Cảm nhận 8 câu thơ đầu đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

soan-bai-on-tap-kien-thuc-bai-8-ngu-van-9-chan-troi-sang-tao

Cảm nhận 8 câu thơ đầu đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

  • Mở bài:

Đặng Trần Côn là một danh sĩ nỗi tiếng và có cống hiến to lớn đối với nền văn học Việt Nam. Đặng Trần Côn sáng tác nhiều nhưng chỉ còn lưu truyền một số ít tác phẩm. Nổi bậc nhất là “Chinh phụ ngâm”, một kiệt tác văn học được viết bằng chữ Hán. Khuynh hướng chung trong thơ của ông là đi sâu vào tình cảm, đi sâu vào nỗi lòng trắc ẩn, phức tạp, sâu kín của con người, nhất là đối với người phụ nữ. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ trích phần đầu tác phẩm. Trong đó, qua 8 câu thơ đầu đoạn trích, tác giả đã khắc họa rõ tâm trạng cô đơn, lẻ loi và nỗi sầu muộn triền miên của người chinh phụ, đoạn thơ đã để lại cho người đọc những sự chiêm nghiệm, những ấn tượng sâu sắc nhất.

  • Thân bài:

“Chinh phụ ngâm” ra đời vào khoảng thế kỉ thứ XVIII – ở thời điểm mà những tập đoàn phong kiến đang xảy ra các cuộc nội chiến liên miên, những người đàn ông trong xã hội đó phải làm nghĩa vụ là lên đường ra chiến trận, họ phải bỏ lại quê nhà mẹ già, vợ trẻ, con thơ. Chính sự chia cắt đó cũng là bối cảnh ra đời tác phẩm “Chinh phụ ngâm”. Qua việc thể hiện nỗi cô đơn, lẻ loi sầu muộn của người chinh phụ, tác giả gián tiếp cho chúng ta thấy khát vọng hạnh phúc lứa đôi rất da diết và mãnh liệt trong trái tim của người phụ nữ, bên cạnh đó còn là sự lên án, tố cáo về chiến tranh phi nghĩa đã gây ra những cuộc chia ly không đáng có và nạn nhân trực tiếp là những người phụ nữ, 8 câu thơ đầu trong đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” nhấn mạnh và khắc họa về sự cô đơn, lẻ loi, sầu muộn của người chinh phụ khi phải xa chồng trong những tháng năm dài đằng đẵng.

Hai câu đầu:

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen

Nhấn mạnh về hành động lặp đi lặp lại nhiều lần một cách vô ích. “Dạo” thường để mong sự khuây khỏa thư thái về tinh thần, hành động mang tính tích cực, nhưng ở đây là “dạo hiên vắng” – không gian yên tĩnh đến nao lòng và thêm nữa là “thầm gieo từng bước” – bước từng bước nặng trĩu nỗi buồn, không phải đi một cách thảnh thơi, tự do, tự tại mà ở đây là tâm trạng, nỗi buồn cô đơn của người phụ nữ đang đè nặng trong lòng và được thể hiện qua hành động bước đi nặng trĩu đầy lo lắng buồn phiền. Câu thơ thứ hai với hành động buông rèm xuống, cuốn rèm lên, hành động lặp đi lặp lại (buông rèm xuống khi không thấy người, cuốn rèm lên để trông ngóng người) trong nỗi vô vọng, lo lắng, chán chường. Nhấn mạnh hành động lặp lại tưởng như vô nghĩa nhưng lại chất chứa nỗi buồn lẻ loi của người chinh phụ.

Bốn câu tiếp:

Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.

Nghệ thuật nhân hóa, câu hỏi tu từ, phép lặp được tác giả sử dụng nhằm diễn tả sâu sắc nhất nỗi lòng người chinh phụ. Tiếng chim thước – chim khách, loài chim báo tin lành nhưng “thước chẳng mách tin” – không có tín hiệu của người đi xa trở về. Trong rèm chỉ còn ngọn đèn trở thành người bạn tâm giao. Nỗi buồn lớn choán ngợp cả không gian (căn phòng), khi ngọn đèn leo lắt trong đêm càng làm cho sự yên tĩnh, cô đơn thêm tăng tiến.

Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.

Ngọn đèn đã trở thành người bạn tâm tình trong văn học dân gian “Đèn thương nhớ ai/Mà đèn chẳng tắt”, trong văn học trung đại “đèn” trở thành đối tượng tâm tình, sẻ chia bao nỗi niềm u uất triền miên của người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ sống trong sự cô đơn, trống vắng. Ngọn đèn không còn là vật vô tri nữa mà đang trở thành bầu bạn với người phụ nữ, thậm chí đèn là chính người chồng đang chinh chiến nơi xa – Đèn có biết dường bằng chẳng biết – nỗi buồn tủi phận như tiếng kêu xé lòng – Lòng thiếp riêng… người chồng ở nơi xa liệu có thấu hiểu cho nỗi buồn, sự cô đơn này không? Hay chỉ có riêng lòng thiếp biết nỗi đau khổ này. Hai câu thơ như xé nát tâm can người thiếu phụ đang day dứt, dằn vặt trong đêm khuya, truyền cảm xúc đến người đọc, rất đáng thương, đáng chia sẻ.

Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.

Buồn không nói nên lời, nỗi buồn như thấm vào và cấu xé tâm can, mãi không nguôi. Không thể tâm sự cùng ai lại càng trở nên bế tắc, bi thiết, rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Hoa đèn – như người chinh phụ – hình ảnh so sánh mình như hoa đèn sẽ sớm lụi tàn vì thời gian mòn mỏi chờ đợi, người phụ nữ càng trở nên tàn tạ, héo úa như hoa đèn kia theo thời gian cũng đến lúc lụi tàn.

  • Kết bài:

Với bút pháp trữ tình, ngôn từ cô đọng hàm xúc, thể thơ song thất lục bát, giọng thơ nhẹ nhàng thiết tha, nhịp thơ chậm, 8 câu thơ đầu trong đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” đã thể hiện một cách chân thực và cảm động tâm trạng với những mạch cảm xúc và cung bậc khác nhau của người chinh phụ, với nỗi nhớ chồng da diết, nỗi cô đơn và một khát khao cháy bỏng được sống hạnh phúc trọn vẹn. Đoạn trích cũng đã để lại giá trị nhân đạo sâu sắc, nhân văn cao cả khi tố cáo, lên án chiến tranh phi nghĩa, những khuôn phép hà khắc phong kiến thời bấy giờ.

Xem thêm: