Ý nghĩa bài thơ Nói với con của Y Phương
- Mở bài:
Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày và cũng là một trong những nhà thơ người dân tộc thiểu số hiếm hoi tham gia sôi nổi và thành công trong phong trào văn nghệ kháng chiến cứu nước. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng,cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi. Từ hiện thức khó khăn của đất nước, nhà thơ viết bài thơ Nói với con để tâm sự với chính mình, động viên mình, đồng thời để nhắc nhở con cái sau này dù có bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu thay đổi cũng phải biết sống ân tình, thủy chung với quê hương, đất nước mình.
- Thân bài:
Điều cha muốn nói vói con ngay từ đầu bài thơ đó là gia đình quê hương chính là nguồn cội sinh dưỡng thiêng liêng đối với mỗi con người.
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.
Người cha muốn nói với con rằng con lớn lên trong tình yêu thương, sự nâng đỡ của cha mẹ và sự đùm bọc của núi rừng quê hương. Hình ảnh “Chân phải bước tới cha / Chân trái bước tới mẹ / Một bước chạm tiếng nói / Hai bước tới tiếng cười” là cách nói cụ thể của người dân tộc. Qua những hình ảnh đó, Y Phương đã tạo được không khí gia đình đầm ấm. Từng bước chân, từng tiếng nói, từng tiếng cười của con đều được cha mẹ chăm chút, nâng niu. Những hình ảnh ấy gợi lên không khí đầm ấm vui vẻ trong mỗi gia đình Việt Nam khi có con nhỏ.
Người cha còn nói với con về người dân tộc miền núi – “người đồng mình” – đáng yêu lắm. Họ lao động cần cù, tươi vui và gắn bó với nhau (Đan cài hoa Vách nhà ken câu hát). Rừng núi quê hương mình thật tươi đẹp, con người miền núi mình sống có nghĩa có tình (Rừng cho hoa Con đường cho những tấm lòng). Con là con của cha mẹ, không chỉ lớn lên từ sự yêu thương của cha mẹ mà còn lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của quê hương núi rừng này.
Quê hương hiện ra qua hình ảnh của người đồng mình. Nói với con về những “người đồng mình”, nhà thơ như đang giới thiệu ân cần đây là những người bản mình, người vùng mình, người dân quê mình gần gũi, thân thương. Bằng những hình ảnh thơ đẹp, giản dị bằng cách nói cụ thể, độc đáo mà gần gũi của người miền núi, người cha muốn nói với con rằng: vòng tay yêu thương của cha mẹ, gia đình, nghĩa tình sâu nặng của quê hương làng bản. Đó là cái nôi đã nuôi con khôn lớn. Quê hương là cội nguồn sinh dưỡng của con. Mai này, dù con có đi đến đâu, con hãy khắc ghi điều đó.
Điều cha muốn dặn dò con: dù người đồng mình không bằng ai nhưng họ đã biết tự mình tạo nên những giá trị vĩnh hằng, rất đáng trân trọng và gìn giữ mãi mãi:
Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.
“Người đồng mình thương lắm con ơi” lặp lại như một điệp khúc ngân vang. Người đồng mình không chỉ là những con người giản dị, tài hoa trong cuộc sống lao động mà còn là những con người biết lo toan và giàu mơ ước. Người đồng mình đã từng vất vả, gian nan và khổ cực (“cao đo nỗi buồn”) và họ chưa bao giờ chùn bước trước gian nan thử thách (“xa nuôi chí lớn”). Vì vậy, người cha mong muốn con mình phải biết sống có tình nghĩa thủy chung với quê hương, làng bản, không được coi khinh dân tộc mình nghèo đói, lạc hậu. Dẫu sống trên đá cũng không được chê đá gập ghềnh, không được chê thung nghèo đói, không được tự ti về bản than mình. Lại phải biết chấp nhận và vượt qua gian nan thử thách như truyền thống của cha ông (“Sống như sông như suối…”)
Người cha dặn con rằng “người đồng mình” mộc mạc nhưng giàu chí khí, niềm tin. Chúng ta có thể tuy “thô sơ da thịt” nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn, ý chí. Chúng ta là những người đã dựng nên quê hương mình bằng sự lao động cần cù, nhẫn nại, bằng cả những phong tục tập quán tốt đẹp từ lâu đời (Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương Còn quê hương thì làm phong tục). Bởi vậy, cha mong con hãy tự hào về “người đồng mình”, sống xứng đáng với quê hương mình; hãy tự tin và vững bước trên đường đời “Không bao giờ nhỏ bé được / Nghe con”.
Lời “nói với con” ở bài thơ này càng có ý nghĩa hơn đối với trường hợp con em các dân tộc miền núi Nên nhưng lại tự ti, cảm thấy mình yếu kém. Hoặc là những người rời khỏi bản làng một thời gian đã mất gốc, sống đua đòi, quên đi nguồn cội của mình, quên đi truyền thống tốt đẹp của người miền núi.
Bài thơ ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người đồng mình, cha mong con sống có tình nghĩa với quê hương, phải giữ đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của cha ông từ bao đời để lại. Hơn nữa, con phải biết chấp nhận gian khó và vươn lên bằng ý chí của mình. Người cha muốn con hiểu và cảm thông với cuộc sống khó khăn của quê hương, tự hào về truyền thống quê hương, tự hào về dân tộc để vững bước trên con đường đời, để tự tin trong cuộc sống.
Giọng thơ thiết tha, trìu mến nhưng lại trang nghiêm. Các hình ảnh thơ cụ thể mà có tính khái quát, mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ. Lời cha dìu dặt tựa như một khúc ca nhẹ nhàng mà âm vang sẽ là hành trang đi theo con suốt cuộc đời. Có lẽ, đó sẽ là một bài học, một lời tâm niệm bổ ích cho các bạn trẻ – bài học về niềm tin,nghị lực, ý chí vươn lên.
- Kết bài:
Qua lời nhắn nhủ với con, Y Phương muốn truyền lại cho thế hệ trẻ bây giờ niềm tự hào về cội nguồn và truyền thống dân tộc, gửi gắm vào họ cả niềm tin và khát vọng. Con em các dân tộc ít người ở miền núi sẽ có ý chí vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng với truyền thống của các ông. Từ tiếng lòng của nhà thơ Y Phương, bạn đọc ngày nay càng hiểu thêm, yêu mến thêm người miền núi bởi ở họ có vẻ đẹp tâm hồn rất đáng trân trọng. Tiếng lòng của nhà thơ còn gợi nhắc mọi người tình cảm gắn bó với quê hương, xứ sở của mình và ý chí vươn lên trong cuộc sống.