xay-dung-hanh-phuc-gia-dinh

Nghị luận ý thức xây dựng gia đình văn hóa hiện nay

Nghị luận ý thức xây dựng gia đình văn hóa hiện nay

  • Mở bài:

Gia đình là tổ chức căn bản nhất của xã hội. Người Việt Nam rất chú trọng đến việc xây dựng và phát huy truyền thống văn hóa gia đình. Ý thức ấy vừa tạo nên sức mạnh cộng đồng to lớn vừa gìn giữ được những truyền thống quý báu của mỗi gia đình, góp phần vào phát triển nền văn hóa chung của dân tộc. Ý thức xây dựng gia đình văn hóa là một trong những phong trào đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

  • Thân bài:

Gia đình văn hóa là gì?

Gia đình văn hóa là gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đoàn kết với xóm giềng và làm tốt nghĩa vụ công dân đối với đất nước.

Tại sao phải xây dựng gia đình văn hóa?

Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng “tế bào” phải phát triển bền vững. Văn hóa gia đình vững mạnh sẽ là cơ sở sản sinh ra những con người có nhân cách tốt đẹp, là lực lượng lao động giúp xã hội phát triển

Gia đình là môi trường trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách góp phần chăm lo xây dựng con người. Chính gia đình là nơi hình thành cho con người lòng yêu nước, ý thức làm chủ đất nước. Gia đình bồi dưỡng và nâng cao trách nhiệm của con người. Từ nền văn hóa gia đình, con người bước vào cuộc sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.

Xây dựng môi trường sống có văn hóa, an toàn và tiến bộ là mục tiêu của toàn xã hội. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình, mỗi tế bào của xã hội. Cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực nhiệm vụ “dạy người, dạy chữ”, tạo ra thế hệ trẻ năng động, sáng tạo cho tương lai.

Gia đình no ấm, thuận hòa, hạnh phúc là điều kiện trực tiếp hình thành nghị lực cho con cái. Gia đình có vai trò giữ gìn, lưu truyền, phát triển văn hóa dân tộc. Thông qua truyền thống văn hóa, lao động sản xuất, những giá trị tinh thần tốt đẹp của gia đình được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Từ đó, mỗi cá nhân hình thành và bồi dưỡng nhân cách, nhân phẩm của mình.

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Trong đó, quan trong nhất là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi con người cụ thể.

Cần làm gì để xây dựng gia đình văn hóa?

Để xây dựng gia đình văn hóa, mỗi người cần phải thực hiện tốt bổn phận, trách nhiệm của mình trong gia đình. Sống giản dị, không ham những thú vui thiếu lành mạnh, không sa vào tệ nạn xã hội.

Mỗi gia đình biết kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của thời đại về gia đình. Mỗi cá nhân cũng cần phải nỗ lực hết mình gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình. Xây dựng gia đình theo những chuẩn mực mà xã hội và đất nước đã đề ra

Gắn kết gia đình và cộng đồng. Xây dựng văn hóa cộng đông không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình mà là trách nhiệm của toàn dân. Toàn dân phải đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Nâng cao sức khỏa, giáo dục và tạo điều kiện phát triển văn hóa gia đình. Sinh đẻ có kế hoạch, tuân thủ luật pháp và thực hiện tốt các nghĩa vụ của công dân đối với cộng đồng và đất nước.

Thực hiện bình đẳng giới ngay trong mỗi gia đình. Do ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến vốn trọng nam khinh nữ, phụ nữ ở nước ta vẫn còn có nhiều thiệt thòi. Phụ nữ cũng cần được đối xử công bằng, có quyền hạn và trách nhiệm ngang bằng với nam giới.  Hạn chế bạo lực gia đình và tạo điều kiện cho phụ nữ trong mỗi gia đình có điều kiện học tập, làm việc và phát triển bản thân. Bảo vệ quyền lợi người phụ nữ là nhiệm vụ cấp bách trong mỗi gia đình.

Xây dựng kinh tế gia đình ổn định, thực hành tiết kiệm để đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của các thành viên trong gia đình ngày càng nâng cao.

Phê phán:

Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người không có ý thức xây dựng gia đình văn hóa. Họ sống buông thả, tùy tiện, bất chấp dư luận. Bạo lực gia đình cũng thường xảy ra. Cuộc sống khó khăn, con cái không được đi học, chơi bời, lêu lỏng. Không những gia đình không hạnh phúc mà còn gây hại đến cộng đồng xung quanh. Những người như thế thật đáng che trách.

Bài học nhận thức:

Phải hình thành ý thức xây dựng gia đình văn hóa. Gia đình văn hóa là điều kiện dẫn đến một xã hội hạnh phúc và phồn vinh.

  • Kết bài:

Gia đình thực sự là tổ ấm nuôi dưỡng, giáo dục mỗi con người. Gia đình có bình yên, xã hội mới ổn định. Xây dựng gia đình văn hóa là góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang