Kể lại chuyện Bánh chưng, bánh giầy bằng lời của em.
Bài làm 1:
Vào đời Hùng Vương thứ sáu, có một vị hoàng tử tên là Lang Liêu tính tình hiền lành, nhân hậu. Chàng là con thứ mười tám; mẹ chàng trước kia bị vua cha ghẻ lạnh, ốm rồi chết. So với anh em, chàng thiệt thòi nhất. Chằng chăm chỉ làm ăn, giúp nhân dân mở ruộng, khai hoang, xây dựng cuộc sống an vui, không màn gì đến danh lợi, địa vị.
Hùng Vương lúc về già, muốn truyền ngôi, nhưng nhà vua có những hai mươi người con trai, không biết chọn ai cho xứng đáng. Giặc ngoài đã dẹp yên, nhưng dân có ấm no, ngai vàng mới vững. Nhà vua bèn gọi các con lại và nói:
– Tổ tiên ta từ khi dựng nước, đã truyền được sáu đời. Giặc Ân nhiều lần xâm lấn bờ cõi, nhờ phúc ấm Tiên vương ta đều đánh đuổi được, thiên hạ được hưởng thái bình. Nhưng ta già rồi, không sống mãi ở đời, người nối ngôi ta phải nối được chí ta, không nhất thiết phải là con trưởng. Năm nay, nhân lễ Tiên vương, ai làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho, có Tiên vương chứng giám.
Các lang ai cũng muốn ngôi báu về mình, nên cố làm vừa ý vua cha. Nhưng ý vua cha như thế nào, không ai đoán được. Họ chỉ biết đua nhau làm cỗ thật hậu, thật ngon đem về lễ Tiên vương.
Vốn quen với cuộc sống đầy đủ, xa hoa, các hoàng tử sai người đi khắp nhân gian tìm của quý trên rừng, dưới biển. Họ mong muốn tìm được những phẩm vật quý giá nhất, độc lạ nhất thế gian để làm vừa lòng vua cha mà lên ngôi báu.
Người buồn nhất là Lang Liêu. Từ khi lớn lên, ra ở riêng chỉ chăm lo việc đồng áng, trồng lúa, trồng khoai; bây giờ nhìn quanh trong nhà cũng chỉ có khoai, lúa là nhiều. Nhưng khoai, lúa tầm thường quá! Chàng chẳng mong gì được vua cha truyền ngôi vì so về mọi mặt, chàng đều thua kém các anh. Chàng chỉ mong làm vừa ý vua cha để tỏ rõ lòng hiếu thuận.
Một hôm, chàng gọi dân làng họp bàn. Không ai có thể đưa ra lễ vật vừa lạ chưa từng có ở trên đời, vừa thiêng liêng, thành kính tương xứng với công đức của tiên vương. Lang Liêu vô cùng lo lắng. Đêm hôm đó, chàng nằm mộng thấy thần đến bảo:
– Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo. Chỉ có gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán. Các thứ khác tuy ngon, nhưng hiếm, mà người không làm ra được. Còn lúa gạo thì mình trồng lấy, trồng nhiều được nhiều. Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương.
Tỉnh dậy, Lang Liêu vừa ngỡ ngàng, vừa mừng thầm. Càng ngẫm nghĩ, chàng càng thấy lời thần nói đúng. Trong các loại ẩm thực, chỉ có cơm gạo là ăn mãi không chán. Đời trước đã ăn cơm, đời sau mãi tiếp nối. Đó là sợi dây liên kết đời đời vậy. Lại thêm, vưa cha đi khắp thế gian, mĩ vị nào mà chưa từng thử qua. Có kiếm tìm cũng chỉ vô ích. Ta sẽ tạo ra lễ vật chưa từng có ở trên đời từ những gì quen thuộc nhất.
Nghĩ thế, chàng bèn chọn thứ gạo nếp thơm lừng, trắng tinh, hạt nào hạt nấy tròn mẩy, đem vo thật sạch, lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhân, dùng lá dong trong vùng gói thành hình vuông, nấu một ngày một đêm thật nhừ. Để đổi vị, đổi kiểu, cũng thứ gạo nếp ấy, chàng đồ lên, giã nhuyễn, nặn hình tròn.
Đến ngày lễ Tiên vương, các lang mang sơn hào hải vị, nem công chả phượng tới, chẳng thiếu thứ gì. Khao khát được ngôi báu nên lễ vật của các lang không những quý hiếm mà còn được trang hoàng rất chỉn chu, lộng lẫy. Vua cha lần lượt xem từng món, vẻ mặt rất hài lòng. Bỗng, vua dừng lại trước chồng bánh của Lang Liêu.
Rất vừa ý, bèn gọi lên hỏi. Lang Liêu đem giấc mộng gặp thần ra kể lại. Vua cha ngẫm nghĩ rất lâu rồi chọn hai thứ bánh ấy đem tế Trời, Đất cùng Tiên vương.
Lễ xong, vua cho đem bánh ra ăn cùng với quần thần. Ai cũng tấm tắc khen ngon.
Vua họp mọi người lại, bảo Lang Liêu trình bày cách làm bánh cho muôn dân đều biết. Xong vua nói:
– Bánh hình tròn là tượng Trời ta đặt tên là bánh giầy. Bánh hình vuông là tượng Đất, các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài, ta đặt tên là bánh chưng. Lá bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau. Lang Liêu đã dâng lễ vật hợp với ý ta. Lang Liêu sẽ nối ngôi ta, xin Tiên vương chứng giám.
Từ đấy, nước ta chăm nghề trồng trọt, chăn nuôi và có tục ngày Tết làm bánh chưng, bánh giầy. Thiếu bánh chưng, bánh giầy là thiếu hẳn hương vị ngày Tết.
Bài làm 2:
Sau khi Hùng Vương thứ 6 phá được giặc Ân, nhân quốc gia vô sự, vua muốn truyền ngôi cho con, bèn triệu 22 vị quan lang lại mà phán rằng:
– Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay mang trân cam mĩ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi.
Các Vương tử đều đua nhau đi tìm của ngon vật lạ khắp trên cạn dưới bể, nhiều không sao kể xiết. Duy có vị công tử thứ 18 là Lang Liêu, bà mẹ trước kia vốn bị vua ghẻ lạnh, vì cô đơn mà chết, tả hữu ít người giúp đỡ, khó xoay xở nên đêm ngày lo lắng, mộng mị bất an. Một đêm kia, mộng thấy có thần nhân tới nói rằng:
– Các vật trên trời đất và mọi của quý của người không gì bằng gạo. Gạo có thể nuôi người khỏe mạnh mà ăn không bao giờ chán, các vật khác không thể hơn được. Nay đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng hình trời đất rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong cho mĩ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ.
Lang Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ mà nói rằng: Thần nhân giúp ta vậy! Nói rồi bèn theo lời dặn trong mộng mà làm, chọn thứ gạo nếp trắng tinh, lặt lấy những hạt tròn mẩy không bị vỡ, vo cho thật sạch, lấy lá xanh bọc xung quanh thành hình vuông, cho trân cam mĩ vị vào bên trong để tượng trưng cho trời đất vạn vật rồi nấu chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy gạo nếp nấu chín, giã cho nát, nặn thành hình tròn, tượng trưng cho trời gọi là bánh giầy.
Đến kỳ, Hùng vương vui vẻ truyền các con bày vật tiến lên. Xem qua khắp lượt, thấy không thiếu thứ gì. Duy có Lang Liêu chỉ tiến dâng bánh chưng và bánh giầy. Vua kinh ngạc mà hỏi, Lang Liêu đem giấc mộng thuật lại. Vua đem nếm, thấy ngon miệng không chán, hơn hẳn các thức của các con khác, tấm tắc khen hồi lâu rồi cho Lang Liêu được nhất.
Đến ngày Tết, vua thường lấy bánh này dâng cúng cha mẹ. Thiên hạ bắt chước, đến nay nhiều món khác được làm ra biến tấu nhiều kiểu với nếp và nhân bên trong.
Hùng Vương bèn truyền ngôi cho Liêu, anh em 21 người đều được chia giữ các nơi phiên trấn, tụ tập bộ đảng mà thành phiên quốc. Về sau, các tướng tranh giành nhau thường dựng mộc sách (hàng rào bằng gỗ) để phòng ngự; cho nên, từ đó mới có sách, thôn, trang,…