doc-hieu-van-ban-chay-giac-nguyen-dinh-chieu-ngu-van-8-chan-troi-sang-tao

Đọc hiểu văn bản Chạy giặc (Nguyễn Đình Chiểu) (Ngữ văn 8, Chân trời sáng tạo)

Đọc hiểu văn bản:

Chạy giặc
(Nguyễn Đình Chiểu)
(Ngữ văn 8, Chân trời sáng tạo)

I. Tìm hiểu chung.

1. Tác giả: Nguyễn Đình Chiểu.

– Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), là một chí sĩ yêu nước; một nhà văn, nhà thơ xuất sắc của dân tộc.

– Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thể hiện lí tưởng đạo đức, nhân nghĩa, lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Ngôn ngữ mộc mạc, bình dị như lời ăn tiếng nói của nhân dân Nam Bộ.

2. Tác phẩm.

– Hoàn cảnh sáng tác: Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử, cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu và nhất là nội dung tác phẩm, có người cho rằng bài thơ này đã được tác giả viết ngay sau khi thành Gia Định bị thực dân Pháp bắt đầu tấn công (ngày 17/2/1859).

– Thể loại: Thất ngôn bát cú Đường luật.

– Phương thức biểu đạt: Biểu cảm. tự sự.

– Bố cục 2 phần:

+ Phần 1 (Sáu câu đầu): Cảnh đất nước và nhân dân khi thực dân Pháp đến xâm lược.

+ Phần 2 (Hai câu cuối): Tâm trạng, nỗi lòng của tác giả.

– Nội dung:  Chạy giặc phản ánh hiện thực đau thương của nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời nói lên nỗi đau và lòng căm hận của tác giả trước tội ác của giặc; mong ước có một bậc anh hùng ra tay dẹp loạn. Bài thơ còn thể hiện tình cảm yêu nước tha thiết của nhà thơ. Đó là những giây phút đau thương trước cảnh nước mất nhà tan. Ông đã lên tiếng kêu gọi những người có trách nhiệm đứng lên đánh giặc cứu nước và thức tỉnh lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt.

– Nghệ thuật:  Các biện pháp tu từ: từ láy, phép đối. Hình ảnh thơ gợi hình, gợi cảm. Ngôn ngữ thơ tinh tế, giàu cảm xúc.

II. Đọc hiểu bài thơ “Chạy giặc”.

1. Cảnh đất nước và nhân dân khi giặc pháp xâm lược (6 câu thơ đầu).

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay.
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ bầy chim dáo dác bay.
Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”.

– Nỗi đau mất nước:

+ Cảnh tan chợ: Ngay thời điểm họp chợ thì có tiếng súng nổ ra, cảnh tượng huyên náo, tan tác, hoảng loạn bắt đầu (Tan chợ vừa nghe tiếng súng tây).

+ Âm thanh “súng Tây” lần đầu tiên xuất hiện trong văn học. Nó gợi sự tàn bạo, hủy diệt hàng loạt. Vào cái thời khắc tưởng chừg bình dị nhất của một ngày lại là sự hoảng loạn, kinh hoàng của con người trước âm thanh ghê rợn, gây tàn sát trong thời điểm không ngờ tới.

+ Tình thế đất nước:

+ Đất nước được tác giả ví là “bàn cơ thế phút sa tay”. Tình thế bất ngờ, thất thế, mất chủ động. Giặc đến phá tan cuộc sống yên bình của nhân dân. Đất nước rơi vào tình trạng nguy ngập.

– Nỗi đau nhân dân:

+ Hàng loạt hành động được tác giả liệt kê ra như “bỏ nhà”, “lơ xơ chạy”, “mất ổ”, “dáo dát bay”. Sự tan nát, tán loạn, hãi hùng bỗng chốc hiện ra không kịp ngờ tới.

+ Hai hình ảnh điển hình cho nỗi đau thương của nhân dân: “lũ trẻ”, “đàn chim”.

+ Nghệ thuật đảo ngữ càng nhấn mạnh hơn nỗi ám ảnh bi thương về cảnh chạy giặc của dân làng.

+ Cảnh chạy giặc trong nỗi kinh hoàng của nhân dân hiện lên trong câu thơ. Nó là cả nỗi ám ảnh của cả người lớn cũng như trẻ nhỏ.

→ Cảnh tan tác, chia lìa, đổ vỡ thê thảm của người dân chạy loạn. Đây là những thân phận tượng trưng cho nỗi đau chung của đất nước, của nhân dân khi giặc đến.

– Cảnh nhà cửa xóm làng: tan bọt nước >< nhuốm màu mây.

+ Các địa danh nổi tiếng Bến Nghé cửa tiền đã tan bọt nước; Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây. Cảnh trù phú, sầm uất, tươi đẹp, bình yên trước kia đã bị hủy diệt đến kiệt cùng, tan hoang khi giặc đến.

→ Nhà cửa làng xóm bị hủy hoại một cách nhanh chóng, tất cả đều tan hoang, đổ nát. Tất cả dường như chìm trong ngọn lửa hung tàn của giặc, sự tàn phá, hủy diệt lấp kín cả không gian. Với các biện pháp nghệ thuật: đảo ngữ, hoán dụ tác giả đã khắc họa thành công bức tranh đất nước trước thời loạn lạc.

* Nhận xét: Như vậy, sáu câu thơ với hình ảnh chân thực, tiêu biểu đã vẽ lại toàn cảnh quê hương khi giặc đến. Một cuộc sống an bình không còn, thay vào đó là sự tan hoang, đau thương.

2. Tâm trạng, nỗi lòng của tác giả.

“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn này?”

– Hai câu thơ cuối bộc lộ nỗi niềm trăn trở của tác giả:

+ Câu hỏi tu từ vang lên đầy tha thiết, không chỉ là kêu gọi mà còn là hàm ý bao thắc mắc trước sự vắng mặt của kẻ có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Hiện thực được tái hiện quê hương ngập tràn bóng giặc nhưng triều đình không có một biểu hiện động thái nào. Từ đó bộc lộ tâm trạng phẫn uất, thất vọng đồng thời thể hiện nỗi chờ mong khắc khoải sự xuất hiện của trang dẹp loạn để cứu nước

+ Câu thơ còn bộc lộ sự thất vọng sâu sắc về triều đình cũng như biểu hiện được lòng thương dân sâu sắc của Đồ chiểu. Đó cũng là lời kêu gọi tha thiết lòng yêu nước trong mỗi người để hành động chống lại kẻ thù xâm lược. Ở đây thể hiện tấm lòng yêu nước sâu sắc của cụ đồ Chiểu

→ Tiếng kêu quặn thắt của một tấm lòng trung quân đã cảm thấy đổ vỡ niềm tin đối với triều đình phong kiến nhà Nguyễn.

III. Tổng kết.

– Nội dung: Chạy giặc đã tái hiện chân thực cảnh quê hương khi thực dân Pháp đến tàn sát. Bài thơ còn thể hiện tình cảm yêu nước tha thiết của nhà thơ. Đó là những giây phút đau thương trước cảnh nước mất nhà tan. Ông đã lên tiếng kêu gọi những người có trách nhiệm đứng lên đánh giặc cứu nước và thức tỉnh lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt. Bài thơ gợi lại một thời đau thương của dân tộc, gợi lòng căm thù kẻ thù xâm lược và tấm lòng yêu nước nồng nàn của người dân đất Việt nói chung và tác giả Nguyễn Đình Chiểu nói riêng.

– Nghệ thuật: Các biện pháp tu từ như sử dụng từ láy, phép đối; hình ảnh thơ gợi hình, gợi cảm, ngôn ngữ thơ tinh tế, giàu cảm xúc.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang