mieu-ta-mot-di-van-hoa-lich-su-trong-mot-chuyen-tham-quan

Miêu tả một di tích văn hóa, lịch sử trong một chuyến tham quan

Miêu tả một di tích văn hóa, lịch sử trong một chuyến tham quan

  • Mở bài:

“Đường vô xứ Huế quanh quanh.
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”.

Đó là bài ca dao ngợi ca vẻ đẹp non xanh nước biếc cố đô Huế. Thật không hổ danh miền đất kinh kì, chỉ một lần đến tham quan chốn này mà tôi đã yêu mến thiết tha, không làm sao quên được.

  • Thân bài:

Tôi không “vô” Huế, mà ra Huế, từ thành phố Hồ Chí Minh. Tôi sẽ không nói đến con đường từ phành phố Hồ chí Minh đến Huế, với những bờ biến kì thú ven quốc lộ 1, những ngôi tháp Chàm cổ kính rêu phong, những đèo Cả, đèo Cù Mông chất ngất hiểm trở, đèo Hải Vân như từ trên mây đô’xuống. Tôi cũng sẽ không nói đến thành phố Huế xinh xắn với sông Hương xanh trong và dịu dàng. Tôi cũng sẽ không nói đến những cung điện của kinh thành đang được tu sửa lại.

Tôi chỉ xin nói về một chặng đường ngắn ngủi của chuyến tham quan, khi chúng tôi đi qua bờ nam sông Hương để đến thăm khu lăng mộ các vua triều Nguyễn.

Xe vừa lên khỏi dốc Nam Giao, đoàn tham quan reo ồ lên trước cảnh núi đồi trùng điệp trải ra trước mắt, kéo dài mãi đến những rặng núi của Trường Sơn xa xanh. Trước xe, hiện ra trọn vẹn hình dáng mặt sau của núi Ngự Bình. Ngoảnh nhìn phía sau xe, thấy rõ ràng cột cờ trước lầu Ngọ Môn. Thảo nào hòn núi có tên là Ngự Bình: bức bình phong của kinh thành.

Xe ngoặt hẳn sang phải, từ từ leo dốc, đi giữa những hàng thông xanh. Từ đây, bắt đầu khu vực lăng mộ của các vua nhà Nguyễn. Từ đỉnh dốc, du khách bồi hồi cảm xúc nhìn xuống một dòng phụ của sông Hương chảy trôi bên dưới, xanh ngăn ngắt, cái sắc xanh như cô đặc lại từ màu nước, màu trờ.i, màu núi xa, màu lá của những rặng thông gần.

Xe dừng lại trước cổng Khiêm lăng, tức lăng vua Tự Đức, một khu lăng mộ được biết đến nhiều nhất, có lẽ bởi vì nó được xây dựng công phu và kém nhất, đồi lớn, đồi nhỏ bao quanh lăng làm một bức tường thiên nhiên vđi lớp lớp thông xanh khiến cho khu lăng mộ được phủ trùm trong không khí tĩnh lặng và thâm nghiêm. Không có âm thanh nào lọt đến đây ngoài tiếng gió vi vu qua những lá thông.

Bước lên nhiều bậc thềm cao, chúng tôi đứng trước cổng lăng và nhìn thấy một sân rộng lát đá. Dọc hai bên sân là hai hàng tượng đá tạc hình quan võ, quan văn, qua cả trăm năm vẫn đứng yên chầu chực. Hình như họ vẫn đang chờ nhà vua của họ thức dậy, không biết rằng chế độ phong kiến của họ tàn lui đã hơn nửa thế kỷ rồi. Đi qua sân, chúng tôi vào điện chính.

Trong ngôi nhà nguy nga vừa dài vừa rộng này, bày biện đủ thứ: tủ, bàn, giường, ghế, sập gụ, tủ chè, giát vàng, khảm ngọc; quần áo, mũ mãng thêu rồng, thêu phượng… để cho nhà vua “dùng” như khi ông ta còn sống. Lại có hàng dãy chậu cây lá ngọc cành vàng (tất nhiên là ngọc và vàng giả!)

Sau điện thờ chính là khu mộ, một vòng tường thành hình vuông cao ngất, có hai cánh cửa bịt đồng nặng nề. Rẽ sang phải, chúng tôi gặp một dòng xuôi nhỏ từ trong đá chảy ra. Chúng tôi đứng trước một hồ nước khá rộng nở đầy hoa sen: trên hồ là một ngôi nhà bằng gỗ, nhà thủy tạ để cho nhà vua “nằm mát”.

Theo người hướng dẫn du lịch, chúng tôi biết rằng khu lăng mộ này được xây dựng mất rất nhiều năm trong thời kỳ vua Tự Đức còn sống, tốn kém nhiều tiền của và đặc biệt là nhân dân đi phu thật khổ sd điêu đứng. Chính từ việc xây lăng này mà có câu ca dao:

“Vạn Niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân”.

Lăng Vạn Niên tức Khiêm lăng thể hiện tài trí khéo léo của những người thợ nề, thợ mộc Việt Nam ngày xưa, nhưng cũng là bằng chúng về sự tàn bạo của vua chúa phong kiến và nỗi đau khổ vô cùng của nhân dân ta

Có lẽ vì thế mà khi ra khỏi lăng, tôi có một cảm giác nhẹ nhõm như vừa ra khỏi một quá khứ nặng nề để bước vào cuộc đời thực, vui mừng nhìn thây bầu trời, dòng sông trong sáng.

Trở về, chúng tôi đi bằng thuyền, thứ thuyền nhẹ và xinh mà người xứ Huê gọi là “nốc”. Sau khi ghé điện hòn Chén kề bên một vực nước sâu thăm thẳm dưới chân núi Ngọc Trảng (Chén ngọc), đoàn tham quan trở về thành phố. Chúng tôi nhìn thấy tháp Thiên Mụ bên bờ trái sông Hương, ngọn tháp nổi tiếng của một ngôi chùa đẹp tiêu biểu của Huế. Thuyền di qua cầu Bạch Hổ.

Từ đây, chúng tôi nhìn thấy thành phố trải dọc theo sông, hai bờ sông rực đỏ, đỏ đến chói mắt vì hoa phượng. Trước mặt, cầu Tràng Tiền sáu nhịp như sáu chiếc lược trắng bắc qua dòng sông có cái tên thật kỳ lạ: sông Thơm. Toàn cảnh phố cổ thu vào tầm mắt, đẹp long lanh. Ánh đèn điện đổ bóng xuống sông hương rồi hắt lên trời cao. Huế về đêm đẹp như một viên ngọc huyền bí.

  • Kết bài:

Xứ Huế mộng mơ đi vào thi ca đẹp mơ màng như một bức tranh thủy mặc nghìn đời thắm tươi. Tôi yêu cảnh vật, yêu không gian văn hóa và yêu cả con người xứ Huế hồn hậu, chân tình. Nhất định, một ngày nào đó, tôi sẽ trở lại nơi này, một lần nữa đắm mình trong sông nước hiền hòa  để thêm yêu quý và tự hào về vẻ đẹp của quê hương, đất nước mình hơn nữa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang