Dàn bài phân tích chương truyện “HẠNH PHÚC CỦA MỘT TANG GIA” (trích SỐ ĐỎ)  (Vũ Trọng Phụng).

Dàn bài phân tích chương truyện “HẠNH PHÚC CỦA MỘT TANG GIA” (trích tiểu thuyết “SỐ ĐỎ” của Vũ Trọng Phụng).

  • Mở bài:

– Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là nhà văn xuất sắc của xu hướng văn học hiện thực 1930- 1945 và của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Tuy thời gian cầm bút rất ngắn ngủi nhưng ông đã để lại một kho tác phẩm đáng kinh ngạc. Ông sáng tác ở nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn và đặc biệt thành công ở thể loại phóng sự. Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là “Ông vua phóng sự của Bắc Kì”.

Tiểu thuyết “Số đỏ” (1936) gồm 20 chương kể về cuộc đời gặp toàn may nắm của Xuân Tóc Đỏ một kẻ vô học, ma ca bông bỗng chốc nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội thượng lưu lúc bấy giờ. Tác phẩm được coi như là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam, “có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học” (Nguyễn Khải).

– “Hạnh phúc của một tang gia”Chương XV tiểu thuyết Số đỏ. Chương truyện xoay quanh câu chuyện của một người chết là cụ Cố tổ. Cái chết của cụ cố tổ đã mang lại hạnh phúc cho con cháu và nhiều người khác. Đoạn trích là một bi hài kịch, phơi bày bản chất nhố nhăng, đồi bại của một gia đình đồng thời phản ánh bộ mạt thật của xã hội thượng lưu thành thị trước Cách mạng tháng Tám.

  • Thân bài:

1. Ý nghĩa nhan đề:

– Tựa đề đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” do chính tác giả đặt, thông qua nhan đề độc đáo, lạ tai này đã phần nào thể hiện được tư tưởng chủ đề của cả đoạn trích.

– Tình huống nghịch lí của truyện được thể hiện thông qua những cụm từ mang ý nghĩa trái ngược nhưng lại được đặt cạnh nhau.

+ “Hạnh phúc” là trạng thái vui mừng, thăng hoa về cảm xúc khi thỏa mãn được nhu cầu, mục đích nào đó của con người. Hạnh phúc thường gắn liền với những sự kiện hân hoan, đáng mừng.

+ “Tang gia” là gia đình có tang, gia đình có sự mất mát về người và tình cảm.

“Hạnh phúc của một tang gia” là một nhan đề đầy lạ lùng, những mệnh đề đối lập ngỡ không liên quan lại được đặt cạnh nhau.

– Nhan đề chỉ có 6 chữ ngắn gọn nhưng lại thể hiện trọn vẹn tư tưởng chủ đề của tác phẩm, toát lên ý vị trào phúng sâu cay đối với những con người tự xưng thượng lưu của gia đình cố Hồng.

→ Cái chết của cụ cố hoàn toàn đi ngược với những logic thông thường, đó là cái chết không có lấy một chút thương xót mà ngược lại còn có thể mang đến hạnh phúc, sự thỏa mãn cho con cháu và những người xung quanh.

– Vũ Trọng Phụng đã phê phán sâu sắc đối với tình trạng băng hoại, suy đồi về đạo đức của giới thượng lưu, trí thức, văn minh.

→ Những con người hào nhoáng, cao quý bên ngoài nhưng lại ẩn chứa bên trong sự giả dối, lố lăng kệch cỡm đến tận cùng.

– Hạnh phúc của một tang gia đã thể hiện sự đau xót, bất bình của nhà văn trước hiện thực đen tối của xã hội, của sự suy đồi những giá trị đạo đức truyền thống.

* Hạnh phúc của một tang gia: chứa đựng mâu thuẫn trào phúng, hàm chứa tiếng cười chua chát, vừa kích thích trí tò mò của độc giả vừa phản ánh một sự thật mỉa mai, hài hước và tàn nhẫn.

2. Niềm “hạnh phúc” của mọi người trước cái chết của cụ cố tổ.

* Niềm “hạnh phúc” của những thành viên trong gia đình

– Niềm “hạnh phúc” chung: cụ cố tổ chết đã đem lại niềm hạnh phúc, sung sướng cho rất nhiều người (tất cả thành viên trong gia đình) vì “cái chúc thư kia sẽ vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuyết viển vông nữa” . Sự chờ đợi bấy lâu của lũ con, cháu, dâu, rể nay đã được thoả mãn.

* Niềm “hạnh phúc” riêng của từng thành viên

– Cụ cố Hồng(con trai trưởng) : tuy mới 50 tuổi nhưng chỉ mơ ước được gọi là cụ cố, được khen già. Cụ “mơ màng” nghĩ đến lúc được mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc, vừa khóc mếu trước sự trầm trồ của nhiều người → Là dịp may, cơ hội để diễn trò già yếu.

– Vợ chồng Văn Minh(cháu nội): sung sướng vì sẽ được một gia tài kha khá từ cái chúc thư của cụ cố tổ. Đồng thời rất bối rối ,đăm chiêu vì không biết thưởng phạt như thế nào với Xuân Tóc Đỏ.

– Tiệm may Âu hoá và nhà thiết kế TYPN: là dịp may để lăng xê những mốt trang phục táo bạo nhất khiến cho “những ai có tang …hạnh phúc ở đời→ Quảng cáo, kiếm lợi nhuận.

– Cậu tú Tân(cháu) : sướng điên người vì có dịp để dùng đến mấy cái máy ảnh mới mua → Cơ hội hiếm có để cậu Tú giải trí và thể hiện tài nghệ chụp ảnh của mình.

– Cô Tuyết( cháu nội ): được dịp để “mặc bộ y phục ngây thơ…não nùng” → Cơ hội để chưng diện, phô bày sự hư hỏng.

– Ông Phán  mọc sừng (cháu rể): vô cùng sung sướng vì nhờ “cái sừng vô hình” của mình mà lại được chia thêm mấy nghìn đồng.

Bằng cách tạo ra những mâu thuẫn trào phúng (bản chất và biểu hiện, hành động và tình huống),VTP đã dựng lên một bức tranh biếm hoạ sinh động của một gia đình đại bất hiếu ,vì tiền bạc, danh lợi và những thứ rởm đời mà đánh mất đạo lí à tác giả phê phán, đả kích quyết liệt.

* “Hạnh phúc” lan ra cả những người ngoài gia quyến:

– Minđơ, Mintoa: đang thất nghiệp bỗng có việc làm → có tiền.

Xuân tóc đỏ: uy tín và danh giá cao thêm vì nhờ hắn mà cụ tổ chết. Đồng thời có dịp để đem lại danh giá bất ngờ cho đám ma bằng những vòng hoa đồ sộ và 6 chiếc xe có sư chùa Bà Banh chủ trì.

Những người bạn thân cụ cố Hồng: có cơ hội để khoe những huân chương ,phẩm hàm và những bộ râu ria.

Hàng phố: vui mừng vì được thoả mãn sự hiếu kì về một đám ma “to tát”.

→ Tất cả đều vô tình, thiếu tình người.

3. Quang cảnh đám ma “gương mẫu”.

* Cảnh đưa tang:

– Báo tin, mời phường kèn rộn rã như đi báo tin vui.

– Tổ chức: đủ các loại kèn (Tây, ta, tàu) cùng hàng trăm câu đối, vòng hoa, bức trướng…

– Người đưa đám (chia buồn): đông đúc, toàn nam thanh, nữ tú: cười tình với nhau, bình phẩm, chê bai, ghen tuông, hẹn hò nhau,…

→ Bề ngoài thật long trọng, “gương mẫu” nhưng thật chất chẳng khác gì đám rước, nhố nhăng, lố bịch.

– Đỉnh điểm của sự giả dối diễn ra lúc hạ huyệt, khi cậu tú Tân yêu cầu mọi người tạo dáng để chụp ảnh, con cháu tự nguyện trở thành những diễn viên đại tài và nhất là màn kịch siêu hạng của ông Phán mọc sừng.

* Cảnh hạ huyệt:

+ Tú Tân: tạo dáng, kiểu cho mọi người để chụp ảnh-> sân khấu theo kịch bản.

+ Bạn Tú Tân: nhảy rầm rộ lên các ngôi mộ khác để chụp ảnh-> Vô văn hoá.

+ Cụ cố Hồng, ông Phán mọc sừng: cố tỏ ra đau đớn trước giờ phút vĩnh biệt người chết -> Giả tạo

→ Một đám rước, đám quảng cáo nhố nhăng, ồn ào. lột trần thực tế xã hội thượng lưu ngoài lớp phấn son lòe loẹt cần lên án.

* Nhận xét: Tác phẩm đã mở ra khung cảnh đám ma hoành tráng, to tát sau cái chết của cụ Tổ Cố Hồng và khắc họa thành công, đầy ám ảnh những bức chân dung của lũ con cháu trong gia đình: Ông bà Văn Minh, cụ Cố Hồng, cô Tuyết, cậu Tú Tân cũng như chân dung của những người ngoài tang quyến mà mỗi người lại hiện lên với dáng vẻ và theo đuổi những suy nghĩ khác nhau.

4. Nghệ thuật biểu hiện.

– Tạo tình huống trào phúng cơ bản rồi mở rộng ra những tình huống khác.

– Phát hiện những chi tiết đối lập gay gắt cùng tốn tại trong một con người, sự vật, sự việc….

– Thủ pháp cường điệu, nói ngược, nói mỉa… được sử dụng một cách linh hoạt.

– Miêu tả biến hóa, linh hoạt và sắc sảo đến từng chi tiết, nói trúng nét riêng của từng nhân vật.

– Ngôn ngữ sắc sảo, dùng thủ pháp cường điệu, nói ngược, nói mỉa có ý nghĩa châm biếm sâu cay: “cái chết kia làm nhiều người sung sướng lắm”, “tang gia ai cũng vui vẻ cả”, “thật là một đám ma to tát…gật gù cái đầu”,…

→ Đoạn trích là một bi hài kịch, phơi bày bản chất nhố nhăng, đồi bại của một gia đình đồng thời phản ánh bộ mặt thật của XH thượng lưu thành thị trước cách mạng tháng Tám.

  • Kết bài:

– Với nghệ thuật trào phúng sắc bén, sâu cay, cách xây dựng tình huống trào phúng vô cùng độc đáo, đoạn trích đã bóc trần bản chất lố lăng, đồi bại của xã hội “thượng lưu” thành thị những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là bộ mặt của lũ con cháu giả dối, khốn nạn, mất nhân tính khi chúng mong mỏi cái chết của cụ Tổ cố Hồng để thành toàn cho nguyện ước của mình: khối tài sản kếch sù, để được người ta chỉ trỏ, bàn tán; được lăng xê những bộ cánh mốt mới cho gia đình có tang, để chứng minh mình vẫn còn một nửa chữ “trinh”. Đó còn là bộ mặt của những kẻ ngoài tang quyến với những con người không mảy may thương xót cho người vừa nằm xuống mà chỉ đến để tìm kiếm cơ hộ đặt chân vào giới thượng lưu, đề khoe râu, khoe huân chương,…

Phân tích đoạn trích “Hạnh phúc một tang gia” (trích “Số đỏ” của Vũ trọng Phụng)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang