Làm sáng tỏ lòng yêu nước, thương dân, lo cho vận mệnh dân tộc trong thơ văn Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi khẳng định rằng: “Phúc chu, thủy tín dân do thủy” (lật thuyền mới thấy sức mạnh của dân như nước – Quan hải). Đây là cách nhìn mới mẻ, đầy sáng tạo và có sự trân trọng nhân dân đúng mực. Người làm vua, kẻ làm quan phải dựa vào dân trong đánh giặc cũng như xây dựng đất nước và luôn “chăm lo dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận, oán sầu”. Dù Nguyễn Trãi có gọi nhân dân là “dân đen “, “con đỏ” (Bình Ngô đại cáo) thì điều đó càng chứng tỏ tấm lòng chân thành của Nguyễn Trãi dành cho nhân dân. Trong kháng chiến chống quân Minh, sức mạnh của nhân dân đã được phát huy mạnh mẽ làm nên những chiến công vang dội nhất.
Nguyễn Trãi nhận thấy sức mạnh của nhân dân và luôn đề cao phẩm chất cao quý của họ. Nhưng đồng thời Nguyễn Trãi cũng cảm nhận sâu sắc nỗi thống khổ của nhân dân.
Khi lớn lên, Nguyễn Trãi sống với cha ở Nhị Khê hàng chục năm, rồi sau khi phải lưu lạc trong nhân dân, Nguyễn Trãi đã tự mình mắt thấy tai nghe muôn vàn khổ cực của dân dưới ách quân cướp nước và bán nước. Để rồi những vần thơ của Nguyễn Trãi như sống lên thành tiếng nói cảm thương sâu sắc, và ngược lại chính những vần thơ này càng giúp Nguyễn Trãi thấm thía hơn cuộc đời lam lũ, khốn khó, đau thương của nhân dân lao động, của người dân mất nước:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”.
(Bình Ngô đại cáo)
Trái tim người đọc có bao cảm xúc lạ thường vừa thương cảm với nỗi thống khổ của nhân dân vừa càng yêu mến Nguyễn Trãi. Bầu trời Việt Nam như tối tăm hơn khi giặc Minh xâm lươc. Đã bao đêm Nguyễn Trãi không ngủ để tìm đường cứu nước cứu dân, bao nhiêu nỗi cơ cực, mất mát của dân chúng là bấy nhiêu nỗi đau đớn trong tấm lòng tác giả.
Thơ văn Nguyễn Trãi không gì hơn tấm lòng yêu nước, thương dân và dòng máu truyền thống dân tộc luôn cuộn chảy trong họ. Tuổi trẻ của Nguyễn Trãi đã mang trong mình hoài bão, lí tưởng, cống hiến hết mình cho dân, cho nước. Trải qua bao khó khăn, thăng trầm trong cuộc đời, lí tưởng ấy của Nguyễn Trãi càng mãnh liệt, khôn nguôi:
“Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”
(Thuật hứng 5 – Quốc âm thi tập)
Cả cuộc đời Nguyễn Trãi “cật chưng hồ hải đặt chưa an” để suy nghĩ, để tìm câu trả lời: làm gì cho dân, những người dân lầm than, khổ cực. Chính vì vậy mà:
“Còn có một lòng âu việc nước
Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung”.
(Thuật hứng 23 – Quốc âm thi tập)
Rồi người đời càng cảm động hơn khi thấy một Nguyễn Trãi:
“Bình sinh độc bão tiên ưu chí
Tỏa ủng hàn khâm dạ bất miên”.
(Suốt đời riêng ôm tấm lòng “lo trước”
Ngồi quàng mảnh chăn lạnh, thâu đêm không sao ngủ được)
(Hải khẩu dạ bạc hữu cảm 2- Ức Trai thi tập)
Mỗi dòng thơ là một dòng tâm huyết, mỗi bài thơ là một tấm lòng trong sáng, đầy sức sống. Nguyễn Trãi hiện lên trong lòng người đọc đầy gần gũi mà luôn có sự kính phục, đầy yêu thương, tự hào. Cả cuộc đời Nguyễn Trãi quên ăn, quên ngủ cũng chỉ vì hai chữ dân, nước. Truyền thống yêu nước của dân tộc ta ngàn đời vẫn vậy.
Tấm lòng yêu nước đó xuyên suốt cả cuộc đời Nguyễn Trãi . Sáu mươi tuổi, Nguyễn Trãi vui mừng khôn xiết viết Biểu tạ ơn vua vì lại được vời ra chăm lo việc nước:
“Thương thần như ngựa đến tuổi già, còn kham rong ruổi
Cho thần như thông qua năm hết càng dạn tuyết sương”
(Biểu tạ ơn)
Tuy tuổi đã cao nhưng Nguyễn Trãi vẫn giữ được nhiệt huyết của tuổi trẻ, của khát vọng và ước mơ suốt cả cuộc đời. Với tấm lòng tràn đầy trẻ trung, Nguyễn Trãi mong muốn cống hiến thật nhiều cho dân tộc không ngại chi tuổi tác, thời gian. Và nếu có để giải thích cho tinh thần sôi nổi ấy, ta liền nghĩ ngay đến câu thơ đầy hóm hỉnh, đầy hình ảnh của Nguyễn Trãi: “Đạo ta cậy bởi chân non khỏe” (Mạn thuật 1 – Quốc âm thi tập). “Đạo” của “ta” (đạo về dân, về nước) thật vững chắc, không gì lay chuyển, phá vỡ được, nó như chân núi sừng sững, cao vợi phía chân trời.
Tóm lại, tấm lòng yêu nước thương dân của Nguyễn Trãi thể hiện rất rõ trong thơ ca. Thơ văn Nguyễn Trãi đúc kết được tấm lòng yêu nước ,thương dân trong những vần thơ trong sáng đầy nhiệt thành, vừa ngắn gọn, dễ hiểu vừa gần gũi, sâu sắc vô cùng. Chính điều này đã làm cho những áng thơ của Nguyễn Trãi có sức sống lâu bền, có sức cảm hóa và giáo dục rất lớn.
- Phân tích tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo”
- Vẻ đẹp mùa hè và tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời, yêu nhân dân của Nguyễn Trãi trong bài thơ “Cảnh ngày hè”