nhung-loi-thuong-bi-tru-diem-trong-bai-lam-van-cua-hoc-sinh

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh.

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh.

I. Những lỗi thường gặp trong bài làm văn của học sinh.

1. Lỗi chính tả.

Cũng giống như rất nhiều học sinh các khối lớp khác trên khắp cả nước, học sinh những lớp 11 mà tôi giảng dạy cũng viết sai chính tả rất nhiều. Cụ thể các em mắc những lỗi sau:

a. Lỗi viết hoa tùy tiện.

Lỗi viết hoa là một trong những loại lỗi chính tả xuất hiện rất nhiều trong bài viết của học sinh. Lỗi viết hoa bao gồm hai kiểu lỗi nhỏ : viết hoa sai quy định chính tả và viết hoa tùy tiện.

Viết hoa sai quy định chính tả: Viết hoa sai quy định chính tả là viết hoa hay không viết hoa theo đúng quy định chính tả về viết hoa. Chẳng hạn như học sinh không viết hoa chữ cái mở đầu bài viết, đoạn văn, không viết hoa sau dấu chấm (.),dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!), dấu chấm lửng hết câu (…), hay vi phạm các quy định về cách viết hoa các loại tên riêng.

Ví dụ:

Vũ trọng Phụng, Phan bội Châu, Nam cao, Vũ đại, Tố như, chị út Tịch, chí Phèo, tác phẩm người mẹ cầm súng, cách mạng tháng 8, cách mạng tháng 10….

Lẽ ra, theo quy định chính tả, học sinh phải viết :

Vũ Trọng Phụng, Phan Bội Châu, Nam Cao, Vũ Ðại, Tố Như, chị Út Tịch, tác phẩm Chí Phèo, tác phẩm Người mẹ cầm súng, Cách mạng tháng Tám, Cách mạng tháng Mười…

Viết hoa tùy tiện: Viết hoa tùy tiện là viết hoa những đơn vị từ vựng bình thường, không nằm trong quy định chính tả về viết hoa.

Ví dụ:

Nguyễn Đình Chiểu là Nhà thơ nổi tiếng của Văn học Việt Nam, Chế độ Phong kiến tàn ác, giai cấp Tư sản, cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa, giai cấp Vô sản….

Lỗi viết hoa là loại lỗi chính tả thông thường, dễ tránh, dễ khắc phục, nhưng học sinh vẫn mắc phải và điều đó được thể hiện rõ ở các cấp. Ðiều đó có nguyên nhân của nó, xét về mặt khách quan lẫn chủ quan.

b. Lỗi viết tắt.

Lỗi viết tắt xuất hiện trong bài viết của học sinh thấp hơn nhiều so với lỗi viết hoa. Tuy nhiên, trong việc rèn luyện chính tả cho học sinh, lỗi viết tắt cũng cần được lưu ý đến. Thông thường, lỗi viết tắt bao gồm hai kiểu lỗi nhỏ: viết tắt sai quy định chính tả và viết tắt tùy tiện.

Viết tắt sai quy định chính tả : Viết tắt sai quy định chính tả là viết tắt không theo đúng quy định chính tả về viết tắt. Chẳng hạn như các em dùng mẫu chữ thường, dùng dấu chấm hay dấu gạch xiên giữa các chữ cái viết tắt…

Ví dụ : P/V, đ/c, T.P, H.Ð.N.D v.v…

Lẽ ra, theo quy định chính tả, phải viết : PV, ÐC, TP, HÐND (phóng viên, đồng chí, thành phố, hội đồng nhân dân).

Ví dụ : Trường T.H.P.T (Trường trung học phổ thông)

Viết tắt tùy tiện: Viết tắt tùy tiện là dùng các kí hiệu viết tắt mang tính chất cá nhân vào bài viết chính thức. Ðây là các kí hiệu bằng chữ viết Việt Nam hay chữ viết nước ngoài, được chế biến lại, lẽ ra chỉ được dùng khi ghi chép, nhưng học sinh lại đưa vào bài kiểm tra, bài thi, do đó trở thành lỗi chính tả.

Ví dụ: ( ta (người ta), of (của), on (trên), đc (được), n (nhưng), fê fán (phê phán), ffáp (phương pháp), tình thg (tình thương), fg tiện (phương tiện), ndung (nội dung), t2 (tư tưởng), hthức (hình thức), chnghĩa (chủ nghĩa), chthắng (chiến thắng), xlc (xâm lược), ah (anh) v.v…

Hiện tượng viết tắt tùy tiện rất dễ khắc phục nếu như học sinh có ý thức tránh loại lỗi chính tả này khi làm bài thi, kiểm tra.

c. Lỗi dùng số và chữ biểu thị số.

Kiểu lỗi chính tả này có hai biểu hiện chính: lẫn lộn giữa hai loại số và lẫn lộn giữa số với chữ biểu thị số.

Lẫn lộn hai loại số: Trong bài viết, có những trường hợp học sinh phải biểu đạt bằng số, chẳng hạn như khi đề cập đến ngày, tháng, năm, thế kỉ… Theo quy định chính tả, tùy trường hợp mà dùng số Ả Rập – còn gọi là số thường (1,2,3…), hay số La Mã (I, II, III…). Do không nắm được quy định chính tả, nên học sinh thường sử dụng lẫn lộn hai loại số.

Ví dụ: Thế kỉ 20, Ðại hội Ðảng lần thứ 6.

Lẽ ra, theo quy định chính tả, phải viết bằng số La Mã những trường hợp này mới đúng: Thế kỉ XX, Ðại hội Ðảng lần thứ IV.

Lẫn lộn số và chữ biểu thị số: Bên cạnh một số trường hợp phải viết số, theo quy định chính tả, có khá nhiều trường hợp phải viết bằng chữ, khi biểu thị số chỉ số lượng, số chỉ thứ tự, số chỉ số lượng phỏng chừng v.v… Do không nắm rõ quy định chính tả và do viết theo thói quen, học sinh dễ lẫn lộn giữa số và chữ biểu thị số trong rất nhiều trường hợp.

Ví dụ:

Ngày ba, tháng hai, năm một ngàn chín trăm ba mươi; 1 đám tang; 3 đứa con thơ dại; 1 cuộc sống; đẹp I , lần gặp gỡ thứ 2; vài 3 người bạn…

Theo quy định chính tả, phải viết : Ngày 3, tháng 2, năm 1930; một đám tang; ba đứa con thơ dại; một cuộc sống; đẹp nhất; lần gặp gỡ thứ hai, vài ba người bạn…

So với hiện tượng lẫn lộn hai loại số, hiện tượng lẫn lộn số và chữ biểu thị số xuất hiện trong bài viết của học sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, cả hai loại lỗi sai này cũng dễ tránh, nếu như học sinh nắm được quy định chính tả về việc dùng số và chữ biểu thị số.

d. Lỗi chính tả âm vị.

Lỗi chính tả âm vị là hiện tượng vi phạm diện mạo ngữ âm của từ thể hiện trên chữ viết. Nói đơn giản hơn, đó là hiện tượng chữ viết ghi sai từ.

Dựa vào cấu trúc của âm tiết tiếng Việt, có thể chia lỗi chính tả âm vị thành hai kiểu nhỏ: lỗi chính tả âm vị siêu đoạn tính và lỗi chính tả âm vị đoạn tính.

Lỗi chính tả âm vị siêu đoạn tính: Âm vị siêu đoạn tính là loại âm vị không được định vị trên tuyến thời gian khi phát âm, mà được thể hiện lồng vào các âm vị đoạn tính. Trong âm tiết tiếng Việt, thanh điệu là âm vị siêu đoạn tính. Lỗi chính tả âm vị siêu đoạn tính là hiện tượng chữ viết ghi sai thanh điệu của âm tiết.

Tiếng Việt có tất cả sáu thanh điệu, được ghi bằng năm dấu thanh: sắc, hỏi, ngã, nặng, huyền và thanh không dấu. Hiện tượng ghi sai thanh điệu thường xảy ra ở hai thanh hỏi, ngã. Trong bài viết của học sinh lớp 11 mà tôi đã khảo sát, kiểu lỗi sai này xuất hiện khá nhiều. Hầu như bài nào cũng có lỗi hỏi, ngã. Thậm chí, chép đề cũng sai hỏi, ngã.

Dưới đây là những từ sai hỏi, ngã của học sinh: sữa chửa, rữa xe, đả làm, một nữa, lẻ phải, … Đúng ra phải là: sửa chữa, rửa xe, đã làm, một nửa, lẽ phải… Nguyễn Trãi thì các em viết Nguyễn Trái

Lỗi chính tả âm vị đoạn tính: Âm vị đoạn tính là các âm vị được phân bố nối tiếp nhau trên tuyến thời gian khi phát âm. Trong âm tiết tiếng Việt, âm vị đoạn tính gồm có phụ âm đầu, âm đệm, âm chính và âm cuối / bán âm cuối. Lỗi chính tả âm vị đoạn tính là hiện tượng chữ viết ghi sai các âm vị vừa nêu. Cụ thể là :

Ghi sai phụ âm đầu: Hiện tượng ghi sai phụ âm đầu trong bài viết của học sinh thường thể hiện ở sự lẫn lộn các chữ cái hay các tổ hợp chữ cái ghi phụ âm đầu sau đây :

– ch / tr : chung thành, trà đạp, chống chả, từng chải, chăng chối, chủ chương, chông đợi, chầy chật, xáo chộn…

– s / x : sương máu, xum họp, sâu sa, đi xứ, đối sử, xúc vật, xúc tích, xi mê, sống xót, xỉ nhục, bổ xung, hàm xúc…

– gi / d / : thúc dục, dan dối, dành lại, giã man, để giành, dèm pha, che dấu, dòn dã…

Ghi sai âm đệm: Trong âm tiết tiếng Việt, âm đệm /-u-/ phân bố sau phụ âm đầu, được ghi bằng hai chữ cái u và o, tùy trường hợp. Trong bài viết của học sinh, hiện tượng ghi sai âm đệm thường có biểu hiện thiếu chữ cái ghi âm đệm.

Ví dụ : lẩn quẩn, lạn đả, lanh quanh, lay hoay, lằng ngoằng, lắt chắt, ngó ngáy, ngọ ngậy v.v…

Ghi sai âm chính: Trong bài viết của học sinh, hiện tượng ghi sai âm chính thường có hai biểu hiện chính :

Thứ nhất là lẫn lộn giữa các chữ cái ghi nguyên âm đơn, cụ thể là giữa : – o / ô/ ơ : bốc lột, tận góc, mưa mốc, chốp bu, chốp lấy, đớp chát, họp nhất, bộp tai v.v…

Thứ hai là lẫn lộn giữa các chữ cái ghi nguyên âm đơn với các chữ cái ghi nguyên âm đôi, nhất là giữa : – ê / i / iê : điều đặn, điu đứng, điểu cáng, kiềm kẹp, chiệu đựng, hiêu quạnh, nâng niêu, tìm ẩn, thất thiểu v.v…

– u / uô : tuổi thân, muổi lòng, đen đuổi, theo đủi, hất huổi, xuôi khiến, xui tay v.v…

– ư / ươ : chưởi mắng, cữi cổ, tức tửi, rác rửi, sửi ấm v.v…

Ghi sai âm cuối / bán âm cuối : Hiện tượng ghi sai âm cuối trong bài viết của học sinh thường có hai biểu hiện chính :

Thứ nhất là lẫn lộn giữa các chữ cái ghi phụ âm cuối, cụ thể là lẫn lộn giữa :

– c /t : biền biệc, buộc miệng, chất phát, heo húc, lẩn lúc, lũ lược, mất mác, man mát, mua chuột, phó mặt, phúc chốc, tấc bậc, tiếc hạnh v.v…

– n / ng : dun túng, hiên ngan, hoang hỉ, lãng mạng, làm lụn, phản phất, rung sợ, rung rẩy, sản khoái, tang hoang, vung trồng, vụn về …

Thứ hai là lẫn lộn giữa các chữ cái ghi bán âm cuối, cụ thể là giữa :

– o /u : báo vật, cao có, lao lách, láo lỉnh, mếu máu, trao chuốt, trao dồi v.v….

– i /y : ái nái, đai nghiến, đài đọa, lai động, mai mắn, mỉa may, phơi bài, tai chân, sai mê, van lại …

Giữa bốn kiểu lỗi chính tả âm vị đoạn tính, trong bài viết của học sinh, hiện tượng ghi sai âm cuối xuất hiện nhiều hơn. Kế đến là ghi sai âm chính và ghi sai phụ âm đầu. Lỗi ghi sai âm đệm xuất hiện ít nhất.

2. Lỗi diễn đạt.

a. Lỗi dùng từ.

Lỗi dùng từ sai phong cách: Thông thường hoàn cảnh giao tiếp được chia làm hai loại chính: hoàn cảnh giao tiếp theo nghi thức và hoàn cảnh giao tiếp không theo nghi thức. Hoàn cảnh giao tiếp theo nghi thức đòi hỏi ngôn ngữ được gọt giũa, nhưng nhiều khi học sinh trong bài viết của mình thường sử dụng khẩu ngữ:

Hàn Mặc Tử bị hủi về thể xác nhưng tâm hồn nhất quyết không bị hủi cho.

Đúng ra học sinh phải viết là: Hàn Mặc Tử bị đau đớn về thể xác nhưng tâm hồn ông vẫn tràn ngập cảm hứng sáng tạo.

Lỗi về nghĩa của từ: Mỗi từ được dùng phải đúng nghĩa. Nhiều học sinh dùng từ sai nghĩa:

Trong đoạn văn tả về mẹ, một học sinh viết: Mẹ em vất vả lang thang, lảng vảng ở chợ để bán hàng nuôi hai chị em ăn học.

Trong trường hợp này, học sinh đã sai khi dùng từ “lang thang’, “ lảng vảng”.

Khi phân tích nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân một học sinh viết:
Huấn Cao đã đồng hóa viên quản ngục.

Lỗi lặp từ: Trong một câu văn học sinh có thể dùng một từ đến hai ba lần:

Khi phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, một học sinh viết: Nhà thơ Xuân Diệu là một nhà thơ lớn. Xuân Diệu có nhiều bài thơ trong đó có bài thơ Vội vàng.

b. Lỗi viết câu.

Khi viết văn đòi hỏi học sinh phải viết đúng ngữ pháp. Nhưng một thực tế đáng buồn hiện nay là học sinh viết sai câu rất nhiều. Học sinh thường mắc những lỗi căn bản sau:

Nhầm trạng ngữ và chủ ngữ: Trong bài làm văn phân tích bài thơ Tự tình, một học sinh viết:  “Qua bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương đã làm thể hiện nỗi lòng người phụ nữ quá lứa lỡ thì.”

Trong câu văn trên, học sinh đã nhầm trạng ngữ là chủ ngữ. Chữa đúng là: “Qua bài thơ Tự tình, Hồ Xuân Hương đã thể hiện tâm trạng của người phụ nữ quá lứa lỡ thì.”

Lẫn lộn giữa vị ngữ và thành phần phụ chú ngữ: Cũng trong bài làm văn phân tích bài thơ Tự tình, một học sinh viết: “Hồ Xuân Hương nhà thơ nữ nổi tiếng của văn học Việt Nam thời trung đại.”

Đúng phải là: “Hồ Xuân Hương là nhà thơ nữ nổi tiếng của văn học Việt Nam thời trung đại.”

Câu lan man dài dòng: Khi đề cập về nhà văn Nguyễn Tuân một học sinh viết: Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn viết truyện ngắn đặc sắc nhất với trình độ đỉnh cao nổi bật cho phong cách thơ Nguyễn Tuân tài hoa uyên bác.

Chưa nói đến lỗi sai về kiến thức khi học sinh đó viết “ phong cách thơ Nguyễn Tuân” thì câu này sửa đúng là: “Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn viết truyện ngắn đặc sắc với trình độ bậc thầy. Nổi bật trong phong cách của ông là sự tài hoa, uyên bác.”

c. Lỗi dựng đoạn.

Một số học sinh hiện nay không có kĩ năng dựng đoạn. Các em viết nhưng không biết bố cục một đoạn văn như thế nào và phải triển khai đoạn văn ra sao.

Khi viết về cảnh kết thúc truyện Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân, một học sinh viết một đoạn văn như sau: “Vai trò của cảnh kết thúc truyện ngắn này đã thể hiện dù ở nơi lao tù tối tăm ta vẫn thấy được nhân cách cao đẹp của viên quan coi ngục đối với tử tù Huấn Cao là một trong những phạm của xã hội. Nhưng viên quản ngục vẫn kính trọng Huấn Cao bởi tài năng của người này đã làm viên quản ngục không còn sợ chết mà tới vái người tù một vái để xin chữ của ông về treo trong nhà dù bị Huấn Cao coi thường. Và viết điều đó là sẽ liên lựa đến mình nếu bọn thực dân biết thì sẽ bị giết. Nhưng viên quản ngục cũng không thể làm trái mệnh lệnh và phải thi hành.”
Ở đoạn văn trên, người viết không chỉ phạm lỗi về chính tả, diễn đạt, sai kiến thức mà còn chưa biết cách dựng đoạn văn. Các câu văn còn lan man dài dòng, không tập trung vào chủ đề chính, không có sự liên kết mạch lạc, chặt chẽ.

d. Lỗi bố cục bài văn.

Điều đáng buồn là còn một bộ phận học sinh không biết xác định, xây dựng bố cục một bài văn. Điều này tập trung nhiều hơn ở học sinh khối lớp 10. Tuy nhiên, học sinh lớp 11 cũng có những em không biết phải viết một bài văn như thế nào. Hạn chế này được thể hiện rất rõ trong bài thi học kì khi vẫn có những em bài viết không đủ bố cục ba phần (thậm chí chỉ có phần thân bài).

a. Lỗi sai kiến thức:

Trong bài thi có học sinh viết: “Vũ Trọng Phụng là nhà văn nổi tiếng của văn học trung đại Việt Nam.”

Đúng phải là “văn học hiện đại Việt Nam trước 1945” hoặc “văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930- 1945”.

Khi viết về Hồ Xuân Hương trong “Tự tình II”, một học sinh viết: “…Hai câu thơ đầu nói về cảnh nhà thơ chờ chồng mãi nhưng không thấy nên cô đơn, buồn, không ngủ được”.

II. Nguyên nhân.

Thứ nhất, do ảnh hưởng của Internet. Ngày nay đông đảo học sinh sử dụng Internet, ngoài số ít biết khai thác, tận dụng để học tập thì phần lớn chỉ để chơi game và chat chít. Khi “chát” các em hầu hết sử dụng tiếng Việt không dấu và dùng cách diễn đạt rất ngắn gọn bằng những từ ngữ chỉ quen dùng với giới trẻ, và theo quan niệm của họ như thế mới được cho là…sành điệu. Ngôn ngữ phản ánh tư duy. Việc thường xuyên sử dụng ngôn ngữ bất thường, cụt ngủn như thế sẽ góp phần làm “cùn” đi tính thẩm mỹ và tinh tế vốn có của ngôn ngữ truyền thống, còn gây khó khăn cho việc rèn luyện tư duy sâu sắc.

Thứ hai, ảnh hưởng của phim ảnh. Ngày nay truyền hình, phim ảnh phát triển đến chóng mặt. Có nhiều kênh chiếu những phim hấp dẫn với mật độ dày đặc khiến cho thanh thiếu niên ngoài giờ đến trường chỉ “mê mẩn” với phim ảnh. Việc xem phim nhiều khiến các em lười đọc sách. Nếu có đọc thì đó cũng chỉ là các truyện tình yêu rẻ tiền, những truyện tranh hình nhiều mà chữ ít. Có rất nhiều em đọc và bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ trong các câu truyện đó.

Thứ ba, ảnh hưởng của âm nhạc “thị trường”. Ngày nay có một bộ phận khá đông giới trẻ mê nhạc “thị trường” với những ca từ giai điệu mà khi hát lên như… đọc, như nói. Lời lẽ rất cộc cằn và thô thiển. Những ngôn từ đó ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển ngôn ngữ của học sinh.

Thứ tư, những năm học gần đây việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm với việc lựa chọn các phương án hoặc A, hoặc B, hoặc C, hoặc D cũng góp phần làm “cùn” tư duy cũng như cách diễn đạt của học sinh.

Thứ năm, ngày nay một bộ phận không nhỏ giáo viên ít chú trọng dạy cho học sinh kỹ năng làm một bài viết hoàn chỉnh. Ngoài một số giáo viên dạy Văn khi chấm bài có sửa lỗi cho học sinh về chính tả, dùng từ, đặt câu, diễn đạt, còn khá nhiều giáo viên không sửa lỗi cho học sinh khiến cho các em không biết mình mắc lỗi gì để khắc phục, để lần sau sẽ tiến bộ. Thực tế có những bài văn học sinh viết dài ba trang giấy mà có rất ít dấu chấm, dấu phẩy nhưng giáo viên vẫn cho điểm cao. Còn giáo viên dạy Sử, Địa, Giáo dục Công dân thì hầu như không bao giờ yêu cầu học sinh viết bài phải có bố cục, cứ có ý là có điểm dù học sinh trình bày theo kiểu…gạch đầu dòng.

Thứ sáu là việc trên thị trường tràn ngập các bài văn mẫu. Học sinh không cần phải học, suy nghĩ mà cứ thuộc bài văn mẫu làm bài.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang