Nghị luận về lối sống vì người khác: “Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý ?”
- Mở bài:
Không phải tất cả chúng ta đều có thể làm được những điều vĩ đại. Nhưng chắc chắn chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại. Đó là biết sống vì người khác. Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn. Cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý, đáng trân trọng và tôn vinh.
- Thân bài:
Thế nào là sống vì người khác?
Cuộc sống vì người khác là cuộc sống mà ở đó con người dành nhiều sự quan tâm, tình cảm, những chăm lo về vật chất, tinh thần cho người khác, biết chấp nhận cả những thiệt thòi, thua kém để người khác có được niềm vui, hạnh phúc, thành công. Cuộc sống đáng quý là cuộc sống tốt đẹp, được đánh giá cao, được ngưỡng mộ, tôn vinh bởi những giá trị, lợi ích mà nó đem lại. Câu nói đề cao và khẳng định giá trị của cách sống, lối sống “vì mọi người”, biết quan tâm, chăm lo, chia sẻ với người khác.
Người biết sống vì người khác là người luôn tỏ rõ sự quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của người khác, cả vật chất lẫn tinh thần. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ, động viên, chia sẻ. Họ cũng là người có tấm lòng vị tha, độ lượng, bao dung mỗi khi người đó mắc lỗi. Người sống vì người khác không bao giờ tranh đoạt, hơn thua, họ sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi, thua thiệt của bản thân vì quyền lợi, niềm vui, hạnh phúc của người khác.
Vì sao con người cần sống vì người khác ?
Thông thường ta sống vì những niềm vui, hạnh phúc, quyền lợi mà người ta có được. Tức là vì bản thân mình. Ta cũng sống vì những trách nhiệm, nghĩa vụ mà mỗi người phải thực hiện trong cuộc đời. Tức là sống vì người thân, vì cộng đồng, quê hương, dân tộc, tổ quốc.
Thế giới này được tạo nên bằng sự gắn kết của các cá nhân trong các quan hệ và bằng những ràng buộc. Người ta sinh ra đã có sợi dây gắn kết và ràng buộc với những người thân trong gia đình. Tham gia vào các tổ chức, con người lại có thêm các quan hệ chi phối qua lại khác nữa. Và dù ý thức hay không ý thức, dù muốn hay không muốn, một khi đã là thành viên của xã hội, anh không thể tách rời các mối liên kết cộng đồng.
Tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau là phẩm đức cao quý trong truyền thống của dân tộc ta. Tinh thần ấy giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn với tình nhân ái. Thay vì chỉ nghĩ đến bản thân, chỉ vì bản thân mình mà hướng đến và biết sống vì người khác.
Thế giới này được tạo nên từ sự gắn kết của các cá nhân trong các quan hệ và bằng những ràng buộc. Mỗi cá nhân chỉ có thể sống tốt nhất khi có sự ủng hộ và giúp đỡ, chia sẻ của những cá nhân khác và ngược lại. Khi sống vì người khác thì nhân cách cá nhân hoàn thiện hơn. Nếu sống chỉ biết lo nghĩ cho bản thân, không vì người khác thì sẽ bị mọi người khinh bỉ, coi thường.
Cuộc sống vì người khác sẽ đem lại những điều tốt đẹp cho bản thân, người khác và xã hội. Với bản thân: Có được niềm vui, niềm hạnh phúc chân chính. Với người khác: Cuộc sống của họ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Với xã hội: Tạo nên một môi trường tốt đẹp, nhân ái.
Cuộc sống rất cần phải nương tựa vào nhau và luôn luôn chia sẻ bởi không phải ai cũng mạnh mẽ và không phải lúc nào cuộc sống cũng thuận lợi. Tinh thần giúp đỡ người khác là phẩm chất tốt đẹp và cần biến thành hành động. Giúp đỡ người khác là biết cho đi, biết đặt lợi ích của người khác, của tập thể cao hơn lợi ích cá nhân. Khi bạn giúp đỡ người khác, giá trị cuộc sống của bạn sẽ được nâng lên rất nhiều.
Để sống vì người khác, mỗi cá nhân cần quan tâm đến những cá nhân khác để có thể chia sẻ, giúp đỡ, đem lại niềm vui cho họ. Vì người khác không có nghĩa là đáp ứng đòi hỏi vô lý của người khác. Nên biết rằng cho đi là mãi mãi. Kgi gieo mầm thiện nhất định sẽ có được quả lành. Những gì ta đã cho đi nhất định sẽ mang về một giá trị cho ta ở tương lai.
Ở thời đại nào cũng thế, mỗi cá nhân đều không thể đơn độc tồn tại. Một người thường chỉ có thể có được cuộc sống tốt nhất khi có sự giúp đỡ, ủng hộ, chia sẻ từ các cá nhân khác. Hơn thế nữa, giữa một thế giới đầy biến động, phức tạp và khó lường như ngày nay, với những hiểm họa từ thiên nhiên và từ chính đời sống xã hội, việc một ai đó sống đơn độc còn đồng nghĩa với tự diệt.
Khi sống vì người khác ta sẽ trở nên vị tha hơn, nhân ái, độ lượng hơn… qua đó tự hoàn thiện bản thân để trở thành người tốt. Khi sống vì người khác tức là ta đã giúp họ trở nên hạnh phúc hơn, cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Khi ấy ta cũng thấy hạnh phúc (“Người hạnh phúc nhất là người đem lại nhiều hạnh phúc cho người khác” – Mác) và thấy rằng cuộc sống của ta thật có ý nghĩa.
Khi sống vì người khác tức là ta đã góp phần tạo nên một môi trường sống tốt đẹp, tràn đầy tinh thần nhân văn, nhân ái. Cuộc sống chung sẽ trở nên tươi đẹp và đáng quý trọng hơn. Cuộc sống vì người khác là một cuộc sống cao cả, cao thượng, nhiều khi đòi hỏi con người phải chịu thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần, hi sinh những lợi ích của bản thân để đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Điều này không phải ai cũng có thể làm được.
Câu nói là một lời khuyên sâu sắc bởi nó hướng con người tới lẽ sống cao đẹp, có ý nghĩa nhân văn; giáo dục con người ta sống có trách nhiệm, có lương tâm, rời xa lối sống ích kỷ, thói vô cảm; nó cổ vũ, đề cao tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình, tạo nên sợi dây gắn kết bền chặt giữa con người với con người trong xã hội.
Đạo lí ấy phù hợp với truyền thống đạo lý của người Việt Nam xưa cũng như nay: máu chảy ruột mềm, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, bầu ơi thương lấy bí cùng, nhiều điều phủ lấy giá gương…
Tuy nhiên, sống vì người khác phải xuất phát từ trái tim chân thành, tấm lòng tự nguyện, nhu cầu thực sự chứ không nên theo kiểu giúp đỡ – trả ơn hay tỏ ra ban phát, bố thí. Vì người khác không có nghĩa là đáp ứng những đòi hỏi vô lý của người khác. Những việc làm vì người khác phải chính đáng, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng.
Cần điều chỉnh để tạo nên sự cân bằng giữa việc vì mình và vì người khác. Nếu chỉ vì mình, con người sẽ trở nên ích kỉ, nhỏ nhen, tầm thường. Nhưng nếu chỉ vì người khác, cuộc sống sẽ trở nên lệch lạc, mất thăng bằng. Bởi thế, cần quan tâm đến người khác nhưng cũng không nên quên bản thân. Đó là chưa kể sống có trách nhiệm với bản thân, chăm lo cho bản thân ngày một tốt đẹp cũng là một cách “sống vì người khác”.
“Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Có như vậy, cuộc sống mới yên bình, nghĩa tình và hạnh phúc. Phê phán những người sống hẹp hòi, ích kỉ, vô cảm. Luôn điều chỉnh để tạo sự cân bằng giữa cuộc. Cần vì mọi người song không có nghĩa là quên bản thân.
- Kết bài:
“Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý”. Người có bản lĩnh sẽ không bao giờ chọn lối sống ích kỷ, nhỏ nhen mà sẽ chọn lối sống có ý nghĩa hơn đó là biết vì người khác, vì cộng đồng. Sự giúp đỡ giữa người với người là điều then chốt giúp mỗi thanh niên tiến tới con đường thành công. Chỉ cần chúng ta có đủ nhiệt huyết, với trái tim bao dung chắc chắn cuộc sống quanh ta sẽ tốt lên từng ngày. Hãy yêu thương nhiều hơn, hãy trao đi nhiều hơn, bởi cho đi chính là làm giàu cho tâm hồn và khiến cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa.