Cảm nhận vẻ đẹp bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử
- Mở bài:
Nhìn vào đặc trưng của tập “Thơ điên” (“Đau thương”) mà so sánh với bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, dễ nhận thấy một sự khác biệt khá lớn. Rõ ràng, “Đây thôn Vĩ Dạ” chưa phải là bài điển hình của lối “thơ điên”, nhưng chính tác giả đã xếp nó vào tập thơ này, hẳn không phải là hoàn toàn vô cớ. Vấn đề đặt ra là: liệu cái tôi Hàn Mặc Tử trong “Đây thôn Vĩ Dạ” có thể là đại diện cho diện mạo chung của cái tôi thi sĩ trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của một hiện tượng thơ được đánh giá là “kỳ lạ vào bậc nhất của phong trào Thơ mới”?
- Thân bài:
“Đây thôn Vĩ Dạ” là một kiệt tác của thơ Hàn, một bài thơ trong trẻo hiếm hoi được Hàn Mặc Tử làm trong chuỗi ngày đau thương, tăm tối nhất của đời mình. Bài thơ được gợi hứng từ một tấm bưu ảnh chụp phong cảnh do Hoàng Thị Kim Cúc – một người bạn gái của Hàn Mặc Tử, quê gốc Vĩ Dạ – gửi tặng, nhưng bài thơ không chỉ dừng lại ở việc tả cảnh thiên nhiên hay thể hiện khát vọng tình yêu. Vượt lên trên tất cả, đó là tình đời, tình người vừa thiết tha vừa đầy uẩn khúc của Hàn Mặc Tử. Đặc trưng này của cái tôi Hàn Mặc Tử trong “Đây thôn Vĩ Dạ” cũng chính là diện mạo chung của cái tôi thi sĩ trong toàn bộ sự nghiệp thơ ca.
“Đây thôn Vĩ Dạ” thể hiện một cái tôi yêu đời thiết tha. Cũng giống Xuân Điệu và nhiều nhà thơ mới, Hàn Mặc Tử tha thiết yêu đời. Nhưng nếu như Xuân Điệu vồ vập, ham hố tận hưởng no nê “bữa tiệc trần gian” là mùa xuân, thì Hàn Mặc Tử lắng lại tìm về cảnh đẹp thanh sơ, trong sáng của Vĩ Dạ bằng con đường tưởng tượng:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Lúc này, Hàn Mặc Tử đang phải cách li cộng đồng, sống đơn côi trong một xóm vắng Bình Định để chữa bệnh, với tâm trạng u uất, buồn chán nặng nề, Hàn Mặc Tử đã coi mình như một “cung nữ” xấu số bị số phận oan nghiệt đẩy vào “lãnh cung”. Tấm thiệp của Hoàng Cúc đã gợi dậy kỷ niệm về xứ Huế, đánh thức lòng yêu đời từ lâu bị cơn bạo bệnh làm cho ngủ quên. Cho nên, không cần ai trách móc hay mời mọc gì Hàn Mặc Tử trở về, ông vẫn tự phân thân để hỏi chính mình về một việc cần làm, đáng ra phải làm từ lâu mà giờ đây chắc có còn cơ hội thực hiện nữa không – đó là về lại thôn Vĩ, thăm lại cảnh cũ người xưa: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”.
Nhớ lắm, thương lắm, khao khát lắm nhưng cũng đầy mặc cảm và hoài nghi về khả năng thực hiện ao ước của mình. Vậy có còn cách nào cho thỏa ước ao? Cơ hội về lại Vĩ Dạ cơ hồ không còn nữa. Tử đã chủ động cách ly, tuyệt giao với cuộc đời, nhưng tuyệt giao mà không tuyệt tình, thi sĩ trở về Vĩ Dạ bằng con đường hoài niệm và nhờ tưởng tượng chắp cánh cho tình yêu.
Những hình ảnh đẹp đẽ nhất về Vĩ Dạ, về Huế lập tức sống dậy trong ký ức, trước tiên là hình ảnh “nắng hàng cau, nắng mới lên”. Đó là thứ nắng mai tinh khôi, tươi tắn, trong trẻo chiếu trên những hàng cau cao vút, thẳng tắp còn ướt sương đêm, làm bừng sáng hàng cau, khu vườn thôn Vĩ và bừng sáng cả khoảng trời hồi tưởng của nhà thơ.
Tiếp đến là hình ảnh của khu vườn được miêu tả thật gần. Vẻ xanh mướt, tốt tươi, mượt mà, đầy sức sống của khu vườn được chăm sóc cẩn thận, sạch sẽ, láng bóng đến từng chiếc lá, vừa được gội sương đêm giờ ánh lên màu xanh ngọc long lanh dưới ánh mặt trời khiến thi sĩ không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ. Giữa khung cảnh đó, con người xuất hiện làm cho thiên nhiên đã đẹp lại trở nên có linh hồn. Đó là hình ảnh con người xứ Huế với gương mặt “chữ điền” thấp thoáng sau lá trúc.
Nhà thơ không tả thực mà tả bằng ấn tượng, bằng lối cách điệu hoá cốt gợi thần thái của con người xứ Huế với vẻ đẹp phúc hậu, ý nhị, thanh quý, kín đáo. Vẫn là khu vườn đó hàng ngày, quen thuộc trong cấu trúc nhà vườn đặc trưng của xứ Huế ai chẳng biết, vẫn là con người đó mà sao qua ngòi bút của Hàn Mặc Tử trở nên mới lạ, có hồn và hấp dẫn đến vậy! Có lẽ, ở đây không phải chỉ là vấn đề góc nhìn, kỹ thuật tả cảnh, tả người điêu luyện mà hơn hết là ở cái tình, ở lòng yêu tha thiết của thi nhân đối với cảnh và người xứ Huế.
“Đây thôn Vĩ Dạ” thể hiện cái tôi đầy mặc cảm của nhà thơ. Vẫn là tình yêu đời đó, nhưng đến khổ thơ thứ hai, đã bộc lộ thành dạng thức khác thông qua những thi ảnh với tính chất khác hẳn, không còn đẹp đẽ, ấm áp mà tan tán, chia lìa:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
Hai câu thơ nói tới một thực tại phiêu tán. Tất cả dường như đang bỏ đi, gió bay đi, mây trôi đi, dòng nước chảy đi… Hình ảnh thơ chứa đựng sự phi lý nếu đem quy luật tự nhiên ra mà xem xét. Lẽ thường thì gió thổi mây bay, gió và mây cùng đường, ở đây bỗng tan tác tứ ly, gió một lối, mây một đường, “gió” và “mây” bị đẩy về hai đầu mút của câu thơ, gợi lên sự cách xa vời vợi, mà theo xu thế chuyển động thì càng lúc càng xa, cảm giác trống vắng dâng đầy cả câu thơ.
Thi sĩ tạo ra hình ảnh này không phải bằng cái nhìn thị giác mà bằng cái nhìn mặc cảm: mặc cảm chia lìa. Một con người yêu đời như Hàn Mặc Tử mà đang có nguy cơ chia lìa cõi đòi, cảnh ngộ đó khiến cho thi sĩ nhìn đâu cũng thấy chia lìa, thậm chí thấy cả sự chia lìa trong những thứ không thể chia lìa như mây và gió. Còn dòng sông (xưa nay vẫn được hiểu là sông Hương) thì mang một gương mặt ủ ê, “buồn thiu”, chừng như không một gợn sóng. Đó là dòng sông tâm trạng.
Lạ nhất là chữ “lay”. Chữ “lay” tự nó không vui, không buồn, nhưng sao đặt trong câu thơ này, trong hoàn cảnh này nó lại buồn hiu hắt vậy! Nó là nét buồn phụ hoạ với cái buồn của gió, mây, dòng nước, tạo nên một bức tranh đẹp nhưng trống trải, cô liêu đến vô cùng.
Trên cái xu thế đang trôi đi, bay đi, chảy đi, phiêu tán ấy, Hàn Mặc Tử mong có một thứ có thể ngược dòng “về” vớí mình, ấy là trăng:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Xưa nay, con thuyền và dòng sông là những hình ảnh quen thuộc trong thi ca, nhất là dòng thi ca về Huế, của những người yêu Huế. Nhưng sáng tạo độc đáo của Hàn Mặc Tử là ở hình ảnh thi vị và tài hoa: con thuyền “chở trăng” trôi trên dòng “sông trăng”. Liên tưởng phong phú, tinh tế của thi nhân đã tạo ra những hình ảnh trôi giữa đôi bờ thực – ảo. Câu thơ Hàn Mặc Tử đã có vai trò ảo hóa sông trăng, hư vô mở lối, cõi đau thương giam cầm tật bệnh bỗng sáng hóa thành câu thơ đắm đuối đến ghê người nhưng trang trọng huyền ảo bậc nhất của thơ mới.Lại như mơ màng bay lượn đi tìm vẻ đẹp ở mảnh đất thần kinh.Cầu mong đừng ai nhìn ngắm và thưởng thức thấu tận cùng sắc vị của nó, để Đây thôn Vĩ Dạ mãi là vầng sáng thơ ảo huyền sương khói, nguyện cầu và hát ca cho một kiếp đời.
Không biết dòng nước đang hoá mình thành dòng trăng hay ánh trăng đang tan mình thành nước, chỉ biết rằng dòng sông đã trở thành một dòng ánh sáng tự lúc nào, bến sông trở thành “bến trăng” và con thuyền cũng chở đầy trăng. Hình ảnh thực biến thành hình ảnh mộng tưởng, đẹp lung linh, hư thực huyền hồ, nhiều khi khó nắm bắt. Nhưng Hàn Mặc Tử vẫn khao khát có được trăng, mong con thuyền chở trăng kia có thể về “kịp” với mình trong “tối nay”. Toàn bộ hy vọng của Hàn đặt cả vào con thuyền chở trăng đó, hy vọng mà sao vẫn có gì phấp phỏng, âu lo.
Sức nặng của câu thơ nằm trong từ “kịp” giản dị, khiêm nhường, không bóng bẩy, không cầu kỳ mà sâu sắc. Nó gợi cảm giác âu lo, phấp phỏng. Nó chứa đựng nỗi ám ảnh lớn về thời gian. Nó hé mở mặc cảm về một hiện tại ngắn ngủi. Hình như Hàn Mặc Tử đã chờ trăng từ lâu lắm, và đã cảm nhận được sắp đến lúc không thể chờ được nữa, con người có thể bị bứt lìa khỏi đời sống bất cứ lúc nào, ngay cả khi chưa kịp tận hưởng vẻ đẹp của trăng, sự thơ mộng của cuộc đời. Cho nên cùng với mặc cảm cuộc đời ngắn ngủi, từ “kịp” còn hé mở cho người đọc thấy một tâm thế sống của Hàn Mặc Tử: sống là chạy đua với thời gian, tranh thủ từng giây từng phút trong cái quỹ thời gian đang vơi đi từng khắc, từng ngày của mình vì một cuộc chia lìa vĩnh viễn đang đến rất gần…
Sống là hối hả chạy đua với thời gian, điều này Hàn Mặc Tử gặp gỡ Xuân Diệu, bởi cả hai nhà thơ đều yêu cuộc sống đến thiết tha, cháy bỏng, đều trân trọng, quý giá từng khoảnh khắc sống ở trần gian. Nhưng tâm thế sống của mỗi người một khác. Cái tôi Xuân Diệu cảm nhận về cái chết luôn chờ mỗi người ở cuối con đường, nên tranh thủ sống mà tận hưởng tối đa hạnh phúc trần thế. Còn cái tôi Hàn Mặc Tử, cảm nhận về cái chết đã cận kề, được sống không thôi đã là hạnh phúc. Cho nên mới nói, tình yêu đời của Hàn Mặc Tử là một mối tình sâu nặng nhưng cũng đầy uẩn khúc và mặc cảm đau thương không dễ bày tỏ. Tình yêu đó gợi thật nhiều nỗi xót xa, thương cảm trong lòng người đọc.
“Đây thôn Vĩ Dạ” chứa đựng cái tôi hoài nghi và khao khát mãnh liệt của Hàn Mặc Tử. Cũng vẫn là cái tôi yêu đời đó, nhưng đến khổ thơ thứ ba, lại thêm một dạng thức biểu hiện khác, thông qua hệ thống thi ảnh đã hoàn toàn trôi vào mộng ảo:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá, nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Nếu tình yêu đời ở hai khổ thơ trên chủ yếu hướng tới cảnh, thì khổ thơ cuối bài thơ khép lại bài thơ bằng tình yêu hướng tới con người, nếu ở trên là vườn đẹp, trăng đẹp thì ở đây là người đẹp. Dễ dàng thừa nhận hình ảnh “khách đường xa” ở đây chính là đối tượng mà cái tôi chủ thể hướng tới. Có thể là Hoàng Cúc (người gửi bưu ảnh, người Hàn thầm thương trộm nhớ), là cô gái xứ Huế (nữ sinh Đồng Khánh với sắc áo trắng tinh khôi), mà cũng có thể là người đời nói chung.
Dù hiểu con người là ai đi nữa thì ta vẫn thấy giữa thi nhân và họ khoảng cách xa xôi vời vợi. Xa vì là “khách”, xa hơn chút nữa vì ở trên “đường xa”, lại xa hơn nữa vì sắc áo “trắng quá”, trắng đến không thực, đến hư ảo, đến nao lòng, và xa xôi vời vợi đến mức không thể nắm bắt, không thể với tới khi lẫn vào “sương khói” (“sương khói” màu trắng làm “mờ nhân ảnh”). Những hình ảnh ấy lại không phải là thực, lại chỉ là “mơ”. Dường như thi nhân đang nỗ lực đuổi theo một hình bóng, hy vọng tìm thấy một nguồn an ủi, một điểm tựa thì cuối cùng rơi vào thất vọng khi tất cả cứ trôi dần vào ảo mộng, tuột khỏi tầm tay. Cảm giác như chới với, hụt hẫng nên có lúc thi sĩ rơi vào hoài nghi:
“Ai biết tình ai có đậm đà?”
Hai đại từ phiếm chỉ “ai” hướng tới hai đối tượng: chủ thể trữ tình và đối tượng mà chủ thể trữ tình muốn giãi bày, dù hiểu thế nào, dù “ai” có là “ai” đi nữa thì cuối cùng vẫn chỉ là cái tình ấy, của cái tôi ấy – Hàn Mặc Tử, trên chuyến hành trình bất đắc dĩ đã gần đến cõi “thượng thanh khí”, vẫn cứ đau đáu, tha thiết, khắc khoải ngoảnh lại cuộc đời để mà yêu, mà gắn bó. Yêu đời đã là quý, yêu trong tuyệt vọng, càng tuyệt vọng lại càng yêu, một thứ tình yêu được thử thách và vượt lên trên cái chết, tình yêu đó chẳng đáng quý bội phần sao?
Ngoài cái lớn lao cuộc đời thực, thơ là thế giới của ước mơ và mộng tưởng. Thế giới mộng ảo của thơ có sức truyền cảm riêng để người đọc cảm nhận bao la về hôm qua, hôm nay, ngày mai, về cái có thể, cái đang sống và cái mong ước…Đây thôn Vĩ Dạ tìm thấy chữ thơ ở thế giới vườn tinh khôi, sông trăng hư vô mở lối, xiêm áo trắng như tinh của giai nhân cõi thực chính là khát khao tình người tình đời.
- Kết bài:
Qua bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, đặc trưng cơ bản của Thơ mới lãng mạn là đã tập trung thể hiện được hình tượng cái tôi. Hệ thống thi ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử đan xen giữa trong sáng, thuần khiết ấm áp với chia lìa, phiêu tán (thậm chí ma quái như trong nhiều bài thơ khác) mạch thơ gián đoạn… thì tất cả cũng là để thể hiện cho được một cái tôi Thơ mới ấy, một cái tôi vừa yêu đời, vừa đau đời, mà xét cho cùng đau đời cũng chính là vì yêu đời quá đấy thôi. Đó chính là căn cốt lành mạnh, tích cực của cái tôi Thơ mới, khiến nó tồn tại được qua “giông bão” của thời gian.