»» Nội dung bài viết:
Nghị luận: “Trong rừng có nhiều lối đi. Và tôi chọn lối đi không có dấu chân người” (Robert Frost)
- Mở bài:
Nhà văn Lỗ Tấn từng khẳng định: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Nhà thơ Robert Frost viết: “Trong rừng có nhiều lối đi, và tôi chọn lối đi không có dấu chân người”. Bạn sẽ chọn lối đi đã được người ta đi mãi mà thành đường, hay lối đi không có dấu chân người?
- Thân bài:
1. Giải thích ý kiến:
– “Lối đi”: là con đường, cách thức dẫn ta tới đích
– “Trong rừng có nhiều lối đi”: là cuộc sống có nhiều con đường, cách thức cho con người lựa chọn.
– “Tôi chọn”: khẳng định bản lĩnh, sự chủ động của con người khi tìm cho mình những con đường và cách thức hành động.
– “Lối đi không có dấu chân người”: Là lối đi chưa có ai đi, là cách làm sáng tạo, mạo hiểm, dũng cảm đối đầu với khó khăn.
→ Như vậy, ý nghĩa của nhận định đề cao bản lĩnh, đề cao thái độ sống chủ động tích cực của con người trong việc lựa chọn khám phá và chinh phục những cái mới để tạo ra những giá trị có ý nghĩa cho cuộc sống.
2. Vì sao tuổi trẻ cần “chọn lối đi không có dấu chân người”?
+ Lối đi không có dấu chân người: Lối đi, cách thức sẽ có nhiều trở ngại, nhiều khó khăn phải đối đầu, buộc con người phải dũng cảm, phải sáng tạo, thậm chí phải mạo hiểm. (Dẫn chứng minh họa)
+ Lối đi ấy có thể có rủi ro nhưng con người biết chấp nhận để có được thành công cho lần sau. Khi thành công con người có được niềm vui, niềm hạnh phúc của người đi tiên phong, người mở đường. (Dẫn chứng minh họa)
+ Cuộc sống luôn vận động, phát triển, nhiều khó khăn, thử thách là điều không thể tránh khỏi nếu lặp lại lối đi mà người khác đã chọn, có thể ta sẽ trở nên lạc hậu, lỗi thời và không tìm được thành công. Bởi thế nên cần có những con người dám mạo hiểm, dám sáng tạo, xung kích đi đầu. (Dẫn chứng minh hoạ)
+ Con người sẽ đạt được thành công khi vừa biết kế thừa kinh nghiệm của người đi trước lại vừa biết phát huy khả năng khám phá, sáng tạo của bản thân.
+ Lối đi không có dấu chân người cũng có thể ẩn chứa những điều mới mẻ, thú vị, hấp dẫn, hứa hẹn nhiều thành công.
+ Mỗi người có một khả năng nhận thức, suy nghĩ, quan niệm, cách nhìn khác nhau về giá trị sống và giá trị bản thân nên không thích lặp lại những điều đã cũ. Bản chất của con người là ưa tìm tòi, khám phá. Lối đi ngay dưới chân mình.
+ Câu nói tôn vinh những người dũng cảm, dám đi tiên phong, sáng tạo, có tư duy độc lập không lệ thuộc. Dám mở đường là dám chinh phục những đỉnh cao, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của mỗi cá nhân.
+ Đứng trước cuộc sống, con người có nhiều sự lựa chọn: hoặc là những con đường có sẵn, hoặc là con đường chưa được khai phá. Việc chọn con đường nào thể hiện tính cách và bản lĩnh mỗi người.
+ Những người nhút nhát, yếu đuối, ngại va chạm thường chọn con đường đã được vạch sẵn, đi trên con đường đó có thể họ sẽ không bao giờ thất bại, vấp ngã, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Ngược lại, những người cố mở đường thường phải trải qua nhiều chông gai, có khi phải chịu nhiều thiệt thòi, phải trả giá đắt. Nhưng không vì thế họ nản chí sờn lòng. Họ có được hạnh phúc của sự sáng tạo.
+ Việc chọn con đường sẽ ảnh hưởng tới cuộc đời của mỗi con người trong cuộc sống. Chọn con đường đã được khai mở thương an toàn, nhưng cuộc đời vô vị, nhàm chán. Chọn con đường chưa ai khai phá sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, có khi gặp nguy hiểm, đòi hỏi phải hi sinh, nhưng ta sẽ có được niềm vui, cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa. Tuy nhiên, “lối đi không có dấu chân người” không có nghĩa là liều lĩnh, dại dột, mạo hiểm.
3. Bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
– Bản thân mỗi chúng ta cũng nên có tư duy mở, luôn sẵn sàng tiếp nhận cái mới. Cần rèn luyện để có được sự linh hoạt, sáng tạo, dũng cảm, lựa chọn được hướng đi phù hợp với từng tình huống cụ thể của cuộc sống. Hãy tin tưởng vào lựa chọn của bản thân bởi bạn chính là người làm chủ số phận mình.
– Cuộc đời luôn có nhiều cơ hội và khả năng lựa chọn. Vì vậy mỗi người muốn tìm ra cho mình một lối đi riêng dẫn đến thành công thì cần phải có sự hiểu biết về thực tế cuộc sống; chủ động, phát huy năng lực, sở trường; cần nhạy bén nắm bắt cơ hội, rèn luyện ý chí bản thân để nâng cao giá trị cuộc sống.
– Nếu chưa đủ khả năng tạo một con đường mới (thực tế không phải ai cũng tạo được con đường mới) thì có thể đi những con đường đã có dấu chân người mà vẫn tìm được giá trị tốt đẹp cho cuộc sống của mình. (Dẫn chứng minh họa). Tránh lối sống cực đoan, liều lĩnh mù quáng. Phải biết tự lượng sức mình.
- Kết bài:
Đừng đi theo những lối mòn, hãy băng qua những nơi chưa có dấu chân người để tìm một con đường. Con người sẽ có được thành công khi vừa biết kế thừa kinh nghiệm của người đi trước, tìm lối đi an toàn, lại vừa sáng tạo kiếm tìm cái mới như một sự khởi nghiệp. Tuy nhiên, chọn lối đi người ta đi mãi thành đường không có nghĩa là bảo thủ, kì thị cái mới vùi dập tinh thần sáng tạo; chọn “lối đi chưa có dấu chân người” không có nghĩa là liều lĩnh, dại dột, mạo hiểm đến thất bại một cách vô nghĩa. “Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho cuộc đời tàn lụi ngay từ khi đang sống:.