cam-nhan-ve-dep-ngoai-hinh-va-nhan-cach-nhan-vat-thuy-kieu

Cảm nhận vẻ đẹp ngoại hình và nhân cách nhân vật Thúy Kiều

Cảm nhận vẻ đẹp ngoại hình và nhân cách nhân vật Thúy Kiều.

  • Mở bài:

Truyện Kiều là kiệt tác văn học của thiên tài Nguyễn Du và của nền văn học Việt Nam. Có thể nói, ngoài giá trị nhân đạo sâu sắc, một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của thiên truyện đó là nghệ thuật xây dựng nhân vật bậc thầy của Nguyễn Du. Dưới ngòi bút của nhà thơ, nhân vật Thúy Kiều không những đẹp ở hình thức bề ngoài mà nhân cách, nhân phẩm cũng vô cùng cao quý. Mặc dù rơi vào cảnh ngộ éo le, đau khố triền miên nhưng trong bối cảnh cuộc đời tăm tối ấy, phẩm giá Thúy Kiều vẫn thanh cao, rạng ngời. Có thế ví Thúy Kiều như một bông sen nở giữa đầm lầy. Phẩm hạnh quý giá ấy khiến cho hình tượng Thúy Kiều trở nên bất diệt. Nhân vật Thúy Kiều đã để lại cho chúng ta những bài học đạo lí thấm thía và bổ ích.

  • Thân bài:

Trước hết, Nguyễn Du đã rất chú trọng xây dựng hình thức cho nhân vật. Mở đầu thiên truyện, cùng với người em là Thúy Vân, Thúy Kiều hiện lên với vẻ đẹp “mười phân vẹn mười”. Sự đánh giá của Nguyễn Du về nhân vật là hoàn hảo tuyệt đối. Để minh chứng cho nhận định ấy, nhà thơ đã từng bước khắc hoạ hai bức chân dung tuyệt sắc ấy với những mĩ từ cao nhất.

Hãy chú ý đến sắc đẹp của Thúy Kiều. Sau bức chân dung Thúy Vân, tuyệt thế giai nhân hiện lên với vẻ đẹp vừa dịu dàng, vừa sắc nét vô cùng, đủ để những ai yêu mến cái đẹp cũng phải ngỡ ngàng:

“Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”.

Vẻ đẹp của Kiều “sắc sảo mặn mà”, đôi mắt nàng sáng long lanh như nước mùa thu, lông mày đẹp thanh tú như dáng núi mùa xuân. Tác giả không tả nhiêu về Kiều mà chỉ xoay quanh đôi mắt nàng bởi lẽ đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là sự tinh anh của trí tuệ. Hình ảnh “làn thu thủy nét xuân sơn” đã làm nổi bật vẻ đẹp của Thúy Kiều, một vẻ đẹp tuyệt diệu. Nàng Kiều đẹp đến mức “nghiêng nước nghiêng thành”, đến “hoa” cũng phải “ghen” vì “thua thắm”, “liễu” cũng phải “hờn” vì “kém xanh”.

Chỉ mấy câu thơ ngắn ngủi, với thủ pháp ước lệ tượng trưng và nghệ thuật miêu tả bậc thầy, Nguyễn Du đã dành cho nhân vật Thúy Kiều sự tôn vinh tột bậc. Có thể thấy “lời bất tận ý”, nhà thơ cũng bất lực trong việc miêu tả nên chỉ gợi và muốn để cho người đọc tiếp tục hình dung và đắm say với sắc đẹp ấy.

Thúy Kiều không chỉ là bậc “quốc sắc thiên hương” mà nàng còn là một người con gái tài năng trác việt, “cầm, kỳ, thi, họa” tất thảy đều giỏi giang xuất chúng.

“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương.”

Thúy Kiều quả là một người tài hoa hiếm có. Nàng không những thông minh mà các thú tiêu dao đều sành sỏi, kỹ nghệ điêu luyện, tinh thông . Nàng rất có tài và tài nào cũng đạt đến đỉnh cao.  Một người con gái vừa xinh đẹp lại có nhiều tài như Kiều quả là hiếm có, đáng trân trọng hơn một viên ngọc quý.

Điều đáng trân trọng hơn nữa ở nhân vật Thúy Kiều đó là những phẩm chất tốt đẹp. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, nàng cũng sống luôn biết kính trên nhường dưới, là người sống có hiếu với mẹ cha. Điều đó được thể hiện rõ nhất khi gia đình Kiều bị mắc oan, Kiều đã hi sinh thân mình, quyết bán mình để cứu cha và em trai thoát khỏi cảnh tù tội.

“Quyết tình nàng mới hạ tình
Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha”.

Rồi đến khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, nàng vẫn nghĩ tới cha mẹ ở quê nhà, nàng lo lắng suy nghĩ không biết ai sẽ là người chăm lo cho cha mẹ khi về già, lúc tuổi cao sức yếu:

“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.”

Tưởng tượng ra hình ảnh “tựa cửa” của mẹ cha ngày ngày vò võ ngóng trông trong sự chờ mong khắc khoải, nàng nhớ tới Sân Lai “gốc tử” tất cả đã đổi thay. Đó là dấu hiệu của thời gian dần trôi qua lặng lẽ, cũng là lúc cha mẹ rồi sẽ dần dần già yếu. Nghĩ tới đây thôi Kiều đã day dứt khôn nguôi. Đó là nỗi niềm đau đáu của đứa con đầu lòng không được phụng dưỡng mẹ cha lúc tuổi già sức yếu, không giữ trọn đạo hiếu làm con. Kiều không biết giờ này ở quê, ai sẽ là người “quạt nồng ấp lạnh” cho cha mẹ. Tới đây, người đọc càng thấy cảm thông và trân trọng Thúy Kiều hơn. Bởi dù nàng đã hi sinh bản thân để cứu gia đình, cứu cha mẹ nhưng vẫn luôn đau đáu nhớ về cha mẹ. Nàng quả là một người con gái có tấm lòng hiếu thảo, nhân hậu đáng trân trọng.

Với mẹ cha thì luôn luôn hiếu kính, còn với tình yêu nàng luôn muốn giữ trọn chữ tình. Dù phải bán mình cứu cha nhưng nàng vẫn nghĩ đến lời thề nguyện với chàng Kim Trọng. Trước khi ra đi nàng đã trao duyên lại cho cô em gái Thúy Vân. Nhờ em giúp mình kết duyên với chàng Kim:

Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.”

Dù là người con gái có sắc, có tài lại hiếu kính mẹ cha, sống có tình có nghĩa nhưng Thúy Kiều lại gặp biết bao sóng gió, trái ngang trong cuộc đời. Gia đình gặp họa, nàng phải bán mình chuộc cha. Kiều đau đớn, nhục nhã ê chề khi trở thành món hàng bị đưa đẩy:

“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng.
Ngại ngùng rợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.”

Kiều thẩy tủi hổ và tội nghiệp hơn khi ý thức về nhân phẩm của mình. Nàng “ngại ngùng” trong từng bước đi, ê chề trong cảm giác “thẹn” và thấy “mặt dày” trước gương. Thật đau khổ cho người con gái hông minh, xinh đẹp, tài năng như nàng mà lại bị đem ra buôn bán “kỳ kèo bớt một thêm hai” rồi “ngã giá vàng ngoài bốn trăm”.

Sóng gió nối tiếp sóng gió khi nàng bị đưa vào lầu xanh rồi lại bị giam lỏng nơi lầu Ngưng Bích. Một mình nàng đối chọi với sự cô đơn, lạnh lẽo không một người sẻ chia nơi đất khách quê người:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới xa
Hoa trôi man mác biết là về đâu.

Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh,
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”

Nỗi buồn của Kiều đã dâng lên đến đỉnh điểm. Hình ảnh “thuyền” với “cánh buồm”, “hoa trôi man mác” cho thấy nỗi lo âu của Kiều trên hành trình lưu lạc mờ mịt. Nàng thương cho số phận nhỏ bé như “hoa trôi man mác” trôi dạt giữa dòng đời vô định. Hình ảnh “nội cỏ dầu dầu” báo hiệu một tương lai mờ mịt héo tàn. Trải dài đến chân mây mặt đất là “một màu xanh xanh”, xanh của nỗi buồn, xanh dầu dầu của sự tàn lụi, héo úa và vô vọng. “gió cuốn” cùng “ầm ầm tiếng sóng” là khung cảnh thiên nhiên bao la, dữ dội. Tất cả như đang bủa vây lấy người con gái lưu lạc trong nỗi buồn đau, cô liêu, hãi hùng.

  • Kết bài:

Nguyễn Du đã xây dựng rất thành công nhân vật Thúy Kiều. Nàng là hiện thân của người phụ nữ sống dưới xã hội phong kiến đầy bất công. Tuy là một người con gái tài sắc vẹn toàn, hiếu kính mẹ cha, sống tình nghĩa nhưng lại gặp nhiều long đong, bất hạnh trong cuộc đời. Qua hình ảnh nàng Kiều, tác giả xót thương cho thân phận bi kịch của người phụ nữ nhưng đồng thời cũng ngợi ca những khát vọng chân chính của họ.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang