Cảm nhận ý nghĩa bài thơ “Muốn làm thằng cuội” của Tản Đà
- Mở bài:
Trong văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực. Đi khắp miền đất nước, ông đã để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng nhận xét: “Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám giữ một cái tôi ”. Bài thơ “Muốn làm thằng Cuội” thể hiện rất rõ tâm hồn và phong cách đó của Tản Đà.
- Thân bài:
Có thể nói, con người Tản Đà như là một chiếc gạch nối giữa hai thế kỷ, thơ Tản Đà là chiếc cầu bắc ngang hai bờ thơ cổ điển và thư hiện đại. Tản Đà chính là đại diện cuối cùng cho phong cách một nhà nho tài tử, là người kế tục xứng đáng tinh thần “giang hồ khí cốt, phong nguyệt tình hoài” của ông Tú đất Vị Hoàng.
Vốn tiếp thu nền văn hóa Nho học, nhưng với tính tình rộng mở, thích bay bổng nên Tản Đà ít chịu gò vào những khuôn phép, những giáo điều. Suốt đời ông ôm ấp dầy rẫy những giác mộng lớn, những giấc mộng con ở trong lòng. Điều đó cũng là một cách để con người tài hoa như ông đối lập với thực tại, muốn vượt lên trên những cái tầm thường thể hiện tâm trạng bất đắc chí với thời cuộc:
“Tài cao phận thấp chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương”.
Cũng như bao thanh niên khác, muốn đem hoài bão, nhiệt huyết giúp đời, giúp nước nhưng không được nên kết đọng lại trong Tản Đà một mối u hoài, ngậm ngùi về thân thế, thời thế và nhân thế. Cảm xúc miên man này theo suốt hành trình thơ của Tản Đà. Xuất phát từ tâm thế của lớp người thời đại, cộng với tài năng thi ca, Tản Đà đã thổi một luồng gió mới vào nền thi ca Việt Nam thời bây giờ, “dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ sắp sửa” (Hoài Thanh).
Không những thế, “Tản Đà là người thứ nhất và là người độc nhất của cái thế hệ ông đã làm sống lại cái hồn thơ Việt Nam đang hấp hối, tôi không muốn nói đến đã chết rồi. Ông ra đời đem cho chúng ta một thi sĩ thành thực dám ca hát cái đời sống của lòng; ông đã mơ mộng, đã chán đời, yêu đời, thiết tha với đời một cách tự do, ông đã dám ngông, dám có một bản ngã, dám công nhiên để cho cái chữ tình mê man của mình rãi trong văn thơ” (Lê Thanh)
Ngay tựa đầu bài thơ “Muốn làm thằng Cuội”, ta đã nhận ra chất “ngông” vốn có của thi nhân. “Làm thằng Cuội” nghĩa là lên cung Trăng cao tít, xa vời, là lên cung Quảng Hàn của Hằng Nga. Nhưng vì đâu nhà thơ lại có ước muốn kì lạ ấy? Hai câu đầu như một lời thanh minh, phơi bày tâl cả tâm sự của mình:
Đêm thu buồn lâm chị Hằng
Trần thế em nay chán nửa rồi
Đêm thu lạnh lẽo, đối diện vầng trăng, mơ bóng chị Hằng, nhà thơ cảm nhận được một nỗi buồn dâng lên, một nỗi sầu da diết trong lòng mình. Nhà thơ không tự giấu giếm đi cảm xúc rất thực của một cái tôi đang chán đời, chán cảnh trần thế tối tăm, buồn bã. “Chị Hằng ơi” – một lời gọi thân mật, như hai ngươi đã quen người đẹp của cõi tiên: Tây Thi, Chức Nữ, Hằng Nga. Cho nên, việc tìm đến chị Hằng khi buồn, để cất lên lời tâm sự, Tản Đà quả thật đã khác bao thi nhân xưa chỉ biết lặng lẽ ngắm trâng thơ dài.
Tản Đà còn có nét gần gũi vơi sự phóng túng của thi tiên Lý Bạch đời Đường cùng múa với trăng sáng khi uống rượu dưới trăng. Tha thiết với đời là thế, nhưng rồi phải thốt lên “chán nửa rồi”, ta hiểu nhà thơ đang rơi vào cực điểm nỗi buồn.
Cái buồn muôn thuở của Tản Đà khi bâng khuâng, khi man mác, khi tái tê, khi sầu hận, nỗi buồn ấy giờ đây như kết đọng lại dữ dội, dồn nén trong hai từ “buồn lắm”. Nhiều lần Tản Đà nói về nỗi sầu của mình, khi thì là một gánh sầu chất chứa: “Hai chữ tương tư một gánh sầu”, khi thì là nỗi sầu vô hình những day dứt:
“Sầu không có mối chém sao cho đứt
Sầu không có khối đập sao cho tan”
Nỗi sầu ấy, có lẽ bắt nguồn từ một tâm trạng bất hòa sâu sắc trước thực tại xã hội, là một nỗi đau đời. Hay cũng có thể ông chán ngán vì cuộc dời thiếu một người bạn tri âm tri kỷ để có thể hàn huyên, quên đi sự cô đơn, lạc lòng, vô vị của mình trên thế gian này. Ông khao khát được gặp những tấm lòng, được yêu thương chia sẻ, để được sống là mình. Bao lần, trong lòng ông vọng lên câu hỏi đượm một nỗi sầu đời, u uất:
“Đời đáng chán hay là không đáng chán
Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm”
Có lẽ vì những nguyên do đó mà ông muôn được lên cung Trăng bầu bạn với chị Hằng, giai nhân cung Quảng, để quên di muộn phiền trần thế này chăng?
Cung quê đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Một lời hỏi tự nhiên. Nếu đã có thì sao? Đây đâu phải lần đầu Tản Đà thực hiện những chuyến viễn du tương tượng lên thượng giới, có lúc ông được lên hầu trời, có lúc ông uống rượu với chư tiên. Ông cũng đã “xuyên không” nhiều lần chứ không phải là một lần. Ông lên trời đọc thơ văn cho trời và chư tiên nghe, rồi lạ “đem thơ bán cửa giời”, có lúc lại ngông nghênh viết thư đòi cưới chị Hằng Nga.
Từ liên hệ chị Hằng – cành đa, có lẽ nhà thơ đang mong làm chú Cuội như trong truyện cổ tích, để bầu bạn tri kỷ cùng Hằng Nga. Câu thơ bộc lộ rõ hồn thơ mơ mộng. Đó vẫn là con người với cốt cách đa sầu, đa cảm nhưng cũng lại rất đa tình. Ước muôn lên cung Trăng, lên với chị Hằng là lên với một cõi tiên thanh tao, thoát tục, không vương nhơ bẩn của bụi trần, tâm hồn Tản Đà muốn hướng về những vẻ đẹp tuyệt đối, muôn giữ tâm hồn trong sạch của mình, tách biệt với cõi hồng ưần đầy tục lụy:
Có bầu có bạn can chi tui
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Lên cung trăng là để thưởng thức vẻ đẹp vĩnh hằng, những thú vui phong nhã với “phong hoa tuyết nguyệt” của tao nhân mặc khách. Tản Đà được dịp thả hồn phiêu diêu, trong cõi rộng lớn của đất trời, tiêu tao, tự tại như một vị khách tiên. Bởi lẽ ở cõi trần ông đã chán ngán tất cả: ‘
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi
Cám cảnh đời người phù du, cát bụi, danh lợi bon chen: “Hai mươi năm lẻ hoài cơm áo – Mà đến bây giờ,có thế thôi”. Vì vậy, làm bạn cùng chị Hằng là một cách giải thoát những cương tỏa, ràng buộc ấy.
Cảm hứng lên tiên lánh đời ấy càng bộc lộ con người Tản Đà, có bản lĩnh, có tài năng. Và đáng buồn hơn, ông ý thức được điều đó để rồi không chịu khép mình trong lề thói, nhưng cũng không dám vùng vẫy cho thỏa hùng tâm tráng chí, nên ông chỉ biết chìm đắm trong những cơn say, những chuyến lên trời ngất ngưởng cách biệt với trần thế. Tản Đà say để mà ngông, Tản Đà mộng để mà ngông. Ngông để đối lập với thực tại tầm thường, Vị “trích tiên” ấy trước kia đã bị đày xuống hạ giới vì tội ngông bây giờ lại mong mỏi lên cung trăng với Hằng Nga giai nhân, thỏa chí cùng mây nước.
Cái ngông, cái phong tình của thi sĩ đã dâng lên cực điểm. Đêm Rằm tháng Tám, là đêm trung thu đẹp nhất, chẳng còn buồn vị cô đơn nữa, thi sĩ được cùng chị Hằng:
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng Tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười
Cái cử chỉ “tựa nhau” và nụ cười ấy cũng là một giấc mộng đẹp. Thoáng một chút mỉa mai (cho trần thế) nhưng đầy thú vị được thoát li, được thỏa thích nơi cung quế. Câu thơ cuối bài là sự kết hợp hoàn hảo giữa cái “ngông” và lãng mạn của Tản Đà. Câu thơ phản ánh khao khát thoát tục để giữ thiên lương.
Cái “cười” ở đây của Tản Đà được mang nhiều ý nghĩa. Cười thể hiện niềm vui được thỏa mãn mơ ước lên cõi mộng tưởng. Cười vì nhà thơ thấy thế gian ông từ bỏ vẫn là trần tục tầm thường, buồn chán. Cười thể hiện sự mỉa mai, giễu cợt khi Tản Đà ở vị trí cao hơn cõi trần ông đang sống. Một nụ cười rất “ngông”, rất Tản Đà. Nhưng có lẽ đàng sau nụ cười ấy, lại là nỗi lòng nặng trĩu những ưu tư của một người dân đất Việt lầm than.
Ở bài thơ “Muốn làm thằng cuội”, mạch thơ lãng mạn, đa tình và ngông nghênh được đẩy lên cực điểm. Một ước muôn kiểu Phí Văn Vi thời xưa. Nhưng Phí Văn Vi cưỡi hạc vàng phiêu diêu trong cõi vô cùng của trời đất, để lại cho đời sau bao tiếc nuối, còn Tản Đà lại muốn để cho người đời chiêm ngưỡng cái cảnh mình tựa vai Hằng Nga và mỉm cười sảng khoái đắc chí trong ánh trăng huyền ảo, chơi vơi: khát vọng mãnh liệt đã trở thành hiện thực khiến Tản Đà cười vì được thoát khỏi thế giới phù sinh, xô bồ kia.
- Kết bài:
Bài thơ “Muốn làm thằng cuội” đã bộc lộ rõ cái tôi phóng khoáng của Tản Đà. Ông thoát lên tiên không phải là quay mặt lại với cuộc đời, hoàn toàn chối bỏ thực tại, trốn chạy vào cõi mơ huyền. Ông vẫn nhìn xuống thế gian, vẫn cười cợt chứng tỏ trong sâu thẳm tâm hồn ông vẫn còn đó một tình yêu quê hương đất nước, vẫn còn một cái “thiên lương” của một người dân đất Việt mà ông hăng tâm niệm: “chữ thiên lương thằng Hiếu nhớ”, không cuốn theo danh lợi tầm thương mà đánh mất “linh hồn cao khiết” của mình. Và điều đó khiến đời sau kính trọng.