hinh-anh-nguoi-chinh-phu-trong-phu-ngam-dang-tran-con

Hình ảnh người chinh phu trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn

Hình ảnh người chinh phu trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn.

Bào làm 1:

  • Mở bài:

Chinh phụ ngâm (Lời than vãn của người phụ nữ có chồng đi đánh trận), còn có tên khác là Chinh phụ ngâm khúc là tác phẩm văn vần của Đặng Trần Côn, ra đời trong khoảng năm 1741 giai đoạn sơ kỳ Cảnh Hưng và về sau được nhiều người dịch ra thơ Nôm. Tác phẩm là lời độc thoại của một người vợ có chồng tham gia cuộc chiến do triều đình phong kiến chủ xướng, kể về nỗi khổ, nỗi cô đơn buồn tủi phải xa chồng. Hình ảnh người chinh phu hiện lên với tư thế hùng dũng, mang trong mình lý tưởng lớn lao.

  • Thân bài:

Chiến tranh dù chính nghĩa hay phi nghĩa thì cũng để lại những mất mát đau thương. Nhưng nếu bỏ mạng nơi chiến trường vì một cuộc chiến phi nghĩa thì càng vô nghĩa lý hơn nữa. Đặng Trần Côn đã lên án, tố cáo chiến tranh thông qua số phận người chinh phu, số phận của người lính ra đi vì một cuộc chiến phi nghĩa. Tác giả không trực tiếp miêu tả, phản ánh, đề cập đến những nỗi đau, sự hy sinh của người chinh phu trên chiến trường khói bụi, mà gián tiếp qua cảm nhận, suy nghĩ, tưởng tượng, tiên đoán của người chinh phụ – người vợ chờ chồng mòn mỏi ở quê nhà trong vô vọng.

Nam nhi mang chí lớn, người chinh phu khát khao và hy vọng ở sự nghiệp công danh. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, người chinh phu sẵn sàng ra trận, đương đầu với những hiểm nguy phía trước vì nghiệp lớn công danh “thành liền mang tiến bệ rồng”. Người chinh phụ tiễn chồng ra trận, lòng tự hào và hy vọng. Hy vọng ở một tương lai tốt đẹp, rằng chàng lập công lớn, mang ấn phong trở về, rạng danh gia thất “khi về, đeo quả ấn vàng”. Người chinh phu tham gia cuộc chiến những mong giúp nước diệt giặc giúp dân, nào có biết tiếp tay cho chính quyền phong kiến đàn áp dân lành, nên áng công danh treo lửng trên đầu với bao hiểm nguy rình rập. Lúc chồng ra trận vì nghiệp lớn, người chinh phụ một mực tin tưởng :

“Tưởng chàng trải nhiều bề nắng nỏ;
Ba thước gươm, một cỗ nhung an,
Xông pha gió bãi, trăng ngàn,
Mày reo đầu ngựa, sào dan mặt thành.
Áng công danh trăm đường rộn rã,
Những nhọc nhằn nào đã nghỉ ngơi.”

Rõ ràng rằng, trước những viễn cảnh huy hoàng công danh phía trước, kích thích chí lớn bậc trượng phu. Để rồi công danh, tước phong không thấy, chỉ thấy người vợ mòn mỏi ngóng trông chồng qua bao năm tháng với nỗi cô đơn lạnh lẽo, chồng biền biệt chốn sa trường không hay sống chết. Giá trị nhân đạo của tác phẩm là ở điểm này, với sức tố cáo mạnh mẽ, sâu sắc.

“Xưa nay chiến địa dường bao,
Nội không muôn dặm, xiết bao dãi dầu.
Hơi gió lạnh người rầu mặt dạn,
Dòng nước sâu ngựa nản chân bon.
Ôm yên, gối trống đã chồn;
Nằm vùng cát trắng ngủ cồn rêu xanh.”

Chiến trường ác liệt, không chỉ bởi quân thù mà còn bao mối hiểm nguy rình rập khác:

“Đã trắc trở đòi ngàn xà hổ,
Lại lạnh lùng những chỗ sương phong”

Người chinh phụ ngóng đợi nơi quê nhà với nỗi nhớ, niềm thương khắc khoải, lo chàng thiệt thân:

“Những người chinh chiến mấy lâu,
Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây”

Chinh phu ngoài chiến địa đối mặt với thử thách, hiểm nguy và trước hết là cái chết. Ấn phong còn mù mịt ở phía trước nhưng tử thần thì treo lơ lững ở trên đầu. Bỏ lại đằng sau vợ góa, con côi, mẹ già yếu bơ vơ…Liệu cái áng công danh kia có đeo nỗi những mất mát, hy sinh mà chinh phụ đã trải qua, hay chỉ là cái mộng mờ ảo, xa vời?

“Non Kì quạnh quẽ trăng treo,
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.
Hồn tử sỹ, gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
Chinh phu tử sỹ mấy người
Nào ai mạc mặc nào ai gọi hồn!”

Nếu như lửa đạn thương tình, thần chết tha bổng, người chinh phu được trở về đoàn tụ cùng gia đình, vợ con, thì hỡi ôi cái áng công danh kia đã cướp đi tuổi trẻ, hạnh phúc, sức lực,…chỉ còn là tuổi già và cái chết cận kề:

“Phận trai già cõi chiến trường
Chàng Siêu, tóc đã điểm sương mới về.”

Nàng chinh phụ đã phần nào suy ra được nguyên nhân gây chia rẽ vợ chồng nàng, hiểu được vì sao mà chồng nàng phải xông pha nơi trận mạc với hy vọng trở về rất mong manh. Để nàng chờ đợi, nhớ mong trong cô đơn, buồn tuổi dằng dặc tháng ngày. Nhưng nếu một ngày chàng có được quay về thì tuổi trẻ của nàng và của chồng đã phí hoài và đời người dường như đã hết. Thời gian đã làm cỗi đi trái tim khát khao yêu thương hạnh phúc của đôi lứa. Khát vọng được đoàn tụ, được giữ lấy tuổi trẻ vang vọng trong từng câu thơ, khắc khoải đau buồn và day dứt lòng người “thiếp xin chàng chớ bạc đầu” và tự dặn lòng mình “thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung”.

  • Kết bài:

Ngòi bút nhân đạo của tác giả đã hướng đến tố cáo cuộc chiến phi nghĩa, cùng với những mất mát thương đau, gắn liền với nỗi đau của người chinh phụ ở quê nhà và số phận của người chinh phu: Nếu không hy sinh nơi chiến trường hoặc đèo cao nước thẳm thì cũng bạc đầu già nua khi trở về. Như vậy, dù có rơi vào trường hợp nào, thì cũng để lại nỗi đau cho chinh phu, lẫn chinh phụ.

Bài làm 2:

  • Mở bài:

Trong thơ ca văn học Việt Nam từ trước đến nay, có thể nói hình ảnh người chiến sĩ xuất quân ra trận rất nhiều như tác phẩm “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão, “Bạch Đằng Giang Phú” của Trương Hán Siêu… Nhưng có lẽ hình ảnh người chiến sĩ – người chinh phu trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” là đặc biệt hơn cả. Bởi hình ảnh người chinh phu trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” chỉ xuất hiện trong hồi ức, trong nỗi nhớ nhung của người chinh phụ. Tuy nhiên, qua hình ảnh người chinh phu này ta cũng có thể thấy hiện lên hình ảnh những người chinh phu trong xã hội phong kiến đương thời. Mặc dù xuất hiện với tần số tương đối ít nhưng nó lại có một giá trị vô cùng lớn trong việc tạo dựng lên giá trị nhân đạo cũng như tư tưởng của tác phẩm.

  • Thân bài:

Nhiều người trước đây cho rằng chinh phu là “người lính”, một số người dịch chung chung là “chiến sĩ”. Và “chàng phải là người có một địa vị nhất định” theo như nhận định của nhà phê bình văn học Đặng Thai Mai. Đúng vậy, chàng vốn là một người hào kiệt, đã từng theo bút nghiên nhưng nay vì “phép công” nên đành rời phòng sách, rời gia đình lên đường đi chiến đấu:

“Chàng tuổi trẻ, vốn dòng hào kiệt
Nép bút nghiên, theo việc cung đao”

Hay:

“Chàng há từng học lũ vương tôn”

Ngày xưa, khi không có giặc ngoại xâm thì người trai trẻ thường theo học kinh nho để trau dồi kiến thức nhằm đi thi đỗ đạt danh gia, nhưng khi giặc ngoại xâm đến thì lại sẵn sàng gác lại việc đèn sách sớm khuya, lòng không vướng bận đến việc nhà cửa vợ con một long theo việc “đạo cung”.

Chàng cũng có một hoàn cảnh gia đình rất cụ thể:

“Mẹ già phơ phất mái sương,
Con thơ măng sữa vả đương bù trì”

Chàng còn có một mẹ già tóc đã bạc trắng như sương, chàng còn có con thơ đang tuổi măng sữa. Ấy vậy mà, chàng phải ra đi.

Giá trị nhân đạo của tác phẩm còn được thể hiện qua ý thức về tuổi trẻ của nhân vật. Nhân vật, người chinh phụ đã ý thức được vị trí, giá trị của tuổi trẻ trong đời mỗi người. Tuổi trẻ là điểm bắt đầu của mỗi người, là lúc mà người ta sống trong hạnh phúc và tình yêu, vậy mà chiến tranh (chiến tranh phi nghĩa) đã buộc chồng nàng phải xông pha nơi trận mạc khi đang tuổi niên thiếu: “phết phong lưu, đương chừng niên thiếu”. Như vậy, người chinh phu ở đây là “một chàng trai trẻ”, được rèn rũa trong khuôn khổ của nền giáo dục phong kiến. Trong buổi lên đường, người chinh phu xuất hiện như một người thanh niên lí tưởng của “chí làm trai”.

Chàng mới xuất hiện đã mang theo cả một khí thế lẫm liệt khác thường, nổi bật trong đó là động tác:

“Giã nhà đeo bức chiến bào,
Thét roi cầu vị, ào ào gió thâu”

Dù biết rằng ra chiến trường là rất có khả năng hi sinh “cổ lai chinh chiến, kỉ luân hồi”, thế nhưng đấng nam nhi vẫn tình nguyện ra đi. Hình ảnh lúc xuất quân mang tính ước lệ, tiêu biểu cho hình ảnh của những người quân sĩ thời phong kiến “hành quân trọng pháp khinh li biệt”:

“Rượu thôi, múa cán Long tuyền,
Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo”

Tinh thần của chàng ngùn ngụt ý chí đánh giặc, đó là ý chí lập công của những người lính trong xã hội xưa. Cái chí khí hùng dũng của chàng khi quăng chén rượu li biệt, múa cây kiếm Long Tuyền (vốn là thanh kiếm quý của vua nhà Chu). Lại cầm ngang ngọn giáo chỉ vào hướng địch mà thề quyết. Một hình ảnh thật mạnh mẽ hào hùng, đúng là nam nhi Đại Việt.

Giữa lúc mọi người đang bịn nịn thê noa, đang oán đang sầu, vậy mà chàng lại khí thế hùng hùng, lòng không vướng bận. Mà giờ đây chỉ có lòng rạo rực “tước phong”, hăm hở giết giặc lập công. Tuy có vẻ vô tình nhưng đó mới là hình ảnh của một người mới lớn, chưa hề có chút kinh nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Nhưng có lẽ, thái độ hăm hở này của người chinh phu đã truyền sang cho người chinh phụ một phần nào đó sự “hào hùng”.

Hình ảnh của chàng hôm đó hiện lên thật đẹp và hào hùng qua con mắt của người chinh phụ:

“Áo chàng đỏ tựa ráng pha,
Ngựa Chàng sắc trắng như là tuyết in”

Hào hùng thay khi chàng mặc chinh phục màu hồng của ráng và cưỡi con ngựa kiêu hùng sắc trắng như tuyết, ngựa đeo nhạc đầy đủ yên cương. Hình ảnh hiện lên qua con mắt u sầu của người chinh phụ, nhưng qua đó cũng phần nào thể hiện một ý vị tự hào khi giữa “đám ba quân”, chồng của mình như nổi bật lên hơn cả.

Ở đây, hình ảnh người chinh phu thật giống với những nhân vật trữ tình trong giai đoạn văn học trước, mỗi nhân vật trong tác phẩm đều là những người mang tính khái quát, cảm xúc chủ yếu xoay quanh vấn đề cứu nước, giúp dân. Bên cạnh những con người khái quát ấy trong tác phẩm ta cũng thấy hiện lên một chinh phụ cụ thể. Đó là một con người riêng trong cái chung của xã hội phong kiến.

Chính cái khí phách hào hùng của chàng đã khiến ta có lúc quên rằng đây là tiếng lòng tha thiết của người chinh phụ có chồng đi chiến đấu. Rồi đến lúc phải chia tay, tiễn chồng ra đi mà lòng sao vắng. Người ở, kẻ đi cùng mong ngóng nhau, chàng  ngóng nàng từ Hàm kinh, nàng thì ngóng chàng từ bến Tiêu tương. Chính vì thế đến lúc phải ra đi, dù chí có lớn nhưng long còn bịn rịn:

“Chốn Hàm kinh, Chàng còn ngảnh lại,
Ngác Tiêu tương thiếp hãy trông sang
…Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
…Lòng chàng ý thiếp, ai sầu hơn ai”

Cái khác nhau so với những con người xã hội trong từng thời kì phong kiến là ở chỗ đó. Xã hội phong kiến vốn chiết tỏa tình cảm của con người trong mọi mối quan hệ. Vì thế ta khó có thể bắt gặp được hình ảnh một con người vừa oai phong hùng dũng, vừa đậm đà cảm xúc yêu thương như ở đây. Tuy nhiên, chàng đã không để tình cảm này chi phối vì với một nam nhi sống trong xã hội phong kiến đương thời xưa việc phò tá giúp vua, giúp nước luôn được đặt lên hàng đầu. Là kẻ trượng phu, chàng có cái chí tung hoành nghìn dặm, nếu có hi sinh thì lấy da ngựa bọc thây nơi trận địa. Tính mạng mình vốn phải được coi trong như núi Thái Sơn nhưng vì vận mệnh đất nước, vận mệnh dân tộc chàng đã coi tính mạng của mình nhẹ tựa lông hồng:

“Những người chinh chiến mấy lâu,
Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây”

Là một đấng trượng phu với tư tưởng “xả thân vì nghĩa lớn” là người quân tử, chàng ra đi với hoài bão được giúp đời, giúp người. Nhưng thực tế, như đã phân tích ở trên, đây là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, những người lính ở đây, họ đang bị xô đẩy vào những hành động phi nghĩa, vậy mà không có một mâu thuẫn tinh thần nào ở đây, nó mới thật xót xa làm sao.

Dù vẫn biết đi lính là gian khổ, nhưng ở đời, làm thân nam nhi thì phải sống sao cho ra mặt một đấng nam nhi đại trượng phu. Nên tinh thần của chàng vẫn ngùn ngụt ý chí quyết tâm đánh giặc:

“Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mát phương nao?
Xưa nay chiến địa đường bao,
Nội không muôn dặm, xiết sao dãi dầu…”.

Biết rằng, ra đi cũng chẳng biết có đâu ngày trở về, nhưng khí phách trong chàng vẫn luôn thể hiện với thái độ hết sức cương quyết và hùng dũng: “Nực hơi mãnh, ơn dày như trước”

Thế nhưng, liền ngay sau đó, lại thốt lên một tiếng thở dài tuyệt vọng: “Trải chốn nghèo tuổi được bao nhiêu”. Người chinh phụ cũng hiểu được rằng, khi đã ra chiến trường, thì sống hoặc chết đối với người lính không quan trọng. Họ có thể bỏ mạng ngoài chiến trường hoặc cũng có thể là trở về sau mái tóc đã điểm sương:

“Phận làm trai già cõi chiến trường
Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về”

Tuy nhiên, với phần lớn kẻ sĩ ngày xưa việc ra đi phò tá giúp vua, giúp đời cũng là mong muốn “dĩ thánh hiền lập môn”, tức là mong muốn lập được nhiều công lớn, được ghi tên công danh, làm rạng rỡ gia phong, cho con cái được hưởng chức tước, lợi lộc:

“Tài so Tần, Hoắc, vẹn tuyền,
Tên ghi gác Khói, tượng truyền đại Lân.
Nền huân tướng đai cân giại vẻ
Chữ đồng hưu bia thẻ nghìn đông.
Ở trên : tử ấm thê phong;
Phần vinh, thiếp cũng đượm chung hương trời.”

Có thể nói, vẻ đẹp của người chinh phu không chỉ được thể hiện qua khí phách, ý chí, công danh mà vẻ đẹp đó còn đáng được tôn vinh hơn khi ở xa, nơi chiến trường mà chàng vẫn là một người giàu tình cảm. Tuy nhiên, ẩn sau mỗi ý chí kiên cường, hoài bão ấy là nỗi sầu lo của người chinh phụ. Hình ảnh chiến trường và người chinh phu ngoài chiến trường là bức tranh đen tối, hoàn toàn đối lập với những cảnh thấy trong cảnh xuất chinh. Chiến trường là không gian vô định, hình khe thế núi hiểm trở, không khí lạnh lẽo, thê lương, luôn gợi lên sự chết chóc thảm thương. Người ra trận bị cuốn vào những buổi hành quân, những trận đánh liên miên đầy gian lao, nguy hiểm, số phận của họ thì hết sức mỏng manh, nếu may mắn sống sót trở về thì mái tóc cũng đã bạc trắng. Giữa cảnh chiến trường ảm đạm, hiện lên hình ảnh chinh phu với bộ mặt sầu não, mệt mỏi phản ánh trạng thái tinh thần, bi quan, tiêu cực.

Có lẽ chính bởi thế đã làm cho hình ảnh của người chiến sĩ ở đây khác với những tác phẩm khác. Nếu như trong “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão, những người chiến sĩ hiện lên là những người trẻ tuổi tinh thông võ nghệ, khí thế mạnh mẽ đã nhiều năm tận tụy đánh giặc cứu nước, họ mang trong mình hoài bão công danh sự nghiệp cháy bỏng. Nguyên nhân của sự khác nhau ở đây là do tính chất của cuộc chiến tranh quyết định. Cuộc chiến tranh trong “Chinh phụ ngâm” là cuộc chiến tranh phi nghĩa, người ra trận toàn là nạn nhân, vì vậy họ nhìn chiến tranh một cách bi quan đen tối. Ngược lại, trong thơ văn yêu nước, đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm bảo vệ tổ quốc, vì thế họ luôn có tinh thần chủ động, niềm tin tưởng, lạc quan ở chiến thắng.

Vẻ đẹp hùng dũng của người chinh phu không những được hiện lên qua ý chí quyết tâm lên đường đánh giặc, hoài bão giết giặc lập công mà còn được hiện lên bởi tình cảm yêu thương của chàng. Chàng hiện lên vừa là một người oai phong lẫm liệt vừa là con người của sự yêu thương. Tuy rằng ở đây, tác giả phải mượn những suy nghĩ của người chinh phụ để phác họa lên hình ảnh của người chinh phu nhưng nó đã không làm phai nhạt đi bóng dáng hiên ngang, hào hùng với một tấm lòng yêu thương đằm thắm. Trong tâm chí chàng vẫn không ngừng nuôi giấc mơ đoàn viên, trong những bức thư gửi về cho vợ chàng cũng nhiều lần hẹn ngày về:

“Thuở lâm hành, oanh chưa khắn liễu,
Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca”
….
“Thuở đăng đồ, mai chưa dạn gió;
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông”

Chàng hẹn thề, khi oanh ca, khi đào nở chàng sẽ trở về. Thế nhưng, sự thật phũ phàng thay, chẳng thấy chàng đâu, chỉ còn lại đây nỗi nhớ sầu muộn của vợ chàng mà thôi.

  • Kết bài:

Thông qua vẻ đẹp hào hùng, những tấm lòng thầm kín của người chinh phu, tác giả đã tạo dựng nên được một bức tranh mang đậm tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Đó là một con người đẹp cả về thể chất lẫn tâm hồn, vẻ đẹp đó đã được tôn vinh qua nhiều thế kỉ và cho đến tận ngày nay, nó còn sống mãi trong lòng bạn đọc.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang