Hãy tưởng tượng em là người lính trong bài thơ Đồng chí kể lại câu chuyện
- Mở bài:
Chưa kịp vui mừng sau tháng lợi của Cách mạng Tháng Tám thì năm 1946, thực dân pháp đã nổ súng tái xâm lược nước ta. Thực hiện lệnh tổng động viên của Chính phủ kháng chiến, nhân dân cả nước hăng hái tham gia chiến đấu, quyết không sống chung với kẻ thù. Với tinh thần nồng nàn yêu nước, căm ghét quân thù tột độ, tôi cũng hăm hở tòng quân. Sau khi nhận lệnh ở cơ sở, tôi được điều về Trung đoàn thủ đô, thuộc sư đoàn 308. Đây là một đơn vị có bề dày lịch sử hào hùng. Nhiệm vụ của trung đoàn là bảo vệ thủ đô, bảo vệ chính phủ và giúp bà con di tản về khu khắng chiến.
- Thân bài:
Là người nông dân, chỉ biết cày ruộng, làm vườn, chưa quen tay súng nhưng tôi không quản ngại gian nan chinh chiến nơi biên ải. Chí làm trai trong cơn nguy biến phải vì nợ nước thù nhà mà anh dũng, can trường, tiếp nối truyền thống cha ông, viết tiếp những trang lịch sử vẻ vang, hào hùng. Dù chưa được luyện tập nhưng tôi rất tự tin. Cuộc chiến đấu sẽ dạy tôi làm điều đó. Lòng yêu nước vô hạn động viên tôi giữ chắc tay súng. Lòng yêu nước sẽ giúp tôi vững tâm trong cuộc chiến với kẻ thù hung bạo.
Vào cuối năm 1947, tôi tham gia chiến dịch Việt Bắc. Cùng tham gia chiến dịch còn có các đơn vị khác. Chúng tôi được phân công nhiệm vụ chiến đấu và ngăn chặn các cánh quân của địch tiến công lên khu căn cứ. Để hợp tác tác chiến hiệu quả, chúng tôi sáp nhập nhiều đơn vị với nhau, cùng hỗ trợ nhau trong nhiệm vụ và cuộc sống. Ban ngày, chúng tôi vừa tổ chức hành quân truy kích quân địch. Ban đêm, đơn vị sẽ nghỉ ngơi lấy sức. Việc quân nơi rừng núi lúc nào cũng nghiêm ngặt. Tuy kẻ thù còn ở xa nhưng lúc nào chúng tôi cũng nâng cao cảnh giác, đề phòng cao.
Những người lính từ những quê hương xa lạ, cùng yêu nước, căm thù giặc đã tề tựu về đây trong một đơn vị. Thân với tôi có một chiến sĩ quê ở tận miền duyên hải. Quê hương anh nước mặn đồng chua, quanh năm gian khó. Anh mới gia nhập đơn vị sau tôi, trong đợt tuyển quân vừa rồi. Nước da ngăm đen, bàn tay chai sần vì chài lưới, anh mang cả cái chất đồng quê đến chiến trường. Tôi đã vốn không biết gì về chiến trường, anh còn “ngây thơ” hơn cả tôi nữa. Đôi trưởng tập anh sử dụng súng AK và lựu đạn mà đến hơn tháng anh mới làm được. Đội trưởng phân công tôi phải phụ trách hướng dẫn anh nhiều hơn.
“Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng” từ những miền quê xa xôi, chúng tôi đã gặp nhau nơi này. Chính tình yêu nước và tinh thần chiến đấu tiêu diệt kẻ thù, giải phóng đất nước đã gắn kết chúng tôi lại với nhau.
Phải nói là chiến dịch vô cùng gian khổ. Thời gian đầu tổ chức kháng chiến, ta chưa có quân trang, quân dụng đầy đủ. Vũ khí cũng hết sức thô sơ. Lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác lại càng thiếu thốn. Bản thân tôi cũng chỉ phong phanh trên người một bộ áo cánh. Đầu không có mũ, chân không có giày. Mỗi lần dẫm bàn chân trần trên lá khô tôi không khỏi rùng mình. Rừng Trường Sơn ma thiêng nước độc, thú dữ đã nhiều, rắn rết cũng vô kể. Hôm qua, một đồng chí đã dẫm phải con rắn hổ mang, bị cắn vào chân. Cái chân sưng vù lên khủng khiếp. Đơn vị vội tìm thầy thuốc trong làng để chữa trị. Tạm thời, đồng chí ấy phải ở lại cho đến khi vết thương lành hẳn.
Việc ăn uống cũng hết sức kham khổ vì đơn vị đang trên đường truy kích kẻ thù. Các chiến sĩ quân nhu chăm lo điều này cho chúng tôi dù đã cố gắng hết sức nhưng cũng không thể làm gì được trong tình thế này. Hiểu thế, nên chúng tôi không ai than vãn hay kêu ca điều gì. Đêm ngủ nhiều khi phải rải lá khô để nằm, không có chăn màn, không chiếu. Cái lạnh rừng núi căm căm cắt vào da thịt chúng tôi. Để giữ ấm chúng tôi nằm sát cạnh nhau. Hơi ấm nhiều người lan tỏa khiến tôi càng mến yêu, càng khâm phục tinh thần hy sinh vì nước của các anh.
Sợ nhất là bệnh sốt rét rừng. Kẻ thù chúng tôi có thể chiến thắng, gian khổ chúng tôi có thể vượt qua nhưng những cơn sốt rét rừng tàn bạo cứ âm thầm bào mòn cơ thể chúng tôi. Đó là một căn bệnh khủng khiếp, là khó khăn lớn nhất mà chúng tôi luôn đối mặt. Đó là một kẻ thù vô hình đáng sợ. Tôi cũng đã từng mắc phải căn bệnh ấy. Cơn sốt làm tôi run rẩy khắp người ê buốt. Mồ hôi cứ tuôn ra như tắm, ướt cả mấy lớp áo. Anh bạn ngồi lau cho tôi hết khăn này đến khăn khác, đôi mắt lo lắng như muôn khóc. Tôi mỉm cười động viên, anh cũng gượng cười theo.
Tưởng chừng mình sẽ ra đi như bao đồng chí khác. Nhưng thật may mắn, tôi đã vượt qua. Tôi vẫn sống nhờ sự chăm sóc tận tình của người đồng đội. Lúc mê man bất tỉnh, đồng đội luôn ở cạnh tôi. Họ lo lắng, chăm sóc tôi từng chút một như chăm sóc cho một người thân. Họ dành tất cả thuốc men cho tôi. Khi vượt qua cơn nguy kịch, sức khỏe còn yếu, anh bạn tôi còn đi tìm bồi dưỡng cho tôi bằng món cháo thịt hoẵng thơm lừng mà anh vừa săn được.
Thật không thể diễn tả hết sự gắn bó, keo sơn thắm thiết tình đồng chí, đồng đội của chúng tôi. Chính nhờ sức mạnh ấy đã giúp chúng tôi vượt qua biết bao khó khăn gian khổ. Chính tình đồng đội thiêng liêng ấy đã giúp chúng tôi giữ vững tình thần chiến đấu, bám sát nhiệm vụ. Tình yêu thương, sự đồng cảm, cả lòng mến phục khiến chúng tôi xem nhau như anh em một nhà, cùng vào sinh ra tử bao trận chiến. Tình đồng đội sâu đậm kết tinh trong tình yêu nước thiêng liêng, là nguồn sức mạnh vĩnh hằng xuyên suốt trong trái tim người lính.
Những đêm cùng nhau canh gác, chúng tôi kể chuyện cho nhau nghe cho bớt đơn điệu. Anh bạn tôi kể lại ngày ra đi kháng chiến. Tuổi trẻ chưa bao giờ rời làng quê sông nước. Giờ xa cách muôn trùng thấy nhớ vô cùng. Ngày ra đi đất trời đẫm lệ. Nhìn vợ dại con thơ, mẹ già sức yếu anh không nỡ đành lòng. Nhưng tổ quốc đang cần. Tổ quốc đang lâm nguy. Kháng chiến cần anh. Dân tộc đang cần anh. Gửi lại ruộng vườn nhờ bạn thân trong nom, cày xới, anh gạt nước mắt lên đường. Đêm ấy mưa rơi tầm tã. Ngồi trong xe mà những giọt nước mắt cứ ròng ròng chảy. Ôm chặt tay súng, anh hứa khi giặc giã đầu hàng, anh sẽ trở về.
Tôi cũng giống như anh, cũng vừa rời quê hương biết bao yêu mến. Chợt nhớ về giếng nước gốc đa, mái ngói, sân đình mà ngùi ngùi. Nhớ người vợ trẻ từng đêm chờ đợi bên ngọn đèn khuya, đôi mắt mỏi mòn ngóng trông. Cha tôi qua đời từ lâu. Mẹ tôi cũng cao tuổi lắm rồi. Cái tuổi gần đất xa trời chắc gì đã đợi đến ngày tôi chiến thắng trở về.
Tôi lặng im, nhìn về phía xa xăm. Trên đỉnh núi, vầng trăng khuya cũng im lặng. Vầng trăng nghiêng nghiêng như treo trên đầu súng. Vâng trăng trầm mặc nghĩ ngợi, đồng cảm cùng con người. Ôi, cũng vầng trăng ấy đã sáng trên những đồng quê, trên những ruộng lúa, soi bóng trên dòng sông xanh. Cả tuổi thơ tôi ngập bóng trăng vàng. Vầng trăng thủy chung, son sắt ấy giờ lại cùng chúng tôi hành quân và chiến đấu. Trăng mãi mãi nghĩa tình với con người như chúng tôi mãi mãi kiên trung với quê hương đất nước.
Những đêm trăng rừng đằng đẵng. Những đêm trăng rừng rét buốt. Ẩn sau bóng tối là biết bao điều hiểm nguy, bất trắc. Nhưng bên cạnh tôi luôn có các anh. Bên cạnh tôi luôn có những người đồng đội đồng cam cộng khổ, thủy chung son sắt. Tôi tự hào khi có mặt ở đây. Tôi tự hào khi tham gia cuộc chiến đấu này. Tôi tự hào khi đứng cạnh các anh trong trận chiến đấu với kẻ thù. Nhìn vầng trăng chênh chếch như treo trên đầu súng của người bạn, tôi tin tưởng ở ngày mai chiến thắng. Vầng trăng ấy lại sáng soi trên khắp đồng ruộng hòa bình của quê hương, đất nước.
- Kết bài:
Cuộc chiến nào chẳng có mất mất hy sinh. Nhiều đồng chí của tôi đã ngã xuống. Họ không chết. Họ hóa thân vào với đất nước, để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng. Họ là những người anh hùng của thế kỉ. Tên tuổi của họ mãi mãi sẽ được tổ quốc vinh danh. Nghĩ về điều thiêng liêng đó, tôi giữ chặt tay súng, mắt đăm đăm dõi bóng quân thù.
- Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu
- Tình đồng chí, đồng đội gắn bó thiêng liêng của anh bộ đội thời kháng chiến qua bài thơ Đồng chí của Chính Hữu