co-so-tao-nen-tinh-dong-chi-o-bai-tho-dong-chi

Cơ sở tạo nên tình đồng chí ở bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

Cơ sở tạo nên tình đồng chí ở bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

  • Mở bài:

Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu là một trong những tác phẩm xuất sắc viết về đề tài người lính thời kì đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Xuất phát từ những cảm xúc chân thực và tình cản yêu nước sâu sắc, Chính Hữu tìm cách lí giải những cơ sở hình thành nên tình đồng chí, đồng đội keo sơn, thắm thiết của người lính.

  • Thân bài:

Ở đoạn đầu, với 7 câu tự do, dài ngắn khác nhau, có thể xem là sự lý giải về cơ sở tạo nên tình đồng chí, đồng đội của những người lính. Mở đầu bằng hai câu đối nhau rất chỉnh :

“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”

Hai câu thơ đầu tiên giới thiệu quê hương “anh” và “tôi” – những người lính xuất thân là nông dân. “Nước mặt đồng chua” là vùng đất ven biển nhiễm phèn khó làm ăn, “đất cày lên sỏi đá” là nơi đồi núi, trung du, đất bị đá ong hoá, khó canh tác. Hai câu chỉ nói về đất đai – mối quan tâm hàng đầu của người nông dân, cho thấy sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân nghèo khó là cơ sở sự đồng cảm giai cấp của những người lính cách mạng.

“Anh với tôi đôi người xa lạ
Từ phương trời chẳng hẹn quen nhau”

Từ “tôi” chỉ hai người, hai đối tượng chẳng thể tách ròi nhau kết hợp vói từ “xa lạ” làm cho ý xa lạ được nhấn mạnh hơn. Từ những phương trời xa xôi tuy chẳng quen nhau nhưng ở họ có cùng một nhịp đập của trái tim, cùng tham gia chiến đấu, giữa họ đã nảy nở một tình cảm cao đẹp: Tình đồng chí. Tình cảm ấy không phải chỉ là cùng cảnh ngộ mà còn là sư gắn kết trọn vẹn cả về lý trí, lẫn lý tưởng và mục đích cao cả: chiến đấu vì độc lập, tự do của tổ quốc.

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăng thành đôi tri kỷ”

Tình đồng chí cao đẹp ấy còn được ươm mầm và trở nên bền chặt trong lối sống chan hoà, chia sẻ mọi gian lao, thiếu thốn, niềm vui, nỗi buồn. Đó là mối tình tri kỷ của những người ban chí cốt được biểu hiện bằng hình ảnh cụ thể, giản dị mà hết sức gợi cảm: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”. “Chung chăn” có nghĩa là chung cái khắc nghiệt, khó khăn của cuộc đời người lính, chia sẻ cuộc sống thiếu thốn, nhất là chung hơi ấm để vượt qua cái lạnh, mà sự gắn bó là thành thật với nhau. Câu thơ đầy ắp kỷ niệm và ấm áp tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng. Từ “chung” nhưng bao hàm nhiều ý: chung cảnh ngộ, chung giai cấp, chung chí hướng, chung một khát vọng…

Nhìn lại cả 7 câu thơ đầu những từ ngữ nói về người lính ta thấy rõ một sự vận động của tình cảm con người. Đầu tiên là “anh” và “tôi” trên từng dòng thơ như một kiểu xưng danh khi mới gặp gỡ, dường như vẫn là hai thế giới riêng biệt. Rồi “anh” với “tôi” trong cùng một dòng, đến “đôi người” nhưng là “đôi người xa lạ”, và rồi đã biến thành đôi tri kỷ – một tình bạn keo sơn, gắn bó. Và cao hơn nữa là đồng chí. Như vậy, từ rời rạc riêng lẻ, hai người đã dần hòa nhập thành chung, thành một, khó tách rời.

Có thể thấy, cơ sở tạo nên tình đồng chí, đồng đội của những người lính trước hết, họ cùng chung lớp người nghèo khó, bị thực dân tước mất quyền làm người, quyền sinh tồn, đẩy họ vào tình thế phải đối kháng. Thứ hai, ở họ có tình yêu nước sâu đậm, quyết không khuất phục kẻ thù xâm lược. Thứ ba, họ là những người có trái tim giàu lòng yêu thương, biết sẻ chia, nâng đỡ, động viên, gắn bó, cùng chia ngọt sẻ bùi để vượt qua gian lao, thử thách, thực hiện lý tưởng cao đẹp. Ở họ là một ý chí chiến đấu kiên cường. Không tiếc máu xương, họ đã đã chấp nhận sống vì đất nước, vì cuộc sống hòa bình của dân tộc.

Hai tiếng “Đồng chí!” kết thúc khổ thơ thật đặc biệt, sâu lắng. Chỉ với hai chữ “Đồng chí’ và dấu chấm cảm, tạo một nét nhấn như một điểm tựa vững vàng. Nó vang lên như một phát hiện, một lời khẳng định đinh ninh, một tiếng gọi tràn đầy xúc động từ trong tim, lắng đọng trong lòng người về hai tiếng thiêng liêng ấy. Câu thơ như một bản lề gắn kết hai phần bài thơ làm nổi rõ một kết luận: họ có cùng hoàn cảnh xuất thân, cùng cảnh ngộ, cùng lý tưởng thì trở thành đồng chí của nhau. Đồng thời nó cũng mở ra vẻ đẹp tình đồng chí của người lính thiêng liêng ở đoạn sau của bài thơ.

  • Kết bài:

Không có tiếng tiếng súng nhưng người đọc vẫn cảm nhận rất rõ ràng sự khốc liệt của cuộc chiến. Hình tượng người lính cũng được khắc họa đậm nét qua những biểu tượng giàu sức gọi tả. Thành công của Chính Hữu trong bài thơ “Đồng chí” chính là ở chỗ nói những điều bình dị để lộ rõ cái phi thường của người lính. Bởi thế, dù trải qua thời gian, bài thơ vẫn còn sức gợi đối với người đọc hôm nay.


Bài tham khảo:

Trình bày những cơ sở hình thành nên tình đồng chí ở bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

  • Mở bài:

Chính Hữu viết bài thơ Đồng chí năm 1947. Lúc ấy, lực lượng kháng chiến của ta mới hình thành và chiến đấu trong thời gian ngắn. Không những các chiến sĩ giải phóng phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng thiếu thốn mà lực lượng cũng chưa lớn mạnh. Bài thơ Đồng chí ra đời kịp thời, đúng lúc củng cố và khẳng định sự gắn kết bền chặt trong nhiệm vụ chiến đấu, chiến thắng kẻ thù của quân và dân ta thời kì đầu kháng chiến chống Pháp. Đoạn thơ đầu, tác giả lí giải những cơ sở tạo nên tình đồng chí của người lính.

  • Thân bài:

Mở đầu bài thơ, tác giả đi vào giới thiệu cảnh ngộ xuất thân của những người chiến sĩ:

Quê hương anh nước mặt đồng chua
Làng tôi nghèo cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Thành ngữ “nước mặn đồng chua” và hình ảnh “đất cày lên sỏi đá” đã gợi lên hình ảnh làng quê lam lũ, cực nhọc của những miền quê nghèo khó. Họ xuất thân từ những người nông dân chân lấm tay bùn, tần tảo với đồng ruộng.  Chính sự đồng cảm về giai cấp đã khiến cho họ từ mọi miền đất nước: từ đồng bằng tới miền núi trung du, từ những phương trời xa lạ đã nhanh chóng trở nên thân quen. Chính tình yêu nước, ý chí chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù giải phóng đất nước là điều kiện để họ gặp gỡ nhau nơi chiến tuyến. Từ xa hóa gần, từ lạ thành quen. Đó là một sự vận động kì diệu. Không sức mạnh nào khác tạo nên sự kì diệu ấy ngoài tình yêu tổ quốc, lí tưởng cách mạng và nhiệm vụ chiến đấu chống kẻ thù.

Vì lí tưởng cao đẹp, mục đích lớn lao, người lính cảm thấy bản thân mình hòa hợp trong một tập thể lớn, cùng kề vai sát cánh trong chiến đấu, cùng chia ngọt sẻ bùi, tương trợ, gắn kết với nhau để có thể hoàn thành nhiệm vụ với đất nước. Ngay từ những ngày đầu ở thao trường, họ đã gắp bó với nhau:

Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!

Với cấu trúc sóng đôi của câu thơ, ta như hiểu được điều tác giả muốn nói: họ không chỉ cùng một mục đích chiến đấu “súng bên súng” mà còn sống chung lí tưởng “đầu sát bên đầu”. Những người chiến sĩ ấy còn biết san sẻ cho nhau hơi ấm đồng động. “Đêm rét chung chăn” gợi cho người đọc cảm giác ấm cúng của tình đồng đội, nghĩa đồng bào, chứ không đơn thuần kể lể cái nghèo cái rét.

Cái tấm chăn mỏng ấm áp tình tri kỉ, tình đồng chí ấy mãi mãi là một kỉ niệm đẹp đối với người lính thời chinh chiến không bao giờ có thể quên được:

Ôi núi thẳm rừng sâu
Trung đội cũ về đâu
Nơi đây chăn giá ngắt
Nhớ cái rét ban đầu
Thắm mối tình Việt Bắc.

(Thâm Tâm – Chiều mưa đường số 5)

Câu thơ “Đồng chí!” khép lại đoạn mở đầu thật lạ, thật ngắn gọn. Đó không chỉ là tiếng xưng hô thiêng liêng, trang nghiêm; đó còn là tiếng lòng của những người nông dân mặc áo lính vừa được gắn bó với nhau trong chiến tranh vệ quốc. Tình đồng chí là kết tinh độ cao của tình người, tình bạn….

Tác giả đã xây dựng những câu thơ sóng đôi, đối xứng nhau để diễn tả sự gắn bó, sẻ chia; tương đồng về cảnh ngộ: “quê hương anh – làng tôi”; “anh với tôi”; “súng bên súng, đầu sát bên đầu” là cơ sở để hình thành nên tình đồng chí cao đẹp, thiêng liêng. Cơ sở hình thành tình đồng chí bắt nguồn từ việc chung hoàn cảnh xuất thân, hoàn cảnh chiến đấu, sự sẻ chia, đồng cảm thiếu thốn vật chất trong chiến đấu.

Giọng điệu sâu lắng, trữ tình, lời thơ, hình ảnh giản dị, như không hề có sự trau chuốt về ngôn ngữ, không tìm thấy ở đây những từ ngữ sáo rỗng. Ta lại bắt gặp hình ảnh người vệ quốc năm nào qua nỗi “Nhớ” của người thi sĩ Hồng Nguyên.

Lũ chúng tôi
Bọn người bản xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “một – hai”
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài…

  • Kết bài:

“Đồng chí” là một trong số những bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Chính Hữu và cũng là của nền thơ kháng chiến. Bài thơ lí giải cơ sở hình thành tình đồng chí, đồng thời ngợi ca sức mạnh của tình đồng chí, làm sống lại một thời khổ cực của cha anh ta, làm sống lại chiến tranh ác liệt. Bài thơ khơi gợi lại những kỉ niệm đẹp, những tình cảm tha thiết gắn bó yêu thương mà chỉ có những người đã từng là lính mới có thể hiểu và cảm nhận hết được.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang