Nghị luận về tính năng động và sáng tạo của học sinh ngày nay

nghi-luan-ve-tinh-nang-dong-va-sang-tao-cua-hoc-sinh-ngay-nay

Nghị luận về tính năng động và sáng tạo của học sinh ngày nay.

  • Mở bài:

Không có gì cản trở sự tiến bộ xã hội bằng sự lười biếng và trì trệ của con người. Cũng không có gì giết chết sự nghiệp nhanh chóng bằng sự thiếu sáng tạo trong công việc. Năng động và sáng tạo là con đường dẫn đến mọi thành công. Không năng động và sáng tạo, học sinh không thể học tập thành công trong học tập.

  • Thân bài:

Năng động có nghĩa là gì?

Năng động là những hoạt động tích cực, chủ động, sôi nổi, dám nghĩ dám làm để tác động làm biến đổi thế giới xung quanh nhằm thực hiện tốt mục đích đã định. Năng động không những biểu hiện ở hành động mà còn cả trong suy nghĩ, ý tưởng và cách thức lựa chọn hợp lí nhất.

Sáng tạo có nghĩa là gì?

Sáng tạo là dám nghĩ khác, dám làm khác nhằm tạo ra cái mới mẻ, cái hữu ích cho công việc và cho cuộc sống. Sáng tạo trước hết là tìm kiếm điều mới mẻ trong cách nghĩ, cách làm. Sản phẩm tạo ra phải là cái tốt đẹp, tiến bộ và hữu ích. Năng lực sáng tạo của con người chính là động lực phát triển của xã hội.

Tại sao học sinh cần phải năng động và sáng tạo trong học tập?

Trong thời đại công nghệ và thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, muốn thành công trong học tập nhất định phải năng động và sáng tạo. Bởi chiếm lĩnh tri thức, biến tri thức thành năng lực của bản thân là một quá trình đầy khó khăn, gian khổ và dài lâu. Quá trình ấy diễn ra trong trọn cuộc đời. Nếu không năng động, con người dễ bị khuất phục bởi những khó khăn ấy. Nếu không sáng tạo con người dễ nhàm chán, sớm bỏ cuộc, đầu hàng khó khăn.

Thực tế đã chứng minh không phải ai cũng đi đến tận cùng con đường học tập và không phải ai học tập cũng thành công. Nguyên nhân dẫn đến những thất bại ấy không có cái gì khác đó là ở họ không có sự năng động và sáng tạo cần thiết.

Năng động, sáng tạo trong học tập giúp học sinh có thể vượt qua những khó khăn, thử thách, đạt được kết quả cao trong học tập, trong lao động và cả trong đời sống. Năng động và sáng tạo giúp học sinh tự tin vào bản thân, tin tưởng vào công việc học tập và cuộc sống, luôn tích cực suy nghĩ, tìm kiếm cái mới mẻ. Thành tích đạt được và cái mới được tìm thấy sẽ trở trở thành động lực khích lệ học sinh không ngừng vươn lên.

Học sinh năng động và sáng tạo không những bản thân không ngừng tiến bọ mà còn tạo được cảm hứng học tập cho người khác. Chính cách nghĩ, cách làm nhiệt tình, sôi nổi và mới mẻ ấy có sức thu hút, khơi dạy lòng đam mê khám phá từ bạn bè. Ở đâu có năng động và sáng tạo, ở đó có không khí học tập cởi mở, thoải mái và hiệu quả khác biệt.

Học sinh có tính năng động và sáng tạo luôn đạt thành tích cao trong học tập, trở thành niềm tự hào của thầy cô, là tấm gương sáng cho bạn bè học tập và làm theo.

Học sinh rèn luyện tính năng động, sáng tạo trong học tập như thế nào?

Những phẩm chất tốt đẹp của con người không tự nhiên mà có. Tất cả là nhờ không ngừng rèn luyện, củng cố và khẳng định những phẩm chất ấy trong một thời gian dài. Tính năng động, sáng tạo cũng thế. Học sinh muốn có được phẩm chất quý giá ấy trước hết phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội. Bản thân có khát vọng vươn lên thì việc rèn luyện các phẩm chất tốt đẹp mới dễ thành và duy trì được lâu dài. Sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội, lấy học tập làm nguồn lực để xây dựng gia đình, phát triển xã hội, gắn lợi ích của bản thân với lợi ích của gia đình và xã hội, học sinh mới có động lực vươn lên, không ngại khó, ngại khổ rèn luyện mình.

Muốn có được tính năng động và sáng tạo không gì khác ngoài việc chăm chỉ học tập từng ngày. Càng có nhiều tri thức, việc học càng trở nên dễ dàng, bản thân trở nên tự tin, mạnh mẽ. Một khi tự tin ở bản thân và công việc học sinh mới năng động và sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tạo ra cái mới mẻ.

Học tập phải có kế hoạch cụ thể và kiên trì thực hiện kế hoạch đã đặt ra. Không học một cách bị động, mù quáng, tùy tiện. Biết lựa chọn tri thức mà học. Biết xác định mục tiêu cụ thể, vừa sức và không ngừng nỗ lực vươn tới mục tiêu ấy.

Biết đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong học tập. Bởi trong lớp học luôn có người giỏi và người chưa giỏi. Người giỏi phải biết hỗ trợ người chưa giỏi để cùng nhau tiến bộ. Biết hợp tác để hoàn thành công việc một cách tốt nhất, nhanh chóng nhất, hiệu quả nhất. Không có ai trong chúng ta mạnh bằng tất cả chúng ta luôn là một bài học ý nghĩa cần phải ghi nhớ.

Luôn khám phá, tìm tòi, nghĩ khác, làm khác và sẵn sàng chấm nhận rủi ro là một yêu cầu cần thiết đối với người năng động và sáng tạo. Mọi lối mòn đều dẫn con người đến chốn tầm thường. Luôn biết vận dụng tri thức và kiểm nghiệm tri thức trong thực tiễn đời sống. Nhưng phải học tập thận trọng, tôn trọng các nguyên tắc và chuẩn mực tri thức. Không vì năng động và sáng tạo mà làm vội, làm dối, hay xúc phạm đến những điều đúng đắn, chân thực vốn đã được khẳng định trong cuộc sống này.

Phê phán:

Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều học sinh không biết năng động và sáng tạo trong học tập và trong cuộc sống. Họ lười biếng suy nghĩ, học tập một cách đối phó, học như con vẹt, chỉ biết lặp lại các kiến thức đã có sẵn. Họ không tích cực tìm kiếm, nghiên cứu tri thức, dễ dàng thỏa mãn với những bài học ngắn gọn trong sách vở. Bởi thế, họ ít khi đạt thành tích tốt trong học tập. Những người như thế thật đáng chê trách.

Bài học nhận thức và hành động:

Không năng động và sáng tạo trong học tập không thể chủ động và khó đạt được thành công. Thất bại trong học tập sẽ làm tăng thêm nguy cơ thất bại trong cuộc sống sau này. Bởi thế, ngay từ hôm nay, mỗi học sinh phải không ngừng tích cực, chủ động, năng động và sáng tạo trong học tập để sẵn sàng bước tới tương lai.

  • Kết bài:

Giá trị của sự sáng tạo không những là tạo ra cái mới mẻ mà là tạo ra cái mới mẻ một cách chân thực. Còn gì đơn điệu và nhàm chán hơn khi học tập mà không năng động và sáng tạo hay không có một chút đam mê nào. Hãy suy nghĩ về điều đó trước khi bạn trở thành người thất bại, mãi mãi bị thời gian gian vùi lấp.

Xem thêm:

Suy nghĩ về hiện tượng lười biếng trong học tập của nhiều học sinh ngày nay

1 bình luận

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Viết đoạn văn 200 chữ nghị luận về tính năng động và sáng tạo - Theki.vn
  2. Suy nghĩ về vai trò của góc nhìn khác qua câu chuyện hai công ty bán giày - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.