Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 chữ) trình bày ý kiến của anh (chị) về hai câu thơ: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại/Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần” (Tố Hữu).
- Mở bài:
– Dẫn dắt: chủ đề chiến thắng và thất bại trong cuộc sống
– Dẫn câu thơ: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại/Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần” (Tố Hữu).
– Nhận xét: Thành công nào cũng đi qua những thất bại.
- Thân bài:
1. Giải thích:
+ “Thắng”, “khôn”, “bại”, “dại”: thắng là vượt qua một đối thủ, một cản trở… nào đó trong cuộc sống để khẳng định được sức mạnh, bản lĩnh, khả năng của bản thân. Khôn : sự hiểu biết, khéo léo, tài tình trong hành động, cách ứng xử (khôn ngoan, khôn khéo). Bại, dại : ngược với thắng và khôn.
+ “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại”: Chiến thắng và thất bại thường tồn tại cạnh nhau như một thực tế khách quan. Không ai là không từng có lần thất bại trong cuộc sống. Những người thành công thường là những người đã từng trải qua những thất bại trong cuộc đời.
+ “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”: cũng như thắng và bại, khôn và dại thường tồn tại khách quan bên nhau trong cuộc sống. Con người trở nên khôn hơn sau khi trải qua những lần dại dột.
→ Hai câu thơ có ý nghĩa như một bài học về thành công, thắng lợi của con người trong cuộc đời, đồng thời là lời động viên, khích lệ con người sau những thất bại trong cuộc sống.
2. Vì sao “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại”?
+ Vì thất bại sẽ giúp con người nhận ra lỗi lầm, khiếm khuyết, tránh được những sai sót, từ đó có thể thắng lợi.
+ Vì thất bại cũng là một động lực để con người sửa chữa, tạo nên chiến thắng bù đắp cho những thất bại đã qua.
3. Vì sao “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”?
+ Không ai sinh ra đã khôn ngay mà phải trải qua những va vấp mới đúc rút kinh nghiệm cho bản thân để trở nên khôn ngoan hơn.
+ Không ai có thể biết hết mọi việc, lường trước mọi chuyện sẽ xảy ra, cho nên chỉ sau khi có những trải nghiệm mới thấu hiểu thực tế, từ đó mà khôn khéo hơn.
4. Bàn luận mở rộng.
– Câu nói thể hiện một quan điểm đúng. Trải qua bao thất bại, con người mới thành công. Thế nhưng thắng lợi là rất cần thiết nhưng không thể bằng mọi giá; khôn ngoan thì tốt nhưng khôn lỏi hay lọc lõi đến mức lạnh lùng, tàn nhẫn thì không được. Mặt khác, ngủ quên trong chiến thắng đã hàm chưa yếu tố thất bại; chủ quan với sự khôn ngoan của mình sẽ tiềm ẩn yếu tố dại dột tiếp theo.
- Kết bài
– Cho nên, vấn đề đặt ra là con người phải không ngừng tu dưỡng rèn luyện về bản lĩnh, ý chí, sự hiểu biết để có sự cần bằng trong cuộc sống, để ngày càng khôn ngoan hơn và bớt những dại dột có thể nảy sinh thất bại.
– Điều này càng trở nên cần thiết đối với thế hệ trẻ – những người đang chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống. Những hành động tu dưỡng bản thân chưa bao giờ là muộn và thừa đối với mỗi con người.
Dàn bài 2:
- Mở bài:
– Chiến thắng là mục đích hướng tới, khôn ngoan là điều cần hướng tới. Song sự thất bại, dại dột, lỡ lầm cũng là một thực tế trong cuộc sông của con người.
– Theo lẽ thường, khi thất bại ta dễ bi quan, chán nản; khi sai lầm, ta dễ tự ti, thậm chí thu mình lẩn tránh.
– Lời khuyên của Tố Hữu về vấn đề này:
Ai chiến thắng mà không hề chiến bại Ai nền khôn mà chẳng dại đôi lần?.
- Thân bài:
1. Giải thích:
– “Thắng”: vượt qua sự cản trở hoặc vượt qua một đối thủ nào đó để khẳng định được bản lĩnh, sức mạnh và khả năng của bản thân.
– “Khôn”: sự hiểu biết, khéo léo trong hành động và ứng xử trước mọi tình thế, mọi hoàn cảnh.
– “Bại” và “dại”: ngược lại với “thắng” và “khôn”.
– “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại”:
+ Thắng và bại luôn tồn tại bên cạnh nhau như một thực tế khách quan của đời sông.
+ Chiến thắng vẫn có thể có sau nhiều lần thất bại.
+ Không có ai không từng gặp thất bại trong cuộc sống.
– “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?”:
+ Không ai ngay lập tức đã trở thành người khôn ngoan. Sự khôn ngoan chỉ có được sau cả một quá trình học tập, tích luỹ, trải nghiệm.
+ Khôn và dại là những biểu hiện thường có trong cuộc đời mỗi con người. + Mỗi lần dại dột sẽ là một bài học cuộc sống. Những bài học ấy sẽ giúp ta trưởng thành lên (khôn lên).
– Về thực chất, hai câu thơ không hướng tới khẳng định việc chiến thắng từ chiến bại, khôn từ dại mà có ý nghĩa như một lời động viên, khích lệ con người trong cảnh ngộ thất bại, lỡ lầm. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với thực tế, nó có ý nghĩa như một bài học về thắng và bại, khôn và dại.
2. Bàn luận:
– Mối quan hệ giữa “thắng” và “bại”, “khôn” và “dại” trong cuộc sống:
+ Để chiến thắng, cần có năng lực và kinh nghiệm. Cả hai yếu tố này đều do tích luỹ mà có. Sự tích luỹ có thể từ sách vở, có thể từ cuộc sống. Như vậy, thất bại cũng chính là một thực tế để rút kinh nghiệm cho những chiến thắng về sau.
+ Để trở nên khôn ngoan, cần học hỏi: học người khác và rút kinh nghiệm từ cuộc sông của chính mình. Những lần học hỏi, rút kinh nghiệm sẽ giúp ta không mắc phải những sai lầm tương tự.
– Để “thắng” sau “bại”, để “khôn” sau “dại”:
+ Cần nghiêm túc và tỉnh táo nhìn vào thất bại, vào sự dại dột của mình để phân tích nguyên do.
+ Từ sự phân tích nguyên do, cần rút ra bài học kinh nghiệm sau thất bại, dại dột.
+ Cần tìm hiểu chiến thắng, tìm hiểu sự khôn ngoan của người khác để phân tích nguyên do của chiến thắng, tác dụng của sự khôn ngoan, lấy đó làm mục đích phấn đấu.
3. Đánh giá:
– Những câu nói tương tự hoặc gần gũi:
+ “Thất bại là mẹ thành công”. (Tục ngữ)
+ “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà”. (Tục ngữ)
+ “Người xảo, ta thì vụng/ Ấy vụng thế mà hay/ Ta vụng, người thì xảo/ Ây xảo thế mà gay”. (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Từ đó có thể thấy đây là một quan điểm đúng đắn, dễ tìm được sự đồng tình của nhiều người.
– Thắng lợi luôn là điều cần thiết song không phải là chiến thắng bằng mọi giá. Sự chiến thắng phải chân chính, hợp lẽ và hợp đạo lí mới thực sự có giá trị và đem lại niềm vui chân chính. Khôn ngoan song không nên quá lọc lõi vì sự lọc lõi khiến con người trở nên lạnh lùng, vô cảm, thậm chí tàn nhẫn với những người xung quanh mình. Khôn ngoan cần đồng nghĩa với sự tỉnh táo, thận trọng để không mắc sai lầm, để luôn có những quyết định đúng đắn song cũng đồng nghĩa với việc biết mình biết người để không tán dương quá mức, cũng không định kiến nghiệt ngã, không tự kiêu cũng không mặc cảm.
– Về mặt tích cực, khôn ngoan là một trong những cơ sở cần thiết để tạo nên chiến thắng.
- Kết bài:
– Trong cuộc sống, mỗi người đều có thể đạt được chiến thắng, trở nên khôn ngoan song cũng khó tránh khỏi thất bại, sai lầm, dại dột.
– Điều cần thiêt cần hướng tới: khi chiên thắng không nên kiêu căng, khi thất bại không nên nản chí vì cách ứng xử như thế có thể đưa con người từ thắng đến bại ngay sau đó, từ thất bại sẽ tiếp tục gặp phải những thất bại thảm hại hơn. Cần và nên trở thành người khôn ngoan song trong cuộc sống, đôi khi hồ đồ một chút, sai lầm một chút cũng không phải là điều cần tuyệt đôi tránh, vì như thê có thể sẽ tự tạo cho mình một áp lực không đáng có.
Tham khảo:
Một người khi đã trưởng thành, suy nghĩ chin chắn, nhận thức đầy đủ,… để hiểu về sự đời thì thực sự càng nhận thấy nhà thơ Tố Hữu, một người từng trải, với nhận thức đúng đắn, chính xác khi viết ên những vần thơ cho cuộc đời:
“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?”
Hai câu thơ, mười sáu chữ nhưng đã chứa đựng một ý nghĩa thật sâu sắc. Đọc lên ta như hiểu được sự đời và soi xét chính bản thân mình.
“Thắng” trong cuộc sống được hiểu là thành công, là đạt được điều mình mong muốn. Có được chiến thắng luôn làm con người thoả mãn, sung sướng, tiếp tục trở thành động lực để con người phấn đấu. “Bại” là thất bại, là không đạt được mục tiêu mình mong muốn; điều đó dễ khiến ta thất vọng, đau khổ, nản lòng. Như vậy, cuộc sống trở thành một trận chiến giữa một bên là con người cùng những cố gắng nỗ lực, những hoài bão khát khao với một bên là những quy luật khắc nghiệt, những biến đổi vô tình khách quan của cuộc đời.
Nói một cách khái quát hai câu thơ đã khẳng định rằng, con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành phải trải qua nhiều thử thách của cuộc sống. Câu thơ như một chân lí tất yếu trong cuộc sống. Bởi lẽ, chẳng có ai trên đời chỉ có chiến thắng mà không chiến bại cũng như không ai trưởng thành “nên khôn” mà không một lần vấp ngã, dại dột.
Từ ý thơ trên, nhà thơ Tố Hữu đã nêu những suy nghĩ và quan niệm của mình về hai vấn đề khôn và dại, thắng và bại trong cuộc sống. Đồng điệu với tâm hồn tác giả, người đọc chắc chắn sẽ nhận ra những quan niệm ấy và rút ra được bài học cho chính bản thân mình.
Vậy thế nào là chiến thắng – chiến bại? Có lẽ tùy theo hoàn cảnh, tùy theo các công việc mà ta định nghĩa cho nó. Nhưng nói một cách khái quát chiến thắng là hoàn toàn đạt được mục đích của mình. Còn chiến bại là bỏ ra công của, sức lực nhưng không đạt được mục đích. Trong văn chương chúng ta bắt gặp không ít nhà văn, nhà thơ chiến thắng nhưng cũng không phải họ không hề chiến bại. Như ông Tam nguyên Yên Đỗ cũng phải chin lần đi thi mới đỗ đầu ba lần, thế là cũng may mắn lắm so với ông Tú Xương đi nhiếu lần vẫn chỉ đỗ đến Tú tài,…Trong thực tế, ít ai chiến thắng mà không hề chiến bại. Mỗi người ai cũng mong muốn mình luôn là người chiến thắng. Vấn đề đó quan trọng bởi chiến thắng thì sẽ rất quý giá, sẽ thực hiện được mơ ước, còn chiến bại thì sẽ khiến ta chán nản, bi quan, thất vọng, thậm chí tuyệt vọng. Nhưng điều quan trọng hơn hết đó là chúng ta phải biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, phải giữ vững được tinh thần ý chí, quyết tâm, niềm tin và nghị lực để bước tiếp, tiến lên phía trước. Thất bại là mẹ của thành công. Khi thất bại đừng chán nản, tuyệt vọng mà phải cố gắng hơn, quyết tâm hơn, coi lại thất bại đó chính là động lực thúc đẩy ta tiến bước.
Còn vấn đề khôn và dại “khôn là gì”? Có lẽ khôn là sự nhanh nhẹn, khéo léo, chu đáo, giải quyết tốt mọi vấn đề . Còn dại là những sai sót, lỗi lầm mà ta mắc phải. Trong xã hội, trong cuộc sống không có gì là tuyệt đối cả, đến ánh sáng cũng không phải là đường thẳng hoàn toàn. Vì vậy mà không hề có khôn tuyệt đối mà cũng chẳng có dại hoàn toàn. Cái chính là biết thể hiện cái khôn và hắc phục cái dại Cổ nhân đã từng nói: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống” . Câu nói đó thật ý nghĩa biết bao khi xã hội càng hiện đại, càng phát triển thì gí trị của nó vẫn mãi mãi đúng với mọi thời, mọi người. Chúng ta không thể làm một việc đúng hoàn toàn hay sai tất cả. Đừng nên suy nghĩ theo một chiều , hiểu lệch để rồi đúng ít thì cho là quá đúng, còn hơi sai là sai tất cả. Câu thơ của Tố Hữu giúp chúng ta vừa hiểu đời vừa hiểu mình. Là học sinh ngoan nhưng cũng có lúc vì mải chơi , vì vui quá nên quên học bài cũ, bị cô giáo phê bình, như thế chẳng phải là dại sao? Hãy đến những trường đại học, trong đó có phải sinh viên nào cũng đỗ đạt ngay khi thi đại học năm đầu đâu. Có người đi thi phải đến hai, ba năm thậm chí năm năm sáu năm mới đỗ. Đó chính là tấm gương sáng nhất, quý nhất, đáng tôn vinh nhất bởi lòng kiên trì và hiếu học của họ. Họ đã phải vấp váp dôi lần thì mới có những thành công như vậy.
Như vậy hai câu thơ Tố Hữu đã nhắn nhủ đến mọi người một quan niệm sống tốt đẹp. Chúng ta sống nhưng hãy nhớ là không ai hoàn hảo cả mà chúng ta đang hướng về sự hoàn hảo cả mà chúng ta đang hướng về sự hoàn hảo, về cái đẹp, về chân – thiện – mĩ. Vì vậy phải biết đứng lên sau mỗi lần thất bại đã quyết tâm đạt được chiến thắng, phải khắc phục những cái dại để khôn hơn. Hay nói khái quát hơn đó là phải nhận ra những cái sai cái thất bại, cái chưa tốt để ngày một hoàn thiện mình hơn. Một lần ngã là một lần bớt dại. Và thất bại là mẹ thành công. Mỗi chúng ta hãy nhớ để bước vào cuộc sống mai sau. Và từ đó cũng phải biết khoang dung, độ lượng cho lỗi lầm của người khác.
Hôm nay và cả mai sau nữa, chúng ta sẽ mãi mãi khắc ghi lời thơ của Tố Hữu bởi đó là tâm sự của nhà thơ và cũng là quan niệm mới mẻ, giúp mọi người vững vàng, tự tin, tốt đẹp hơn trong cuộc sống