“Nội tâm nhân vật thường có nét riêng cho thấy những bí ẩn của tâm hồn, phẩm chất, lí tưởng của nhân vật. Đặc biệt là những thay đổi trong ý thức, thái độ sống và tâm lí của nhân vật qua các giai đoạn”.
* Hướng dẫn làm bài:
- Mở bài:
Giới thiệu vấn đề: “Nội tâm nhân vật thường có nét riêng cho thấy những bí ẩn của tâm hồn, phẩm chất, lí tưởng của nhân vật. Đặc biệt là những thay đổi trong ý thức, thái độ sống và tâm lí của nhân vật qua các giai đoạn”.
- Thân bài:
1. Giải thích nhận định:
– Nội tâm là một phương diện biểu hiện của nhân vật. Nhân vật có vai trò là yếu tố quan trọng hàng đầu trong thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. (Các yếu tố khác: ngoại hình, hành động, biến cố, ngôn ngữ, các mối quan hệ với các nhân vật và với hoàn cảnh xung quanh).
– Nội tâm giúp người đọc thấy rõ “những bí ẩn của tâm hồn, phẩm chất, lí tưởng” của nhân vật; nội tâm của mỗi nhân vật do đó thường đặc sắc, có nét riêng, nét khác biệt so với các nhân vật khác trong tác phẩm và cả với nhân vật đồng dạng trong các tác phẩm khác.
– Nhà văn luôn chú ý xây dựng “những đổi thay trong ý thức, thái độ sống và tâm lí của nhân vật qua các giai đoạn” nhằm làm nổi bật nhân vật và góp phần thể hiện ý đồ sáng tác của mình.
→ Nhận định trên vừa nêu lên vai trò của nội tâm trong việc thể hiện nhân vật vừa xác định cá tính sáng tạo mà nhà văn thể hiện qua việc xây dựng đời sống nội tâm nhân vật, để lại dấu ấn riêng trong tác phẩm và trong đời sống văn học. Qua đó, giúp bạn đọc có ý thức thêm về yếu tố này khi đọc tiểu thuyết và truyện ngắn.
2. Làm sáng tỏ nhận định qua truyện ngắn Làng của Kim Lân
– Ông Hai là người nông dân có tình cảm gắn bó sâu nặng với làng quê:
+ Ông tha thiết yêu làng Chợ Dầu và rất tự hào về làng mình.
- Khoe làng: Trước Cách mạng: Ông khoe con đường làng đi chẳng lấm chân, khoe cái sinh phần của một vị quan lớn trong làng. Sau Cách mạng: Ông khoe về một làng Chợ Dầu cách mạng, làng Chợ Dầu chiến đấu.
- Nhớ làng: Ở nơi tản cư, ông lúc nào cũng nhớ về làng và muốn về lại làng Chợ Dầu.
- Thói quen sang bác Thứ để kể chuyện làng → kể để nguôi đi nỗi nhớ làng.
+ Tự hào vì làng Chợ Dầu tham gia chiến đấu ủng hộ cách mạng (chòi gác, đường hầm bí mật…)
– Diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.
+ Lúc mới nghe tin, ông ngạc nhiên đến bàng hoàng, sững sờ: Đúng lúc ông Hai đang phấn khởi trước những tin tức thời sự thì nghe những người tản cư bàn về làng Chợ Dầu. Ông quay phắt lại hỏi: “ta giết được bao nhiêu thằng?” Câu hỏi cho thấy niềm tin vững chắc vào tinh thần cách mạng của làng mình.
+ Vì thế, tin làng theo giặc khiến ông chết lặng vì đau đớn, tủi thẹn: Cổ nghẹn đắng, da mặt tê rân rân, giọng lạc hẳn đi, lặng đi như không thở được…
→ Đau đớn đến mức như không điều khiển được thân thể của chính mình.
– Từ giây phút đó, ông chìm vào tâm trạng hoang mang, đau khổ, sợ hãi:
+ Ông lảng ra chỗ khác rồi về thẳng nhà, nằm vật ra giường chứ không chạy sang hàng xóm khoe làng như thường lệ.
+ Ông lo lắng, xót xa, trằn trọc cả đêm:
- Cho số phận của những đứa con sẽ bị khinh bỉ, hắt hủi vì là trẻ con làng Việt gian;
- Cho bao nhiêu người làng ở nơi tản cư.
- Cho tương lai cả gia đình.
+ Ông sợ hãi khi phải đối diện với cuộc sống xung quanh: Không dám bước chân ra khỏi nhà; không dám nói chuyện với vợ; mỗi một tiếng động bên ngoài cũng khiến ông hoang mang. Lúc nào cũng nín thở nghe ngóng và chột dạ, nơm nớp.
– Cái tin ấy còn khiến ông day dứt, giằng xé dữ dội:
+ Vì: Ông vừa yêu làng, vừa yêu nước, ông buộc phải lựa chọn giữa hai tình cảm ấy.
+ Cuộc đấu tranh trong tâm hồn ông được biểu hiện qua cuộc nói chuyện của ông với đứa con nhỏ:
+ Ông khẳng định: “nhà ta ở làng Chợ Dầu” . Ông muốn con ghi nhớ Chợ Dầu là quê hương, là gốc gác, không được phép quên. Đó là tình cảm gắn bó máu thịt của ông Hai và của hàng triệu người Việt Nam.
+ Ông lựa chọn “…làng theo Tây thì phải thù” .Đó là tình yêu nước và nhiệt tình ủng hộ kháng chiến của ông Hai. Lựa chọn ấy khiến ông vững vàng hơn và tin rằng đồng bào, đồng chí sẽ hiểu cho ông, cụ Hồ sẽ soi xét cho ông.
– Diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin cải chính:
+ Tin cải chính đến cùng tin làng bị đốt, nhà ông Hai cũng bị đốt sạch -> đây là một mất mát lớn đối với người dân.
+ Vậy mà, ông vô cùng sung sướng, hạnh phúc:
- Chạy khắp nơi để khoe chuyện Tây đốt làng, đốt nhà mình, khoe cái tin làng theo giặc là sai.
- Phấn khởi mua quà về chia cho các con.
- Định nuôi lợn để ăn mừng.
- Ông như được hồi sinh: lại nhanh nhẹn, sôi nổi, thích nói chuyện với mọi người xung quanh.
→ Cội nguồn của sự thay đổi tâm trạng của ông vẫn là tình yêu làng, yêu nước. Tin cải chính đã trả lại cho ông niềm tự hào về làng Chợ Dầu và niềm tự tin vào bản thân mình. Hai tình cảm lớn lại hòa nhập làm một trong tâm hồn người nông dân chất phác và trọng danh dự này.
* Nhận xét:
Sự vận động tình yêu làng, yêu nước trong tình cảm của nhân vật ông Hai (và cũng là của người lao động Việt Nam thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp), đi từ sự tự phát (trước cách mạng, họ có tình yêu làng, yêu nước một cách tự nhiên) đến tự giác (họ yêu làng, yêu nước trên ý thức nhận rõ kẻ thù xâm lược. Họ một lòng đi với cách mạng, ủng hộ cụ Hồ, ủng hộ đường lối và chính sách của Chính phủ kháng chiến, quyết một lòng đứng về phía cách mạng.
Kim Lân đã rất thành công khi xây dựng nhân vật ông hai, một lão nông thật thà, chất phác, yêu làng, yêu nước. Chuyển biến từ tình yêu làng thiết đến tình yêu nước sâu đậm, ủng hộ cụ Hồ, ủng hộ kháng chiến; từ tình yêu làng tự phát đến tình nước tự giác của nhân vật ông Hai hay cũng chính là những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
– Qua đó cũng bộc lộ tài năng phân tích và miêu tả tâm lí nhân vật bậc thầy của Kim Lân.
- Kết bài:
Cách miêu tả chân thực, sinh động, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm đa dạng, tự nhiên như cuộc sống cùng với những mâu thuẫn căng thẳng, dồn đẩy, bức bối đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công của câu chuyện, đồng thời còn thể hiện sự am hiểu và gắn bó sâu sắc của nhà văn với người nông dân và công cuộc kháng chiến của đất nước.