Kể lại cuộc hành binh thần tốc ra Bắc đánh tan quan Thanh của Hoàng đế Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn
Lê Chiêu Thống hèn hạ đã cõng rắn cắn gà nhà, sang Trung Quốc cầu viện và trực tiếp đưa quân Thanh vào nước ta và đang đóng ở Thăng Long. Nghe tin ấy, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ giận lắm, định thân chinh cầm quân đi ngay. Nhưng lúc này lòng dân chưa yên, tình hình trong nước còn rối loạn, nên Bắc Bình Vương nghe theo lời khuyên của các tướng sĩ, lập đàn tế với trời đất trên núi Bân, lên ngôi hoàng đế lấy hiệu Quang Trung rồi mới xuất quân tiến đánh.
Lễ tế đất trời lên ngôi hoàng đế long trọng diễn ra trước sự chứng kiến của ba quân. Hôm ấy nhằm ngày 25 tháng Chạp. Công việc đã xong, hoàng đế nhanh chóng cho duyệt quân rồi khẩn kíp lên đường, hành quân thần tốc ra Bắc. Tôi được giao trọng trách tải quân lương thuộc hậu quân. Quả thực vua Quang Trung là bậc tài trí hơn người, suy tính cẩn trọng không ai sánh bằng. Xưa nay đánh trận, chưa bao giờ việc chuẩn bị nhanh gọn mà lại chắc chắn như thế này.
Ngày 29 tháng Chạp, đại quân đến Nghệ An, vua Quang Trung lệnh dừng lại nghỉ ngơi để tuyển thêm binh lính. Hoàng đế đích thân tìm gặp Nguyễn Thiếp – một cư sĩ tài danh ra hỏi ý. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp khen ngợi nhà vua tài cao chí lớn, liền nhận lời ra giúp sức. Phu Tử phân tích tình hình và khẳng định cuộc xuất quân lần này tất thắng chỉ trong mươi ngày. Chính Phu Tử cũng đích thân ra Bắc Hà thức tỉnh danh sĩ, chiêu mộ binh sĩ, sẵn sàng phối hợp cùng Quang trung ngoại công nội kích tiêu diệt kẻ thù.
Ngày 30 tháng Chạp, đại quân đếm vùng Tam Điệp, Hoàng đế Quang Trung ra lời phủ dụ khích lệ lòng quân, tuyên thệ đánh tan kẻ thù, làm cho Bắc Hà yên bình mới trở về. Sau đó, mở tiệc khao quân, hẹn mùng 7 tháng Giêng hội quân ăn mừng tại kinh thành Thăng Long.
Vì phải hành quân xa nên vua Quang Trung chia quân thành nhiều nhóm nhỏ gồm 3 người, 2 người vác võng chở người còn lại, cách 6 tiếng thì lại thay phiên. Quân trang quân dụng đều hết sức gọn nhẹ. Đi đến đâu, nghĩa quân cũng được nhân dân ủng hộ, giúp sức cung cấp cho lương thực và bảo mật thông tin. Nhờ chiến thuật hành quân hiệu quả, nghĩa quân Tây Sơn chẳng mấy chốc đã nhanh chóng đến Bắc.
Khi tiến đến sông Gián, quân ta bắt gọn nhóm do thám của giặc. Việc tiến quân của nghĩa quân Tây Sơn vì thế mà được bảo mật tuyệt đối, quân Thanh ở Thăng Long vẫn yến tiệc linh đình, không hề hay biết nguy cơ.
Nửa đêm mùng 3 tết Kỉ Dậu, quân ta lặng lẽ bao vây thành Hà Hồi vùng Thượng Phúc. Ta dùng kế giả binh, bắc loa gọi vào trong, quân sĩ dạ ran tưởng như trăm nghìn quân đang bao vây. Lại cho người giông trống gõ chiêng inh ỏi, vang dậy đất trời, đốt lửa hun khói mịt mờ trời đất. Quân giặc trong thành lúc này mới biết, kinh hồn khiếp vía vội vã xin hàng. Ta chiếm thành mà chẳng tốn hòn tên mũi đạn nào. Lương khô, vũ khí trong thành đều bị quân ta lấy hết.
Sáng hôm sau, mùng 4 tháng Giêng, quân ta tiến quân bao vây đồn Ngọc Hồi nhưng không đánh liền để dưỡng quân. Thấy quân địch có phòng bị, vua Quang Trung cho toán quân diễu võ trước cửa đồn và sai đô đốc Long đem quân đánh đồn Đống Đa và Khương Thượng. Đến tối, ở Đống Đa, đô đốc Long cho voi chiến nã pháo vào đồn. Đồn nhanh chóng bị phá vỡ, quân Thanh chạy toán loạn. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống cố thủ Khương Thượng không địch nổi phải thắt cổ tự vẫn. Còn đám tàn quân thì bị giết sạch. Sau khi bắn phá và tiêu diệt được đồn Nam Đồng, quân Tây Sơn ta áp sát đồn Ngọc Hồi.
Mờ sáng mùng 5, vua Quang Trung hạ lệnh đánh đồn Ngọc Hồi. Quân ta mở màn trước với đội tượng binh hơn trăm con đồng thời bắn pháo dữ dội vào thành. Quân Thanh tung kỵ binh ra nhưng ngựa của chúng lại sợ voi, quay đầu bỏ chạy. Đám quân còn lại cố thủ, quyết chiến với quân ta. Lợi dụng hướng gió, chúng phóng khói mịt mù nhằm làm quân ta rối loạn đội hình, nào ngờ trời đổi gió, khói bay ngược vào thành khiến chúng lúng túng, chẳng khác nào tự mình hại mình.
Trước tình thế có lợi, Quang Trung tức tốc ra lệnh chia quân thành 2 cánh, một cánh vòng qua sau Ngọc Hồi, cánh kia dùng 20 tấm bức ván lớn tấm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác và súng phun lửa của quân Thanh bị vô hiệu lực, ta xung phong tiến vào đồn hỗn chiến. Sau một thời gian chiến đấu dài, ta cho lệnh đốt đồn địch.
Hoàng đế Quang Trung quả thực là một dũng tướng đích thực chứ không phải chỉ trên danh nghĩa. Người xông pha trận mạc, bất chấp hiểm nguy, vừa chỉ huy, vừa tham chiến. Khi trận đánh kết thúc, ngài cưỡi voi bước ra từ đám khói, khuôn mặt đen sạm thuốc súng, áo bào bị rách, ánh mắt uy dũng phi thường như người anh hùng bước ra từ trong sử thi.
Nghe tin đồn Ngọc Hồi và Đống Đa bị thất thủ, quân Tây Sơn đang áp sát kinh thành, Tôn Sĩ Nghị sợ đến mất mật, không kịp mặc giáp một mình một ngựa chạy về nước. Trưa hôm ấy, đại quân tiến vào Thang Long như đi vào chỗ không người. Quân giặc kinh sợ, chen chúc giẫm đạp lên nhau mà chết. Các cây cầu trên sông Nhị Hà chịu không nổi đều bị đứt sập, hơn một vạn quân Thanh rớt xuống sông chết nhiều không sao kể siết.
Quân Thanh tháo chạy ra đường tắt sau thành lại gặp cánh tượng binh thứ hai dồn xuống đầm Mực rồi bị voi đạp chết. Năm ấy sông Nhị Hà bị tắc nghẽn. Quân Thanh đại bại. Còn tên Lê Chiêu Thống và bè lũ quan lại bán nước cũng tìm đường tháo chạy sang Trung Quốc cùng đám tàn quân.
Chỉ trong 5 ngày tiến đánh, quân ta quét sạch kẻ thù, chiếm giữ kinh thành Thăng Long. Một mặt, vua Quang Trung cho người tiếp tục truy đuổi kẻ thù, mặt khác ngài cho người loan báo khắp núi sông kẻ thù đã bị đánh đuổi, đích thân ngài an ủi lòng dân, mời gọi nhân dân trở về kinh thành. Sau đó, các tướng lĩnh và binh lính cùng nhau giúp nhân dân xây dựng cuộc sống, kinh thành chẳng mấy chốc mà nhộn nhịp, đông vui hẳn lên. Ai ai cũng tỏ lòng cảm ân vô hạn đối với nhà vua. Khi miền Bắc đã yên ổn, Hoàng Đế Quang Trung cho đại quân rút về miền trung trấn giữ. Từ đó, giặc phương Bắc cũng không dám âm mưu xâm lược nước ta nữa.
- Đóng vai người lính Tây Sơn kể lại cuộc hành quân thần tốc và những chiến công hiển hách của Quang Trung Nguyễn Huệ
- Đóng vai vua Quang Trung kể lại cuộc hành binh thần tốc ra Bắc và đại phá quân Thanh của nghĩa quân Tây Sơn
- Cảm nhận vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ qua Hồi thứ 14 (trích Hoàng Lê nhất thống chí)
- Từ lời phủ dụ binh lính của vua Quang Trung nguyễn Huệ, hãy suy nghĩ về truyền thống yêu nước của dân tộc ta từ xưa đến nay