cam-nhan-doan-trich-hanh-phuc-cua-mọt-tang-gia-trich-so-do-cua-vũ-trọng-phụng

Cảm nhận đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” (trích tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng).

Cảm nhận đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” (trích tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng).

  • Mở bài:

Vũ Trọng phụng là cây bút phóng sự, nhà tiểu thuyết lớn nhất của nền văn học Việt Nam nửa đầu thé kỉ XX. Sinh thời, Vũ Trọng Phụng lên án văn chương lãng mạn, thoát li thực tế, khẳng định văn học hiện thực: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng với tôi coi tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Tư tưởng, nội dung đó thống nhất từ quan điểm nghệ thuật tới tác phẩm. Rõ ràng nhất là qua đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” trích trong tiểu thuyết Số đỏ, một tác phẩm kiệt xuất của Vũ Trọng Phụng.

  • Thân bài:

So với nhiều nhà văn hiện thực đương thời, thế giới nhân vật của Vũ Trọng Phụng khá phong phú, đa dạng. Đó không chỉ là thế giới của những người nông dân quanh năm chỉ biết “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, hay một xóm nhỏ ngoại ô thành thị đang kéo dài kiếp sống đơn điệu “Sống mòn” như trong tác phẩm của Nam Cao. Nguyễn Đăng Mạnh từng nhận xét: “Đọc Vũ Trọng Phụng, thấy ông có một khả năng chiếm lĩnh cuộc sống ở một tầm khái quát tổng hợp ít có những nhà tiểu thuyết cùng thời”.

Cuốn tiểu thuyết tiêu biểu nhất của Vũ Trọng Phụng chính là Số đỏ. Xuân tóc đỏ chính là “con đẻ” của xã hội thành thị nhố nhăng, thối nát đương thời. Xuân tóc đỏ vốn chỉ là một đứa trẻ mồ côi, vô học, sống bằng nghề trèo me, trèo sấu, bán phá xa, nhặt ban ở sân quần vợt, chạy cờ rạp hát… Xuân tóc đỏ được nhận xét là “Hoàn toàn vô giáo dục song tinh quái lắm, thạo đời lắm”. Hắn tình cờ lọt được vào mắt xanh của một me tây dâm đãng như bà Phó Đoan, kiếm được việc làm ở tiệm may Âu hóa rồi từng bước đặt chân vào xã hội thượng lưu. Vận may liên tục đến với hắn một cách bất ngờ và rồi từ một kẻ lưu manh, vô học hắn đạt tột đỉnh vinh quang, được xưng tụng với những cái tên mĩ miều như “ông đốc-tờ Xuân”, “nhà cải cách xã hội”, “giáo sư quần vợt”, “anh hùng cứu quốc”, “vĩ nhân”.

Không thể phủ nhận vận may bất ngờ đã đến với Xuân nhưng thử hỏi tại sao trong một thời gian nhanh chóng như vậy, Xuân đã trở thành “vĩ nhân”, xâm nhập trót lọt vào xã hội thượng lưu? Là bởi xã hội ấy sẽ sản sinh ra những con người như hắn. Bởi là một mụ me Tây dâm đãng nên bà Phó Đoan đã tìm cách lôi Xuân ra khỏi bót cảnh sát. Với cái tài thổi loa quảng cáo thuốc lậu nó dễ dàng thành công ở tiệm may Âu hóa.

Cụ thể hơn, ta khai thác đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, Xuân bỗng trở thành ân nhân của gia đình cụ cố Hồng khi hắn công khai trước mặt mọi người: Ông Phán – chồng cô Hoàng Hôn là “một người chồng mọc sừng” gây ra cái chết của cụ cố tổ. Tiếng cười xuất hiện ngay từ nhan đề đoạn trích – Hạnh phúc của một tang gia. Người ta vẫn nói tang gia là bối rối, song hai chữ “hạnh phúc” đã nói lên tâm trạng của tất cả các thành viên trong gia đình này, nó trái ngược hoàn toàn với những điều người ta vẫn nghĩ về một đám ma.

Hai chữ “hạnh phúc” cũng thay đổi tính chất của đám ma, biến đám ma trở thành một đám rước, nó biến câu chuyện thương tâm trở thành ngày hội vui sướng, hả hê. Mỗi thành viên trong gia đình đều đã có một niềm “hạnh phúc riêng”. Cụ cố Hồng “mơ màng đến cái lúc mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu để thiên hạ phải chỉ trỏ: “úi kìa, con giai lớn đã già đến thế kia kìa”. Ông Phán mọc sừng hả hê khi nhận thấy giá trị của đôi sừng hươu vô hình trên đầu mình. Ông Văn Minh hạnh phúc bởi từ nay “cái chúc thư kia sẽ đi vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuyết viển vông nữa”.

Những người như cô Tuyết, bà Văn Minh có dịp trưng diện những bộ đồ mới nhất của tiệm may Âu hóa. Cậu Tú Tân có cơ hội để thể hiện tài năng của một nhiếp ảnh gia. Tất cả gia đình đều “nhao lên mỗi người một cách”. Sự giả dối, đại bất hiếu được phơi bày rõ nét khi Xuân trở thành ân nhân của gia đình ấy. Ông Văn Minh vò đầu bứt tai không biết xử trí với Xuân tóc đỏ ra sao khi hắn đã “tình cờ gây ra cái chết của một ông cụ già đáng chết”, “hai cái tội nhỏ, một cái ơn to”; Ông Phán mọc sừng muốn trù tính với hắn một cuộc doanh thương.

Trong đám tang, Tuyết đã liếc mắt với Xuân để tỏ ý cảm ơn. Nhưng sự bất nhân, cạn kiệt tình người không chỉ dừng lại ở đây khi niềm hạnh phúc còn tới với những người ngoài gia đình. Ông TYPN sẽ được trình làng bộ sưu tập mới nhất, cảnh sát Min-đơ, Min-toa thoát khỏi cảnh thất nghiệp, hàng phố có cơ hội xem một “cái đám ma to”, bạn bè của ông cụ cố Hồng có dịp khoe khoang sự oai vệ, danh giá của mình.

Đám ma trở thành một ngày hội của cả khu phố: “Đám ma đưa đến đâu làm huyên náo đến đấy”, “Kèn Ta, kèn Tây, kèn Tàu lần lượt thay nhau mà rộn lên. Ai cũng làm ra bộ mặt nghiêm chỉnh song le sự thật thì vẫn thì thầm với nhau chuyện trò về vợ con, về nhà cửa, về một cái tủ mới sắm, một cái áo mới may”

Sự vô liêm sỉ, bất nhân bất nghĩa của đám con cháu trong gia đình cụ cố Hồng đã lan tới cả xã hội thượng lưu. Vũ Trọng Phụng đã thực hiện đúng mục đích sáng tác của mình, đó là “tả thực cái xã hội khốn nạn, công kích cái xa hoa, dâm đãng của bọn người nhiều tiền…”. Xã hội ấy chính là điều kiện thuận lợi để Xuân tóc đỏ từng bước leo lên bậc thang danh vọng.

Có thể nói, Vũ Trọng Phụng đã dùng lối vẽ cường điệu, phóng đại nhưng không hề vô lí. Ông đã giải quyết mối quan hệ “Giữa cái ngẫu nhiên và cái tất yếu, giữa cái vô lí và có lí, giữa cái may rủi cá nhân với cái mang tính quy luật của xã hội bát nháo lừa lọc đương thời” . Dẽ dàng nhận ra điểm tương đồng của xã hội thượng lưu trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng và Ban-zắc. Con người quay cuồng trong thế giới của đồng tiền, mọi giá trị bị đảo lộn, tình cha con, đạo nghĩa chỉ như thứ “ảo mộng”.

Với quan điểm nhất quán và tài năng hiếm thấy, Vũ Trọng Phụng đã xây dựng Xuân tóc đỏ trở thành một nhân vật điển hình. Đối chiếu với kiểu nhân vật điển hình đã phân loại, Xuân tóc đỏ thuộc kiểu nhân vật thuộc tầng lớp dưới bị tha hóa nhân phẩm. Và điểm riêng của Xuân so với kiểu nhân vật khác là ở chỗ: Xuân tóc đỏ không được coi là nạn nhân của hoàn cảnh mà vận dụng triệt để cơ hội, vận đỏ của mình để tiến thân. Không những vậy, Xuân tóc đỏ còn khiến cho nhiều nhân vật cũng tha hóa như hắn.

Ở hình tượng ấy, có sự kết hợp giữa tính khái quát và nét cá thể, độc đáo. Ngay từ những chương đầu tiên trong tác phẩm, có thể nhận thấy Xuân tóc đỏ mang bản chất của kẻ lưu manh, bịp bợm. Dễ dàng có thể nhận ra chân dung hắn trong những câu cửa miệng của hắn “nước mẹ gì”, “mẹ kiếp”, ở hành động khoét một lỗ phên nứa để nhìn trộm bác gái tắm khi lên 9 tuổi, ở cái cách “cướp giật ái tình” một cách sỗ sàng với cô hàng nước mía, bà mệnh phụ….

Trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, dù không xuất hiện nhiều nhưng Vũ Trọng Phụng đã đan cài một số chi tiết đắt giá thể hiện bản chất lưu manh của hắn. Ở cuối đoạn trích, ông Phán mọc sừng dúi vào tay nó một tờ giấy bạc năm đồng gấp tư, “Nó nắm tay cho khỏi có người nom thấy rồi tìm sư cụ Tăng Phú lạc trong đám ba trăm người đương buồn rầu và đau đớn về những điều sơ suất của khổ chủ”.

Dù đã trở thành ông đốc tờ Xuân được mọi người tung hô, nhưng Xuân vẫn giữ sự tinh ranh, lưu manh. Hành động của kẻ giết người nhận đồng tiền dơ bẩn ngay trên miệng huyệt của kẻ quá cố đã tố cáo bản chất trơ trẽn, vô liêm sỉ. Có thể nói Xuân được độc giả nhớ tới còn bởi những nét rất riêng. Xuân là một cá tính độc đáo trong văn học bởi mái tóc đỏ hay chính là hậu quả do hoàn cảnh sống để lại “…Mẹ kiếp, chứ xưa nay có mũ bao giờ mà tóc chẳng đỏ”, bởi câu nói cửa miệng sặc mùi hạ lưu của nó, bởi cách mà Tuyết liếc mắt đưa tình với nó trong đám ma cụ cố…

Ở hình tượng Xuân tóc đỏ, ta cũng thấy được sự tác động của hoàn cảnh đến tính cách nhân vật. Vốn là một kẻ hạ lưu, chân ướt chân ráo bước vào xã hội thượng lưu, Xuân đã nhận ra: “Thời này biết làm sao được! Giả dối hết thay, tân thời cũng giả dối, hủ lậu cũng giả dối”. Từ chỗ bị động, bỡ ngỡ, Xuân tiến lên chủ động khai thác cơ hội, tận dụng mọi cơ may. Từ chỗ tình cờ gây ra cái chết cho cụ cố tổ trong đoạn trích, Xuân được cả gia đình thượng lưu đó tung hô, hắn “tự tin” khi đến đám ma với những nghĩa cử che mắt thiên hạ “Xuân tóc đỏ cắt đặt đâu vào đấy rồi mới xuống chỗ những người đi đưa”, “cầm mũ đứng nghiêm trang một chỗ, bênh cạnh ông Phán mọc sừng”.

Vũ Trọng Phụng đã lựa chọn kiểu không gian có tính điển hình. Đó là đô thị rộng lớn, là nơi diễn ra nhiều cảnh “chướng tai gai mắt”. Ở không gian ấy, các nhân vật “làm tròn” vai diễn của chúng. Trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, các nhân vật sinh hoạt chủ yếu trong không gian nhà cụ cố Hồng, không gian ngày càng mở rộng theo bước di chuyển của cỗ xe tang. Sự cạn kiệt tình người, thói dâm đãng… vì vậy mà cũng càng lúc càng lan rộng ra trong xã hội tư sản thành thị.

Thời gian trong đoạn trích cũng không dài. Tất cả chỉ vẻn vẹn hơn một ngày tính từ thời điểm cụ cố tổ chết. Các sự kiện liên tiếp dồn dập tạo nên nhịp điệu gấp gáp, hối hả. Với cách lựa chọn thời gian ấy, Vũ Trọng Phụng gây ấn tượng về sự sơ sài, qua loa của đám tang – cách mà đám con cháu tưởng nhớ tới người đã mất.

Nghệ thuật xât dựng nhân vật điển hình của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ đã đạt đến trình độ bậc thầy. Với bút pháp trào phúng, hầu như không miêu tả nội tâm, sử dụng lối biếm họa trong đó cường điệu, phóng đại một vài nét nổi bật nào đó của đối tượng, làm chúng trở nên méo mó để gây cười, các nhân vật hiện lên sắc nét.

Chân dung của cụ cố Hồng – một kẻ đại bất hiếu và háo danh nổi bật với một nghìn tám trăm bảy mươi hai câu gắt trong lúc gia đình đương tang gia bối rối: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”; hình ảnh cụ “nhắm nghiền mắt lại và mơ màng đến cái lúc mặc đồ xô gai, vừa ho khạc vừa khóc mếu, để thiên hạ phải chỉ trỏ: “Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa”; lúc cụ ho khạc mếu máo và ngất đi ở chỗ hạ huyệt.

Ông Phán mọc sừng lộ bản chất vô liêm sỉ, trơ trẽn, tham lam khi muốn trù tính một vụ làm ăn với Xuân. Tiếng khóc “Hứt…hứt…hứt”, dáng “oặt người đi, khóc mãi không thôi” như đang diễn trò trên sân khấu càng khiến nhân vật lố bịch hơn. Nếu ở các chương khác trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng đã dùng nhiều chi tiết để tô đậm tính chất bịp bợm của Xuân tóc đỏ thì đến Hạnh phúc của một tang gia ông lại để Xuân gây ấn tượng với độc giả qua lời của các nhân vật khác, sử dụng một vài chi tiết đắt giá để bộc lộ tính cách nhân vật, như đã nói ở trên.

Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia được kể bằng điểm nhìn bên ngoài nhân vật. Người kể chuyện ở đây là tác giả đứng bên ngoài câu chuyện. Sử dụng điểm nhìn ấy, tác giả dễ dàng chêm xen các đoạn bình luận. Để tạo nên hiệu quả trào phúng, tác giả bình luận với lối nói ngược, nói mỉa “Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu”, “Và còn rất nhiều câu nói vui vẻ, ý nhị khác nữa, rất xứng đáng với những người đi đưa đám ma”…Giọng điệu chung của đoạn trích là giọng mỉa mai, đả kích.

  • Kết bài:

Đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” rất thành công với nghệ thuật tạo tình huống cơ bản rồi mở ra những tình huống khác; phát hiện những chi tiết đối lập gay gắt cùng tồn tại trong một con người, sự vật, sự việc; thủ pháp cường điệu, nói ngược, nói mỉa,… được sử dụng một cách linh hoạt. Nghệ thuật miêu tả biến hóa, linh hoạt và sắc sảo đến từng chi tiết, nói trúng nét riêng của từng nhân vật. Văn bản là một bi hài kịch, phơi bày bản chất nhố nhăng, đồi bại của một gia đình đồng thời phản ánh bộ mặt thật của xã hội thượng lưu thành thị trước Cách mạng tháng Tám.

Phân tích chương truyện “HẠNH PHÚC CỦA MỘT TANG GIA” (trích tiểu thuyết SỐ ĐỎ) của Vũ Trọng Phụng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang