Nguyên nhân suy thoái đạo đức, tác phong của học sinh hiện nay.
- Mở bài:
Suy thoái đạo đức, tác phong ở học sinh hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thế nhưng, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bản thân mỗi học sinh.
- Thân bài:
Trước hết, sự phát triển của nền kinh tế, kéo theo nó là sự thay đổi các giá trị đạo đức trong xa hội. Con người cạnh tranh khốc liệt tìm kiếm cơ hội việc làm, sự phân hóa giàu nghèo, sự giao thoa các nền văn hóa thế giới khiến cho nền tảng đạo đức bị lung lay.
Các giá trị truyền thống không còn được tôn trọng nữa, trong khi đó, các giá trị chuẩn mực trong thời đại mới chưa kịp hình thành và khẳng định khiến con người mất định hướng, chạy theo lối sống vật chất thực dụng, thiếu tình cảm và sự gắn kết cộng đồng. Con người bị suy thoái đạo đức trầm trọng, thiếu tôn trọng lẫn nhau và khinh thường, bất chấp luật pháp.
Nhiều phụ huynh và học sinh đua đòi lối sống thời thượng, tôn sùng vật chất, chỉ chú trọng vào môn học chính, học để thi, để lấy bằng cấp mà không xem trọng việc rèn luyện đạo đức, tác phong, hoàn thiện nhân cách khiến học sinh xem thường trường lớp, thiếu tôn trọng bạn bè, thầy cô. Gia đình buông lỏng giáo dục, phó mặc cho nhà trường. Quy chế trường học không còn đủ sức răn đe, giáo dục.
Uy tín của người thầy bị sa sút, các giá trị truyền thống bị nhìn nhận một cách méo mó, thực dụng, vật chất hóa. Nhiều trường hợp, nhân cách người thầy bị tha hóa, quan hệ thầy trò thiếu chuẩn mực, người thầy không còn được kính trọng, tôn vinh.
Sự xâm nhập mãnh liệt của các nền văn hóa ngoại lai mang tính nổi loạn, lai căng phá hỏng nét đẹp thẩm mỹ truyền thống, một biểu hiện của mặt trái cơ chế thị trường. Điều này lại phù hợp với những học sinh có sở thích làm nổi bậc mình một cách kịch cỡm, lố lăng bằng những kiểu trang phục phản cảm, những hành vi vô văn hóa, những kiểu nói tối nghĩa, tục tĩu,…gây nhiều bức xúc trong xã hội. Tệ nạn xã hội xâm nhập sâu vào nhà trường và diễn biến ngày càng phức tạp.
Nhà trường chưa có những giải pháp thiết thực để giáo dục đạo đức học sinh, tiến tới chấm dứt hiện tượng học sinh nói tục chửi thề, trốn học, bỏ học, lười học, đi học trễ, trang phục không đúng quy định,… Nhiều biện pháp mạnh mẽ đã được thực hiện song vẫn chưa sâu sát và kiên trì đến cùng.
Xã hội thiếu quan tâm đến vấn đề đạo đức và tác phong của học sinh. Một hiện tượng thường thấy là nhiều người thờ ơ, không để ý, không thèm nhắc nhở bởi không muốn phiền phức.
Người lớn nêu gương xấu về đạo đức và tác phong khiến học sinh bắt chước một cách khập khiễng. Từ một điều sai mà không được nhắc nhở, giáo dục lâu dần sẽ khiến học sinh ngộ nhận là điều đúng.
- Kết bài:
Dù có nhiều tác nhân gây nên tình trạng suy thoái đạo đức, nhân cách, nhân phẩm của một bộ phận học sinh nhưng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bản thân của mỗi học sinh. Cái xấu luôn tồn tại trong đời sống xã hội. Nếu mỗi học sinh biết rèn luyện bản lĩnh vững vàng, chăm lo học tập, làm theo điều tốt, tránh xa cái xấu, sống có lý tưởng cao đẹp, có mục đích học tập rõ ràng, có hoài bão, ước mơ, hướng đến tương lai thì nhất định đạo đức cũng sẽ trở nên trong sáng, cao đẹp, đạt thành tích cao trong học tập và yêu cuộc đời này hơn.
Xem thêm: