Phân tích bài “Chiếu cầu hiền” của Ngô Thì Nhậm.
- Mở bài:
Ngô Thì Nhậm là một Nho sĩ toàn tài có đóng góp to lớn, tích cực cho triều đại Tây Sơn. “Chiếu cầu hiền” là tác phẩm của Ngô Thì Nhậm viết thay cho vua Quang Trung nhằm mục đích kêu gọi các hiền tài khắp mọi nơi cởi bỏ tị hiềm, gắng đem hết tài sức của bản thân ra giúp vua trong sự nghiệp chấn hưng đất nước.
- Thân bài:
Trước tình thế khó khăn của đất nước và ứng xử của sĩ phu Bắc Hà, vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm thảo soạn “Chiếu cầu hiền” nhằm thu phục người tài ra giúp dân giúp nước. Bài chiều thể hiện tấm lòng vì dân vì nước của vua Quang Trung, đặc biệt cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của một nhà lãnh đạo kiệt xuất hiếm có trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Đoạn văn mở đầu tác giả nêu quy luật xử thế của người hiền và mối quan hệ giữa người hiền và thiên tử. Tác giả đã dẫn lời của Khổng Tử trong sách Luận ngữ nhằm tạo dấu ấn mạnh đối với các nho sĩ: “Từng nghe nói rằng: Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao. Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần, người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử. Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy”.
Hình ảnh so sánh: Người hiền “như sao sáng trên trời cao” đã nhấn mạnh, đề cao vai trò của người hiền, khẳng định người hiền tài là những tài sản quí giá của đất nước, giống “như sao sáng trên trời”, tinh anh, tinh túy như hoa của vũ trụ. “Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần”: đây là quy luật tự nhiên, khẳng định người hiền phụng sự cho thiên tử là một cách xử thế đúng đắn, là lẽ tất yếu, hợp với ý trời mà người tài tất phải ra giúp vua trị nước mới xứng với “ý trời” đã sinh ra, nếu không là trái quy luật, đạo trời.
Tác giả cũng thông qua đó mà lên án: Người hiền có tài mà đi ẩn dật, lánh đời như ánh sáng bị che lấp, như vẻ đẹp bị giấu đi. Có thể nói, bằng tài năng xuất chúng của Ngô Thì Nhậm, đoạn mở đầu đã mang đến cho người đọc một so sánh đầy sáng tạo, cách lập luận chặt chẽ, cách đặt vấn đề hấp dẫn, có sức thuyết phục.
Ở phần tiếp theo, tác giả bàn về cách hành xử của sĩ phu Bắc Hà và nhu cầu cần hiền tài của triều đại mới. Trước hết tác giả nói về cách hành xử của sĩ phu Bắc Hà. Khi thời thế suy vi, họ, hoặc là mai danh ẩn tích bỏ phí tài năng; hoặc là ra làm quan nhưng lúc nào cũng sợ hãi, im lặng như bù nhìn hoặc làm việc cầm chừng. Một số “ra biển vào sông”: ẩn đi mỗi người một phương. Khi thời thế đã ổn định, họ vẫn còn hoài nghĩ. Thế nên, “chưa thấy có ai tìm đến”. Ý văn đã thể hiện tâm trạng của vua Quang Trung, niềm khắc khoải mong chờ người hiền ra giúp nước. Nhà vua có ý muốn trách những người tài của đất nước. Nay đất nước đã thái bình, nhà vua cần có sự hợp sức của nhân tài để quốc gia được phồn vinh, thịnh vượng hơn. Thế mà người hiền thì ở ẩn hoặc cố ý giữ lấy khí tiết của mình mà không để ý đến việc quốc gia đại sự. Đây là cách phê phán nhẹ nhàng và tế nghị nhưng ẩn ở phía sau là những hàm ý rất thâm thúy.
Hai câu hỏi tu từ liên tiếp “Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng?” cho thấy sự day dứt, trăn trở khôn nguôi trong lòng vua Quang Trung. Những câu hỏi tu từ cũng đầy sự thôi thúc, khiến người nghe phải tự suy ngẫm. Cách nói khiêm tốn nhưng thuyết phục, tác động vào nhận thức của các hiền tài buộc người nghe phải thay đổi cách ứng xử.
Tác gải vạch rõ thực trạng và nhu cầu của thời đại. Buổi đầu dựng nghiệp nên triều chính chưa ổn định; biên ải chưa yên; dân chưa hồi sức sau chiến tranh; Đức của vua chưa kịp nhuần thấm khắp nơi. Những trăn trở trên cho thấy vua Quang Trung không chỉ làm phận sự của một vị tướng tài là dẹp giặc, trừ bạo mà còn lo toan đến đời sống của nhân dân.
Đoạn văn chứa đựng tấm lòng nhà vua vì sự bình an dân chúng và sự phồn vinh nước nhà. Những lời văn chan chứa tâm huyết của vua Quang Trung cho thấy vua không lúc nào không nghĩ đến cuộc sống của người dân và lo toan cho quốc gia đại sự. Quang Trung là vị vua yêu nước thương dân, có tấm lòng chiêu hiền đãi sĩ thể hiện qua lời lẽ khiêm nhường, chân thành, tha thiết nhưng cũng kiên quyết, có sức thuyết phục cao. Tấm lòng đó quả là rộng lớn và quý báu của một vị vua suốt đời dâng hiến cho dân tộc. Có một nhà vua với những lí tưởng cao đẹp như thế đất nước sẽ luôn được thái bình, dân chúng sẽ luôn được hưởng ấm no hạnh phúc.
Phần cuối là cách chiêu hiền đãi sĩ của vua Quang Trung, đây là một đường lối hết sức dân chủ cho thấy Quang Trung là vị vua có tư tưởng tiến bộ: “Vậy ban chiếu xuống, quan việc lớn nhỏ và dân chúng trăm họ ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời, đều cho phép được dâng thư bày tỏ công việc”.
Có thể nói ở đây, tính dân chủ đã được hình thành và phát huy cao độ. Điều đó nói lên tính cấp thiết của đất nước trong việc trọng dụng người tài vào nắm giữ các chức vụ khác nhau trong triều đình mới. Mọi tầng lớp đều được dâng thư bày tỏ việc nước. Các quan được phép tiến cử người có tài nghệ. Những người ở ẩn được phép dâng sớ tự tiến cử.
Đây là biện pháp cầu hiền đúng đắn, thiết thực và dễ thực hiện, miễn là người hiền có tài thực sự, tùy theo tài năng gì mà nhà vua sẽ dử dụng kẻo uổng phí tài năng. Trong lịch sử ít có một nhà vua nào đề cao tối đa tính dân chủ trong việc tuyển dụng nhân tài giúp nước như vua Quang Trung. Cách nhìn xa trông rộng đó chứng tỏ nhà vua là người am hiểu quy luật phát triển của lịch sử, đã thấy được tương lai sau này của đất nước.
- Kết bài:
Lời văn ngắn gọn, súc tích, tư duy sáng rõ, lập luân chặt chẽ, khúc chiết, thấu tình đạt lý, “Chiếu cầu hiền” đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của vua Quang Trung và triều đình Tây Sơn trong việc cầu hiền tài phục vục cho sự nghiệp dựng nước. Quang Trung xứng đáng đi vào lịch sử như một nhân vật tài ba nhất trong lịch sử trung đại nước nhà.
Tham khảo:
Phân tích “Chiếu cầu hiền” của Ngô Thì Nhậm.
- Mở bài:
“Chiếu cầu hiền” là bài chiếu mà vua Quang Trung – Nguyễn Huệ giao cho Ngô Thì Nhậm viết bài chiếu để chiêu mộ người có đức, có tài ra phục vụ triều đình giúp dân, giúp nước. Thay tâm nguyện của đức vua Ngô Thì Nhậm đã thể hiện cho muôn dân thấy được tấm lòng vì dân, vì nước của vua Quang Trung, cũng như sự hiểu biết và tầm nhìn xa trông rộng của nhà vua.
- Mở bài:
“Chiếu cầu hiền” là tác phẩm xuất sắc tiêu biểu cho loại văn bản nghị luận trung đại. Yêu cầu đối với một bài chiếu là rất cao, rất khắt khe, đòi hỏi người viết phải am hiểu sâu sắc hoàn cảnh lịch sử xã hội, nắm được những nhu cầu của đất nước lúc bấy giờ, phải dùng được những lời lẽ để thuyết phục được lòng dân, khiến muôn dân tâm phục khẩu phục. Ngô Thì Nhậm là một người tài giỏi có trình độ uyên tâm lỗi lạc, là người rất có tài thuyết phục lòng người.
Bài chiếu có bố cục hợp lí theo một lôgíc chặt chẽ. Điều đó đã làm nên sức thuyết phục của văn bản, tác động mạnh mẽ tới những nhà nho còn đang ẩn dật chờ thời hoặc sống lánh đời để bảo toàn danh phẩm cho riêng mình.
Ngay từ những câu mở đầu của bài chiếu, với những lời lẽ sâu sắc, tác giả đã khiến lòng người phải nể phục: “Từng nghe người hiền ở trên đời cũng như sao sáng trên trời. Sao tất phải chầu về Bắc thần, người hiền tất phải do thiên tử sử dụng”.
Tác giả dùng lời của Khổng Tử để xác nhận một lí lẽ rất xác đáng và có ý nghĩa quan trọng với mục đích cầu hiền của bản chiếu. Bởi với các nhà nho, lời của Khổng Tử luôn luôn là đúng đắn. Tác giả đã thay mặt nhà vua khẳng định với muôn dân rằng, người hiền tài là những tài sản quý giá của đất nước, giống như “sao sáng trên trời”, mà người tài tất phải ra giúp vua trị nước mới xứng đáng với “ý trời” đã sinh ra. Cách so sánh đầy sáng tạo của tác giả đã tăng thêm tính thuyết phục của bài chiếu, ngựời viết đã nhằm đánh thức ý thức trách nhiệm của mỗi người, nhất là người tài đối với đất nước. Hình ảnh “sao sáng trên trời” tượng trương cho sự tinh anh, khiến nhà vua rất lấy làm trân trọng.
Sau khi đã chỉ ra tầm quan trọng của người tài đối với vua, đối với đất nước, tác giả lại đưa ra những khó khăn trong việc thu phục người tài ra giúp nước. Nếu không thu phục được hết người tài thì thật là phí hoài. Nếu trong cảnh chiến sự thì việc quốc sự còn nhiều nhưng nay đất nước đã thái bình, nhà vua cần có sự hợp sức của nhân tài để đất nước được phồn vinh, thịnh vượng hơn. Thế mà người hiền thì ở ẩn hoặc cố giữ lấy khí tiết của mình mà không để ý đến việc quốc gia đại sự. Hoặc có những người cũng ra giúp vua nhưng không tận tâm trong công việc. Tác giả viết” cũng có người giữ cửa, ra bể vào sông, chết đuối trên cạn mà không tự biết”. Đây là cách phê phán nhẹ nhàng và tế nhị nhưng ẩn ở phía sau là những hàm ý rất thâm thúy.
Tiếp đến, ông nhận xét về thái độ hiện tại của trí thức Bắc Hà đối với triều đại mới. Khi nhà Lê suy yếu, cuộc chiến Trịnh – Lê, Trịnh – Nguyễn đã khiến nhiều người tài tìm về cuộc sống lánh đời để giữ nguyên phẩm hạnh. Khi Tây Sơn ra Bắc diệt Trịnh, đánh đuổi ngoại xâm và Nguyễn Huệ lên ngôi vua, nhiều kẻ sĩ Bắc Hà coi Tây Sơn như kẻ cướp ngôi, chưa chịu ra tay giúp Quang Trung. Trong lúc thời thế suy vi, họ lánh đời để bảo toàn phẩm cách là đúng. Tác giả đã dùng những hình ảnh hàm súc để chỉ thái độ của các nho sĩ. Nhưng khi đất nước cắn mà chỉ lo sống yên phận là vô trách nhiệm, vô tích sự với xã hội. Sau khi chỉ ra điều đó, tác giả mới đưa ra lời kêu gọi. Lời kêu gọi kiên quyết nhưng cũng rất khiêm nhường. Việc sử dụng một loạt câu nghi vấn tu từ đã khiến cho câu văn có thêm sức nặng.
Sau đó, ông tiếp tục nỗ lực thuyết phục người hiền tài ra giúp đời. Tác giả đã thể hiện rất rõ mong mỏi của vua Quang Trung. Đồng thời cũng chỉ ra cho người tài thấy đã đến lúc họ phải mang sức mình ra giúp đời. Người viết đã dùng thủ pháp quen thuộc mà rất hiệu quả là tiếp tục đưa ra câu nghi vấn tu từ để khẳng định đất nước đang còn rất nhiều người hiền tài.
Đoạn 3, tác giả trình bày những biện pháp cụ thể, chỉ rõ con đường và cách thức ra giúp đời cho người tài. Người viết cũng vạch ra và lí giải rõ ràng, cụ thể con đường để người tài ra giúp vua một cách thuận tiện nhất. Cách làm này đã thể hiện thành ý và thái độ trọng dụng người tài của vua Quang Trung.
Nhân tài là báu vật mà ông trời đã ban cho đất nước, vì vậy việc tập hợp người hiền tài giúp nước là công việc rất quan trọng hơn lúc nào hết, nhà vua luôn sớm hôm mong mỏi. Vua Quang Trung là vị vua anh minh của dân tộc, sau khi đã dẹp tan giặc, ông rất quan tâm đến đời sống của nhân dân. “Dân khổ chưa hồi sức, đức hóa chưa thấm nhuần, trẫm chăm chăm run sợ, mỗi ngày muôn việc lo toan. Nghĩ rằng: sức một ngày không chống nổi tòa nhà to, mưu lược của kẻ thù sẽ không đựng được thái bình”. Đoạn văn chứa đựng tấm lòng nhà vua vì sự bình an dân chúng và sự phồn vinh nước nhà. Những lời văn chan chứa tâm huyết của nhà vua Quang Trung cho thấy vua không lúc nào không nghĩ tới cuộc sống của nhân dân và lo toan cho quốc gia đại sự. Tâm lòng đó quả là rộng lớn và quý báu của một vị vua một lòng vì dân vì nước, dâng hiến cả cuộc đời cho dân tộc. Có một vị vua và lý tưởng cao đẹp như thế đất nước sẽ luôn được thái bình, dân chúng sẽ luôn được hưởng ấm no hạnh phúc.
Qua những lời lẽ thống thiết ta thấy được tình yêu nước, thương dân nồng nàn của một đức minh quân tài ba. Vua Quang Trung là một trong những vị vua đầu tiên luôn đề cao tính dân chủ trong việc tuyển dụng nhân tài giúp nước, cách nhìn xa trông rộng đó chứng tỏ nhà vua là người am hiểu quy luật phát triển của lịch sử, để thấy được tương lai sau này của đất nước. Vì trong sâu thẳm tấm lòng nhà vua luôn nung nấu mộ khát vọng làm sao cho dân ấm no, hạnh phúc, đất nước giàu mạnh. Đó cũng là mơ ước của nhà vua nhằm canh tân đất nước.
Ngô Thì Nhậm đã dùng những lập luận đầy đủ, thấu đáo và sắc sảo để chỉ ra cho người hiền tài thấy được trách nhiệm của họ với đất nước, đồng thời thể hiện được nhân cách và phẩm chất của vua Quang Trung. Vừa lên ngôi nhưng vua Quang Trung đã có một chính sách rất đúng đắn là trọng dụng nhân tài.
Bài “Chiếu cầu hiền” thể hiện cái tâm, cái tài của vua Quang Trung và cũng là cái tài, cái tâm của Ngô Thì Nhậm. Với tài năng của mình Ngô Thì Nhậm đã truyền tải hết được tấm lòng đối với dân với nước của vua Quang Trung, khiến cho muôn dân phải thán phục. Với tài năng và đứ độ của vị vua anh minh này dân tộc ta đã có một thời gian được ấm no, hạnh phúc, đó là thời kì thịnh vượng của nước nhà. Bản chiếu không chỉ là lời kêu gọi người hiền ra giúp đời mà nó còn giúp cho những nho sĩ chưa hiểu thời cuộc, còn ẩn dật, lánh đời hiểu hơn về vua Quang Trung, một vị minh quân. Chính là tư tưởng tiến bộ của Quang Trung và khả năng lập luận của Ngô Thì Nhậm đã làm nên giá trị nổi bật của tác phẩm.
Phân tích “Chiếu cầu hiền” của Ngô Thì Nhậm.
- Mở bài:
Ngô Thì Nhậm xuất thân gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, là con Ngô Thì Sĩ, người làng Tả Thanh Oai, ngày nay thuộc huyện Thanh Trì Hà Nội. Ông là người có đóng góp tích cực cho triều đại Tây Sơn trong chấn chỉnh vì đất nước sau khi đánh bại quân Thanh xâm lược. “Chiếu cầu hiền” của vua Quang Trung do Ngô Thì Nhậm viết thay vào khoảng năm 1788 – 1789 nhằm thuyết phục sĩ phu Bắc Hà ra cộng tác với triều đại Tây Sơn.
- Thân bài:
Bài “Chiếu cầu hiền” có bố cục rõ ràng, chặt chẽ. Phần đầu: (từ đầu … người hiền vậy): quy luật xử thế của người hiền. Phần hai: (trước đây… hay sao): cách ứng xử của sĩ phu Bắc Hà và nhu cầu của đất nước. Phần còn lại: đường lối cầu hiền của vua Quang Trung. Thừa lệnh Quang Trung nguyễn Huệ viết Chiếu cầu hiền, thế nhưng, bài chiếu tỏ rõ cái tài, cái chí của Ngô Thì Nhậm đối với việc thu phục nhân tài ra phục vụ cho đất nước.
Trước hết, Ngô thì Nhậm nêu ra quy luật xử thế của người hiền: “Từng nghe nói rằng: Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao. Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần, người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử. Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy”.
Bắt đầu bài chiếu tác giả mượn lời của Khổng Tử để nói lên mối quan hệ giữa người hiền và thiên tử: “Hiền tài cũng như sao sáng trên trời”. Lời lẽ đó khẳng định và trân trọng người có tài. Tiếp đến từ quy luật tự nhiên “sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc thần”, khẳng định người hiền phụng sự cho thiên tử là một cách xử thế đúng, là tất yếu, là hợp với ý trời.
Để tăng thêm sức thuyết phục với sĩ phu Bắc Hà, ông đã dẫn trong sách Luận ngữ của Khổng Tử: “Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dung, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy”.
Lấy lời cổ nhân để lập luận cái lẽ hiển nhiên: có tài tất được tin dùng, ngô thì nhậm đã đánh đúng tâm lí của các sĩ phu Bắc hà. Họ muốn ra phục vụ nhà Tây sơn sau khi triều đình Lê-Trịnh bị đánh bại nhưng lại ngại ngùng vì chưa rõ thực thời thế thế nào. Cách lập luận chặt chẽ, thuyết phục của bài chiếu khiến họ yên tâm và tin tưởng hơn ở sức mạnh nhà Tây Sơn.
Sau đó, ông nhận xét cách ứng xử của sĩ phu Bắc Hà và nhu cầu của đất nước: “Trước đây thời thế suy vi, Trung châu gặp nhiều biến cố, kẻ sĩ phải ở ẩn trong ngòi khe……. Huống nay trên dải đất văn hiến rộng lớn như thế này, há trong đó lại không có lấy một người tài danh nào ra phò giúp cho chính quyền buổi ban đầu của trẫm hay sao? “
Cách sử dụng điển cố, điển tích: “ở ẩn trong ngòi khe”, “trốn tránh việc đời”.v.v… khiến cho câu văn thêm phần trang kính. Tiếp đến lại tỏ lòng mong mỏi của Quang Trung Nguyễn Huệ muốn các quan đừng nghĩ chuyện cũ mà hết lòng ra phục vu đất nước bằng những lời lẽ hết sức thiết tha: Nay trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, ngày đêm mong mỏi, nhưng những người học rộng tài cao chưa thấy có ai tìm đến. Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng?
Bằng cách khiêm tốn nhận sự kém cỏi về mình: “hay trẫm ít đức không đáng kể phò tá chăng”, đặt ra vấn đề tài đức của người trị vì đất nước, bài chiếu đánh thẳng vào nhân tâm, đập mạnh vào nỗi hoài nghi của các quan triều cũ. “Ở ẩn trong ngòi khe” hay “trốn tránh việc đời”, cả hai cách đều không đúng với hiện thực bấy giờ. Vừa thể hiện được sự thành tâm, khiêm nhường, vừa thể hiện được sự đòi hỏi và chút thách thức của vua Quang Trung.
Để khơi gợi lòng yêu nước và tinh thần trrachs nhiệm trước vận mệnh đất nước, ông tiếp tục nêu rõ tính chất của thời đại mới và nhu cầu của đất nước: “Kia như, trời còn tăm tối, thì đấng quân tử phải trổ tài… há trong đó lại không có lấy một người tài danh nào ra phò giúp cho chính quyền buổi ban đầu của trẫm hay sao?”
Thẳng thắng thừa nhận những bất cập của triều đại mới, khéo léo nêu nhu cầu của đất nước. Biết bao khó khăn đang thách thức: “Kỉ cương nơi triều chính còn nhiều khiếm khuyết, công việc ngoài biên đương phải lo toan. Dân còn nhọc mệt chưa lại sức mà đức hoá của trẫm chưa kịp nhuần thấm khắp nơi. Trẫm nơm nớp lo lắng, ngày một ngày hai vạn việc nảy sinh”.
Dù tài trí hơn người, nhưng nhà vua vẫn luôn mong có người giúp sức: “Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn, mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình. Suy đi tính lại trong vòm trời này cứ cái ấp mười nhà ắt phải có người trung thành tín nghĩa”.
Cách nói vừa khiêm nhường, tha thiết vừa kiên quyết. Nhà vua tự tỏ bày về hoàn cảnh đất nước. Lời lẽ chân thành thốt ra tự đáy lòng mình.. Đất nước vừa được tạo lập, dân tình chưa yên, kẻ thù còn lăm le bờ cõi, trăm công nghìn việc cần được thu xếp càng sớm càng tốt. Rõ ràng đó là những lời tâm sự chân thành nhất, không phô trương quyền lực, không dọa nạt chém giết, vị vua ấy hiền từ coi trọng người hiền tài, lo cho vận mệnh của đất nước và quyền lợi của nhân dân
Cuối cùng, khép lại bài chiếu, ông trình bày đường lối cầu hiền của vua Quang Trung: “Chiếu này ban xuống, các bậc quan viên lớn nhỏ, cùng với thứ dân trăm họ, người nào có tài năng học thuật, mưu hay hơn đời, cho phép được dâng sớ tâu bày sự việc….. chưa được người đời biết đến, thì cũng cho phép dâng sớ tự tiến cử, chớ hiềm vì mưu lợi mà phải bán rao”.
Đối tượng cầu hiền là quan viên lớn nhỏ, thứ dân trăm họ không trừ một ai miễn một lòng vì đất nước mà không quản ngại gian lao.
Biện pháp, cách thức cầu hiền cho phép mọi người có tài năng thuộc mọi tầng lớp trong xã hội được dân sớ, tâu bày kế sách; cho phép các quan văn võ tiến cử người có nghề hay, nghiệp giỏi; cho phép người tài tự tiến cử. Hễ ai có tài và đem cái tài phục vụ đất nước thì không kẻ giai cấp, thứ bậc, đều được trọng dụng và gi công.
Đoạn kết là lời kêu gọi động viên, khích lệ cùng nhau gánh vác việc nước để hưởng phúc lâu dài: “nay trời trong sáng, đất thanh bình, chính là lúc người hiền gặp hội gió mây, những ai có tài có đức hãy cùng cố gắng lên, ghi tên tại triều đình, cùng nhau cung kính, cùng nhau hưởng phúc lành tôn vinh”. Tư tưởng dân chủ, tiến bộ, tầm nhìn xa trông rộng, chí công vô tư của bậc đại tài Quang Trung Nguyễn Huệ
Cách nói sung cổ, lối văn ngắn gọn, súc tích, tư duy sáng rõ, lập luận chặt chẽ,… bài chiếu vừa rắn rỏi thuyết phục vừa thiết tha cảm động lòng người. Chiếu cầu hiền quả thực xứng đáng là một trong bản hùng văn xuất sắc của thời đại.
- Kết bài:
“Chiếu cầu hiền” là một văn kiện quan trọng thể hiện chủ trương đúng đắn của nhà Tây Sơn nhằm động viên trí thức Bắc Hà tham gia xây dung đất nước. Bài chiếu được viết với nghệ thuật thuyết phục đặc sắc và thể hiện tình cảm của tác giả đối với sự nghiệp xây dựng đất nước.