Cảm nhận ấn tượng sâu sắc về một đêm lửa trại và nỗi nhớ của nhà thơ về cảnh và người miền Tây
- Mở bài:
Bài thơ Tây Tiến là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Quang Dũng và của nền thơ Việt Nam thế kỉ 20. Sự hòa quyện giữa bút pháp lãng mạng và cảm hứng bi tráng trong tâm hồn đa cảm, Quang Dũng đã khắc họa thành công bức tượng đài bất tử về người lính thời kì kháng chiến chống Pháp. Đồng thời, khung cảnh miền Tây cũng được tác giả miêu tả đặc sắc Những ấn tượng sâu sắc về một đêm lửa trại và sau đó là nỗi nhớ của nhà thơ về cảnh và người miền Tây được thể hiện sau sắc qua 8 câu thơ giữa bài thơ. Thông qua những kỉ niệm và nỗi nhớ ấy, Quang Dũng đã khắc họa sinh động vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa của chiến sĩ Tây Tiến:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa? “
- Thân bài:
Bốn câu đầu miêu tả những ấn tượng sâu sắc, những cảm nhận tinh tế của chiến sĩ Tây Tiến về một đêm lửa trại nơi trú quân giữa bản làng nào đó ở miền Tây. Câu thơ đầu tiên tựa như một tiếng reo vui:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”.
Đây là lần thứ hai, lửa và đuốc được liên tưởng đến hoa – nếu trong đêm sương Mường Lát, chiến sĩ Tây Tiến nhìn đuốc soi đường lung linh huyền ảo mà thấy như hoa về trong đêm hơi thì lần này, trong một đêm lửa trại giữa bản làng miền Tây, nghệ thuật ẩn dụ và cảm hứng lãng mạn đã khiến ánh lửa bập bùng nơi đóng quân trở thành đuốc hoa rực rỡ gợi những liên tưởng thi vị, tình tứ, đem đến niềm vui náo nức, rạo rực cho lòng người, niềm vui khiến đêm liên hoan giữa bộ đội và dân làng trở thành đêm hội tưng bừng.
Cụm từ bừng lên là một nốt nhấn tươi sáng cho cả câu thơ, nó không chỉ đem đến ấn tượng về ánh sáng – ánh sáng chói lòa, đột ngột của lửa, của đuốc, xua đi cái tăm tối, lạnh lẽo của núi rừng mà còn thể hiện niềm vui sướng rạo rực trong lòng người. Người đọc có thể hình dung ra những ánh mắt ngỡ ngàng, những gương mặt bừng sáng của các chiến sĩ, bừng sáng vì sự phản chiếu của ánh lửa bập bùng đêm hội, bừng sáng còn vì cả ngọn lửa ấm nóng trong tâm hồn, ngọn lửa của niềm vui trẻ trung, lạc quan, ngọn lửa tình yêu với con người và cuộc đời, tình yêu với vùng đất miền Tây. Hình ảnh trung tâm của hội đuốc hoa là các thiếu nữ miền sơn cước.
“Kìa em xiêm áo tự bao giờ”
Từ kìa và cụm từ nghi vấn tự bao giờ bộc lộ cảm giác vừa ngỡ ngàng thú vị, vừa ngưỡng mộ trìu mến của các chiến sĩ trước sự xuất hiện của các cô gái miền Tây. Đó là cảm giác rất chân thực trong một dịp vui hiếm hoi sau bao ngày hành quân giữa rừng già với núi cao, dốc thẳm, sương dày, với mưa rừng và thú dữ…
Với niềm vui tỏa ra từ câu thơ, Quang Dũng còn đưa đến một cảm nhận thú vị bởi sự liên tưởng tới câu thơ đầu: doanh trại bừng lên, gương mặt trẻ trung của các chiến sĩ bừng lên hình như không chỉ vì ánh sáng chói lòa của lửa, của đuốc mà còn vì sự xuất hiện đột ngột của các sơn nữ miền Tây. Các cô gái hiện lên với hai ấn tượng đẹp đẽ bởi bút pháp mĩ lệ hóa trong xiêm áo lộng lẫy và nét e ấp đầy nữ tính. Những ấn tượng ấy khiến các cô đẹp hơn trước đoàn quân xanh màu lá, duyên dáng hơn trước những người lính dữ oai hùm. Nét tương phản của cảm hứng lãng mạn đã tạo nên chất thi vị làm dịu đi rất nhiều sự khắc nghiệt của chiến tranh. Người lính Tây Tiến không chỉ ngỡ ngàng, thú vị trước vẻ đẹp của các thiếu nữ miền Tây e ấp và duyên dáng mà còn mơ màng trong man điệu núi rừng. Man điệu có thể hiểu là vũ điệu uyển chuyển của các sơn nữ, cũng có thể hiểu là giai điệu say đắm, ngọt ngào, vừa hoang sơ, bí ẩn, vừa mới mẻ, lạ lùng làm mê hoặc lòng người.
Với tâm hồn hào hoa, nghệ sĩ đặc biệt nhạy cảm với cái đẹp, người lính Tây Tiến say đắm chiêm ngưỡng và cảm nhận những hình ảnh rực rỡ, những âm thanh ngọt ngào của đêm lửa trại để được thả hồn phiêu diêu bay bổng trong thế giới mộng mơ, để xây hồn thơ giữa những điệu nhảy, điệu múa, những vẻ đẹp say người của phương xa, đất lạ. Câu thơ đã có tới 6 thanh bằng đã giúp nhà thơ diễn tả tinh tế cảm giác mơ màng chơi vơi trong tâm hồn chiến sĩ.
Tới đoạn thơ sau, những hoài niệm rực rỡ và sống động về một đêm lửa trại đã được thay bằng những bâng khuâng xa vắng trong nỗi nhớ mênh mông da diết về cảnh sắc, con người miền Tây. Câu thơ đầu như một lời nhắn nhủ tha thiết về miền Tây:
“Người đi châu Mộc chiều sương ấy”
Nỗi nhớ miền Tây được gửi vào lời nhắn vào người đi, nhưng đâu phải nhắn với ai đó mơ hồ mà thực ra nhà thơ đang để lòng mình da diết hướng về châu Mộc, hướng về vùng núi rừng miền Tây trong một chiều sương nhạt nhòa, màn sương huyền ảo của núi rừng, màn sương mờ của hoài niệm, của nỗi nhớ nhung.
Trong tiếng Việt, ấy là một đại từ chỉ định luôn đem lại sắc thái xa xôi mơ hồ cùng nỗi nhớ nhung, tiếc nuối, bâng khuâng cho những danh từ đứng trước nó như: thuở ấy, ngày ấy, người ấy…Vào cuối năm 1948, khi đang ngồi ở Phù Lưu Chanh, một làng quê của đồng bằng Bắc Bộ, Quang Dũng cũng nhắc về chiều sương ấy với bao nỗi nhớ thương lưu luyến khi Châu Mộc trở nên nhạt nhòa trong sương khói và buổi chiều miền Tây với cảnh, với người, với những kỉ niệm sâu nặng nghĩa tình đã bị đẩy vào một quá khứ thật xa xăm.
Sau lời nhủ thầm xao xuyến, nhà thơ cất lên những tiếng hỏi mà phép điệp trong cấu trúc có thấy hồn lau… có nhớ dáng người…đã thể hiện nỗi nhớ nhung đầy trăn trở hướng về cảnh và người miền Tây. Câu hỏi thứ nhất hướng về hàng lau xám buồn bên bờ sông hoang dại:
“Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”
Nét đặc sắc trong câu thơ chính là hình ảnh ẩn dụ về hồn lau thay vì bờ lau, hàng lau hay rừng lau…Hoa lau có màu xám trắng, bông lau được tạo bởi muôn ngàn hạt nhỏ li ti nên chỉ cần một chút gió rất nhẹ, những bông lau mềm mại, nhẹ nhàng cũng xao động, cả bờ lau đung đưa mềm mại. Sắc trắng tinh khôi, huyền hoặc của hoa lau trong chiều sương nhạt nhòa mờ ảo, cái phơ phất của ngàn lau trong xạc xào gió núi… đã khiến rừng lau như có hồn, như biết sẻ chia nỗi niềm với con người, sự giao cảm khiến nỗi nhớ càng mênh mông da diết. Khi đã xa miền tây, câu hỏi “Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?” càng làm xao xuyến lòng người.
Hoa lau thường mọc ven bờ sông, triền núi, cụm từ nẻo bến bờ gợi một không gian hoang vu, hiu quạnh, man mác u buồn, nơi vắng người lại qua. Trong những năm tháng quá khứ, người chiến sĩ Tây Tiến hành quân giữa núi rừng miền Tây, bên dòng sông Mã, giữa phơ phất ngàn lau, lau như linh hồn của cỏ cây, rừng núi chia sẻ buồn vui với chiến sĩ trên đường hành quân; nay người đã đi xa, ngàn lau vẫn ở lại giữa mênh mông gió núi, hình dung về những hàng lau cô đơn nẻo bến bờ khiến nỗi nhớ càng xao xác trong lòng người chiến sĩ đã gắn bó và đã chia xa miền Tây. Câu hỏi thứ hai dành cho con người miền Tây:
“Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Trong màn sương mờ nhạt nhòa của hoài niệm, khi nhà thơ để lòng mình trở về với Châu Mộc chiều sương ấy, con người miền Tây chỉ hiện lên như một bóng dáng mờ xa, huyền ảo. Dáng người ấy vừa cứng cỏi, kiên cường trên con thuyền độc mộc đè thác lũ băng băng lướt tới, vừa mềm mại duyên dáng trong hình ảnh ẩn dụ hoa đong đưa. Nếu từ láy “đung đưa” gợi hình hơn biểu cảm và chủ yếu gợi tả những cánh hoa rập rờn đôi bờ sông thì hình ảnh “hoa đong đưa” không dừng lại ở nét nghĩa cụ thể ấy mà còn đưa đến những liên tưởng thi vị về dáng vẻ dịu mềm, tình tứ của sơn nữ miền Tây, đó là một sáng tạo mới mẻ về ngôn từ thể hiện chất lãng mạn rất đặc sắc của hồn thơ Quang Dũng.
- Kết bài:
Đoạn thơ đã ghi lại những vẻ đẹp rất riêng của thiên nhiên núi rừng và cuộc sống con người ở miền Tây Bắc. Bút pháp lãng mạn, gợi tả, xúc cảm trữ tình, nỗi nhớ da diết, thể hiện tình yêu, sự gắn bó với thiên nhiên, cuộc sống, con người miền Tây. Sự gắn bó của nhà thơ với thiên nhiên và con người nơi ấy là biểu hiện của tấm lòng gắn bó với quê hương, đất nước. Đồng thời là tấm lòng trĩu nặng yêu thương của Quang Dũng với những người đồng đội, đồng chí của mình.
- Cảm nhận 14 câu thơ đầu bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng
- Cảm nhận vẻ đẹp bi tráng của người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng
- Cảm nhận hình ảnh oai hùng trước cái chết và bức chân dung lẫm liệt của người lính Tây Tiến
- Lời thề thủy chung với Tây Tiến của người lính trong khổ cuối bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng
- Qua bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng hãy chứng minh lựa chọn ngôn từ là yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của một tác phẩm thơ ca.