»» Nội dung bài viết:
Suy nghĩ về câu nói: “Kẻ mạnh chưa hẳn là kẻ thắng, kẻ thắng mới là kẻ mạnh”.
- Mở bài:
Chiến thắng hay thất bại một đôi lần chưa thể khẳng định người đó là kẻ mạnh hay kẻ yếu. Bởi có thể lúc này họ là người thất bại nhưng lúc khác họ có thể là người giành chiến thắng. Nhà văn Nam Cao từng viết trong tác phẩm của mình rằng: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình”. Còn Franz Anton Beckenbauer khẳng định rõ ràng hơn: Kẻ mạnh chưa chắc đã là kẻ chiến thắng, mà kẻ chiến thắng mới chính là kẻ mạnh.
- Thân bài:
Kẻ mạnh là gì?
Kẻ mạnh là người sở hữu nguồn sức mạnh có thể bắt người khác phải thất bại hoặc tuân phục mình. Nguồn sức mạnh ấy có thể là sức mạnh cơ thể, sức mạnh của vật chất hoặc của tinh thần. Kẻ mạnh còn được hiểu là kẻ luôn chiến thắng, ít khi phải chịu thất bại trước một sức mạnh khác.
Kẻ chiến thắng là gì?
Kẻ chiến thắng là kẻ giành lấy phần thắng lợi trong một cuộc đua, một trận chiến, một cuộc tranh giành quyết liệt và chiếm được lợi ích về bản thân mình. Kẻ chiến thắng làm cho người khác phải thất bại và nhận lấy hậu quả nặng nề.
Trong một cuộc chiến đấu, kẻ mạnh chưa hẳn lúc nào cũng có thể giành thắng lợi. Đôi khi kẻ mạnh phải chịu thất bại cay đắng. Nhưng, ai chiến thắng trong một cuộc tranh giành lợi ích luôn được xem là kẻ mạnh.
Vì sao kẻ mạnh chưa chắc đã là kẻ chiến thắng?
Trong một cuộc tranh giành, một trận chiến, không ai dám chắc rằng mình sẽ giành phần thắng tuyệt đối. Chiến thắng đến với ta không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh của bản thân mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, có tác động sâu sắc đến hành động, sự việc và kết quả. Đôi khi, về sức mạnh ta hơn hẳn nhưng không thể giành phần thắng được chỉ vì một lí do bất ngờ nào đó.
Xưa Gia Cát Lượng sáu lần dẫn quân đến Kỳ Sơn chinh phạt Tư Mã Ý. Tư Mã Ý biết không thể thắng được Gia Cát Lượng nên chỉ lo cố thủ trong thành, không nghênh chiến. Đánh mãi mà không thắng, cuối cùng Gia Cát Lượng đã dùng mưu dụ được cha con Tư Mã Ý đến Thượng Phương Cốc và dùng lửa thiêu sống cả đạo quân. Cha con Tư Mã Ý ôm nhau than khóc chờ chết. Nào ngờ, đang một trân mưa to trút xuống dập tắt ngọn lửa, cha con Tư Mã ý được cứu sống trong gang tất. Sau này, Cha con Tư Mã Ý khuynh đảo cả triều đình, danh thế đứng đầu thiên hạ. Mới hay, đại tài như Gia Cát Lượng chưa chắc đã có thể thắng mãi. Yếu thế như cha con Tư Mã Ý mà biết đợi thời cơ cũng có thể làm nên chiến thắng.
Vì sao kẻ chiến thắng mới là kẻ mạnh?
Một khi quyết lao vào một cuộc chiến, ai cũng tin rằng mình có thể giành chiến thắng. Hoặc dù chiến đấu trong một tình thế không có cơ may chiến thắng nếu ta tin tưởng vào một thắng lợi có thể có sẽ tạo ra nguồn sức mạnh to lớn. Ai có thể khuất phục được đối phương, giành được thắng lợi cuối cùng mới đích thực là kẻ mạnh. Khi so sánh về một vài phương diện, họ có thể là kẻ yếu thế hơn. Nhưng kết cục, họ là người chiến thắng. Họ chiếm được lợi ích. Lúc ấy, họ là kẻ mạnh đích thực. Con người thường lấy kết quả cuối cùng để khẳng định ai mới thực sự là kẻ mạnh chứ không phải là sức mạnh họ sở hữu hoặc sự khoe mẽ không có thực nào đó.
Nếu ta mạnh hơn người khác nhưng không thể khiến họ thất bại thì ta chưa hẳn đã là kẻ mạnh. Kẻ yếu hơn có thể làm ta không đạt đến thắng lợi thì họ chính là kẻ mạnh đã làm ta thất bại trên con đường đi đến thắng lợi. Chính kẻ thắng mới là kẻ mạnh đích thực.
Lịch sử Việt Nam là minh chứng rõ ràng và thuyết phục cho điều đó. Trong quá khứ, nước ta liên tục bị xâm lược bởi những thế lực hùng mạnh nhất thời đại. Hết phong kiến Trung Quốc rồi đến thực dân Pháp, đế quốc Mỹ nuôi tham vọng thôn tính nước ta. Dù là dân tộc bị đánh giá là yếu thế hơn gấp nhiều lần nhưng trải qua hàng nghìn năm đấu tranh, ta đã giành thắng lợi cuối cùng, giữ vững được nền đọc lập dân tộc và chủ quyền đất nước. Kẻ thù hùng mạnh đã không thể là kẻ chiến thắng một dân tộc yếu nhưng mạnh mẽ.
3. Bài học nhận thức và hành động:
Đừng bao giờ khiếp sợ trước kẻ mạnh. Hãy mạnh mẽ chiến đấu bởi chỉ khi bạn chiến đấu, cơ hội chiến thắng mới xuất hiện và đưa bạn đến thắng lợi.
Điều quan trọng không phải là bạn có bao nhiêu sức mạnh mà là bạn có thể giành lấy thắng lợi cuối cùng hay không? Quá tin vào sức mạnh của mình là tự mình làm mình thất bại. Và ngược lại, niềm tin vào chiến thắng sẽ làm bạn mạnh lên gấp nhiều lần.
Hãy luôn tin tưởng vào cơ hội chiến thắng nếu bạn yếu hơn. Mỗi thất bại nhỏ là những nấc thang đưa bạn đến với thành công lớn. Thắng lợi chân chính phải là thắng lợi của tấm lòng nhân nghĩa.
Thắng lợi đích thực chưa hẳn là phải khuất phục hay tiêu diệt kẻ thù mà là đạt đến được mục tiêu. Thắng lợi ấy phải thực sự mang lại lợi ích cho bản thân và cho nhiều người khác chứ không phải là thắng lợi tinh thần kiểu AQ.
- Kết bài:
Ai cũng có thể bỏ cuộc, đó là điều dễ nhất trên thế giới. Nhưng để vững tâm tiến tới ngay cả khi tất cả mọi người sẽ thông cảm nếu bạn thất bại, đó mới là sức mạnh thực sự. Nên nhớ rằng kẻ thắng mới là kẻ mạnh. Vinh quang nằm trong sự nỗ lực hết mình và người chiến thắng là người luôn nghĩ mình có thể. Chiến thắng một sức mạnh, điều đó thật đáng ca ngợi. Nhưng chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân mới chính là chiến thắng vĩ đại nhất. Có thể bạn không phải là kẻ mạnh. Nhưng bạn luôn là người có cơ hội chiến thắng.