư về thành Đại La để định kế phát triển đất nước. Khi đoàn thuyền của nhà vua vừa cập bến sông Nhị (sông Hồng) có rồng vàng hiện ra, thấy điềm lành, vua Lý cho đổi tên Đại La thành Thăng Long (Rồng bay lên). Thăng Long bắt đầu mang tên Hà Nội từ năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng. Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương và được người Pháp xây dựng, quy hoạch lại.

Thủ đô Hà Nội thuộc đồng bằng sông Hồng, được sông Hồng và các phụ lưu bồi đắp tạo nên, do đó Hà Nội gắn bó với sông Hồng mật thiết như con với mẹ. Xưa kia người ta đã gọi sông Hồng là sông Cái – sông Mẹ. Tên gọi Hà Nội có ý nghĩa là vùng đất bên trong sông. Phía bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên, phía tây giáp tỉnh Vĩnh Phúc, phía đông giáp tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, phía nam giáp tỉnh Hoà Bình.

Hà Nội nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng Bắc Bộ trù phú và nổi tiếng từ lâu đời. Vị trí và địa thế đẹp, thuận lợi để trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.

Bất cứ ai đã và đang sống ở Hà Nội, khi đi xa sẽ còn nhớ mãi hương thầm da diết của mùi thơm hoa sữa, cái se se lạnh khi mỗi độ thu về hay tiếng ve kêu râm ran mỗi buổi trưa hè, chút lãng đãng Tây Hồ và sắc hồng mộng mơ của hoa đào Nhật Tân,… Vì thế mà, từ xa xưa, Hà Nội đã đi vào thơ ca với nhiều hình ảnh, giai điệu ngọt ngào làm say đắm lòng người, gửi gắm nỗi nhớ da diết của những người xa quê hương, nuôi tiếc của người lữ khách.

Hà Nội đặc biệt với “mùa thu vàng” đã làm rung động biết bao tâm hồn thi sĩ… Hà Nội còn được gọi là thành phố “xanh” với các hàng cây thuộc nhiều loại khác nhau như xà cừ, bàng, sấu, phượng, hoa sữa,… trải khắp phố phường xanh cả bốn mùa. Trên 300 vườn hoa, công viên và thảm cỏ cùng hệ thống tượng đài, các bể phun nước càng làm tăng thêm vẻ đẹp của Thủ đô. Nói đến Hà Nội thì không thế không nói đến vẻ đẹp của hệ thống sông hồ. Dòng sông Hồng như dải lụa vắt ngang thành phố, hai bên bờ sông có biết bao di tích mà du khách có thể ghé thăm nếu đi du lịch bằng đường thuỷ. Những hồ đẹp và tiêu biểu của Hà Nội là hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang, hồ Trúc Bạch gắn với huyền thoại thiêng liêng giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Hà Nội là nơi có hệ thống các địa danh văn hóa, di tích lịch sử, thắng cảnh nhiều bậc nhất nước ta. Chùa Một Cột là di tích lâu đời của Hà Nội, tên chữ là chùa Diên Hựu, có nghĩa là phúc lành dài lâu. Chùa ở phía tây thành phố, xây dựng năm 1049 thời vua Lý Thái Tông. Nay Chùa Một Cột được quy hoạch vào quần thể lăng Hồ Chủ Tịch.

Hồ Tây – đường Thanh Niên – chùa Trấn Quốc là một quần thế cảnh đẹp ở phía tây bắc thành phố. Có thể ví đường Thanh Niên như một cái cầu bắc ngang hai hồ nước, một bên là hồ Tây, một bên là hồ Trúc Bạch. Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn: nằm ở vị trí trung tâm thành phố, giống như một lẵng hoa giữa lòng Hà Nội. Hồ Hoàn Kiếm gắn với truyền thuyết trả gươm của vua Lê Thái Tổ. Vườn thú và công viên Thủ Lệ nằm ở phía tây thành phố, trên một khu đất rộng hơn 30 ha, có hồ nước, có thế đất tự nhiên như hình rồng lượn.

Chợ Đồng Xuân, một trung tâm buôn bán sầm uất đã có lịch sử hơn 100 năm, là chợ lớn nhất Hà Nội, nơi hội tụ sản vật trên rừng, dưới biển của cả nước. Chợ Đồng Xuân là chiến lũy oanh liệt của các chiến sĩ cảm tử bảo vệ Hà Nội năm 1946.

Phố cổ Hà Nội là một di sản đã đi sâu vào tâm hồn nhân loại. Đặc điểm chung của các phố cổ Hà Nội là nhiều tên phố bắt đầu bằng chữ Hàng. Tiếp đó là một từ chỉ một nghề nghiệp nào đó. Ví dụ: Hàng Đào, Hàng Thiếc, Hàng Mã,…

Với vẻ đẹp dịu dàng, trầm lắng, nét văn hoá khôi nguyên, hiền hoà, Hà Nội trở thành một niềm cảm hứng sáng tác của biết bao nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ. Biết bao tác phẩm văn học viết về Hà Nội đã ra đời ca ngợi vẻ đẹp thủ đô, ca ngợi hình ảnh của một Hà Nội với khí thế hào hùng và mạnh mẽ trong vị thế thủ đô trong cuộc đấu tranh vệ quốc, ca ngợi vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa của thiên nhiên, cảnh vật, con người, truyền thống lịch sử và nét thanh lịch độc đáo của Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội thường được xem như nơi tập trung những tinh hoa văn hóa của miền Bắc và cả Việt Nam. Trong hàng ngàn năm, vị trí kinh đô khiến thành phố này trở thành nơi quy tụ của những nhân vật ưu tú, những thương nhân, những nghệ nhân, những thợ thủ công lành nghề. Những danh nhân, nhân vật của Việt Nam phần đông xuất thân từ những vùng đất khác, nhưng kinh đô Thăng Long thường là nơi họ xây dựng nên sự nghiệp.

Bên cạnh một Hà Nội cổ kính là một Hà Nội hiện đại với những tòa nhà cao tầng, mang kiến trúc mới mẻ, hoành tráng, khẳng định thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hoá chính trị của cả nước ta. Trong những năm qua, nền kinh tế thủ đô Hà Nội cùng cả nước đã đạt được nhiều chuyến biến tích cực. Với chính sách mở cửa, tăng cường hội nhập nền kinh tế quốc gia vào đời sống kinh tế khu vực và quốc tế, các hoạt động kinh tế, đối ngoại của Việt Nam có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, ngành du lịch đã phát triển rất nhanh và trở thành một ngành kinh tế quan trọng của cả nước nói chung cũng như Hà Nội nói riêng.

  • Kết bài:

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, gắn với vận mệnh của đất nước và dân tộc, Thăng Long – Hà Nội luôn là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị và truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam. Trên nền tảng truyền thống quý báu ấy, ngày 16-7-1999, Hà Nội được Tổ chức Khoa học, Văn hóa và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Từ đó đến nay, thủ đô Hà Nội vẫn không ngừng phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch, độc đáo riêng có. Đó là sự ghi nhận đánh giá cao những giá trị truyền thống lịch sử – văn hóa, những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, cũng như khát vọng vì hòa bình của nhân dân Việt Nam.

1 bình luận

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.