Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận (dưới góc độ thi pháp)

phan-tich-bai-tho-doan-thuyen-danh-ca-cua-huy-can-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận (dưới góc độ thi pháp)

Thời gian – không gian nghệ thuật là một trong những phương diện thi pháp nổi bật của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá. Thời gian nghệ thuật trong bài thơ được tác giả chọn miêu tả trọn vẹn trong một đêm, từ khi mặt trời xuống biển cho đến khi mặt trời đội biển. Đó là khoảng thời gian trong thực tế đoàn thuyền ra khơi để đánh bắt cá, nhưng bằng cái nhìn nghệ thuật, lấy khoảng thời gian đó làm khung, tác giả tạo nên một không gian nghệ thuật không phải bằng màu tối của đêm đen, mà tràn đầy ánh sáng – ánh sáng của trăng sao, ánh sáng sắc màu của cá, và quan trọng nhất là ánh sáng trong không khí lao động trẻ trung, khỏe khoắn, trong tiếng hát ngân vang lồng lồng khắp không gian ngập tràn tâm trạng hứng khởi, say mê của những ngư dân đánh cá.

Mở đầu bài thơ là không gian giới hạn bắt đầu về đêm:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Không gian mặt trời xuống biển mở đầu bài thơ không theo lô-gich thông thường của thực tế mở ra màu đêm đen, mà bất ngờ sáng lên bởi tiếng hát, và chính bởi những luồng sáng do cá dệt biển tạo nên:

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

Ánh sáng trong không gian còn được dệt nên bởi nhiều sắc màu khác, tạo nên sự lung linh, sống động. Đó là sắc màu huyền diệu của trăng trên biển vừa làm phông chung, vừa hiển lộ sắc thái vàng chóe rất cụ thể và mới lạ được tạo nên bởi cái đuôi cá song quẫy nước làm tung ánh trăng lên, là ánh sáng đuốc đen hồng của cá song, là sắc màu tươi đẹp được tạo nên từ các chi tiết trên thân mình vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông của cá, là ánh sáng huy hoàng từ mắt cá muôn dặm phơi, và đặc biệt là sắc màu hồng tươi của một ngày mới từ mặt trời đội biển tạo nên.

Trong không gian nghệ thuật của Đoàn thuyền đánh cá, con người và thiên nhiên là những điểm nhìn chính có mối quan hệ hài hòa với nhau làm nên vẻ đẹp sinh động, tươi trẻ, chân thực nhưng cũng không kém phần lãng mạn, quyến rũ. Chân dung con người hiện lên trong khung cảnh lao động vừa cụ thể vừa ấn tượng qua những nét vẽ tài tình của tác giả bài thơ. Vẻ đẹp toát lên từ công cụ lao động, dáng nét con người, tâm hồn và tinh thần lao động: Con người ra khơi với Câu hát căng buồm cùng gió khơi; con người lao động với tư thế của chiến sỹ và nghệ sỹ khi “Lướt giữa mây cao với biển bằng”, “Dàn đan thế trận lưới vây giăng”…

Trong hình tượng thơ, con thuyền, cánh buồm, và công cụ đánh bắt cá được thể hiện tạo những sắc thái mỹ cảm rất ấn tượng: lái gió với buồm trăng; gõ thuyền đã có nhịp trăng cao; lưới xếp buồm lên đón nắng hồng; câu hát căng buồm với gió khơi,/ đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời… Những đối tượng được miêu tả một cách sống động đó là cách nói gián tiếp về hình ảnh con người; là một góc nhìn, điểm nhìn về con người. Đồng thời, con người ngư dân còn được thể hiện trong những điểm nhìn trực tiếp của nhà thơ: Trong tiếng hát (hát rằng, ta hát), trong hành vi lao động (kéo xoăn tay chùm cá nặng). Các điểm nhìn gián tiếp và trực tiếp tương hỗ với nhau làm nên vẻ đẹp vừa lãng mạn vừa hiện thực, trẻ trung và khỏe khoắn của người ngư dân.

Con người lao động hài hòa với thiên nhiên, nổi bật giữa thiên nhiên. Thiên nhiên vừa là cái khung, cái nền chung tôn tạo vẻ đẹp của con người, vừa hiển lộ những dáng nét cụ thể trong mối quan hệ hài hòa với con người. Từ cách nói mới về mặt trời xuống biển (do quan sát mặt trời ở vị trí từ ngoài bờ biển) tạo cảm giác thú vị; cách nhân hóa sóng đã cài then, đêm sập cửa, không gian nền của thiên nhiên được tạo dựng. Và trên cái nền ấy, con người xuất hiện trong tâm thế đầy nhiệt hứng: Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi. Thiên nhiên hòa điệu với con người: “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.

Người ngư dân trong đêm đánh bắt cá ngoài khơi xa thì hòa trong vẻ đẹp huyền diệu và lãng mạn của bụng biển, gió khơi, của trăng vàng, của sao; và khi họ trở về mang niềm vui ngập tràn với những thành quả lao động tốt đẹp thì lại rạng ngời trong màu mới tươi trẻ rực hồng của bình minh giữa khung cảnh Mặt trời đội biển nhô màu mới.

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá có sức hấp dẫn lớn một phần có lý do từ giọng điệu và ngôn từ. Bài thơ như một khúc ca vừa hùng tráng vừa lãng mạn được tạo nên từ nhịp thơ nhanh, không khí thẩm mỹ hồ hởi, hứng khởi, khẩn trương. Cái đẹp của bài thơ không chỉ là nhờ giọng điệu ngợi ca lao động từ chủ thể trữ tình, mà còn, và chủ yếu là được bật lên, tỏa sáng từ chính giọng điệu tâm hồn của những người lao động với tư cách là những đối tượng thẩm mỹ. Với những lời ca, tiếng hát; với cách nói đầy thân ái: Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi, cách nhìn và gọi tên cá thân mật cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe…, những người ngư phủ đã tự nghệ sỹ hóa bản thân và như thế, đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bài thơ.

Ngôn từ của bài thơ mang tính sáng tạo và có giá trị thẩm mỹ cao, nhiều cách nói mới, những kết hợp từ mới. Ngay từ câu mở đầu, tác giả đã có cách nói mới mặt trời xuống biển, thay vì cách nói quen thuộc mặt trời xuống núi, và tạo nên một so sánh giàu chất biểu cảm: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa”. Đến cuối bài thơ, mặt trời lại được nhắc đến trong một hình ảnh nhân hóa mới lạ “mặt trời đội biển nhô màu mới” rất sinh động. Bên cạnh đó, tác giả đã thổi hồn vào nhiều hiện tượng thiên nhiên khác khi nhân hóa những hiện tượng đó, kéo thiên nhiên về gần với con người trong sự gần gũi, thân mật, xóa đi khoảng cách giữa thiên nhiên và con người, mà những khoảng cách đó thường tạo cho con người cảm giác bé nhỏ, mong manh giữa biển khơi mênh mông, bất tận. Chẳng hạn, gió cùng hát với con người từ đầu cho đến cuối cuộc hải trình; đêm thì thở bằng việc sao lùa nước Hạ Long; nhịp trăng thì gõ thuyền giúp cho con
người lùa cá…

Tóm lại, từ cái nhìn nghệ thuật mới mẻ, sáng tạo về công việc đánh cá nơi biển khơi vốn quen thuộc với con người Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, Huy Cận đã tạo nên một thi phẩm xuất sắc, độc đáo và hấp dẫn. Con người và thiên nhiên không chỉ được thi vị hóa, nghệ thuật hóa mà còn được nhìn trong mối quan hệ gắn bó, mật thiết, tạo nên tính nhất thể của một thế giới sinh động. Không gian nghệ thuật, giọng điệu và ngôn từ nghệ thuật của bài thơ là các phương diện thể hiện tính thẩm mỹ và tư tưởng của bài thơ. Đó là bài ca hào hùng và lãng mạn, quyến rũ về đoàn thuyền đánh cá, về con người và thế giới tự nhiên.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.