Phân tích ý nghĩa của hai hình ảnh “mặt trời” xuất hiện ở đầu cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.

phan-tich-y-nghia-cua-hai-hinh-anh-mat-troi-xuat-hien-o-dau-cuoi-bai-tho-doan-thuyen-danh-ca-cua-huy-can

Phân tích ý nghĩa của hai hình ảnh “mặt trời” xuất hiện ở đầu cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.

  • Mở bài:

Bài thơ ra đời sau một chuyến đi thực tế ở Hòn Gai của tác giả. Khung cảnh lao động hăng say của những người đánh cá trên biển trong công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội đã tạo cảm xúc cho nhà thơ. Bài thơ với những biện pháp nghệ thuật đặc sắc, những sự liên tưởng ý nhị giàu hình ảnh, cảm xúc, nhà thơ đã tạo cho tác phẩm một sức sống mãnh liệt và một vẻ đẹp huy hoàng. Hình ảnh “mặt trời xuống biển” “mặt trời đội biển” ở khổ thơ đầu và khổ thơ cuối bài thơ để lại trong lòng người đọc ấn tượng sâu sắc. Đây là hai hình ảnh nghệ thuật đặc sắc góp phần làm nên thành công của bài thơ.

  • Mở bài:

“Mặt trời xuống biển”“Mặt trời đội biển” là hai không gian, thời gian gắn liền với hoạt động của đoàn thuyền đánh cá. Đoàn thuyền xuất phát khi biển vào đêm, lúc vũ trụ nghỉ ngơi là lúc con người hoạt động. Đoàn thuyền trở về khi một ngày mới xuất hiện trên biển, con người lao động thật hăng say, nâng lên tầm vóc vũ trụ.

Ngay từ hai câu thơ đầu nhà thơ đã khéo léo dùng những hình ảnh cụ thể sinh động “mặt trời” “biển” “sóng” kết hợp với biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa để tạo nên một khung cảnh thời gian đang biến chuyển về đêm:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa,
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Hình ảnh mặt trời rực rỡ như hòn lửa đang lặn dần trong mặt biển báo hiệu một ngày đã trôi qua và cũng như muốn nhường cho mặt biển ấy một hoạt động lúc vào đêm. Chỉ với biển, với sóng, tác giả tạo nên một sự nhân hóa vừa mang nét kì bí vừa như khép lại một thế giới này để rồi mở ra một thế giới khác cũng đẹp và huyền ảo của biển đêm.

Từ “xuống” rất chính xác, diễn tả cảnh mặt trời lặn, nhưng là xuống biển, tức là đoàn thuyền xuất phát từ đảo xa bờ, không có bóng dáng đất liền, chỉ có bốn bề là biển mênh mông.

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

“cài then” “sập cửa”, những hành động nghỉ ngơi lại được thực hiện bởi “sóng” “đêm” bởi đó chính là điều kiện mà con người nơi đây đã sống: gần biển, trên biển. Song song với sự nghĩ ngơi đó, khi mà màn đêm buông xuống, nơi nơi chìm vào sự yên nghỉ thì biển lại đón nhận những hoạt động mới, của những con người luôn hăng say với công việc.

       Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

                                     Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Tác giả đã khéo lồng vào chữ “đã” (cài then) của câu thơ trên với chữ “lại” ra khơi ở câu dưới một sự so sánh về ý nghĩ thật kín đáo: vũ trụ đã nghỉ ngơi hoàn toàn nhưng cũng vào thời điểm ấy “đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi”. Những người đánh cá trên đoàn thuyền ấy đã cho thời điểm thích hợp với công việc mặc cho nó ngược lại với quy luật vũ trụ, bởi họ là nhửng người lao động, sống để lao động và mang theo quyết tâm chinh phục thiên nhiên cùng với công việc của mình: công việc đánh cá trên biển. Vì thế chuyến đi của họ tràn đầy lời ca tiếng hát, nhiệt huyết hăng say lao động.

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Vì khí thế của những người ra đi hăng say như thế nên tác giả đã dùng một hình ảnh thật đẹp và nên thơ, lời ca tiếng hát hào hùng đã cùng với gió khơi làm căng buồm kéo nhanh con thuyền đi ra khơi hoạt động. Khi ra đi, những người đánh cá đã mang quyết tâm đó, họ đã hát lên bài ca lao động hào hùng. Họ, những con người hiên ngang, ra đi giữa biển, phục vụ đời sống con người.

Đến khổ thơ cuối, hình ảnh con thuyền trở về được Huy Cận khắc họa rõ nét với sắc màu rực rỡ:

“Đoàn thuyền chạy đua với mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”

Hình ảnh mặt trời lặp lại nhưng vào hai thời điểm khác nhau. Ở đoạn đầu của bài thơ, tác giả nhắc đến mặt trời trong buổi hoàng hôn. Thế nhưng trong khổ thơ này, mặt trời lại đại diện cho buổi bình minh, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Hình ảnh con thuyền nhỏ bé được so sánh với mặt trời của thiên nhiên. Dường như đoàn thuyền đang cố gắng chạy đua với mặt trời để khi những tia nắng đầu tiên chiếu xuống mặt đất thì thuyền cũng về tới đất liền. Hay nói cách khác hình ảnh đoàn thuyền trở về với một tư thế khỏe khoắn, hiên ngang vì người dân đã làm chủ được thiên nhiên, làm chủ thành quả lao động.

Từ “đội” ở phần kết cũng rất chính xác vì diễn tả cảnh bình minh trên biển, mặt trời như được mọc lên từ biển, xuyên qua biển, tạo nên bình minh rực rỡ. Hai hình ảnh này có ý nghĩa diễn tả đoàn thuyền lênh đênh trên biển, như thách thức biển khơi.

Trong cuộc chạy đua với mặt trời, con người đã giành chiến thắng. “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” là ý thơ giúp ta cảm nhận được muôn vàn mắt cá sáng lên lấp lánh trong buổi bình minh. Không chỉ vậy qua đó, nhà thơ còn muốn gửi gắm một niềm tin, niềm tự hào về quê hương đất nước đang trên con đường thay đổi.

Bằng biện pháp khoa trương và hình ảnh nhân hóc, nhà thơ đã làm nổi bậc cuộc chạy đua giữa con người và vũ trụ trong cuộc vận hành vô tận, con người đã mang tầm vóc lớn lao của thiên nhiên vũ trụ trong cuộc chạy đua này và con người đã chiến thắng. Có thể nói Huy Cận đã lấy tình yêu của mình đối với cuộc sống mới của nhân dân khám phá ra vẻ đẹp hùng vĩ. Thay vào không gian vũ trụ buồn hiu hắt của thơ ông trước cách mạng tháng Tám.

  • Kết bài:

Đoàn thuyền đánh cá là một bức tranh thơ lung linh những sắc màu lộng lẫy, vừa có vẻ đẹp của cuộc sống con người, vừa có vẻ đẹp của thiên nhiên kì vĩ, lớn lao. Bằng việc sử dụng các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, nhà thơ Huy Cận đã diễn tả thật cụ thể hình ảnh mặt trời cùng đoàn thuyền ra khơi và trở về qua đó khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa thiên nhiên và con người. Bài thơ đem đến một cảm hứng lạc quan, khắc tạc tư thế chiến thắng của con người. Họ lao mình vào biển và đêm trở về trong ánh hào quang. Họ là những con người làm chủ thiên nhiên, làm nên những kì tích.

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.