nghi-luan-goc-nhin-khac-suy-nghi-khac

Suy nghĩ về vai trò của góc nhìn khác qua câu chuyện hai công ty bán giày

Suy nghĩ về vai trò của góc nhìn khác qua câu chuyện Hai công ty bán giày.


Có hai hãng sản xuất giày nọ đang cùng cạnh tranh với nhau. Để tìm kiếm thị trường mới và làm tăng sức mạnh cạnh tranh, hai hãng đã cử nhân viên của mình đến Châu Phi để khảo sát thị trường nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Sau khi đặt chân đến Châu Phi, hai anh nhân viên của hai hãng đều rất chú nguyên cứu và ghi chép thông tin, ghi nhận hình ảnh thị trường. Thế nhưng, hai nhân vên lại có hai bản báo cáo hoàn toàn trái ngược nhau.

Anh nhân viên ở công ty thứ nhất, sau khi xem xét tình hình, liền vội vàng chạy về báo với cấp trên của mình: “Người dân ở đây chỉ đi chân đất, không có thói quen mang giày. Nếu chúng ta phát triển kinh doanh ở đây có mà chết mất! Thị trường này không tiềm năng đâu, đánh vào chỉ có thua lỗ đậm”. Vừa nói, anh ta vừa đưa hình ảnh, dẫn chứng xác thực mình thu được tại Châu Phi cho cấp trên mình xem. Nghe lời báo cáo, công ty đã tạm hoãn kế hoạch mở rộng thị trường sang châu Phi.

Còn anh nhân viên thứ hai, sau khi thu thập thông tin cũng cấp tốc trở về. Trong bản báo cáo, anh ghi: “Chúng ta cần nhanh chóng phát triển kinh doanh tại đây, ngay và luôn. Nơi này thật lý tưởng để kinh doanh giày bởi người dân ở đây chưa ai có giày dép để mang”. Sau khi thiết lập toàn bộ kế hoạch phát triển thị trường ở Châu Phi, công ty đã gặt hái được rất nhiều thành công vang dội và nhanh chóng trở thành người đi đầu trong thị phần giày tại đây.

 


  • Mở bài:

Huyền thoại sáng tạo quảng cáo Leo Burnett đã từng nói rằng chính sự tò mò về mọi khía cạnh trong cuộc sống làm nên thành công lớn của các nhà sáng tạo. Và muốn có được sự sáng tạo ta phải tìm được góc nhìn khác, suy nghĩ khác cái mọi người đang nghĩ. Bí quyết của người thành công là ở chỗ là họ thường nghĩ về những gì mà nhân loại chưa nghĩ đến. Góc nhìn khác, suy nghĩ khác thật sự cần thiết trên con đường tìm kiếm thành công của con người. Câu chuyện về hai công ty bán giày thật đáng để chúng ta suy nghĩ.

  • Thân bài:

Ý nghĩa câu chuyện bán giày.

Có một bài học chúng ta có thể thấy rõ, cùng một sự kiện xảy ra nhưng chính cách nhìn nhận khác nhau, góc nhìn khác nhau sẽ dẫn đến kết quả khác nhau. Thời điểm đó, Châu Phi là châu lục còn nhiều lạc hậu, kinh tế khó khăn thì việc đi chân đất của người dân như một thói quen hàng ngày trong đời sống. Nếu ta xem đó là điều hiển nhiên và không thể nào thay đổi thì cách nhìn của chúng ta cũng tiêu cực như chính anh nhân viên đầu tiên. Ngược lại, nếu ta có thêm cái nhìn toàn diện và tầm nhìn xa và bao quát hơn, thì vấn đề khó khăn trước mắt thực ra cũng chỉ là một thử thách dẫn ta đến với thành công trong tương lai.

Trong thách thức sẽ có cơ hội. Mỗi góc nhìn khách nhau, sẽ cho ra những quan điểm khác nhau, hay những khuynh hướng nhìn nhận cơ hội và thách thức khác nhau. Ta cần phải xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng để tìm được chiến lược kinh doanh hợp lý cho mình, tránh cái nhìn tiêu cực và một chiều như anh nhân viên ở công ty đầu tiên, sẽ giới hạn những tìm năng và cơ hội của ta. Đây là một phần bài học kinh doanh từ câu chuyện bán giày ở Châu Phi, muốn tìm hiểu thêm những bài học khác, bạn phải tự mình cảm nhận nó.

Góc nhìn khác là gì? Suy nghĩa khác là gì?

Góc nhìn khác là rời bỏ quan điểm cũ, kinh nghiệm cũ, tách mình ra khỏi tâm lí chung của xã hội để xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng ở những khía cạnh chưa được phát hiện. Góc nhìn khác cũng có thể hiểu là quan tâm đến nguyên nhân của hiện tượng và tìm cách giải quyết, đáp ứng các nhu cầu thực tế.

Từ những kiến thức thu được, ta tiến hành suy nghĩ, đối chiếu biểu hiện các sự vật hiện tượng và tìm kiếm một giải pháp phù hợp bằng những hành động cụ thể nhằm mang lại một kết quả tốt đẹp. Đó là suy nghĩ khác biệt.

Tại sao cần phải có suy nghĩ khác, góc nhìn khác?

Muốn sáng tạo phải có những suy nghĩ khác thường, vượt lên trên cái bình thường. Thực tế đã minh chứng cho điều đó một cách đầy thuyết phục. Nếu không nghĩ khác những gì mà nhân loại đang nghĩ thì Newton không thể sáng tạo ra học thuyết Vạn vật hấp dẫn thống trị trên bầu trời vật lí đến hơn 300 năm. Nếu không “điên rồ” tưởng tượng thì Einstein đâu thể tìm ra Thuyết tương đối, đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển của nền khoa học hiện đại. Nếu không vượt ra khỏi tư tưởng và con đương của các bậc tiền bối thì Bác Hồ đâu thể tìm thấy con đường giải phóng dân tộc khỏi áp bức. Vượt ra khỏi khuôn khổ đưa ta đến với những chân trời mới.

Cuộc sống luôn là một quá trình cạnh tranh khốc liệt để sinh tồn. Trong khi, thế giới luôn phát triển. Cơ hội thành công lại không dành cho tất cả. Suy nghĩ khác, nhìn nhận khác biệt về thế giới để tìm kiếm cơ hội vươn lên cho mình. Cơ hội luôn tàng ẩn trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng biểu hiện rõ ràng. Cái thực sự giá trị luôn bị che phủ bởi những cái bình thường khác. Như kim loại quý luôn nằm sâu trong lòng đất. Hạt ngọc được giấu kín trong lớp vỏ cứng của con trai. Cần thay đổi tư duy, gạn lọc cái bình thường để phát hiện chiếm lĩnh các giá trị chân thực bị che lấp ấy.

Suy nghĩ khác, góc nhìn khác giúp ta có cái nhìn toàn diện về sự vật, hiện tượng. Nó còn giúp ta tránh được lối suy nghĩ thiển cận, phiến diện. Nó bồi dưỡng cho ta tri thức mới mẻ.

Biết suy nghĩ khác biệt tạo nên tính năng động trong tư duy. Đó chính là cơ sở và động lực để con người sáng tạo và thành công. Steve Jobs đã không ngần ngại suy nghĩ về một sản phẩm khác biệt trong nhiều năm. Cuối cùng ông đã tạo ra được chiếc Iphone huyền thoại. Harland Sanders đến gần cuối cuộc đời mới nhận ra sự khác biệt của món gà rán do ông sáng tạo và gặt hái thành công lớn sau bao năm tháng vất vả. Tất cả là nhờ có điểm nhìn khác biệt, suy nghĩ khác biệt.

Phải làm gì để có được góc nhìn khác, suy nghĩ khác?

Trước hết là dũng cảm rời bỏ những điều được cho là chắc chắn và nguyên tắc có sẵn. Bởi cuộc sống luôn phát triển, tri thức không ngừng tăng cao, không có gì là chắc chắn mãi mãi. Những ưu điểm của hôm qua có thể là nhược điểm của hôm nay. Những nguyên tắc có thể giúp ta có dễ dàng tiến hành công việc nhưng cũng hạn chế tầm nhìn.

Năng động, sáng tạo và khác biệt luôn là hai yếu tố có tính động lực của mọi thành công. Đặc biệt là trong khởi đầu một công việc, khởi đầu một chiến lược mới. Cái đã có vốn được kiện toàn theo thời gian và ngày thêm vững mạnh. Muốn tạo ra cái mới, đủ sức cạnh tranh với cái cũ và đi đến thắng lợi nhất định chúng phải biết làm khác biệt.

Hãy luôn thay đổi tư duy ngay trong suy nghĩ và hành động. Như tỉ phú hàn Quốc Lee Kun Hee đã từng nói: “Hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con”. Phải thay đổi để thành công vì tri thức luôn bị phủ nhận trong tiến trình phát triển vượt bậc. Hãy thay đổi cái cần thay đổi, đó là tư duy, và giữ lại những gì đáng gìn giữ, đó là tình cảm.

Hãy luôn tích cực vận động để tu duy được tiếp cận với cái mới nhất, tiến bộ nhất. Hãy chú ý đến những điều mà người khác không chú ý hoặc chưa chú ý và tìm cách khai thác chúng.

Tăng cường học tập và rèn luyện mình là cơ sở để có suy nghĩ khác, góc nhìn khác. Không cần bạn phải thông thuộc hay giỏi giang trong công việc. Chỉ cần bạn biết kết nối các giá trị trong một chuỗi hợp lí. Nhất định bạn sẽ tìm thấy được điều mới mẻ mà người khác không thể nhìn thấy được.

Hãy say mê làm việc và tận tâm với công việc đang làm. Không có động lực nào tốt hơn giúp ta làm việc hiệu quả ngoài tình yêu đối với nó. Hãy tin tưởng vào lợi ích chúng ta sẽ có được mỗi khi ta hoàn thành tốt công việc. Gian khó luôn xuất hiện trước và gây khó khăn cho ta. Thành quả luôn đến sau cùng và sẽ hết sức ngọt ngào.

Tạo góc nhìn khác, suy nghĩ khác giúp ta tránh được sự cạnh tranh của đối thủ. Khi cùng khai thác một nguồn lợi, con người thường tiến hành khảo sát, đánh giá tiềm năng nguồn lợi ấy. Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở để đưa ra các quyết định quan trọng. Cùng suy nghĩ như đối thủ ta cũng có được một kết quả và chính sách như đối thủ mà thôi. Suy nghĩ khác cũng không có nghĩa là làm ngược lại đối thủ. Suy nghĩ khác tức là bằng một góc nhìn khác, một quan điểm khác tiến hành quan sát và đánh giá đối tượng. Từ đó tìm kiếm khả năng khai thác chúng.

Trong cuộc sống vân còn có nhiều người luôn bảo thủ. Họ cố chấp với kinh nghiệm cũ mà không chịu thay đổi. Họ không thể rời bỏ được thói quen nhìn nhận hay đánh giá sự vật. Họ không chịu sáng tạo hay cố công tìm kiếm những suy nghĩ khác biệt. Họ không toàn tâm trong công việc và dễ dàng chấp nhận thất bại. Những người như thế sẽ không thể thành công trong công việc và trong cuộc sống.

Phải luôn có suy nghĩ khác, góc nhìn khác, thái độ sống tích cực hơn nữa để tìm kiếm và phát hiện cơ hội. Nắm bắt cơ hội là khởi điểm của thành công. Là học sinh phải luôn năng động, sáng tạo, vượt qua những kinh nghiệm hoặc tri thức cũ kĩ, lạc hậu, say mê tìm kiếm cái mới mẻ và tiến bộ trong cuộc sống này.

  • Kết bài:

Từ bài học bán giày của hai công ty bán giày, chúng ta nhận ra rằng nếu không có góc nhìn khác, suy nghĩ khác sẽ dễ dẫn đến thất bại. Muốn thành công thì phải luôn luôn thay đổi. Đổi mới có thể khiến bạn cảm thấy khó khăn hơn. Nhưng nó có thể mang lại những điều mới mẻ và thành công vượt trội mà bạn cũng không ngờ tới được. Cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn nếu chúng ta luôn vận động tìm kiếm cái mới. Thật nhàm chán biết bao nếu những gì có ở xung quanh bạn không bao giờ thay đổi.

Nghị luận: Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy rồi

3 bình luận trong “Suy nghĩ về vai trò của góc nhìn khác qua câu chuyện hai công ty bán giày”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang