Chủ đề tuổi trẻ và cuộc đời
I. ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu sau:
Tuổi trẻ không là khái niệm chỉ một giai đoạn trong đời người, mà chỉ một trạng thái tâm hồn. Tuổi trẻ không nhất thiết phải gắn liền với sức khỏe và vẻ tráng kiện bên ngoài, mà lại gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.
Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát, ở sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn. Những đức tính đó thường dễ thấy ở những người năm sáu mươi tuổi hơn là ở đa số thanh niên tuổi đôi mươi. Không ai già đi vì tuổi tác, chúng ta chỉ già đi khi để tâm hồn mình héo hon.
Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn. Năm tháng in hằn những vết nhăn trên da thịt, còn sự thờ ơ với cuộc sống tạo những vết nhăn trong tâm hồn. Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta.
(Trích Điều kỳ diệu của thái độ sống – Mac Anderson, tr.68, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2017)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả cho rằng tuổi trẻ phải gắn với những yếu tố nào và thể hiện ở điều gì?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta?
* Gợi ý trả lời:
Câu 1: phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: phương thức nghị luận 0,5
Câu 2: Trong đoạn trích, tác giả cho rằng:
-Tuổi trẻ phải gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.
– Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm, sở thích phiêu lưu trải nghiệm. 0,5
Câu 3: Nêu sự hiểu biết về ý kiến: Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn.
– Thời gian hình thành tuổi tác: Thời gian trôi đi, con người lớn lên về tuổi tác và già đi về mặt hình thức.
– Thái độ tạo nên tâm hồn: Tuổi tác, thời gian không tạo nên thế giới tâm hồn của chúng ta. Chỉ có thái độ (bao gồm ý nghĩ, tình cảm, cách nhìn, cách ứng xử, cách lựa chọn lối sống) mới tạo nên đời sống tâm hồn. Bởi vậy muốn có tâm hồn đẹp mỗi người cần có thái độ sống tích cực.
Câu 4: Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm.
– Đồng tình với quan điểm “Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta” vì:
+ Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin là những trạng thái tâm lí tiêu cực khiến ta cảm thấy bất an, mất đi niềm tin vào bản thân, mất đi niềm tin vào những người xung quanh, từ đó không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Khi đó con người sẽ rơi vào trạng thái buồn tẻ, bế tắc.
+ Những trạng thái tâm lí đó khiến ta không nhận thức được giá trị của bản thân, ý nghĩa của sự tồn tại. Đó là lúc ta chết đi về mặt tinh thần.
– Để có đời sống tinh thần khỏe mạnh ta cần có suy nghĩ, tình cảm, cách lựa chọn lối sống đúng đắn, tích cực.
Đề bài tham khảo.
ĐỀ BÀI 1:
Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:
Tuổi trẻ không là khái niệm chỉ một giai đoạn trong đời người, mà chỉ một trạng thái tâm hồn. Tuổi trẻ không nhất thiết phải gắn liền với sức khỏe và vẻ tráng kiện bên ngoài, mà lại gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.
Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát, ở sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn. Những đức tính đó thường dễ thấy ở những người năm sáu mươi tuổi hơn là ở đa số thanh niên tuổi đôi mươi. Không ai già đi vì tuổi tác, chúng ta chỉ già đi khi để tâm hồn mình héo hon.
Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn. Năm tháng in hằn những vết nhăn trên da thịt, còn sự thờ ơ với cuộc sống tạo những “vết nhăn” trong tâm hồn. Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta.
(Trích Điều kỳ diệu của thái độ sống – Mac Anderson)
Câu 1. Nêu nội dung của văn bản.
Câu 2. Chỉ ra 1 câu phủ định và nêu chức năng của câu phủ đinh ấy.
Câu 3. Trong đoạn trích, tác giả cho rằng tuổi trẻ phải gắn với những yếu tố nào và thể hiện ở điều gì?
Câu 4. Em hiểu như thế nào về ý kiến: Năm tháng in hằn những vết nhăn trên da thịt, còn sự thờ ơ với cuộc sống tạo những “vết nhăn” trong tâm hồn?
Câu 5. Từ ý nghĩa văn bản, em nghĩ gì về vai trò của tuổi trẻ đối với đất nước (trình bày từ 10-12 dòng).
ĐỀ BÀI 2:
Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:
(1) Tuổi trẻ là đặc ân vô giá của tạo hóa ban cho bạn. Vô nghĩa của đời người là để tuổi xuân trôi qua trong vô vọng. (…) Người ta bảo, thời gian là vàng bạc, nhưng sử dụng đúng thời gian của tuổi trẻ là bảo bối của thành công. (…) Thế giới này là bạn, đất nước này là của chúng ta. Chúng ta không thể ngồi nhìn đồng bào nghèo khó mãi. Đừng ngồi quây quần thường xuyên bên góc bếp, và cũng đừng thu mình một góc trong nhà trọ nhỏ nhoi, hãy ra đi để nhìn để hiểu; đừng đắm đuối trên màn hình máy tính, trên “smartphone” bằng những câu chuyện phiếm giết thời gian, mà hãy dùng nó như một công cụ nối liền thế giới bên ngoài.
(2) Biến tri thức của loài người, của thời đại thành tri thức của bản thân và cộng đồng, vận dụng vào hoạt động thực tiễn của mình. Trước mắt là tích lũy tri thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường để ngày mai khởi nghiệp. Tự mình xây dựng các chuẩn mực cho bản thân, nhận diện cái đúng, cái sai, cái đáng làm và cái không nên làm. Trường đời là trường học vĩ đại nhất, nhưng để có thành công bạn nên có nề tảng về mọi mặt, thiếu nó không chỉ có chông chênh mà có khi vấp ngã.
(3) Hoạt động xã hội, đây là dòng sông cuộc đời. Phù sa sẽ về với bạn để mùa màng, cây lá tốt tươi. Đắm mình trong thực tiễn sẽ cho bạn tình yêu thương, cảm thông và trân trọng con người, để mình cố gắng sống tốt hơn, trách nhiệm hơn. Đây cũng là cách để bạn tận hiến những gì cao đẹp cho đời.
(Trích Bài phát biểu của PGS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội nhân dịp kỷ niệm ngày 26/3/2016)
Câu 1. Nêu nội dung văn bản.
Câu 2: Xác định và nêu một câu cầu khiến có trong đoạn văn (1).
Câu 3. Em hiểu như thế nào về ý kiến: Trường đời là trường học vĩ đại nhất, nhưng để có thành công bạn nên có nề tảng về mọi mặt, thiếu nó không chỉ có chông chênh mà có khi vấp ngã.
Câu 3. Theo em, các ý kiến sau có mâu thuẫn không: “tích lũy tri thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường để ngày mai khởi nghiệp” và “Đắm mình trong thực tiễn sẽ cho bạn tình yêu thương, cảm thông và trân trọng con người, để mình cố gắng sống tốt hơn, trách nhiệm hơn”? Vì sao?
Câu 4. Hãy trình bày cách sử dụng điện thoại smartphone một cách đúng đắn nhất (trình bày khoảng 150 chữ)
ĐỀ BÀI 3:
Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:
Trong xã hội ta, nhiều thanh niên biết tỏ lòng thương yêu quý mến nhân dân bằng hành động dũng cảm và hào hiệp; lúc chiến tranh xông pha lửa đạn để bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào; lúc bình thường cứu giúp trẻ em bị tai nạn, đỡ đần người đi đường bị ốm đau,.. Những việc làm mang nội dung đạo đức tốt đẹp của người thanh niên mới như thế rất đáng biểu dương, khuyến khích.
Thanh niên phải luôn có tinh thần xung phong, gương mẫu; bất cứ việc gì tập thể cần thì thanh niên phải làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất; song phải luôn luôn khiêm tốn, thật thà, không phô trương, dối trá. Đó cũng là một thái độ đúng đắn của thanh niên đối với nhân dân, của cá nhân đối với tập thể.
Thanh niên cũng phải dành thì giờ nhất định để giúp đỡ cha mẹ, săn sóc các em, chăm lo một phần công việc gia đình. Người thanh niên nào không biết tí gì đến việc nhà, không kính yêu cha mẹ, không thương mến người thân trong gia đình thì ngoài xã hội làm sao có lòng yêu mến nhân dân thực sự được? ”
(Trích Con đường tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của thanh niên, Ngữ văn 12, tập một, NXBGD 2013, trang 37)
Câu 1: Nêu nội dung của văn bản.
Câu 2: Xác định và nêu chức năng của một câu nghi vấn có trong đoạn văn (1).
Câu 3: Theo tác giả, trên con đường tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, thanh niên cần làm gì?
Câu 4: Theo tác giả, để tỏ lòng thương yêu quý mến nhân dân, thanh niên cần hành động như thế nào?
Câu 5: Ngoài những điều trên, theo em, thanh niên trong thời đại ngày nay cần có thêm những phẩm chất gì? (trình bày khoảng 150 từ)
Suy nghĩ về vai trò của tuổi trẻ đối với tương lai của đất nước