Chứng minh: “Đây thôn Vĩ Dạ” là một bài ca về tình quê tha thiết
- Mở bài:
Hàn Mặc Tử là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời Thơ mới. Ông đến muộn nhưng in dấu sâu đậm trên thi đàn bằng những lời thơ hết sức kì dị, khác thường nhưng cuốn hút, không thể nào quên được. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là sáng tác tiêu biểu nhất, trong sáng nhất của hồn thơ Hàn Mặc Tử. Nhận định về bài thơ này, có ý kiến cho rằng bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là một bài ca về tình quê. Không cần phải bàn cãi vì phủ xanh bài thơ là cảnh vật thiên nhiên thơ mộng của xứ Huế, nơi có dòng sông Hương êm đềm, có thôn Vĩ mướt xanh, có “nàng thơ” biết bao thương nhớ. Tình quê ấy, có lẽ cũng sâu nặng, tha thiết biết chừng nào.
- Thân bài:
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, trong nhận định về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ từng viết: “Thơ không cần nhiều từ ngữ, nó cũng không quan tâm đến hình xác sự sống. Nó chỉ cần cảm nhận và chuyển đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn thi sĩ”. Quả thực, điều ấy thật đúng đắn. Hàn Mặc Tử không cần nói nhiều hay nói rõ cái tình ẩn chứa mà trong lời thơ cũng man mác cái tình ấy. Thơ đâu cần phải nói rõ, nhà thơ có thể nói nửa vời, nửa như muốn tâm sự, nửa như muốn giấu kín, ấy vậy mà người đọc hiểu cả, hiểu hết, hiểu tường tận.
Mở đầu bài thơ, Hàn Mặc Tử vẽ nên bức tranh thiên nhiên và con người Vĩ Dạ hiện lên mặc dù chỉ là trong trong tâm tưởng của thi nhân nhưng nó rất tươi sáng:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
Đây là câu hỏi mà nhà thơ hỏi chính mình, hỏi để khẳng định: về Vĩ Dạ, thăm lại chốn cũ người xưa là điều vô cùng thú vị. Câu hỏi mang sắc thái lời mời, lời trách, lời nhắc nhở trong câu hỏi, ta bắt gặp chất giọng ngọt ngào của xứ Huế được khắc họa rất thành công. Lời thơ đưa đầu ta về với làng quê Vĩ Dạ thân thương. Đó là một làng nhỏ nằm ở bờ Nam sông Hương cách tư tâm thành phố Huế bằng những hình ảnh tản bộ. Từ xưa, Vĩ Dạ đã nổi tiếng với vẻ đẹp trầm lắng thanh tao của kiến trúc nhà vườn – những ngôi nhà xinh xinh như những bài thơ tư tuyệt ẩn hiện trong màu xanh lá không phải ngẫu nhiên.
Ba câu thơ tiếp theo tập trung khắc họa cảnh vườn – nét đặc sắc riêng của không gian Vĩ Dạ:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.
Câu thơ có hai chữ “nắng”, chữ “nắng” sau bổ sung và làm rõ nét nghĩa cho chữ nắng trước: “Nắng mới lên” là nắng mới bắt đầu cho một ngày. Ở thời điểm đó, những sắc xanh vừa mới được hồi sinh bóng tối đón nhận ánh nắng mới lên của bình minh thanh tân khôi.
“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” là câu thơ không có gì đặc sắc tân kỳ lắm về mặt sáng tạo hình ảnh và từ ngữ, nhưng càng nghĩ càng thấy tả những vườn cây tươi tốt, xum xuê của Vĩ Dạ cũng chỉ có thể nói như thế mà thôi. Mỗi ngôi nhà ở Vĩ Dạ, nói chung ở Huế, được gọi là những nhà vườn. Vườn bọc quanh nhà, gắn với ngôi nhà xinh xinh thường là nhà trệt, thành một cấu trúc thẩm mĩ chặt chẽ.
Chữ “mướt” nói lên trạng thái óng ả mượt mà của cây lá đang độ phát triển non tơ. Một từ “quá” ở liền đó đã đẩy cảnh của nhân vật chữ tình lên đến độ cao nhất của cao trào gợi vườn thôn Vĩ Dạ như một viên ngọc không chỉ vời vợi sắc xanh mà còn tỏa vào không gian những sắc xanh:
Những cây cảnh và cây ăn quả đều xanh tốt mơn mởn và sạch sẽ, dường như được cắt tỉa, lau chùi, mài giũa thành những cành vàng lá ngọc. Sự ví von ở đây được nâng lên theo hướng cách điệu hoá. Đã gọi là cách điệu hóa thì không nên hiểu theo nghĩa tả thực, tuy rằng cách điệu hoá cũng xuất phát từ sự thực: thấp thoáng đằng sau những hàng rào xinh xắn, những khóm trúc, có bóng ai đó kín đáo, dịu dàng, phúc hậu:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Nét tài của thi sĩ đã gợi ra vẻ đẹp hài hòa gợi cảm: lá trúc (thanh), mặt chữ điền (vuông vức). Câu thơ còn gợi ra một quan niệm về cảnh đẹp đậm chất Á Đông: cảnh đẹp là sự hài hòa giữa người và thiên nhiên. “mặt chữ điền” là một biểu tượng phúc hậu có từ thuở ca dao:
“Mặt em vuông tượng chữ điền
Da em thì trắng áo đen mặc ngoài”.
Bài thơ đục gợi hứng từ tấm bưu thiếp của nàng Hoàng Cúc, một người con gái mà Hàn Mặc Tử đơn phương thương nhớ suốt bao nhiêu năm tháng. Tấm bưu thiếp và lời hỏi thăm cố nhân ấy với Hàn Mặc Tử thực sự là thuốc tiên dược để kẻ bất hạnh được nhìn đời bằng con mắt yêu đời khiến cái gì cũng biếc rờn, tươi non tràn đầy sức sống. Vĩ Dạ trở thành tín hiệu của cuộc đời trần thế ấm lòng tình người, về Vĩ Dạ là về với cuộc đời Ẩn chứa bên trong bức tranh phong cảnh tươi đẹp là nỗi buồn man man. Đầu từ “ai” (trong “vườn ai”) gợi một vẻ đẹp quá tầm tay, hành trình về Vĩ Dạ trở thành hành trình không thể thực hiện được chữ điền)
Bức tranh về trời mây sông nước xứ Huế có gió, mây, dòng sông, hoa bắp, con thuyền, ánh trăng lần lượt hiện lên ở khổ thơ thứ hai:
“Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay? “
Cảnh sông nước mang nỗi buồn li tán. Gió mây đôi ngả. Thi sĩ lãng mạn vốn nhạy cảm với sự chia li Hàn Mạc Tử trong cảnh ngộ riêng của mình đã thấy: sự chia li can thiệp vào những thứ vốn không thể chia li. Câu thơ đầu cho thấy: chữ “gió” đóng khung gió, hai chữ “mây” đóng khung mây, giữa gió và mây là hai sự chia lìa cách trở. Giờ đây chỉ còn dòng nước buồn thiu, nỗi buồn nhẹ nhàng sâu lắng, lặng vào tâm tưởng và chứa cả nỗi chán chường. Hoa bắp với màu sắc ảm đạm và động thái lay, gợi sự sống yếu ớt càng góp thêm vào cái u buồn sông nước.
Cái tinh tế ở đây tả làn gió thổi rất nhẹ, không đủ cho mây bay, không đủ cho nước gợn, nhưng gió vẫn run lên nhè nhẹ cho hoa bắp lay. Tất nhiên đây phải là cảnh sông Hương chảy qua Vĩ Dạ lững lờ trôi về phía cửa Thuận. Đúng là nhịp điệu của Huế rồi. Hai câu tiếp theo đầy trăng. Cảnh trong kỷ niệm nên cảnh cũng chuyển theo lôgic của kỷ niệm. Cảnh sông Hương không gì thơ mộng hơn là dưới ánh trăng – Hàn Mặc Tử cũng không mê gì hơn là mê trăng. Trăng trở thành nhân vật có tính huyền thoại trong nhiều bài thơ của ông. Ánh trăng huyền ảo tràn đầy vũ trụ, tạo nên một không khí hư ảo, như là trong mộng.
Cõi nhân gian ăm ắp sự sống, biên biếc sắc màu đã nhường chỗ cho một vũ trụ lạc điệu, hiu hắt, vô sai, vẽ của tâm trạng tăm tối u buồn: thân bệnh – tâm bệnh. Đây chính là thực trạng thân phận của thi sĩ. Khi nghệ sĩ lãng mạn buồn đời mà không chán đời: không tìm thấy sự đồng điệu trong cõi thực, nhà thơ đi tìm sự hài hòa trong cõi mộng:
“Thuyền ai chở bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
Những chi tiết thực (thuyền, sông, trăng) đã góp phần tạo lên cảnh ảo: một con thuyền, một dòng sông tràn ngập ánh trăng, vạn vật như rũ bỏ hết màu sắc đường nét phàm trần để thấm đẫm ánh trăng. Phải ở trong mộng thì sông mới có thể là “sông trăng” và thuyền mới có thể “chở trăng về” như một du khách trên sông Hương… Hình ảnh thuyền chở trăng không gì mới, nhưng “sông trăng” thì có lẽ là của Hàn Mặc Tử.
Giọng thơ nhẹ nhàng nhưng thoáng buồn. Người đọc có thể cảm nhận được nhịp điệu khoai thai Nam Ai, Nam Bình nhờ điệp ngữ luyến láy của những dòng thơ. Việc dùng từ “buồn thiu” một cách tinh tế cho thấy, Hàn Mặc Tử đã gắn bó sâu sắc với mảnh đất nên thơ, trữ tình, man mác buồn. Phải là người Huế, phải sống ở Huế lâu năm, phải gắn bó máu thịt với con người và mảnh đất Cố Đô thì mới cảm nhận hết nỗi buồn được gửi trong hai từ “buồn thiu”, cách nói của người Huế.
Đến khổ thơ cuối, cảnh vật và con người dường như đi vào hư ảnh, chỉ còn niềm nhơ thương, tiếc nuối, vô vọng:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Những người con gái trong thơ Hàn Mặc Tử bao giờ cũng hiện thân cho vẻ đẹp tuyệt đỉnh của trần thế. Ở khổ thơ này cũng tập trung vào hình ảnh của thiếu nữ. Hình ảnh gần gũi thân thương của “em” đã trở thành nhân cách, xa vời, hư ảo. Để rồi tất cả chỉ còn lại trong: “Áo em trắng quá nhìn không ra”
Bởi áo em trắng quá hay tình em xa quá, anh không với tới được? Câu thơ đọc lên nghe xót xa vô cùng. Và vì vậy, không gian trả về cho người đọc khói sương hư ảo, chỉ thấy bóng hình trong mờ mịt, không còn thấy nhân ảnh nữa. Giữa anh và nơi ấy là khoảng cách của sương khói: sương khói không gian, thời gian sương khói của mối tình vô vọng. Ở câu thơ cuối hai đại từ “ai” chỉ hai người trong mối quan hệ khăng khít. Tín hiệu tình người có nhưng chưa đủ để cứu rối linh hồn, nhất là những linh hồn bất hạnh. Nhà thơ mong cái tuyệt đỉnh của tình người: đậm đà. Câu thơ có chút hờn giận nhẹ nhàng, có phủ bòng hoài nghi và trên hết là sự ghi nhận một tấm lòng.
- Kết bài:
Có thể nói những hình ảnh thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ đã nói lên được thần thái của xứ Huế nhưng đồng thời đây cũng là những hình ảnh giản dị quen thuộc tồn tại ở bất cứ vùng quê nào trên đất nước Việt Nam. Bức tranh “quê” trong Đây thôn Vĩ Dạ hiện ra có cái cao cái thấp, có cái xa cái gần, có cái thực cái ảo…rất Huế nhưng cũng rất Việt Nam. Nếu không có tình yêu với Vĩ Dạ, nếu không có sự nặng lòng với quê hương thì làm sao thi nhân có thể có được một bức tranh “quê”, chân thực, sống động, tha thiết và giàu màu sắc đến như thế.
- Phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của nhà thơ Hàn Mặc Tử
- Chứng minh: bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là một bài ca về tình yêu đơn phương.