Hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Tây Tiến”
Bài thơ “Tây Tiến” là tác phẩm tiêu biểu nhất cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện tập trung nét đặc sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ. Tây Tiến cũng là một trong những bài thơ hay nhất về đề tài người lính của thơ ca kháng chiến chống Pháp.
Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào, đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào và miền Tây Bắc Bộ Việt Nam. Địa bàn đóng quân và hoạt động của trung đoàn là miền núi rừng rộng lớn và hiểm trở của biên giới Việt Lào, gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Miền Tây Thanh Hóa và Sầm Nưa. Sau một thời gian hoạt động ở Lào, đoàn quân Tây Tiến trở về Hòa Bình, thành lập trung đoàn 52.
Chiến sĩ Tây Tiến phần đông học sinh, thanh niên Hà Nội nên tâm hồn mang đậm nét hào hoa, lãng mạn. Bài thơ được viết trong thời kì đầu kháng chiến chống Pháp, đời sống bộ đội gặp nhiều khó khăn; đặc biệt đơn vị Tây Tiến chiến đấu trong hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy vậy, họ vẫn sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm với tinh thần “ quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”.
Năm 1947, Quang Dũng là đại đội trưởng trong trung đoàn Tây Tiến, tới cuối 1948, ông được lệnh chuyển sang đơn vị khác. Một thời gian sau, khi đang ở Phù Lưu Chanh, một làng thuộc tỉnh Hà Đông, nhớ đơn vị cũ, Quang Dũng viết bài thơ Nhớ Tây Tiến. Năm 1957, khi in lại trong tập Mây đầu ô, tác giả đổi nhan đề bài thơ thành Tây Tiến.
Hoàn cảnh sáng tác ấy cho thấy rõ hơn nỗi nhớ da diết của nhà thơ với đơn vị cũ và mảnh đất miền Tây đầy kỉ niệm. Nỗi nhớ trở thành cảm xúc trữ tình xuyên suốt bài thơ. Hoàn cảnh sáng tác cũng đồng thời giúp người đọc hiểu rõ hơn vẻ đẹp hào hoa, hào hùng của chiến sĩ Tây Tiến, hiểu được nguyên nhân của bút pháp hiện thực và cảm hứng lãng mạn, những yếu tố làm nên chất bi tráng đặc biệt của bài thơ.
Tham khảo:
Nhà văn Rai – tơ nước Pháp trong bức thư trả lời một bạn trẻ có viết: “Hãy truy cứu nguyên do mà mình cầm bút, hãy kiểm tra xem nó có bắt rễ từ chỗ sâu xa nhất của trái tim không? Hãy tự thú xem nếu không viết liệu trái tim mình có chết không? Và trước hết hãy tự hỏi mình vào giờ khắc tĩnh mịch nhất trong đêm: ta có phải viết không ?”
Cứ theo những lời khuyên của Rai – tơ thì những ngày xa binh đoàn Tây Tiến nếu không viết một bài thơ để thương, để nhớ thì chưa chắc Quang Dũng đã chết nhưng ông sẽ vô cùng đau khổ vì nỗi nhớ chơi vơi, vì nỗi nhớ về “Đất Tây bắc tháng ngày không có lịch”, và sẽ trở thành nỗi ám ảnh day dứt. Như thế mảnh đất Phù Lưu Chanh đã không trở thành một huyền thoại về một khúc độc hành gắn liền với một đời người, một đời thơ Quang Dũng.
Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như ở miền Tây Bắc Bộ Việt Nam. Địa bàn đóng quan và hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng , bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, miền Tây Thanh Hóa và cả Sầm Nưa (Lào). Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên (như Quang Dũng), chiến đấu trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy vậy, họ sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. Đoàn quân Tây Tiến sau một thời gian hoạt động ở Lào, trở về Hòa Bình thành lập trung đoàn 52. Cuối 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa được bao lâu, tại Phù Lưu Chanh (một làng thuộc tỉnh Hà Đông cũ), Quang Dũng viết bài thơ Tây Tiến.
Từ hoàn cảnh sáng tác bài thơ ta có thể hiểu được nội dung của bài thơ. Đây là một bài thơ được viết hoàn toàn bằng cảm xúc của một nỗi nhớ chơi vơi xao xuyến của thi sĩ về đơn vị cũ. Vì thế nội dung của bài thơ đều xoay quanh nỗi nhớ. Nỗi nhớ những kỉ niệm Tây Tiến dọc đường hành quân qua miền núi rừng Tây Bắc hiểm trở mênh mang. Nhớ về những kỉ niệm gắn bó trong tình quân dân. Bài thơ khắc họa vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn hào hoa lãng mạn, tinh thần sẵn sàng xả thân hi sinh cho Tổ quốc của đoàn binh Tây Tiến: “Ra đi ra đi bảo tồn sông núi / Ra đi ra đi thà chết chớ lui”. Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của ông.
- Cảm nhận bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng
- Cảm nhận 14 câu thơ đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
- Cảm nhận vẻ đẹp bi tráng của người lính trong bài Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng
- Cảm nhận hình ảnh oai hùng trước cái chết và bức chân dung lẫm liệt của người lính Tây Tiến
- Lời thề thủy chung với Tây Tiến của người lính trong khổ cuối bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng