phan-tich-bai-tho-bai-tho-khuc-hat-ru-nhung-em-be-lon-tren-lung-me-cua-nguyen-khoa-diem-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích bài thơ Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm

Phân tích bài thơ “Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm.

  • Mở bài:

Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ chiến sĩ trưởng thành trong chiến khu tây Thừa Thiên gian khổ và ác liệt thời chống Mĩ. Trong những ngày mưa bom bão đạn ấy, bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ đã ra đời. Bài thơ kể về người mẹ dân tộc Tà-ôi vừa địu con trên lưng vừa giã gạo để nuôi bộ đội; tỉa bắp trên nương góp phần sản xuất lương thực cho kháng chiến và mơ ước sau này sẽ được thấy Bác Hồ, ước mong con mình khôn lớn được sống trong đất nước tự do. Qua đó, tác giả ca ngợi tình yêu con thiết tha, đằm thắm và tình yêu nước sâu nặng của bà mẹ Tà-ôi.

  • Thân bài:

Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” như một giai điệu lời ru ngọt ngào và thắm sâu tình thương yêu con người của tác giả thể hiện trong quan niệm nghệ thuật về con người, cái nhìn nghệ thuật, không gian và thời gian nghệ thuật, giọng điệu và ngôn từ giàu tính sáng tạo.

Trước hết là quan niệm nghệ thuật về con người và cái nhìn nghệ thuật của tác giả. Bài thơ là một bức chân dung chân thực và xúc động, hiện thực và nên thơ về con người Việt Nam trong lao động, chiến đấu và giải phóng quê hương, đất nước. Từ hình ảnh cụ thể của người mẹ với những em bé lớn trên lưng mẹ của đồng bào dân tộc Tà-ôi vùng phía tây Thừa Thiên trong không gian lao động khi đất nước còn chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, tác giả khái quát lên thành chân dung những con người Việt Nam nói chung giàu lòng yêu thương, hăng say lao động phục vụ kháng chiến, giải phóng quê hương. Cái nhìn nghệ thuật tập trung vào hình ảnh người mẹ và những em bé lớn trên lưng mẹ. Về người mẹ, cái nhìn tập trung vào các điểm nhìn làm nổi bật những đặc tính và phẩm chất tiêu biểu:

Một là, hoàn cảnh lao động: Người mẹ làm việc khi địu con trên lưng với tất cả tình yêu thương. Ở đây có hình ảnh cụ thể xúc động, thương cảm vì vất vả, khó nhọc: Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi,/ Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối; nhưng liền kế là hình ảnh cao đẹp của lý tưởng, của ngày mai tươi đẹp: Mai sau con lớn vung chày lún sân…

Hai là, mục tiêu lao động là vì nghĩa lớn: Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội; vì con và vì dân làng: Mẹ đi tỉa bắp trên núi ka-lưi/; Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói; tham gia kháng chiến giải phóng quê hương: Mẹ đi chuyển lán, mẹ đi đạp rừng/… Mẹ địu em đi để giành trận cuối/… Mai sau con lớn làm người Tự do.

Như vậy, mục tiêu lao động có sự tương hợp của nhiều ý nghĩa và giá trị, bao hàm cả vì mưu sinh cá nhân, vì cộng đồng, vì bộ đội, vì giải phóng Tổ quốc. Cái nhìn về những em bé tập trung ở hai điểm nhìn về hiện tại và tương lai.
Về hiện tại, những em bé được nhìn trong hình ảnh lớn trên lưng mẹ với lời ru thấm đẫm yêu thương, gửi gắm, hy vọng của những người mẹ: Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi (điệp 3 lần đầu các đoạn thơ). Về tương lai, các em được thể hiện qua những hình ảnh đẹp đẽ, khỏe mạnh, hạnh phúc: Mai sau con lớn vung chày lún sân/; Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi/; Mai sau con lớn làm người Tự do.

Nhìn chung, quan niệm về con người đã thể hiện tư tưởng con người cá nhân gắn với cộng đồng, Tổ quốc; con người đời thường gắn với bổn phận và nghĩa vụ; con người vừa bình thường vừa cao cả. Đó cũng là tư tưởng và quan niệm mà Nguyễn Khoa Điềm thể hiện ở nhiều bài thơ khác, tiêu biểu như trong trường ca Mặt đường khát vọng: Đất nước của nhân dân. Do vậy, cái nhìn chuyển dịch theo lộ trình và xu hướng: Từ cụ thể đến khái quát, từ hoàn cảnh riêng đến không khí lịch sử chung; từ vất vả, khó nhọc, gian lao đến chiến thắng, tự do. Đặc biệt, sự kết hợp trong cái nhìn về những người mẹ và những em bé bao hàm một tư tưởng, một triết lý sâu sắc: Con người Việt Nam sống trong tình thương, lớn lên trong tình yêu thương… Điều đó là câu trả lời cho sức mạnh Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, ý chí và bản lĩnh Việt Nam thể hiện trong mọi chiến công trên cảmặt trận lao động sản xuất và chiến đấu giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Về kết cấu, bài thơ được liên hoàn bởi ba đoạn thơ điệp về cấu trúc ngữ pháp và thẩm mỹ. Mở đầu cả ba đoạn là lời thì thầm: Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,/ Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ. Tiếp đến là miêu tả công việc lao động của người mẹ (mỗi đoạn có nội dung cụ thể), và lời ru trực tiếp của người mẹ với những nội dung vừa điệp lại, vừa khác nhau trong xu hướng phát triển từ cụ thể đến khái quát, từ đời thường đến lý tưởng: Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội (đoạn 1);/ Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói (đoạn 2)/; Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước (đoạn 3). Và: Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần,/ Mai sau con lớn vung chày lún sân (đoạn 1);/ Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều,/ Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi… (đoạn 2);/ Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ,/ Mai sau con lớn làm người tự do (đoạn 3).

Kết cấu đó gắn liền với việc triển khai các bình diện của không gian nghệ thuật. Bài thơ vừa có không gian cụ thể của lao động như giã gạo, tỉa bắp; vừa có không gian chiến đấu với chuyển lán, đạp rừng, cầm súng, cầm chông, giành trận cuối nơi chiến trường… Đồng thời, vừa có không gian địa lý của nương rẫy, núi rừng Trường Sơn; vừa có không gian lịch sử với bộ đội, chiến đấu, chiến trường, thằng Mỹ. Đặc biệt, bao trùm lên tất cả và thấm đẫm trong tất cả là không gian tâm trạng, tâm cảm, mỹ cảm. Đó là không gian của tấm lòng, ý chí của người mẹ với tình yêu thương con; tình cảm, ý thức và trách nhiệm với cộng đồng làng bản, với bộ đội và với Bác Hồ, với Tổ quốc Việt Nam. Những em bé lớn trên lưng mẹ được đặt trong không gian tư tưởng và thẩm mỹ cao thượng, vị tha, thiêng liêng và mênh mông không giới hạn đó, đã lớn lên không chỉ về thể chất hình hài, mà đặc biệt là về tâm hồn, nhân cách, ý chí, tư tưởng và bản lĩnh Việt Nam.

Kết cấu đó được thể hiện bằng giọng điệu và ngôn từ thích ứng, phù hợp. Giọng điệu bài thơ là giọng thủ thỉ, tâm tình, nhắn gửi kết hợp với giọng lời ru chứa chan thương yêu, tin tưởng, hy vọng. Trong lời ru, nhịp được ngắt ở giữa câu thơ, tạo âm hưởng và hình ảnh về nhịp của một chu kỳ đưa nôi. Ngôn từ vừa mộc mạc, dân dã, vừa trang nhã, bóng bẩy; vừa cụ thể, trực cảm vừa ước lệ, tượng trưng. Đặc biệt, trong tính chỉnh thể nghệ thuật của bài thơ, ngôn từ tác giả và ngôn từ nhân vật được xây dựng gắn kết, hài hòa tạo nên sức hấp cho bài thơ.

  • Kết bài:

Tóm lại, từ cái nhìn nghệ thuật mới về hình ảnh những em bé lớn trên lưng mẹ, tác giả bài thơ đã xây dựng và triển khai xúc cảm và tư tưởng trong kết cấu điệp khúc có sự biến tấu của lời ru con thương yêu, chân tình, thiết tha. Từ đó, các bình diện khác như không gian, thời gian nghệ thuật, giọng điệu và ngôn từ đã tập trung triển khai tứ thơ, tạo nên cho bài thơ những giá trị hiện thực và nhân văn sâu sắc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang