»» Nội dung bài viết:
Nghị luận: “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”
- Mở bài:
Là con người, ai cũng có quê hương. Hướng về quê hương, nguồn cội không chỉ có ở con người mà cả loài vật cũng có bản năng ấy. Có một loài lươn sinh ra ở Bắc âu, khi lớn lên chúng tìm đến những vùng nước ấm áp ở khu vực Đông Nam Á để sinh sản. Những con lươn con khi chúng lại tìm về vùng Bắc Âu giá rét, nơi mà cha mẹ chúng đã đến. Bởi thế, nói về quê hương, Raxun Gamzatov đã cho rằng: “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”.
- Thân bài:
Quê hương là gì?
Quê hương là nơi tổ tiên, ông bà, cha mẹ và ta đã được sinh thành, có một thời gian dài sinh sống và gắn bó qua nhiều thế hệ. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, quê hương là nói về một đất nước mà trong đó có quê (làng, cái nhà) mà mình đã được sinh ra, được dưỡng nuôi và thụ hưởng một nền văn hóa của làng quê, đất nước đó. Bởi thế giữa quê hương và con người có một mối liên hệ bền chặt, không thể tách rời.
Tại sao không thể tách quê hương ra khỏi con người?
Câu nói của Raxun Gamzatov đã khẳng định mạnh mẽ sợi dây liên kết giữa quê hương và con người. Con người có thể rời xa quê hương vì nhiều lí do. Có thể là để học tập vì quê nhà không có trường, không có ngành nghề mình yêu thích, hoặc chọn nơi có hiệu quả giáo dục cao hơn. Có thể là do hoàn cảnh kinh tế, chính trị, đoàn tụ gia đình phải sinh cơ lập nghiệp nơi khác. Cũng có thể là do điều kiện công tác hoặc do những lí do cao đẹp hơn: tìm đường cứu nước, khai khẩn đất hoang…
Trong số họ có thể từ lâu đã không trở lại hoặc không còn nhớ gì về nơi chôn nhau cắt rốn nhưng quê hương sẽ mãi mãi ở bên họ, tồn tại trong họ trong văn hóa ứng xử hay trong nguồn gốc bản thân. Không thể tách quê hương ra khỏi con người bởi quê hương đã gắn bó máu thịt với con người. Quê hương hiện diện trong trí nhớ, trong tâm tư, tình cảm con người. Những hình ảnh thân quen, những kỉ niệm thân thiết, những tháng ngày gắn bó sẽ trở thành kỉ niệm hay hồi ức sống mãi trong lòng chúng ta.
Tình yêu quê hương hiện diện trong tình cảm mỗi người. Đây là tình cảm thiêng liêng cũng như mọi thứ tình yêu khác, không thể lí giải nổi nhưng ăn sâu trong tâm khảm mỗi người. Tình yêu quê hương gắn liền với những hình ảnh thân thuộc khác.
Quê hương là những giá trị văn hóa, là bản sắc, truyền thống, phong tục tập quán được hiện diện trong lối sống hằng ngày. Đó là sở thích, lối ăn mặc, những thói quen, văn hóa ứng xử, ngôn ngữ, giọng điệu, trong câu hát, lời ru…
Không ai có thể từ bỏ hoàn toàn quê hương. Bởi những giá trị vô hình của quê hương đã ẩn sâu trong tâm hồn họ không thể nào họ có thể phủ nhận được. Cho đến khi họ không còn được nhìn thấy mặt trời thì những giá trị ấy lại tiếp tục nảy nở, tồn sinh trong các thế hệ sau.
“Cáo chết còn quay đầu về núi”, con người có quê hương, là nơi để trở về sau những bôn ba trên cuộc đời. Trở về nguồn cội vốn là một truyền thống văn hóa đã trở thành triết lí sống của dân tộc ta từ bao đời nay.
Con người không nghĩ gì về quê hương thì tâm hồn sẽ khô cạn, cuộc sống sẽ tẻ nhạt, luôn cảm thấy cô đơn, trống vắng, không thể tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc đời. Bất hạnh lớn nhất của đời người là không biết mình đã đến từ đâu và khi rời khỏi cõi đời này linh hồn sẽ về đâu trong bao la vũ trụ.
Phê phán:
Trong cuộc sống ngày nay, có nhiều người đã phủ nhận quê hương, phủ nhận nguồn cội, coi thường hoặc sỉ nhục các giá trị tốt đẹp của quê hương mà bản thân họ cũng có một phần ở trong đó. Họ chấp nhận sống lai căng, mất gốc, vui vẻ với một thứ văn hóa pha tạp, khiến họ trở nên lố lăng, kịch cỡm. Đó là sự khiếm khuyết về nhân cách. Những người như thế thật đáng chê trách.
Bài học:
Ý kiến của Raxun Gamzatov là một sự đúc kết sâu sắc mỗi quan hệ giữa con người và quê hương; là lời nhắc nhở, là bài học quý giá cho mỗi người trong thời buổi toàn cầu hóa, khi mà con người phải thường xuyên rời xa quê hương mình.
Nhận thức được điều đó, mỗi chúng ta phải luôn xây dựng một tình cảm gắn bó cụ thể và tha thiết đối với quê hương. Tình cảm ấy phải trong sáng, vững mạnh và tiến bộ. Có ý thức giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương. Biết tiếp thu cái đẹp, cái hữu ích, cái phù hợp của quê hương, đất nước trong thời đại mới chứ không nên bảo thủ một cách mù quáng. Xây đắp, bảo vệ quê hương là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi con người.
- Kết bài:
Từ lâu, tình yêu quê hương đất nước vốn là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam ta. Trong mấy nghìn năm qua, mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm, tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc sâu sắc lại kết tinh thành sức mạnh vô biên quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, làm nên biết bao trang sử vẻ vang. Người Việt Nam dù đi đâu về đâu đều hướng về nguồn cội. Câu nói của Raxun Gamzatov càng khẳng định sâu sắc sự đúng đắn của tinh thần thiêng liêng ấy.
- Suy nghĩ: “Học vấn không có quê hương nhưng người có học phải có Tổ quốc”
- Nghị luận vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc