Hình ảnh dòng sông trong thi ca.
Có thể nói hình ảnh dòng sông là một đề tài lớn trong văn học và cũng là một biểu tượng nghệ thuật có sức biểu cảm cao. Con sông vừa là ngọn nguồn che chở, bao dung, dưỡng nuôi cuộc sống con người và tạo nên biết bao kí ức tươi đẹp vừa là khoảng trời cách ngăn gây nên ngang trái. Đôi khi, dòng sông trở thành người bạn tâm tình, chuyên chở tâm tư con người.
Trong “Tống biệt hành”, Thâm Tâm viết:
“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng”.
(Tống biệt hành – Thâm Tâm)
Không đưa qua sông là đưa tới đâu không rõ. Chỉ thấy hình ảnh dòng sông hiện lên ngăn cách đôi bờ. Một bên là hiện thực, một bên là ảo vọng. Thế nên, tiếng sóng dội lên hay cũng chính là tiếng lòng đang cuộn trào đó. Dòng sông trở thành giới hạn cách ngăn người ở lại và người ra đi. Bước qua bên kia bờ hay xuôi đò vạn lí là khởi đầu cho một cuộc chia ly. Và trong lòng người ở lại hay kẻ ra đi đều lấy dòng sông ấy làm vật đối chứng, là giới hạn để liên tưởng, hồi ức. Câu thơ vỡ vụn, loang theo bóng nước, thấm đẫm nỗi buồn rười rượi.
Nhà thơ Nguyễn Bính cũng đã từng một lần biểu đạt như thế trong bài thơ “Lỡ bước sang ngang:
“Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ”.
(Lỡ bước sang ngang – Nguyễn Bính)
Vượt qua dòng sông là đi hết giới hạn này để bước qua giới hạn kia. Dòng sông cách ngăn hai thế giới, tuy gần dấy thôi mà sao xa vời vợi.
Đi tìm một biểu hiện khác, Huy Cận đã phát hiện ra bề sâu của dòng sông mà ít ai nhìn thấy:
“Nắng xuống, chiều lên, sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”.
(Tràng giang – Huy Cận)
Từ một điểm nhìn hợp lí, Huy Cận đã thấy cái bề sâu của không gian ba chiều qua bóng nước. “Sâu chót vót” là đo theo độ cao của trời được phản chiếu nguyên vẹn qua bóng nước. Mặt nước chính là điểm giữa, đóng vai trò phân cách hai thế giới. Sông đã sâu mà cảnh vật cũng rất sâu. nắng bắt đầu tàn, chiều lại lên đẩy hồn ta vào chốn cô tịch, u huyền. bến sông cô liêu, quạnh quẽ, không mảy may có một âm thanh hay sắc màu nổi bậc để xóa tan đi vẻ đơn điệu, nhàm chán của cảnh chiều trên bến sông. Lúc này, dòng sông không phải là giới hạn ngăn cách, hay chuyên đưa người đi xa, cũng không phải là đối tượng để tỏ bày. Dòng sông chính là một khách thể để nhà thơ soi chiếu mình ở cả bề rộng mênh mông lẫn bề sâu thăm thẳm.
Nếu các nhà thơ trên tách biệt giữa dòng sông (khách thể), thì Nhà thơ Thu Bồn lại hòa nhập nó vào chủ thể, tạo cho nó một sức biểu đạt sinh động hơn:
“Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.
Ở đây, điểm nhìn nghệ thuật đã có sự thây đổi. Chính dòng sông cũng có linh hồn. Nó uốn lượn như muốn dùng dằng không chảy. Không chảy là bởi nó không muốn vội vượt qua không gian hữu tình thơ mộng của xứ Huế. Nhưng con sông nào cũng phải tiến về phía trước, nó chảy thật chậm tưởng như không chảy. Và dù có dây dưa, nấn ná đến thế nào dòng sông cũng phải dần tiến tới. Khi chảy vào Huế, nó cũng lại làm thế,mất bề rộng sông đi tìm bề sâu để có thể ở lại với Huế lâu hơn, lâu hơn nữa. Dòng sông bồi đắp, tạo nên vẻ đẹp nên thơ quyến rũ của chốn kinh thành. Rồi như bị chính vẻ đẹp của Huế, tâm hồn Huế quyến rũ, làm cho mê mị không muốn rời đi nữa.
Đến với bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh người đọc mới trọn vẹn nhận được dòng sông, nó thân thuộc, đầy đủ và gợi nhớ biết bao kỉ niệm ta đã từng kí thác ở nơi này:
“Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!”
(Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh)
Ta lớn lên cùng dòng sông. Năm tháng trôi đi,càng có thêm nhiều kỉ niệm. Và một ngày kia ta rời xa dòng sông ấy, kỉ niệm trở thành sợi dây gắn kết giữa ta và dòng sông; giữa ta và quê hương. Dòng sông đã trở thành quê hương, nguồn cội từ bao giờ! Câu hỏi của Tế Hanh không phải để hỏi mà để khẳng định tấm lòng thủy chung, son sắt của dòng sông đối với con người đấy thôi. Sông không bao giờ thay đổi, trăm năm hay nghìn năm dòng nước vẫn xanh và không ngừng tuôn chảy. Nó đã từng chảy qua bao cuộc đời, nó tiếp tục chảy xuyên qua cuộc đời này và sẽ còn chảy nữa ở tương lai. Nó lưu giữ kí ức, lắng đọng thành trầm tích. Và mỗi khi con người trở về cần tìm lấy nó đều mở lòng gửi lại tất cả.