Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng thơ trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
- Mở bài:
Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài. Ông làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc, nhưng trước hết ông là nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, lãng mạn và tài hoa (đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài). Thơ ông giàu chất nhạc, chất họa. Tây Tiến là tác phẩm xuất sắc nhất của Quang Dũng. Kể từ ngày tác phẩm ra đời tuy có nhiều quan điểm nhìn nhân khác nhau nhưng đều thống nhất chung ở việc tác phẩm được đánh giá rất cao về nghệ thuật xây dựng hình tượng thơ, cảm hứng sáng tạo và chất lãng mạn, bay bổng được kết tinh sâu sắc trong bài thơ.
- Thân bài:
Nhà thơ đặt nhan đề tác phẩm bằng hai từ ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều ẩn ý: Tây Tiến. Tây Tiến là tên một đơn vị quận đội cũ của Quang Dũng. Quang Dũng là một chiến sĩ chiến đấu trong đơn vị Tây Tiến, cùng anh em, đồng chí trải qua không biết bao nhiêu gian khổ. Một đêm ở làng Phù Lưu Chanh, năm 1948, nghĩ về những tháng ngày gian nan ấy, Quang Dũng viết nên bài thơ “Nhớ Tây Tiến”. Sau này, khi in lại, tác giả mới đổi tên thành Tây Tiến. Đây là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật tài hoa, lãng mạn của nhà thơ.
Mở đầu bài thơ, toàn bộ những cuộc hành quân gian khổ qua khắp miền núi rừng miền Tây, hình ảnh người lính trong muôn vàn gian khó, hiểm nguy được tái hiện hết sức chân thực, sinh động, dữ dội:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Khắc họa nổi nhớ là cảm xúc chủ đạo xuyên suốt bài thơ. Đầu tiên là nỗi nhớ bao trùm cả không gian, thời gian: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi. Nỗi nhớ sâu đậm, da diết, mênh mang được gợi lên bởi điệp từ “nhớ” và từ láy “chơi vơi”. Nỗi nhớ khắc sâu, có sức ám ảnh, không thể nào quên được. Nỗi nhớ lan tỏa, bao trùm cả hết miền kí ức, lan tỏa trong không gian, thời gian bất tận. Cứ mỗi khi nghĩ về là nó lập tức được tái hiện tức thời. Dường như, đối với Quang Dũng, hình ảnh Tây Tiến đã là toàn bộ kí ức của khoảng thời gian tồn tại ấy.
Sau những cảm nhận chung về tây Tiến, bức tranh thiên nhiên miền Tây với vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội hiện ra trong từng câu, từng chữ:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Những vùng đất hoang vu, xa xôi, hẻo lánh càng trở nên đáng sợ hơn với phép liệt kê nhiều địa danh xa lạ Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu gợi nhớ từng kỉ niệm gắn với đặc điểm từng vùng đất miền Tây.
Thời tiết Tây Tiến khắc nghiệt với nhiều sương núi, mưa rừng; lạnh lẽo. Những làn sương mờ mịt bao trùm cả không gian là hình ảnh ấn tượng nhất của xứ sở hoang vu này. Sương kéo từ thung lũng len đỉnh núi. Sương vắt từ trùng sơn này qua trùng sơn khác. Sương che lấp mọi thứ và ẩn chứa trong nó biết bao bí mật, hiểm nguy. Những làn sương u buồn, âm thầm và lạnh lẽo. Thế nhưng, người lính vẫn hành quân, vẫn bước tới, bất chấp tất cả. Người lính đã vượt qua, đã chiến thắng. Sau mỗi cuộc hành quân, tất cả trở nên nhẹ nhàng như chưa từng có: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Địa hình Tây Tiến trùng điệp núi cao, đèo dốc, vực thẳm…vô cùng hiểm trở. Nhiều từ láy tạo hình: thăm thẳm, khúc khuỷu, heo hút; điệp từ dốc đã tái hiện rõ khung cảnh ấy. Rừng núi hoang sơ, bí ẩn nhiều thác ghềnh, thú dữ với biết bao hiểm nguy rình rập. ngàn thước lên cao rồi lại ngàn thước xuống. Trong điều kiện đó, hình ảnh người lính trên những chặn đường hành quân. Không gian hiểm trở cứ kéo dài mãi như không bao giờ kết thúc. Nghĩa là những khó khăn, gian khổ, những vất vả, hiểm nguy mà người lính phải đối mặt, phải vượt qua cũng sẽ không bao giờ hết. Mỗi bước đi là một nghị lực vương lên. Họ chịu nhiều gian khổ, hi sinh nhưng khí phách hiên ngang, tâm hồn trẻ trung, lãng mạn:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Cách miêu tả hiện thực chân thực. Từ “đoàn quân mỏi, “dãi dầu”, “không bước nữa”, “gục lên sung mũ”, “bỏ quên đời” kết thức dở chừng chặng đường hành quân nhưng người đọc vẫn chưa thấy người lính dừng lại. Có lẽ, người chiến sĩ tạm nghỉ trước những mỏi mệt, còn tinh thần vẫn phóng về phía trước. Cái chết nhẹ tựa lông hồng củ những chàng trai ra đi vì nợ nước: “chí lớn chưa về bàn tay không”
Nỗi đau mất mát, niềm cảm thương vô hạn đã được Quang Dũng nói lên bằng giọng điệu ngang tang kiêu hãnh nhằm vượt lên thực tại khắc nghiệt. Chính giọng diệu ấy đã làm dịu bớt nỗi đau thương, giúp người lính tiến bước dẫu trở ngại phía trước vẫn còn rất lớn.
Vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của Tây Tiến xen lẫn trong từng đoạn thơ. Cứ mỗi khó khăn, đau thương, mất mát, Quang Dũng lại tinh tế nâng đỡ tâm thế người đọc bằng những hình ảnh hết sức nhẹ nhàng, lãng mạn, bay bổng:
Hình ảnh “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” hết sức huyền ảo thơ mộng. Đêm hơi là đêm rất nhẹ nhàng, lãng đãng trong làn sương, sợi khói. Trong hoàn cảnh khó khăn đến vậy, người lính Tây Tiến vẫn dành tâm hồn hướng về những vẻ đẹp nhở bé, ẩn sâu của cuộc sống. Những buổi chiều dừng chân, khói bếp nồng cuộn khắp núi đồi, bữa cơm rừng núi ấm tình đồng đội. Hay “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” kết chặt tình nghĩa quân-dân, cá-nước. Cách nói “mùa em” nghe thật ngọt, thật êm. Những bàn tây ấm, những nụ cười tươi của con người Tây Tiến là nguồn sức mạnh cỗ vũ đoàn quân tiến bước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong đêm liên hoan và cảnh sống nước miền Tây thơ mộng rực sáng trong nỗi nhớ của người lính:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Đêm liên hoan văn nghệ của những người lính Tây Tiến tưng bừng, rộn rã, có sự góp mặt của đồng bào địa phương được miêu tả bằng những chi tiết rất thực cũng rất mộng. Cảnh vật tràn đầy sức sống với ánh sáng lung linh, lửa đuốc bập bùng (hội đuốc hoa), với sắc màu: rực rỡ, lộng lẫy (xiêm áo), với âm thanh: sôi nổi, rộn rang (tiếng khèn, tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng nói cười … tưng bừng rộn rã).
Thế nhưng, chính con người với dáng vẻ tình tứ, duyên dáng mói là linh hồn của đêm hội ấy. Những cô gái Tây Bắc xiêm áo rực rỡ, vẻ tình tứ “e ấp” với những vũ điệu mang đậm màu sắc xứ lạ “miên điệu”, đắm say trong tiếng khèn tiếng trống. vẻ đẹp ấy những chàng trai Tây Tiến: ngỡ ngàng, mơ mộng, say đắm. Cảnh và người hài hòa, mỗi câu thơ là một nét vẽ về cảnh vật và con người ở xứ lạ, rất tươi tắn mà cũng đầy thơ mộng, ấm áp tình quân dân.
Một ấn tượng khác không thể nào quên đối với người lính Tây Tiến là cảnh sông nước miền tây thơ mộng. Ngôn ngữ cô đọng, hàm súc: “chiều sương ấy” vừa gợi thời gian vừa gợi không gian:dòng sông, bến bờ mênh mang trong một buổi chiều sương phủ huyền ảo, thơ mộng:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Con người và thiên nhiên đẹp trong sự hài hòa. Dáng hình mềm mại uyển chuyển của những cô gái Thái trên chiếc thuyền độc mộc và những cái hoa rừng đong đưa làm duyên trên dòng nước lũ. Những từ “có nhớ”, “có thấy” cùng câu hỏi tu từ khắc sâu tâm trạng thương nhớ, bâng khuâng, đầy lưu luyến.
Quang Dũng không tả mà chỉ gợi, bút pháp chấm phá tài hoa, chất thơ chất nhạc hòa quyện. Xuyên qua cảnh vật là một hoài niệm tinh tế và sâu nặng, bâng khuâng và da diết của tác giả với vùng đất gắn bó một thời cùng binh đoàn Tây Tiến. Sau tất cả, ông dành những câu thơ chân thành nhất, đẹp đẽ nhất để nhớ về hình ảnh người lính Tây Tiến:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
hai khổ thơ tạc nên bức tượng đài tập thể những người lính Tây Tiến được miêu tả bằng bút pháp lãng mạn, đậm chất bi tráng. Người lính Tây Tiến hiện lên với vẻ đẹp lẫm liệt, hào hùng. Bút pháp lãng mạn khiến chân dung quân đoàn Tây Tiến được miêu tả thật phi thường:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Cái độc đáo và khác biệt nhất của ngòi bút lãng mạn Quang Dũng đó là ông khai thác triệt để các hình ảnh đối lập để phục vụ cho tư tưởng và hiệu quả của sự diễn đạt. Tả về người lính, ông không dùng hình tượng súng, hay canh gác, hay vầng trăng như Chính Hữu. Ông đi vào tả thực. Lấy cái thực để nâng cao nhận thức và ý chí. Bởi thế, người lính Tây Tiến, dưới ngòi bút của Quang Dũng hiện lên thật dữ dội: không mọc tóc, xanh màu lá. Nhưng sau đó lại được nâng lên đáng kẻ bằng phép ẩn dụ: dữ oai hùm. Hình ảnh đối lập gay gắt giúp ta nhận ra ở người lính xanh màu lá, không mọc tóc ấy là sức mạnh của tinh thần, ý chí, ngang tàn, hết sức lẫm liệt.
Ở những người lính Tây Tiến, ta thấy vẽ đẹp của bản lĩnh, nét can trường hài hòa với tâm hồn đa cảm, mộng mơ. Khát vọng lập công cháy bỏng dõi về tiền phương, hướng về nhiệm vụ chiến đấu. “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới” là khát vọng chiến đấu, khát vọng giải phóng đất nước, trở về quê hương. Tâm hồn họ không ngừng mơ đến cuộc sống hạnh phúc khi đất nước đã hòa bình. Càng khát vọng, họ càng quyết tâm vượt qua gian khổ, quyết tâm chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù. Nhịp thơ bỗng chùng lại khi nhà thơ nói về hình ảnh hi sinh của các đồng đội:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Rất nhiều chiến sĩ đã nằm lại nơi rừng núi. Đó là một sự thật. Bất kể mọt sự hi sinh nều đều cũng khiến cho người ta cảm động hay đau thương. Quang Dũng cũng thế. Ông không hề né tránh sự thật ấy. Nhưng dưới cái nhìn của ông, đó lại trở thành một cuộc rượt đuổi theo lý tưởng sống: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Những chàng trai Hà Nội đã sẵn trong mình một lý tưởng lớn thuở mới bước chân ra đi. Cách nói “Áo bào thay chiếu, anh về đất” làm vơi đi nỗi đau thương, mất mát Cả đất trời tiếc thương tiễn đưa người lính về với vĩnh hằng. Sông Mã như là vật chứng giám và tôn vinh, ghi khắc công trạng của họ.
Cách diễn đạt của Quang Dũng không những không gây cho ta nỗi sợ hãi mà còn tạo nên ở trong ta sự tự hào lớn lao với những từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng, thành kính, thiêng liêng. Lí tưởng quên mình, cống hiến đời xanh cho Tổ Quốc, phảng phất chất khí anh hùng của người tráng sĩ xưa coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Giọng điệu chủ đạo của đoạn thơ này là trang trọng, thể hiện tình cảm đau thương vô hạn và sự trân trọng, kính cẩn của nhà thơ trước sự hi sinh của đồng đội.
Kết thúc bài thơ là sự ghi nhớ lời thề gắn bó với Tây Tiến và miền Tây, khép lại một trang hồi ức đầy đau thương nhưng hùng tráng:
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Bốn câu thơ cuối đã tô đậm thêm không khí chung, tinh thần chung của một thời Tây Tiến: tinh thần “một đi không trở lại”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhịp thơ chậm, giọng thơ buồn, nhưng linh hồn của đoạn thơ thì vẫn toát lên vẻ hào hùng, bi tráng.
Bài thơ Tây Tiến đặc biệt gây ấn tượng đối với người đọc bởi cảm hứng và bút pháp lãng mạn tài hoa mà Quang Dũng đã phô bày. Cách sử dụng ngôn từ đặc sắc: các từ chỉ địa danh, từ tượng hình, từ Hán Việt. Sự kết hợp giữa chất nhạc và chất họa, giữa tả thực và lãng mạn khiến cho cảm xúc của người đọc không ngừng được thay đổi, nâng cao và hoàn thiện. Qua mỗi câu, mỗi chữ, Quang Dũng trả về cho người đọc những cảm xúc chân thành như mỗi tâm hồn luôn ẩn chứa.
- Kết bài:
Với bút pháp kết hợp hài hòa giữa tả thực và lãng mạn, tác giả đã tái hiện lại chặng đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến. Qua đó dựng nên bức tranh khá hoàn chỉnh và sinh động về thiên nhiên miền tây vừa hùng vĩ, hiểm trở vừa ấm áp nên thơ. Những đường nét tạo hình như khắc sâu vào lòng người đọc ấn tượng khó phai về thiên nhiên Tây Bắc. Sự phối thanh nhịp nhàng khiến đoạn thơ nghe như âm vang một khúc nhạc lâng lâng nhung nhớ về một vùng đất Tây Bắc xa xôi bỗng trở nên thân thương gần gũi.
- Phân tích bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng
- Nghệ thuật xây dựng hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến” (Quang Dũng)