»» Nội dung bài viết:
Nghị luận về tính lễ độ của con người.
- Mở bài:
Muốn thành công và hạnh phúc trong cuộc sống con người phải rèn luyện được ở mình nhiều phẩm chất, đức tính tốt đẹp. Một trong những đức tính cần có đó là tính lễ độ.
- Thân bài:
Lễ độ là gì?
Lễ độ là cách cư xử đúng mực của mỗi người trong khi giao tiếp với người khác.
Biểu hiện đức tính lễ độ:
Lễ độ là thái độ đúng mực, đúng với lễ nghi dân tộc, biết coi trọng người khác trong giao tiếp. Lễ độ còn là sự tôn trọng, quý mến, niềm nở của mình đối với mọi người xung quanh. Biết chào hỏi, thưa gửi, cảm ơn, xin lỗi đối với người khác trong đời sống hằng ngày.
Tại sao học sinh phải có tính lễ độ?
Học sinh là những người nhỏ tuổi, chưa hình thành hoặc chưa khẳng định được các phẩm chất đạo đức cao cả. Ở vị trí xã hội thấp, học sinh cần phải lễ độ với người lớn tuổi hơn mình.
Tính lễ độ là biểu hiện của người có văn hóa, có đạo đức. Nó giúp cho mối quan hệ giữa người với người thêm tốt đẹp hơn. Người biết lễ độ luôn được người khác yêu mến, tôn trọng và giúp đỡ trong cuộc sống.
Sống lễ độ là lối sống cao đẹp rất được trân trọng. Biết cung kính người trên, hiền hòa với người dưới là góp phần chung tay làm cho xã hội ngày càng văn minh hơn.
Học sinh phải rèn luyện tính lễ độ như thế nào?
Mỗi học sinh phải rèn luyện được ở mình tính lễ độ. Trước hết là ra sức học tập tốt, rèn luyện nhân cách, nhân phẩm tốt đẹp.
Biết sống nhã nhặn, lịch sự với mọi người. Cung kính, lễ phép với người lớn tuổi. Nhường nhịn, khoan dung với người nhỏ tuổi. Sống tôn trọng các nguyên tắc chung trong tập thể và trong cộng đồng.
Biết nói lời nhỏ nhẹ trong giao tiếp. Ngôn ngữ trong sáng, hành vi đúng mực và tuân thủ nội quy trường học ,lớp học. Không tỏ ra kiêu căng, ngạo mạn hay xem thường người khác. Không xúc phạm, lăng mạ danh dự hay xâm hại, bạo lực thân thể người khác.
Kiên quyết nhắc nhở, phê phán các hành vi thiếu lễ độ trong lớp học và trong đời sống. Ra sức giúp đỡ bạn bè rèn luyện bản thân ngày càng tốt đẹp và tiến bộ hơn.
Phê phán:
Trong cuộc sống, vẫn còn nhiều người sống thiếu lễ độ. Họ tỏ ra hợm hĩnh hơn người, tự xem mình là nhất. Họ thường có hành động lỗ mãng, lời nối dung tục, xem thường người khác. Không những thế, họ còn xúc phạm, xâm phạm, sỉ nhục người khác. Bởi thế, họ thường bị mọi người khinh thường và xa lánh. Những người như thế thật đáng chê trách.
Bài học nhận thức và hành động:
Sống có lễ độ là sống phù hợp với văn hóa dân tộc. Mỗi học sinh phải tự rèn luyện cho mình tính lễ độ để trở thành người tốt đẹp, góp phần xây dựng văn hóa xã hội.
- Kết bài:
Bác Hồ từng nói: “Người có tài mà không có đức thường trở thành kẻ phá họai”. Họ thường là kẻ kiêu căng, lỗ mãn, nhất định sẽ thất bại trong cuộc sống này. Ai có tính lễ độ thường nhận được rất nhiều tình yêu thương từ người khác và rất dễ thành công trong cuộc sống.
* Thành ngữ, tục ngữ:
- Đi thưa, về gửi
- Trên kính, dưới nhường…
- Kính lão đắc thọ
- Lời chào cao hơn mâm cỗ.