dan-bai-phan-tich-bai-tho-khoc-duong-khue-nguyen-khuyen

Dàn bài phân tích bài thơ “KHÓC DƯƠNG KHUÊ” (Nguyễn Khuyến)

Dàn bài phân tích bài thơ “KHÓC DƯƠNG KHUÊ” (Nguyễn Khuyến)

  • Mở bài:

– Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, quê Hà Nam. Dương Khuê sinh năm 1839, quê Hà Sơn Bình, là bạn thân của Nguyễn Khuyến. Hai người kết bạn từ thuở thi đậu, Nguyễn Khuyến bỏ quan về quê, Dương Khuê vẫn làm quan. Nhưng cả hai vẫn giữ tình bạn gắn bó. Năm 1902, nghe tin bạn mất, Nguyễn Khuyến làm bài thơ này khóc bạn. Bài thơ viết bằng chữ Hán có nhan đề là “Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương Thượng thư”. Có bản dịch là Khóc bạn. Lâu nay quen gọi là Khóc Dương Khuê.

  • Thân bài:

1. Nỗi xót xa khi nghe tin bạn mất.

“Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”.

– Câu thơ như một tiếng thở dài. Nỗi mất mát ngậm ngùi như chia sẻ với trời đất. Nhịp điệu câu thơ cũng tạo nên sự nghẹn ngào, xót xa, đọc lên nghe nhói đau, quặn thắt như những tiếng nấc tắc nghẹn trong nỗi đau đến quá đỗi bất ngờ.

– Cách dùng “thôi đã thôi rồi”: Nghệ thuật nói giảm, cách dùng hư từ và những hình ảnh mang tính tượng trưng, làm nhẹ nỗi đau đớn khi nghe tin bạn mất.

– Cách xưng hô “bác”: thể hiện sự thân thiết trân trọng với người đã khuất

– Các từ láy “man mác, ngậm ngùi” kết hợp với nhịp thơ 4/4 ở câu bát diễn tả nỗi đau kéo dài như vô cùng vô tận. Nỗi đau từ chính cõi lòng nhà thơ lan tỏa ra cả không gian rộng lớn, bao la.

* Nhận xét: Lời thơ như một tiếng than đầy thương tiếc, nhẹ nhàng mà thắm thiết.

2. Tình bạn chân thành, chung thủy gắn bó.

– Kỉ niệm của tác giả với người bạn của mình:

+ Cùng nhau thi đỗ làm quan, tình cảm gắn kết: “Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước / Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau / Kính yêu từ trước đến sau / Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?”

+ Cùng nhau rong chơi khắp chốn non nước, vui thú tiêu dao: “Cũng có lúc chơi nơi dặm khách / Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo”.

+ Cùng nhau ngân nga hát ả đào, tiếng đàn ngây ngất: “Có khi tầng gác cheo leo / Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang”.

+ Cùng nhau uống rượu và bình luận thơ văn: “Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp / Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân / Có khi bàn soạn câu văn / Biết bao đông bích, điển phần trước sau”.

+ Cùng nhau trải qua những buổi hoạn nạn, vật đổi sao rời, vượt qua biết bao thử thách, gian truân: “Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn / Phận đấu thăng chẳng dám tham trời”.

* Nhận xét: Cùng thi đậu, cùng vui chơi, cùng nhau uống rượu, cùng gặp nhau một lần, cả hai cùng sống trong cảnh hoạn nạn và cùng đang trong tuổi già. Tình bạn keo sơn, thắm thiết. Bộc lộ nỗi niềm trong tâm trạng thầm kín với nỗi đau thời thế.

3. Nỗi đau tắc nghẹn, hụt hẫng, chơi vơi khi đối diện với hiện thực phũ phàng (mất người tri âm, tri kỉ).

– Cuộc gặp gỡ cuối cùng trong hoan hỉ: “Trước ba năm gặp bác một lần / Cầm tay hỏi hết xa gần / Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can”.

– Nỗi đau đớn, trống vắng khi bạn mất:

+ Chân tay rụng rời khi nghe tin bạn mất: “Làm sao bác vội về ngay / Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời”.

+ Mất đi người bạn hiền, rượu ngon, thơ hay, giường đẹp, đàn hay cũng thành vô nghĩa: “Rượu ngon không có bạn hiền / Không mua không phải không tiền không mua / Câu thơ nghĩ đắn đo không viết . Viết đưa ai, ai biết mà đưa . Giường kia treo những hững hờ / Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.”.

* Nhận xét: Mất bạn trở nên cô đơn: rượu không muốn uống, thơ không muốn làm, đàn không gảy,…

– Kết cấu trùng điệp, điệp ngữ: “không có, không mua, không phải” (điệp từ “không” 5 lần) → cảm giác nức nở, sự trống vắng đến nghẹn ngào, chua xót.

– Sử dụng điển tích Trung Quốc: Trần Phồn, Bá Nha, Tử Kì → tình bạn tri âm, tri kỉ.

– Từ “đàn” đầu câu láy lại cuối câu: trạng thái ngẩn ngơ chuyển sang thống thiết, tình cảm như đợt sóng trào dâng.

– Sự tinh tế ở hai câu thơ cuối “tuổi già… chứa chan”: không còn nước mắt để khóc bạn, nhưng kì thực câu thơ đầm đìa nước mắt.

* Nhận xét: Mất bạn, Nguyễn Khuyến hụt hẫng, như mất đi một phần cơ thể. Những hình ảnh, điển tích càng tăng thêm nỗi trống vắng khi bạn không còn. Tiếng khóc như giãi bày, làm sống lại những kỉ niệm của tình bạn thắm thiết: tiếng khóc mang cảm hứng nhân sinh của kẻ sĩ bất lực trước thời cuộc.

  • Kết bài:

– Bài thơ Khóc Dương Khuê mang một nỗi niềm tiếc nuối sâu sắc về một tình bạn tri kỉ, góp phần khẳng định về tình cảm giữa những con người với nhau. Nỗi đau khóc bạn của tác giả cho thấy đây một tình bạn khắng khít. Nhà thơ không để nỗi đau thể hiện ra ngoài mà như âm thầm khóc ở bên trong. Bằng tài năng kiệt xuất, Nguyễn Khuyến đã để lại cho hậu thế một bài thơ khóc bạn chan chứa nước mắt, qua những lời diễn đạt chân tình thống thiết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang