Qua bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận, hãy làm rõ ý kiến: “Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp”.
1. Giải thích:
– “Nhà văn chân chính”: Là nhà văn luôn đặt cái đích vào con người và cuộc sống, đem tác phẩm của mình để phục vụ đời sống, có ích cho con người.
– “Xứ sở của cái đẹp”: Đó là cái đẹp muôn hình vẻ của cuộc đời mà nhà văn phản ánh trong tác phẩm (Vẻ đẹp của tự nhiên, của con người…). Vẻ đẹp ấy không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn ở hình thức của tác phẩm đem đến cho người đọc những rung động thẩm mĩ, giúp con người thêm yêu cuộc sống, khát khao vươn tới những giá trị tốt đẹp của cuộc đời.
→ Khẳng định vai trò của nhà văn và tác phẩm trong việc giúp bạn đọc khám phá những vẻ đẹp của cuộc sống.
2. Làm rõ ý kiến qua bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”:
* Giới thiệu hoàn cảnh ra đời của bài thơ:
– Năm 1958, miền Bắc được hòa bình, nhân dân làm chủ cuộc đời, làm chủ đất nước, tác giả đi thực tế ở vùng biển Quảng Ninh chứng kiến cuộc sống mới của người lao động.
* Chứng minh: Xứ sở cái đẹp trong văn bản “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận:
– Luận điểm 1. Vẻ đẹp của thiên nhiên:
+ Vẻ đẹp của cảnh hoàng hôn trên biển: Rực rỡ, kì vĩ, huy hoàng.
+ Vẻ đẹp của cảnh biển đêm: Lung linh, huyền ảo, thơ mộng, vẻ đẹp giàu có, trù phú của biển cả.
+ Vẻ đẹp của cảnh bình minh tươi sáng, tinh khôi, tràn đầy sức sống.
– Luận điểm 2. Vẻ đẹp của con người:
+ Khi ra khơi: Con người hào hứng, hăng say, phấn khởi tràn đầy hy vọng.
+ Khi đánh cá trên biển: Con người với khí thế hăng hái, tư thế hùng dũng mạnh mẽ, với niềm vui phơi phới, lạc quan, với lòng yêu mến, biết ơn biển, với ý chí quyết tâm và sự nỗ lực khẩn trương.
+ Khi trở về: Con người tràn đầy niềm vui, niềm tự hào, với tư thế tự tin của người lao động mới.
– Luận điểm 3. Vẻ đẹp của nghệ thuật biểu hiện:
+ Thể thơ 7 chữ, cách gieo vần biết hóa linh hoạt.
+ Âm hưởng thơ khỏe khoắn sôi nổi vừa phơi phới, bay bổng vừa ngọt ngào, tha thiết.
+ Kết cấu đầu cuối tương ứng thể hiện trọn vẹn hành trình ra khơi đánh cá và trở về.
+ Bút pháp tả thực kết hợp với lãng mạn. Hình ảnh thơ kì vĩ tráng lệ, những hình ảnh so sánh, nhân hóa đẹp được sáng tạo bằng cảm hứng lãng mạn, cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ và cảm hứng về lao động.
3. Đánh giá chung:
– Khẳng định ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn: Cái đẹp trong tác phẩm văn học đa dạng, phong phú, được nhà văn khơi nguồn, kết tinh từ cuộc sống, là sản phẩm do tài năng, tâm huyết, trí tuệ của nhà văn nên có sức hấp dẫn với độc giả.
– Khẳng định tầm quan trọng của hiện thực cuộc sống và tài năng của nhà văn trong việc khám phá và sáng tạo cái đẹp.