de-thi-hsg-ngu-van-10-chu-de-1-niem-kieu-hanh-cua-con-so-0-chu-de-2-qua-canh-ngay-he-va-doc-tieu-thanh-ki-hay-lam-ro-y-kien-doc-mot-cau-tho-hay-ta-thuong-co-cam-giac-dung-truoc-mot

Đề thi HSG Ngữ văn 10. Chủ đề 1: “Niềm kiêu hãnh của con số 0”. Chủ đề 2: Qua “Cảnh ngày hè” và Độc Tiểu Thanh Kí”, hày làm rõ ý kiến: “Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng đến những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn…” (Lê Đạt)

TRƯỜNG THPT
Chuyên Nguyễn Chí Thanh Đắk Nông
TỔ NGỮ VĂN
ĐỀ ĐỀ XUẤT
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI
KHU VỰC DUYÊN HẢI – BẮC BỘ
NĂM HỌC 2018 – 2019
Môn: Ngữ văn 10
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
Đề gồm 02 câu trong 01 trang

Câu 1: (8 điểm)

Trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề đặt ra trong câu chuyện dưới đây:

Niềm tự hào của số 0

Nhờ rất nhiều số 0 đi theo mà số 1 trở thành khổng lồ, những số 0 vinh dự và tự hào lắm, đi đâu cũng kể lể, vỗ ngực rằng: “Ta là khổng lồ”.

(Theo “Ngụ ngôn chọn lọc”, NXB Thanh niên)

Câu 2: (12 điểm)

“Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng đến những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn…” (Theo Lê Đạt, “Đối thoại với đời và thơ”, NXB Trẻ, 2008, tr.115)

Qua tác phẩm “Cảnh ngày hè” của tác giả Nguyễn Trãi và “Độc Tiểu Thanh kí” của nhà thơ Nguyễn Du, hãy bày tỏ suy nghĩa của anh/ chị về những “đối thoại với đời và thơ” của tác giả Lê Đạt trong ý kiến trên.

————- HẾT ————–

TRƯỜNG THPT
Chuyên Nguyễn Chí Thanh Đắk Nông
TỔ NGỮ VĂN
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ ĐỀ XUẤT
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI
KHU VỰC DUYÊN HẢI – BẮC BỘ
NĂM HỌC 2018 – 2019
Môn: Ngữ văn 10
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
Đề gồm 02 câu trong 01 trang

Câu 1 (8 điểm):

I. YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG:

– Học sinh biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề xã hội.

– Bài viết có bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ.

– Diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, sáng tạo, hạn chế tối đa các lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

II. YÊU CẦU VỀ KIẾN THỨC:

Đề bài mang tính chất mở, thí sinh có thể bộc lộ quan điểm của mình theo những cách khác nhau nhưng cần hợp lý, chặt chẽ và thuyết phục. Về cơ bản, cần đạt được một số ý chính sau:

1. Giải thích, phân tích ý nghĩa của câu chuyện: (2.0 điểm)

– Số 0 nếu đứng riêng một mình thì chẳng có ý nghĩa gì, cũng có thể nói là vô nghĩa. Nghĩa bóng chỉ con người và sự vật không có giá trị.

– Số 0 chỉ có ý nghĩa khi đứng sau số 1, như những cá nhân đứng trong một tập thể có người đứng đầu (lãnh đạo) tài năng (số 1).

– Con số 0 trong câu chuyện không hiểu điều này nên lại tự coi mình là con số khổng lồ và đi đâu cũng “vinh dự”, “tự hào”, “vỗ ngực” khoe mình là “khổng lồ”.
Từ sự diễn giải trên, thí sinh cần rút ra ý nghĩa của câu chuyện: con người cần nhận thức đúng giá trị của bản thân mình để không rơi vào thói tự cao tự mãn.

2. Phân tích, chứng minh: (4.0 điểm)

– Con người cần nhận thức đúng giá trị của bản thân mình để nhìn thấy rõ những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó biết phát huy điểm mạnh và học hỏi, rèn luyện để khắc phục điểm yếu, trở thành một con người hoàn thiện, được mọi người yêu quý.

– Biết nhận thức đúng giá trị của bản thân hơn hết sẽ giúp con người có cái nhìn khiêm tốn về bản thân, luôn biết nỗ lực cố gắng vươn lên để hoàn thiện mình, cống hiến cho xã hội.

– Nếu không nhận thức đúng về giá trị của mình, mỗi người sẽ rất có thể trở nên tự ti, mặc cảm. Hơn thế nữa, con người sẽ trở nên kiêu căng ngạo mạn, coi thường người khác, đánh mất chính mình, thậm chí còn trở nên ảo tưởng và ích kỉ.

– Thí sinh cần tìm và phân tích được những dẫn chứng tiêu biểu để minh họa cho những lí lẽ trên.

3. Mở rộng vấn đề: (1.0 điểm)

– Câu chuyện còn gợi lên thông điệp về vai trò của tập thể đối với mỗi cá nhân. Một cá nhân khi đứng riêng rẽ sẽ không có được sự thành công và khẳng định được giá trị bản thân. Tập thể là môi trường để mỗi cá nhân tỏa sáng.

– Cần nhận thức rõ, ý thức đúng giá trị bản thân không phải là tự đánh giá thấp mình, tự ti, mặc cảm.

– Trong cuộc sống còn nhiều biểu hiện tự cao tự đại, vị kỉ đáng phê phán.

4. Bài học nhân thức và hành động: (1.0 điểm)

– Cần ý thức đúng giá trị bản thân, tự tin và cống hiến hết mình cho tập thể.

– Cần trân trọng sức mạnh của cộng đồng song cần nhận thức đầy đủ về công việc và cuộc sống của bản thân để có sự lựa chọn đúng đắn: khi nào cần hòa mình với mọi người, khi nào cần tư duy độc lập, việc gì cần phối hợp sức mạnh chung của tập thể, việc gì cá nhân phải tự giải quyết bằng năng lực, nội lực của chính mình…

* Lưu ý:

– Chỉ cho điểm tối đa ở các ý khi bài làm đảm bảo tốt yêu cầu về diễn đạt.

– Bài làm cần có dẫn chứng phong phú, minh họa cho mỗi luận điểm.

Tham khảo: Suy nghĩa về ý nghĩa câu chuyện ngụ ngôn: Niềm kiêu hãnh của con số 0

Câu 2 (12 điểm):

I. YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG:

Biết cách làm bài nghị luận văn học: kết cấu sáng rõ, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, văn viết giàu cảm xúc

II. YÊU CẦU VỀ KIẾN THỨC:

– Nắm vững kiểu bài nghị luận hỗn hợp: giải thích, chứng minh, bình luận, phân tích.

– Chọn dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp yêu cầu để phân tích, chứng minh.

Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, song cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

1. Giải thích những vấn đề liên quan đến nhận định: (2.0 điểm)

– Đọc một câu thơ hay: Tiếp nhận, cảm thụ những tác phẩm thơ có giá trị về nội dung và hình thức.

– Một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng đến những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn: tác phẩm văn học đó sẽ mang đến cho con người những cảm xúc, tình cảm tốt đẹp, giúp con người biết khao khát, biết ước mơ, biết đấu tranh để bảo vệ và vươn tới một cuộc sống tươi đẹp hơn, giàu tình yêu thương hơn.

⇒ Quan niệm của nhà thơ Lê Đạt khẳng định giá trị, thiên chức của thơ nói riêng, văn học nói chung. Với chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, đối thoại… thơ ca sẽ bồi đắp cho người đọc những tình cảm tốt đẹp, hướng con người đến thế giới tốt đẹp.

2. Bàn luận: ( 3.0 điểm)

Quan niệm của nhà thơ Lê Đạt là hoàn toàn chính xác dựa trên đặc trưng của văn học. Cụ thể:

– Đối tượng của văn học là hiện thực đời sống mà con người là trung tâm. Mục đích hướng tới của văn học là vì con người.

– Thiên chức của văn học là mang đến cho con người giá trị nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ, hướng con người đến chân- thiện- mĩ.

– Văn học, đặc biệt là thơ, xuất phát từ tình cảm cảm xúc mãnh liệt của người nghệ sĩ. Nhà thơ khi sáng tác văn học đã gửi gắm những tình cảm cảm xúc mãnh liệt, những trăn trở suy tư, những thông điệp triết lí nhân sinh sâu sắc đến người đọc thông qua tác phẩm của mình. Người đọc đến với tác phẩm văn học sẽ rung cảm, xúc động, và nuôi dưỡng cho mình những tình cảm, khát vọng cao đẹp.

3. Phân tích, chứng minh: ( 5.0 điểm)

– Bài thơ “ Cảnh ngày hè” của tác giả Nguyễn Trãi:

+ Giới thiệu tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.

+ Phân tích bài thơ ở phương diện hình thức và nội dung để thấy được những cảm xúc, tình cảm, lí tưởng tốt đẹp mà tác phẩm đã nhen nhóm trong lòng người đọc: Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống với tâm hồn tinh tế nhạy cảm và tấm lòng ưu quân ái quốc của tác giả đã khơi dậy tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước tỏng lòng người đọc…

– Bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí” của thi hào Nguyễn Du:

+ Giới thiệu tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.

+ Phân tích bài thơ ở phương diện hình thức và nội dung để thấy được những cảm xúc, tình cảm, lí tưởng tốt đẹp mà tác phẩm đã nhen nhóm trong lòng người đọc: Tấm lòng nhân đạo và khát vọng tìm kiếm tri âm của tác giả đã mang đến cho người đọc sự xúc động mãnh liệt, biết cảm thông với số phận con người, biết trân trọng cái đẹp và giá trị tinh thần, biết đấu tranh cho một thế giới hạnh phúc, bình đẳng hơn…

4. Mở rộng, nâng cao vấn đề: (2.0 điểm)

– Quan niệm của nhà thơ Lê Đạt không chỉ dừng lại ở chức năng và giá trị của thơ ca mà còn đối với tác phẩm văn học nói chung.

– Quan niệm ấy cũng mở ra bài học cho nhà văn và người đọc. Với nhà văn, để những tác phẩm văn học thật sự khơi dậy những tình cảm tốt đẹp nơi người đọc cần có những tác phẩm có giá trị nội dung và hình thức, đặc biệt phải giàu tình cảm, cảm xúc. Với người đọc, cần biết đồng điệu và xây đắp cho mình những tình cảm tốt đẹp mà các tác phẩm văn học mở ra.

* Lưu ý:

– Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định hướng; giám khảo cần thảo luận kỹ về yêu cầu và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh tr¬ước khi chấm.

– Cần khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo riêng cả trong nội dung và hình thức của bài làm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang