nghe-thuat-xay-dung-hinh-tuong-nguoi-linh-trong-bai-tho-tay-tien-quang-dung

Nghệ thuật xây dựng hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng)

Nghệ thuật xây dựng hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến” (Quang Dũng)

  • Mở bài:

Tây Tiến là bài thơ xuất sắc nhất của nhà thơ Quang Dũng. Gây ấn tượng mạnh mẽ trong bài thơ là hình tượng người lính Tây Tiến. Dưới ngòi bút tài hoa của Quang Dũng, hình tượng người lính được khắc họa vô cùng chân thực và độc đáo, làm nổi bậc chất hào hoa, hào hùng của người lính xuất thần từ Hà Thành thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

  • Thân bài:

1. Hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến” hiện lên giữa bao gian khổ thiếu thốn nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp hào hoa, hào hùng:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Ðêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Giữa nền thiên nhiên khắc nghiệt, hình ảnh người lính hiện lên thật bi tráng. Quang Dũng đã dùng những hình ảnh rất hiện thực để tô đậm cái phi thường của người lính:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Hai câu thơ mở đầu gợi lên vẻ đẹp bi tráng. Đầu tiên đó là cái bi thương gợi lên từ  ngoại hình của  người lính ốm yếu, tiều tụy, đầu trọc, da dẻ xanh như màu lá. Đoàn quân trông thật kì dị: “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”. Đó là nguyên do của những tháng ngày hành quân vất vả vì đói và khát, là dấu ấn của những trận sốt rét ác tính làm tóc rụng không mọc lại được, da dẻ héo úa như tàu lá.

Bên cạnh cái bi ta còn thấy cái Hào hùng: thủ pháp nghệ thuật đối lập giữa ngoại hình ốm yếu và tâm hồn bên trong đã làm nên khí chất mạnh mẽ trong tư thế của người lính. Cách nói “không mọc tóc” là để tả cái ngang tàng của người lính, lại như có nét đùa vui, hóm hỉnh: không cần tóc mọc. Điều đó cho thấy người lính Tây Tiến rất lạc quan, yêu đời, coi thường gian khổ.

Mặt khác cái hào hùng còn hiện lên qua cách dùng từ Hán Việt “Đoàn binh”. Chữ “đoàn binh” chứ không phải là “đoàn quân” đã gợi lên được sự mạnh mẽ lạ thường của sự hùng dũng. Kết hợp với  ba từ “dữ oai hùm” đã gợi lên dáng vẻ oai phong lẫm liệt, oai của chúa sơn lâm. Qua đó ta thấy người lính Tây Tiến vẫn mạnh mẽ làm chủ tình hình, làm chủ núi rừng, chế ngự mọi khắc nghiệt xung quanh, đạp bằng mọi gian khổ.

Bên cạnh chất bi hùng, đoạn thơ còn để lại dấu ấn lãng mạn của những chàng trai Hà Nội mang tâm hồn hào hoa:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Hai chữ “Mắt trừng” gợi nhiều liên tưởng: “mắt trừng” là mắt mở to nhìn thẳng về phía kẻ thù với chí khí mạnh mẽ thề sống chết với kẻ thù. Đôi mắt ấy “gửi mộng qua biên giới” – mộng giết giặc, mộng lập công, mộng hòa bình.

“Mắt trừng’ còn là đôi mắt có tình, đôi mắt “mộng mơ” thao thức nhớ về quê hương Hà Nội về một dáng “kiều thơm” về bóng hình của những người bạn gái Hà Nội, thanh lịch, yêu kiều, diễm lệ. Với ý nghĩa ấy ta thấy, người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng cầm gươm theo tiếng gọi của non sông mà còn rất hào hoa, giữa bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn trái tim họ vẫn rung động, nhớ nhung về vẻ đẹp của Hà Nội. Có một thời người ta hiểu rằng câu thơ này mang mộng tiểu tư sản quá nhiều làm giảm đi chất chiến đấu. Nhưng thời gian đã chứng minh rằng đó là một vẻ đẹp của tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc, hướng về Thủ đô.

2. Hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến” ngời lên vẻ đẹp lí tưởng của thời đại: “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

Câu thơ “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” toàn từ Hán Việt gợi không khí cổ kính, gợi cái bi thương: “biên cương”, “viễn xứ”  là nơi biên giới xa xôi, heo hút hoang lạnh.  Nhà thơ nhìn thẳng vào sự khốc liệt của chiến tranh, miêu tả về cái chết, không né tránh hiện thực. Nhưng hình ảnh những nấm mồ chiến sĩ  rải rác nơi rừng hoang biên giới xa xôi đã bị mờ đi trước lí tưởng quên mình vì Tổ quốc của người lính Tây  Tiến. Vì thế cho nên câu thơ tiếp theo dữ dội như một lời thề sông núi: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

Bốn từ “chẳng tiếc đời xanh ” vang lên khảng khái, vừa gợi vẻ phong trần đồng thời mang vẻ đẹp thời đại “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.  “Chiến trường” là bom đạn khốc liệt là cái chết cận kề là dữ dội nguy nan . “Đời xanh” là tuổi trẻ, là cuộc sống non xanh mơn mởn. Thế nhưng người lính ở đây lại “chẳng tiếc” cho mình.  Hình ảnh ấy không chỉ mang vẻ đẹp của người lính cụ Hồ mà còn phảng phất tinh thần hiệp sĩ.

Hai câu thơ cuối, Quang Dũng nói về sự hi sinh bi tráng của những người lính:

“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Cách nói “áo bào thay chiếu” là cách nói bi tráng hóa, tráng lệ hóa sự hi sinh của người lính. Chiếc chiếu cói nhàu rách kia đã từng theo họ suốt chiến trường, là vật bất li thân cũng là tấm áo bào của lòng thành kính đưa những người con ưu tú của dân tộc về với đất mẹ. “Anh về đất” là cách nói giảm, nói tránh đi cái chết làm câu thơ bi mà không lụy.

Con sông Mã, chứng nhân của lịch sử, bạn đồng hành của Tây Tiến, cũng nhỏ dòng lệ cảm thương lay động cả đất trời, đã gầm lên “khúc độc hành” khúc tráng ca bi hùng rực rỡ nét sử thi “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Tiếng gầm ấy là khúc nhạc bi tráng, khúc nhạc thiêng tiễn đưa người lính về với nơi an nghỉ cuối cùng.

  • Kết bài:

Thành công của đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung chính là việc nhà thơ sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật: phép tương phản, đối lập gây ấn tượng mạnh khi xây dựng hình tượng người lính Tây Tiến. Đối lập, tương phản giữa cái ngoại hình ốm yếu, tiều tụy với tinh thần chiến đấu mạnh mẽ ở bên trong; sử dụng nhiều từ Hán Việt gợi sắc thái cổ kính; biện pháp tu từ nhân hoá, ẩn dụ… ngôn ngữ sử thi, lãng mạn, hào hùng. Chất thơ mang đậm dấu ấn của trí thức tiểu tư sản.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang