»» Nội dung bài viết:
“Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu”
- Mở bài:
Để đạt được điều bản thân mong muốn hay tiến tới thành công, chúng ta đều phải đi một chặng đường dài. Trên con đường ấy, có nhiều đã đi lệch hướng và không bao giờ đến đích. Đó không hẳn là vì họ chưa cố gắng mà là do bản thân chưa có tính kỷ luật, bởi Jim Ronh từng nói: “kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu”.
- Thân bài:
Tính kỷ luật là gì?
Kỷ luật là sự tuân theo các nguyên tắc, luật lệ được đặt ra nhằm hoàn thành tốt công việc. Khi bạn là một người kỷ luật thì mọi vấn đề diễn ra đều được nắm bắt và kiểm soát dễ dàng. Nhưng là một người kỷ luật không có nghĩa là bạn làm theo những điều người khác đặt ra mà bạn phải tự đặt điều lệ riêng cho bản thân, làm được điều đó thì bạn sẽ trở nên khác biệt và tách mình ra khỏi cộng đồng để tiến xa hơn.
Tại sao nói: “kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu”?
Khi có tính kỷ luật cao thì mọi rắc rối sẽ được giải quyết dễ dàng hơn và ta sẽ trở nên năng động hơn trong mọi việc. Nhờ vậy, ta cũng sẽ có thêm ý chí và nghị lực để vượt qua khó khăn. Tính kỷ luật cũng sẽ giúp ta đi đúng hướng đến thành công, nó sẽ giúp ta xác định rõ mục tiêu cần thực hiện và tránh cho ta không kiệt sức trên đường đi. Nhiều người vẫn thường đưa ra những lời bao biện cho sự bỏ cuộc và đi tìm con đường ngắn hơn để đi. Nhưng bạn hãy nhớ rằng không bao giờ có đường tắt đến thành công mà chỉ có một hướng đúng và chính tính kỷ luật sẽ đưa bạn đến.
Khi có tính kỷ luật thì bạn sẽ vượt trội hơn mọi người khác, bạn sẽ là tâm điểm để được mọi người tin tưởng và cùng làm việc. Bạn hãy thử tưởng tượng xem nếu mỗi buổi sáng bạn đều muốn ngủ thêm một ít nữa thì bạn sẽ trễ giờ đến cơ quan. Có thể mọi người xung quanh sẽ không trách mắng nhưng họ sẽ không tin tưởng bạn, hay công việc sẽ không mất đi nhưng bạn sẽ không bao giờ được thăng tiến cao hơn. Kỷ luật chỉ đơn giản là những việc nhỏ như thế nhưng nếu bạn không tự thay đổi để làm đúng thì cơ hội thành công sẽ không bao giờ đến.
Kỷ luật không phải tự ràng buộc bản thân vào những điều vô lý hoặc không phù hợp, vì nếu cố gắng làm thế thì ta chỉ đang lãng phí thời gian. Ta cần phải xem xét và nhận định đúng về tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của một điều luật lên công việc. Chuck Yeager đã từng nói: “Luật lệ được tạo ra cho những người không sẵn lòng xây dựng luật lệ cho bản thân mình”. Vì vậy ta hãy chủ động thay thế chúng bằng những điều luật của riêng mình. Nếu nhà trường quy định bảy giờ sáng sẽ bắt đầu vào học không có nghĩa là đúng giờ đó ta mới đến trường, mà thay vì vậy hãy đến sớm hơn để phòng tránh mọi vấn đề có thể xảy ra. Đừng vội thấy việc tuân theo đúng một luật lệ là khó khăn rồi bỏ cuộc hoặc cho rằng điều luật ấy không cần thiết.
Nếu không có tính kỷ luật trong công việc, nhà bác họ Edison đã sớm bỏ cuộc trong việc nghiên cứu và sáng tạo bóng đèn điện khi hơn 1000 lần thất bại. Niềm say mê sáng tạo, tính kiên trì và kỷ luật cao giúp ông giữ vững được niềm tin và ý chí đi đến kết quả cuối cùng. Nhờ có tính kỷ luật cao và tinh thần đoàn kết mà Bác Hồ Chí Minh xây dựng nên lực lượng cách mạng vững mạnh và đội ngũ cán bộ ưu tú, tổ chức dân tộc thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Nếu thiếu đi tính kỷ luật, mọi phẩm chất khác đều trở nên vô dụng, không thể phát huy được sức mạnh để đi đến thành công.
Chúng ta không ai là hoàn hảo và chẳng có ai có được cuộc sống như mong muốn nhưng nếu chịu khó rèn luyện tính kỷ luật thì những điều đó sẽ không là vấn đề. Kỷ luật đôi khi có thể mang cho ta những kết quả tốt ngoài mong đợi nhưng nó đòi hỏi ta phải tập chấp nhận và thực hiện tốt hằng ngày. Nhưng nếu bạn đã rèn luyện thành công thì những điều ta cần tuân theo sẽ trở thành một thói quen tốt. Tất cả mọi người đều có chung điểm xuất phát nhưng do luôn tuân theo kỷ luật và xác định đúng mục tiêu nên mới có những người thành công như Bill Gates hay Steve Job.
Tính kỷ luật cũng có lợi cho cả cá nhân lẫn cộng đồng. Ai cũng tuân thủ kỷ luật thì pháp luật được giữ gì, đạo đức đực tôn inh, xã hội sẽ yên bình, hạnh phúc. Chỉ vì một người không coi trọng kỷ luật mà làm ảnh hưởng đến cả tập thể. Hay khi tham gia giao thông, nhiều người mất kiên nhẫn nên bỏ qua những điều luật để gây ra tai nạn không mong muốn. Chúng ta có thể lựa chọn giữa chịu đựng kỷ luật hoặc nhận lấy sự thất vọng, vì vậy ta hãy tự tôn trọng bản thân và xã hội bằng cách trở thành một con người kỷ luật.
Thật đáng trách cho những ai không biết xây dựng tính kỷ luật. Thiếu đi đức tính này, không những chúng ta không có suy nghĩ gì lớn lao mà còn khó hoàn thành công việc một cách tốt nhất để đạt tới thành công.
- Kết bài:
Đừng để ước mơ mãi mãi là ước mơ mà hãy dũng cảm đạt lấy nó. Không có gì khác ngoài tính kỷ luật giúp bạn làm đực điều đó. Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu. Đó là cái cầu vững chắc, hãy xây dựng nó nếu bạn muốn đi từ mục tiêu đến thành tựu. Và hơn thế nữa, nó mở ra những thành tự mới trên con đừng chinh phục thử thách của bạn.