Suy nghĩ về thói lười biếng qua câu nói: Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng (Lỗ Tấn)

nghi-luan-tren-buoc-duong-thanh-cong-khong-co-dau-chan-cua-ke-luoi-bieng-lo-tan

Suy nghĩ về ý nghĩa câu nói “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” (Lỗ Tấn).

  • Mở bài:

Đại văn hào Vichto Hugo đã từng nói: “Lười biếng là mẹ đẻ của thói ăn cắp và sự đói rét”. Còn nhà văn Lỗ Tấn lại cho rằng: Trên đường thành công không có dấu chân của người lười biếng. Quả thực lười biếng đang trở thành một căn bệnh của xã hội hiện nay. Đặc biệt là thế hệ trẻ. Nó diễn ra âm thầm và từ từ xâm nhập sâu hơn vào đời sống con người trở thành một hội chứng xã hôi nghiêm trọng.

  • Thân bài:

Lười biếng là gì?

Lười biếng là trạng thái ngược lại với tính siêng năng. Có thể hiểu lười biếng là sự trì trệ, lười nhác xảy ra trong bản thân con người. Người lười biếng không muốn suy nghĩ, tư duy, sáng tạo hay lao động sản xuất. Thậm chí là không muốn thực hiện các hoạt động sống của bản thân một cách bài bản. Bởi thế, thói lười biếng được xem là cội rễ làm khởi sinh những thất bại trong cuộc đời con người.

“Trên đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng” có nghĩa là trên con đường đi đến những thành công, đến với đỉnh cao vinh quang, thắng lợi,… thì không thể có những kẻ lười biếng đi được đến đích. Họ sẽ sớm bỏ cuộc và nhận lấy sự thất bại.

Thế nào là thành công?

Có rất nhiều các định nghĩa khác nhau về thành công. Nhưng để trả lời được câu hỏi “Thành công là gì?” một cách thống nhất dường như là rất khó. Kể cả đối với những người là doanh nhân, học giả nổi tiếng hay nhà khoa học.

Hiểu một cách đơn giản thành công là vượt qua khó khăn trở ngại đạt được điều mình mong muốn trong công việc và trong đời sống. Có người cho rằng thành công là đạt đến sự giàu có. Người khác lại nghĩ thành công là khi tìm thấy được hạnh phúc và sự yên bình.

Tại sao người lười biếng thì không thể thành công?

Sự lười biếng chính là bản chất của những kẻ tầm thường và thất bại. Những người lười biếng sẽ không bao giờ biết rằng trong sự lao động mới có sự nghỉ ngơi. Nói cách khác, cái đích cuối cùng trên con đường đi của những kẻ lười biếng, không chăm chỉ học tập, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, lao động,… chính là thất bại. Kẻ lười biếng sẽ không bao giờ đi hết con đường để nhận lấy phần thưởng xứng đáng.

Người lười biếng thường thiếu tin tưởng vào bản thân. Họ không có động cơ để cố gắng, thường xuyên xung đột về tư tưởng và mục đích trong hành động. Từ đó, họ thường buông bỏ công việc, tìm đến lối sống buông thả an nhàn. Trên bước đường thành công, nhất định người lười biếng sẽ bị loại bỏ.

Bản chất của lao động là một chuỗi các hành động đúng đắn tạo ra được hiệu quả hướng đến mục đích. Các hoạt động của người lười biếng hầu hết không tạo ra động lực. Nó không đủ sức mạnh để thúc đẩy công việc đi đến thành công và họ thường dễ chấp nhận một kết quả nào đó.

Ngày nay, thời đại công nghệ phát triển cao, lượng tri thức đồ sộ, nếu lười biếng ta không thể bắt kịp tốc độ tiến bộ của cuộc sống, sẽ nhanh chóng bị bỏ lại phía sau, rơi vào tình trạng ngu dốt và nghèo đói. Lười biếng là mầm mống của sai lầm và tội lỗi. Lười nhắc và ăn chơi, hai thứ đó dẫn ta xuống vực thẳm.

Làm thế nào để thành công trong công việc và trong đời sống?

Trước hết, muốn đạt đến thành công nào đó chúng ta phải xác định mục tiêu sống lành mạnh, tiến bộ và nhân văn. Luôn rèn luyện và nâng cao bản lĩnh sống. Bởi chỉ có con đường chân thiện mới dẫn chúng ta đến bầu trời chân lí.

Phải sống có lí tưởng, có hoài bão, có ước mơ lớn lao hướng đến một tương lai tươi sáng. Phải hành động mãnh liệt, kiên trì, đối mặt và chiến thắng nghịch cảnh để vươn lên.

Phải có tình yêu cuộc sống mãnh liệt, yêu thương con người và quyết tâm xây dựng một thế giới công bằng, tiến bộ, văn minh. Luôn ý thức kỉ luật bản thân, rèn luyện nhân cách nhân phẩm tốt đẹp trở thành người mẫu mực trong xã hội.

Luôn kiên trì học tập, kiên trì làm việc, sẵn sàng vấp ngã và dũng cảm đứng dậy là bí quyết của người thành công. Thành công không phải là cuối cùng, thất phải không có nghĩa là chấm hết. Điều quan trọng là phải có tinh thần quả cảm để bước tiếp về phía trước.

Phê phán:

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người lười biếng, sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Người lười biếng không những trong lòng luôn ganh ghét, đố kị mà trong công việc cũng chẳng gặt hái được thành công nào. Kẻ lười biếng bởi thế thường có một cuộc sống tầm thường, thấp kém, bị người khác khinh chê, xa lánh.

Bài học nhận thức:

Trong cuộc sống không có điều gì dễ làm mà mang lại thành quả lớn. Khó khăn càng lớn thì thành công càng cao. Bởi thế, phải năng động, sáng tạo và quyết liệt trong công việc để có thể vượt qua thất bại đạt đến thành công trong cuộc sống này. Chỉ cần bạn có một ước mơ đủ lớn, ý chí sẽ đưa bạn đến thành công.

  • Kết bài:

Cuộc sống luôn rất công bằng với những ai luôn biết phấn đấu. Điều bất công ta thường thấy trong xã hội hãy xem là những “tai nạn”, những “rủi ro” mà trên bước đường đời ta vấp phải. Dù có thất bại nặng nề, dù có bị phủ nhận hay lãng quên thì hãy can đảm đứng lên bằng tất cả nghị lực của mình, bằng sức mạnh của trí tuệ và lòng quả cảm thì nhất định bạn sẽ gặt hái thành công. Bởi thế, trên bước đường thành công không bao giờ có dấu chân của  những kẻ lười biếng. Hãy tin tưởng điều đó.

Suy nghĩ về hiện tượng lười biếng trong học tập của nhiều học sinh ngày nay

3 bình luận

5 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận vai trò của việc rèn luyện ý chí trong học tập - Theki.vn
  2. Nghị luận về thói quen xấu và thói quen tốt - Theki.vn
  3. Nghị luận: Mỗi thất bại sẽ là một nấc thang đưa bạn đến thành công - Theki.vn
  4. Viết một bức thư khuyên bạn thân rèn luyện ý thức tự học để tiến bộ trong học tập - Theki.vn
  5. Nghị luận về tính siêng năng và kiên trì trong công việc - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.