Chứng minh: Nguyễn Du miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân và Thúy Kiều là ngầm dự báo về số phận mỗi người
- Mở bài:
Quân tử đa truân, hồng nhan bạc phận không những thường xảy ra mà đã thành câu cửa miệng của người đời. Có thể nói, trong “Truyện Kiều”, dưới ngòi bút miêu tả bậc thầy của thiên tài Nguyễn Du, mỗi nhân vật dù chính diện hay phản diện đều hiện lên với một chân dung hết sức sinh động, đồng thời tuân thủ theo quan niệm nhân sinh nghiệt ngã ấy. Đó là Kim Trọng “phong lưu tài mạo tót vời”, là Từ Hải “râu hùm hàm én, mày ngài”, là Mã Giám Sinh “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”, là Hồ Tôn Hiến “lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”… Đặc biệt, nổi bật trong số đó là bức chân dung chị em Thúy Kiều. Cách miêu tả bức chân dung của Thúy Kiều và Thúy Vân phải chăng Nguyễn Du đã ngầm dự báo về tương lai của hai nàng?
- Thân bài:
Mở đầu đoạn trích “Chị em Thuý Kiều”, Nguyễn Du giới thiệu khái quát về hai chị em Thuý Kiều. Lời giới thiệu cũng chính là một lời ca ngợi :
“Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”.
Bằng bút pháp ước lệ, tác giả đã gợi tả vẻ đẹp duyên dáng, thanh cao, trong trắng của người thiếu nữ. Đó là vẻ đẹp của “cốt cách”, dáng vẻ thanh tú như cành mai ; là vẻ đẹp của “tinh thần” trong trắng, thanh khiết như tuyết. Câu thơ: “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” đã khẳng định sự hoàn mĩ, hơn người của hai nàng và ý thức lý tưởng hoá cao độ vẻ đẹp người con gái của nhà thơ.
Sau lời giới thiệu chung, lẽ ra theo đúng trật tự nghi lễ phong kiến, tác giả phải giới thiệu Thuý Kiều trước. Nhưng ở đây, Nguyễn Du lại bắt đầu bằng việc gợi tả vẻ đẹp Thuý Vân :
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.”
Nguyễn Du đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên có vẻ đẹp đặc biệt trong trắng, rực rỡ, vững bền để miêu tả vẻ đẹp của Thuý Vân như: “khuôn trăng”, “hoa cười”, “ngọc thốt”, “mây tuyết”… Nhà thơ nhấn mạnh tính chất “trang trọng, đoan trang” của vẻ đẹp Thuý Vân. Khuôn mặt nàng đầy đặn, phúc hậu tựa trăng rằm ; lông mày cong, đậm ; miệng cười tươi như hoa nở ; tiếng nói trong trẻo như ngọc rung; mái tóc đen óng, mượt mà hơn mây, làn da trắng mịn màng hơn tuyết. Nét nào ở Thuý Vân cũng hoàn hảo hơn những vẻ đẹp vốn có trong thiên nhiên, trời đất. Nhưng điều quan trọng là, vẻ đẹp ấy luôn tạo được sự hoà hợp, êm ấm với xung quanh, báo trước một cuộc đời bằng phẳng, suôn sẻ. Chỉ với 4 câu thơ, Nguyễn Du đã vẽ nên một chân dung Thuý Vân với những dự cảm về số phận nhân vật.
Thuý Vân đã đẹp, nhưng Thuý Kiều còn đẹp hơn. Để thể hiện vẻ đẹp, tài năng của nàng Kiều, tác giả đã dùng đến 12 câu thơ :
“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn”
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước, nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai”
Ấn tượng chung về bức chân dung này là vẻ đẹp “sắc sảo mặn mà” – một vẻ đẹp nổi bật, có sức hấp dẫn, cuốn hút mạnh mẽ. Nếu miêu tả Thuý Vân, Nguyễn Du đã dừng ở nhiều chi tiết trên khuôn mặt nàng, thì ngược lại, khi tả Thuý Kiều tác giả chỉ tập trung vào đôi mắt. Đôi mắt là phần gợi cảm nhất, phần hồn của khuôn mặt. Đôi mắt thể hiện sự tinh anh của trí tuệ. Đôi mắt Kiều được ví như làn nước mùa thu biếc xanh thăm thẳm. Nét lông mày thanh tú càng tôn thêm vẻ đẹp sâu thẳm của đôi mắt. Nguyễn Du đã thực sự công phu, tinh vi trong việc đặc tả đôi mắt – nơi thể hiện cái sắc sảo của trí tuệ, cái mặn mà của tâm hồn Thuý Kiều. Bằng sự lựa chọn đó, thi hào đã làm nổi bật chân dung nhân vật mà ông trân trọng và yêu thương nhất.
Vẻ đẹp của Thuý Vân khiến mây “thua”, tuyết “nhường”, nhưng vẻ đẹp của Kiều thì khiến hoa phải “ghen”, liễu phải “hờn”. Tuy là ước lệ, nhưng những hình ảnh trên cũng đủ gợi cho người đọc ấn tượng mạnh mẽ về vẻ đẹp của một giai nhân tuyệt thế.
Không chỉ đẹp, Kiều còn rất đa tài :
“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi hoạ, đủ mùi ca ngâm
Cung thương, làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên “bạc mệnh” lại càng não nhân”.
Kiều vốn là người thông minh. Chính năng lực ấy là sức mạnh gìn giữ vẻ đẹp và nhân cách, nhân phẩm của nàng trong nghịch cảnh đầy trái ngang.
Theo quan niệm thẩm mỹ phong kiến, người tài là người hội đủ cả bốn khả năng: cầm, kỳ, thi, hoạ. Nếu vậy, có thể nói tài năng ở Kiều đã đạt tới mức lý tưởng theo quan niệm ấy. Nàng biết làm thơ, vẽ tranh, biết ca ngâm, thành thạo âm nhạc và đặc biệt ở lĩnh vực nào cũng xuất sắc hơn người. Tài thơ của nàng khiến cho Đạm Tiên phải thốt khen :
“Ví đem vào tập Đoạn trường
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai.”
Tài đàn của nàng làm cho chàng Kim, một con người “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” cũng phải “ngơ ngẩn”. Khúc “Bạc mệnh” do chính nàng soạn làm cho người nghe buồn thương rơi lệ. Tiếng đàn ấy cũng chính là tiếng lòng của một trái tim nhạy cảm, đa sầu, đa cảm.
Có thể nói, vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp hài hoà giữa sắc và tài. Vẻ đẹp hoàn hảo “mười phân vẹn mười” khiến tạo hoá cũng phải ghen ghét. Trong quan niệm xưa, vẻ đẹp thiên nhiên vốn được xem là chuẩn mực, là thước đo vẻ đẹp con người. Đến Nguyễn Du, chuẩn mực đó dường như quá chật hẹp so với vẻ đẹp của con người. Thế nên ông mới miêu tả sự đố kị của tạo vật trước vẻ đẹp nàng Kiều (“hoa ghen”, “liễu hờn”). Đó cũng chính là sự sắc sảo của Nguyễn Du. Sự đố kị của thiên nhiên dự báo một cuộc đời đầy sóng gió, giông bão đang đón đợi Kiều. Khúc “Bạc mệnh” ai oán được phổ bởi chính tay nàng giữa tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất báo hiệu một số phận éo le, đau khổ của kiếp hồng nhan. Bởi vậy miêu tả vẻ đẹp của chị em Thuý Kiều, Nguyễn Du qua đó còn muốn gợi tả tính cách, dự báo số phận, thân phận của mỗi người sau này.
Trình tự miêu tả nhân vật của Nguyễn Du mang đầy dụng ý. Trước hết tác giả miêu tả Thuý Vân – một bức chân dung đẹp tưởng không còn vẻ đẹp nào hoàn hảo hơn. Đến Thuý Kiều, mặc dù cũng gợi tả bằng vài hình ảnh ước lệ và đặc tả đôi mắt, tài năng “vốn sẵn tính trời” của nàng, thế nhưng dường như bức chân dung Thuý Vân đã trở nên khiêm nhường trước bức hoạ nàng Kiều. Đó là nghệ thuật đòn bẩy, “hoạ mây lẩy trăng” đầy tài tình của tác giả. Mặt khác, gợi tả tài sắc chị em Thuý Kiều, Nguyễn Du trân trọng, đề cao vẻ đẹp toàn vẹn, lí tưởng của con người – tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo nhất của tạo hoá. Nó mang đậm cảm hứng ngưỡng mộ, ngợi ca của thi hào Nguyễn Du.
Thế nhưng, cuộc đời thật nghiệt ngã. Những gì tươi đẹp lại thường có số phận hẩm hiu, kẻ tài sắc thường mang lấy tai ương, vận nạn. Rõ rằng: hoa thường hay héo, cỏ thường tươi. Cảm thức được điều đó, Tô Đông Pha từng thốt lên rằng:
Xưa nay giai nhân thường mệnh bạc,
Cửa kín xuân tàn hoa rụng rơi.
Thúy Kiều mang vẻ đẹp hơn người, điều đó thật đáng quý. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại đó là sắc đẹp của nàng đạt đến bực ngoại hạng, trác việt, xưa nay chưa từng có và mãi mãi về sau cũng không thể có. Có thể xem sắc đẹp và tài năng, trí tuệ của nàng là báu vật ở trên đời. Trong khi đó, gia thế của nàng thì không tương xứng. Điều đó tạo ra một mối nguy lớn, kẻ có tiền, có quyền sẽ nhòm ngó đến sắc đẹp ấy và ra mưu chiếm đoạt. Kẻ phàm phu thường mê dục, háo sắc, tránh sao được con mắt của người đời. Khởi đầu tai hoạ đối với Thúy Kiều và gia đình nàng, phải chăng cũng vì vẻ đẹp phi thường của nàng mà ra?
Mặt khác, trọng đức hơn trọng sắc là một thực tế kéo dài trong xã hội phong kiến ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Giáo sư Trần Đình Hượu từng nhận xét: “Các nhà nho cho sắc đẹp là một thứ của làm nước mất nhà tan, một điềm bất tường. Gia đình xã hội đề cao người con gái nết na đoan trang (phù hợp với Thúy Vân) chứ không đề cao sắc đẹp (như Thúy Kiều vì quá đẹp thành ra không phù hợp). Cuộc đời lưu lạc của Thuý Kiều thể hiện những triết lý của Nguyễn Du về thuyết “hồng nhan bạc phận” nhưng ta có thể nhận thấy sự đồng cảm và bênh vực của thi nhân đối với những người phụ nữ nhan sắc. Nguyễn Du viết về người phụ nữ tài sắc bằng con mắt thoát ly với định kiến thong thường của xã hội phong kiến và mang tầm tư tưởng nhân đạo cao cả. Viết về Kiều, dù cuộc đời lưu lạc của nàng đầy cay đắng nhưng ông không gợi cho người đọc nàng là một kỹ nữ đáng khinh miệt mà Nguyễn Du luôn đứng trên lập trường bảo vệ nhân phẩm và cảm thông tri âm với nàng.
- Kết bài:
Nhân vật là hình thức khái quát đời sống, là nơi bộc lộ quan điểm của nhà văn về con người. Nhân vật Thuý Vân, Thuý Kiều không chỉ chuyển tải được những chức năng ấy, mà cao hơn đã trở thành điển hình nghệ thuật, chuẩn mực của văn học trung đại. Liệu còn bức chân dung nào “đoan trang” trong sáng hơn Thuý Vân, đẹp đẽ và toàn bích hơn Thuý Kiều nữa chăng?
- Cảm nhận đoạn trích Chị em Thúy Kiều (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)
- Cảm nhận vẻ đẹp của Thúy Kiều qua đoạn thơ: Kiều càng sắc xảo mặn mà…
- Cảm nhận vẻ đẹp của Thúy Vân qua 4 câu thơ: Vân xem trang trọng khác vời...