Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu) và Tràng giang (Huy Cận)

ve-dep-buc-tranh-thien-nhien-trong-bai-tho-viet-bac-to-huu-va-trang-giang-huy-can

Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu) và Tràng giang (Huy Cận)

  • Mở bài:

Thiên nhiên từ lâu đi vào trong thơ ca như một niềm thi hứng bất tận của những tâm hồn nghệ sĩ. Trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu và “Tràng gian”g của Huy Cận, mỗi nhà thơ có góc nhìn, cách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hết sức mới mẻ, độc đáo, đem lại cho người đọc những cảm xúc khác biệt, thật đáng trân trọng.

  • Thân bài:

Trong suốt nhiều thập kỉ từ những năm 1930 – 1970, Tố Hữu luôn được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Tố Hữu sáng tác đều đặn, rất thành công và có thể coi là bám sát nhất những nhiệm vụ cách mạng của dân tộc ta và cũng là nhà thơ được đón đợi, mến mộ nhất trong thời gian ấy.

Tháng 10/ 1954 , TW Đảng và Chính phủ rời Việt Bắc về Hà Nội, những người kháng chiến (trong đó có Tác giả Tố Hữu) từ căn cứ miền núi về miền xuôi chia tay Việt Bắc, chia tay khu căn cứ Cách mạng trong kháng chiến. Nhân sự kiện có tính lịch sử này Tố Hữu sáng tác bài thơ “Việt Bắc” Bài thơ “Việt Bắc” là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp.

Bài thơ tái hiện những kỉ niệm Cách mạng, kháng chiến. Khẳng định, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, gợi ra viễn cảnh tươi sáng của đất nước, ca ngợi công lao của Đảng và Bác Hồ trong kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đồng thời thể hiện tình cảm của Tố Hữu đối với quê hương Cách mạng Việt Bắc: yêu mến, gắn bó, tự hào về truyền thống cao đẹp của dân tộc, đất nước. Việt Bắc là khúc hùng ca, tình ca về Cách mạng, về kháng chiến, về những con người trong kháng chiến chống Pháp.

Cả bài thơ trải dài một bầu trời thương nhớ về Việt Bắc của chủ thể trữ tình. Và có lẽ đẹp nhất trong nỗi nhớ Việt Bắc là ấn tượng không phai về những người dân hoà quyện với thiên nhiên , núi rừng tươi đẹp:

“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người”

Đoạn thơ mở đầu bằng một câu hỏi tu từ, nhưng hỏi chỉ là cái cớ để bộc lộ chiều sâu tình cảm. Điệp từ “ta” và “nhớ” khẳng định , nhấn mạnh nỗi nhớ da diết của người về thủ đô. Phép liệt kê “những hoa cùng người” nêu lên đối tượng của nỗi nhớ . Đó là những gì tươi đẹp nhất của chiến khu. Hoa là kết tinh hương sắc của thiên nhiên còn người là kết tinh vẻ đẹp của đời sống xã hội. Xét cho cùng, người cũng là một loại hoa của đất. Hoa và người đặt cạnh nhau càng tôn tạo vẻ đẹp cho nhau , làm sáng lên cả không gian núi rừng Việt Bắc trùng điệp.

Vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên Việt Bắc hiện diện đầy đủ qua bức tranh tứ bình tuyệt đẹp (8 câu sau). Nhớ mùa đông Việt Bắc:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Nhớ mùa đông là nhớ màu xanh của núi rừng Việt Bắc, nhớ màu đỏ của hoa chuối như những ngọn lửa thắp sáng rừng xanh, sắc đỏ tươi của hoa chuối giữa sắc xanh của núi rừng làm cho núi rừng Việt Bắc mùa đông không lạnh lẽo, không úa tàn mà ấm áp, tươi tắn vô cùng. Cái tài của Tố Hữu là sử dụng gam màu nóng để vẽ bức tranh thiên nhiên Việt Bắc mùa đông thật đẹp và không thể quên. Nhớ mùa đông Việt Bắc còn nhớ người đi nương rẫy “dao gài thắt lưng” trong tư thế mạnh mẽ hào hùng đứng trên đèo cao “nắng ánh”, con dao của người đi nương rẫy phản quang rất gợi cảm. Màu “xanh” của rừng, màu “đỏ” của hoa chuối, màu sáng lấp lánh của “nắng ánh” từ con dao, màu sắc hòa hợp làm bật sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của thiên nhiên và con người Việt Bắc. Con người Việt Bắc trong tư thế làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời trong kháng chiến.

Bức tranh thiên nhiên chuyển đối màu sắc khi nhà thơ nhớ về ngày xuân Việt Bắc:

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

Nhớ ngày xuân Việt Bắc là nhớ hoa mơ “nở trắng rừng”, câu thơ miêu tả độc đáo của tác giả gợi một thế giới hoa mơ bao phủ mọi cánh rừng Việt Bắc, sắc trắng tinh khiết của hoa mơ mở ra một không gian bao la, thoáng mát và tràn đầy sức sống. Cách dùng từ tài hoa của Tố Hữu gợi nhớ câu thơ tả mùa xuân khá độc đáo của đại thi hào Nguyễn Du: “Cỏ non xanh tận chân trời Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Nhớ người thợ thủ công cần mẫn, khéo léo “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang” . “ Chuốt “ là làm bóng sợi giang mỏng manh. Có khéo léo, cần mẫn, tỉ mỉ thì mới có thể “chuốt từng sợi giang” để đan thành những chiếc nón, chiếc mũ phục vụ kháng chiến, để anh bộ đội đi chiến dịch có “ ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”. Người đan nón được nhà thơ nói đến tiêu biểu cho vẻ đẹp tài hoa, sáng tạo của đồng bào Việt Bắc.

Ấn tượng nhất chắc có lẽ là nỗi nhớ mùa hè Việt Bắc. Không những bức tranh rộn vang âm thanh mà màu sắc cũng hết sức ấn tượng, trong sạch, giàu sức gợi cảm :

“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”

Nhớ mùa hè Việt Bắc với tiếng ve kêu làm nên khúc nhạc rừng, nhớ màu vàng của rừng phách , nhớ cô thiếu nữ đi hái măng một mình. Một chữ “đổ” tài tình, tiếng ve kêu như trút xuống, “đổ” xuống thúc giục ngày hè trôi nhanh, làm cho rừng phách thêm vàng thiên nhiên Việt Bắc ngày hè thật tươi đẹp, sinh động . Nhớ con người Việt Bắc, nhớ cô gái đi hái măng một mình “Nhớ cô em gái hái măng một mình”. Câu thơ độc đáo, giàu vần điệu, thanh điệu, giàu chất nhạc, chất thơ tạo một không gian nghệ thuật đẹp và vui, đầy màu sắc và âm thanh.. Hình ảnh cô gái hái măng gợi nét đẹp trẻ trung, yêu đời và hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến của con người Việt Bắc.

Bức tranh thiên nhiên Việt Bắc bỗng trở nên đằm thắm, chứa chan tình cảm khi tác giả nhớ về cảnh sắc mùa thu:

“Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”

Nhớ mùa hè rồi nhớ mùa thu Việt Bắc, nhớ khôn nguôi ánh trăng ngà, tiếng hát ,…. Rừng thu răng rọi hòa bình Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung. Trăng Việt Bắc trong thơ Bác Hồ là “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Trăng Việt Bắc trong thơ Tố Hữu là “trăng rọi hòa bình”. Người Cách mạng về xuôi nhớ trăng Việt Bắc giữa rừng thu, trăng rọi qua tán lá rừng xanh, trăng dịu mát nên thơ, trữ tình,… khiến lòng người ngây ngất. Nhớ người Việt Bắc : “Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung” . “Ai” là đại từ nhân xưng phiếm chỉ, “nhớ ai” là nhớ về tất cả, về người dân Việt Bắc giàu tình nghĩa thủy chung đã hy sinh quên mình cho cách mạng, cho kháng chiến.

Trong Việt bắc, Tố Hữu đã sử dụng thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc một cách nhuần nhuyễn, điêu luyện. Cách xưng hô ta – mình, mình – mình thân mật, gần gũi, đậm phong vị ca dao. Lối đối đáp trữ tình của ca dao Việt Nam vừa linh hoạt, uyển chuyển vừa năng động trẻ trung. Giọng thơ tâm tình, ngọt ngào như âm hưởng lời ru. Các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, cường điệu , điệp,… cũng phát huy tối đa sức mạnh biểu đạt. Bài thơ sử dụng lời ăn tiếng nói của nhân dân rất giản dị, mộc mạc nhưng sinh động, hấp dẫn đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Nghệ thuật đậm tính dân tộc

Đoạn thơ mang vẻ đẹp của một bức tranh tứ bình đặc sắc, đậm đà phong cách dân tộc. Mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp là mùa đông năm 1946, đến mùa thu tháng 10 năm 1954 thủ đô Hà nội được giải phóng. Tố Hữu thể hiện nỗi nhớ Việt Bắc qua bốn mùa đông – xuân- hè – thu theo dòng chảy lịch sử. Mỗi mùa ở Việt Bắc có một nét đẹp riêng dạt dào sức sống: màu xanh của rừng, màu đỏ tươi của hoa chuối, màu trắng của hoa mơ, màu vàng của rừng phách, màu trăng xanh hòa bình.

Đoạn thơ ngắn 10 dòng trên mang âm điệu ngọt ngào , từ ngữ trong sáng giản dị giàu sức gợi , in đậm phong cách thơ Tố Hữu đã bộc lộ sự gắn bó sâu sắc của nhà thơ với Việt Bắc . Qua nỗi nhớ , niềm trân trọng tha thiết của nhà thơ , cảnh và người VB hiện lên thật gần gũi , chân thực mà thơ mộng , trữ tình. Thông qua tình cảm riêng của mình , Tố Hữu đã nói lên tình cảm của cả một thế hệ với quê hương đất nước , đã ngợi ca tình nghĩa thuỷ chung ân tình của nhân dân ta .

Khắc với bức tranh thiên nhiên Việt Bắc đa sắc màu, nhiều chuyển đối, con người và thiên nhiên hòa hợp nhất thể, bức tranh thiên nhiên trong bài thơ “Tràng Giang” hiện lên với tất cả sự đối lập, tương phản giữa thiên nhiên, không gian vũ trụ mênh mông với sự sống nhỏ bé đơn chiếc, lạc lõng, mong manh… Không gian với 2 sắc thái rõ chủ đạo: mênh mông vô biên và hoang sơ hiu quạnh.

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng”. 

Không gian mở ra với dòng sông mênh mông. Sóng gợn nhẹ nhàng lan tỏa đến vô cùng, gợi nỗi buồn miên man. Con thuyền buông mái chèo một cách thụ động, mặc cho nước đưa đẩy, gợi sự lênh đênh. So với dòng sông con thuyền hết sức nhỏ bé. Hình ảnh “nước song song”, “thuyền về nước lại” không hứa hẹn sự gặp gỡ mà chỉ là chia lìa, xa cách. Câu thơ: “Củi một cành khô lạc mấy dòng” gợi nghĩ tới thân phận cá thể nhỏ nhoi, bơ vơ giữa dòng đời, đẩy nỗi buồn len đếm đỉnh điểm.

Với hiệu quả của phép đối (buồn điệp điệp- nước song song, sầu trăm ngả- lạc mấy dòng), từ láy âm (điệp điệp, song song), tương phản giữa cá thể và vũ trụ, khổ thơ gợi nỗi buồn về sự chia li, tách biệt thiếu giao cảm giữa cá thể với nhau, đặc biệt là nỗi buồn về kiếp người nhỏ bé vô định.

Chưa dứt nỗi buồn bởi nhà thơ không tìm thấy được điểm tựa cho tinh thần nương trú. tầm nhìn tiếp tục mở rộng đến bãi bờ, trời cao:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”

Hai câu đầu nổi bật sự đìu hiu, vắng lặng của cảnh chiều. Đứng trước không gian ấy con người càng cô đơn, khao khát được nghe thấy âm thanh của cuộc sống con người. Thế nhưng, trong bóng chiều tàn tạ ấy, chợ chiều đã vãn, không gian càng vắng lặng, u tịch đến rợn người. Đến hai câu cuối, không gian được mở ra đa chiều với kích cỡ vô biên của trời cao, sông sâu, rộng, dài càng khiến con người hoang mang. Trong cái vũ trụ vô cùng, thăm thẳm không chỉ cảnh vắng cô liêu mà lòng người cũng như rợn ngợp bởi sự nhỏ bé, lạc loài. Từ cảnh vật đìu hịu, con người tự cảm về cuộc đời chìm nổi, kiếp người mong manh:

“Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. 

Cái hiện hữu trước mắt là những hình ảnh gợi sự lênh đênh vô định (bèo dạt về đâu) và tĩnh lặng, cô liêu (bờ xanh tiếp bãi vàng). Hình ảnh mà thi sĩ khao khát tìm kiếm là chuyến đò ngang là cây cầu như sự phủ định đã nằm ngay trong từ điệp từ không. Cảm thức cô đơn về sự lạc loài trước cảnh sông dài trời rộng đã khiến nhà thơ mong được đón nhận tiếng nói con người, mong được nhìn thấy sự giao lưu gần gũi giữa con người với con người nhưng tất cả vẫn bị ngăn cách (hình ảnh con đò, chiếc cầu tượng trưng cho sự giao lưu đôi bờ nhưn không có). Đó chính là nỗi buồn thẳm sâu về cuộc đời, về nhân thế.

Một lần nữa, nhà thơ chuyển đổi điểm nhìn. Hướng lên bầu trời để tìm chút ánh sáng tinh khôi, để tâm hồn trụ vững, bớt hoang mang. Thế nhưng, càng nhìn ngắm càng rợn ngợp, càng tím kiềm càng mông ung, mờ ảo:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Khổ thơ mang đậm màu sắc Đường thi khá rõ từ những hình ảnh ước lệ đến cách dùng các thi liệu thơ Đường. Hình ảnh Lớp lớp mây cao đùn núi bạc lấy ý từ câu thơ của Đỗ Phủ chỉ sự hùng vĩ của thiên nhiên nhưng câu thơ của Huy Cận miêu tả thiên nhiên lấp lánh, tráng lệ mang nét độc đáo riêng. Hai câu thơ cuối phảng phất ý vị thơ Thôi Hiệu: “Yên ba giang thượng sử nhân sầu”.

Hình thức ngôn ngữ mang màu sắc cổ điển nhưng cảm xúc lại mang tính hiện đại: cái tôi cô đơn, bơ vơ, rợn ngợp trước cuộc đời. Hình ảnh Chim nghiêng cánh nhỏ gợi cảm giác chấp chới, rợn ngợp. Nỗi nhớ nhà cứ  “dợn dợn” trong lòng, đó là nỗi khao khát tìm đến chỗ dựa cho tâm hồn cô đơn, trống vắng của tác giả

Tràng giang của Huy Cận thể hiện nỗi cô đơn, nỗi sầu vô tận của kẻ lữ thứ- cái “Tôi” bơ vơ trước thiên nhiên vũ trụ rộng lớn, bao la, mênh mông rợn ngợp. Đó còn là niềm khát khao hòa hợp giữa những con người và tình yêu quê hương đất nước kín đáo của nhà thơ.( Con người sống trên quê hương mà vẫn thấy thiếu quê hương, thấy bơ vơ ngay trên quê hương của mình. Cho nên ẩn trong nỗi bơ vơ của một cá thể trước trời đất vũ trụ là nỗi bơ vơ của một người dân mất nước và thiết tha với tạo vật ở đây cũng chính là thiết tha với chính giang sơn tổ quốc mình.

Qua phân tích, chung ta thấy rõ, bức tranh thiên nhiên giữa “Việt Bắc” và “Tràng giang” có một vài điểm tương đồng thú vị. Đoạn thơ “Việt Bắc” và bài thơ “Tràng Giang” đều lấy thiên nhiên để bày tỏ, truyền tải tình cảm, cảm xúc qua phép nhân hóa, so sánh ẩn dụ hết sức tài tình, đầy sức gợi. Hai bài thơ như hai bức họa được thực hiện bởi hai họa sĩ tài danh, là vũ điệu của sắc màu, lung linh cmr xúc.

Thế nhưng, nhìn sâu hơn, ta cũng nhận ra, bức tranh thiên nhiên trong hai bài thơ có sự khác biệt lớn. Thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc ấm áp, tràn đầy sức sống. Ở đó là sự hòa hợp nhất quán giữa thiên nhiên với con người. Bài thơ miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên thông qua nỗi nhớ và với thái độ ngợi ca, trân trọng, thông qua thiên nhiên để bày tỏ tình cảm nhung nhớ, lòng biết ơn sâu đậm giữa người đi (cán bộ kháng chiến) đối với kẻ ở (nhân dân Việt Bắc). Thiên nhiên ấy ấm áp tình người, đọng lại trong tâm hồn là sức sống tiếp diễn, là niềm tin tưởng ở mai sau, cũng là nơi nương trú vững chắc của tâm hồn.

Hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ Tràng giang đìu hiu, mênh mông, hoang vắng, chia lìa nhau và xa cách với con người. Nhà thơ miêu tả thiên nhiên từ chính thực tại khách quan và với tâm tình buồn sầu man mác. Thông qua thiên nhiên bày tỏ tình cảnh cô đơn, thiếu vắng, ngậm ngùi, chua xót. Đó là cảm xúc âm tính, nỗi buồn đề nặng trong tâm hồn, muốn tìm đến thiên nhiên cho khuây khỏa. Thế nhưng, càng tìm kiếm càng bơ vơ.

Có sự khác biệt trong bức tranh thiên nhiên giữa hai bài thơ cũng là điều dễ hiểu. Bài thơ “Tràng giang” được sáng tác vào năm 1939, trong thời kỳ thơ Mới, in đậm hồn thơ Huy Cận: “ Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu”. Nhà thơ chưa thể tìm thấy được lối thoát cho tư tưởng, đang bế tắc và tuyệt vọng trước thực tại. Bài thơ “Việt Bắc” được viết sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi, con người mang tâm thế của người chiến thắng, đang tràn đầy niềm vui, lòng tin tưởng và lạc quan về tương lai.

Sự khác biệt còn do thế giới quan và phong cách nghệ thuật của hai nhà thơ khác nhau. Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng. Thơ ông mang phong cách thơ trữ tình cách mạng. Còn Huy Cận trước Cách mạng là hồn thơ lãng mạng, trung thành với cảm hứng vũ trụ, thể hiện cái tôi cô đơn, một đặc trưng của thơ Mới.

Nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi đã khắc sâu thiên nhiên núi rừng Việt Bắc với vẻ đẹp vừa hiện thực vừa thơ mộng, thi vị, riêng biệt , độc đáo, khác hẳn những miền quê khác của Tổ quốc. Gắn liền với cảnh là những con người lao động bình dị nhưng chính họ đã giúp phần to lớn tạo nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Chỉ những người gắn bó sâu nặng, coi Việt Bắc là quê hương thân thiết mới có những xúc cảm, ấn tượng và nỗi nhớ da diêt như thế.

Nỗi nhớ Việt Bắc còn được tác giả khắc sâu và mở rộng trong những đoạn thơ sau của tác phẩm. Theo dòng hoài niệm, Việt Bắc trong kháng chiến hiện lên vừa gian khổ vừa hào hùng với niềm tin vào Đảng , vào Bác Hồ vĩ đại , với cảm hứng ngợi ca đất nước sâu sắc. Còn đối với Huy Cận, sau này khi tìm được sự hòa hợp, tìm được lối thoát khỏi cái tôi cô đơn, nhà thơ cũng cảm nhận được thiên nhiên trong sự hồi sinh, gắn bó với con người: Đất nở hoa, Trời mỗi ngày lại sáng). Đây là sự chuyển đổi về cái nhìn, đặc điểm sáng tác và hồn thơ của Huy Cận nói riêng và những nhà thơ Mới nói chung.

  • Kết bài:

Có thể nói, hình ảnh thiên nhiên trong cả hai bài thơ là những sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ. Tố Hữu và Huy Cận đã vẽ tranh bằng thơ, bằng ý niệm làm tỏa sáng sắc màu thiên nhiên. Khả năng làm chủ và sử dụng ngôn từ cũng hết sức điêu luyện, kho từ ngữ phong phú là yếu tố quyết định sự thành công của hai bài thơ này. Cảm xúc tuy có khác nhau nhưng cả hai bài thơ đều hướng đến cái đẹp của cuộc sống với một tình yêu thiết tha. Đó cũng chính là yếu tố cốt lõi làm nên giá trị của cả hai thi phẩm này.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.