Giới thiệu sự nghiệp văn học nhà phê bình văn học Hoài Thanh
Theo các học giả và các nhà nghiên cứu, Hoài Thanh là một tài năng xuất sắc hiếm có trong lĩnh vực phê bình văn học Việt Nam thế kỉ XX, một nhà văn hóa lớn suốt một đời gắn bó thiết tha với dân tộc và văn hóa dân tộc.
Có lẽ, với những người học văn và yêu mến văn chương thì “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân đã trở thành một cuốn sách không thể thiếu. Cho đến nay, “Thi nhân Việt Nam” đã được tái bản tới 32 lần.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 150 công trình nghiên cứu, bài viết với độ dày tổng cộng chừng 2.000 trang nghiên cứu về Hoài Thanh. Hầu hết những công trình và bài viết đều ghi nhận những đóng góp xuất sắc của ông trên phương diện phê bình văn học, nhất là trong lĩnh vực phê bình thơ.
Hoài Thanh, tên thật là Nguyễn Đức Nguyên, sinh năm 1909 trong một gia đình nhà Nho sa sút ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đã có lúc ông rơi vào tâm trạng đau buồn và bế tắc: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ “tôi”. Mất bề rộng, ta đi tìm bề sâu: nhưng càng đi sâu càng lạnh” (Thi nhân Việt Nam). Đó là bi kịch chung của lớp thanh niên trí thức nặng lòng với đất nước, yêu dân tộc, ghét thực dân phong kiến nhưng bơ vơ giữa ngã ba đường không tìm được người chỉ đường sáng suốt. Nhưng cũng chính ổng đã tìm được ánh sáng, tình yêu cuộc sống từ thơ Bác Hồ, thơ Tố Hữu…
Hoài Thanh còn là tấm gương về tính trung thực. Với ông: sống, nghĩ và viết là một. Hơn 50 năm gắn bó với văn chương, cả đời kiếm tìm và tôn vinh cái đẹp trong cuộc sống, văn chương và trong văn hóa Việt Nam, Hoài Thanh từng làm việc ở rất nhiều nơi với nhiều vị trí khác nhau như: Đại học Hà Nội, Tổng thư kí Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam, Viện phó Viện Văn học và Chủ nhiệm Tuần báo Văn nghệ… Lúc nào ông cũng nêu cao tấm gương là một người đam mê công việc.
Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm phê bình vàn học có ý nghĩa như: “Thi nhân Việt Nam”, “Văn chương và hành động”, “Có một nện văn hóa Việt Nam” cùng rất nhiều tác phẩm, bài báo có giá trị khác.
Để ghi nhận công lao đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà, năm 2000, Nhà nước ta đã trao tặng ông giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm tác phẩm: “Phê bình và tiểu luận ”, (3 tập), “Nói chuyện thơ kháng chiến ” và “Thi nhân Việt Nam”.